Chung tay làm “bếp yêu thương” để gửi gần 1000 suất ăn mỗi tuần tới các y bác sỹ
Chương trình “Bếp yêu thương” là một trong hai hoạt động lớn của các chị em trong nhóm “Cuộc sống tươi đẹp”, nhằm hỗ trợ cung cấp bữa ăn đồng thời gửi gắm tình cảm, lòng tri ân đến các y, bác sỹ và nhân viên y tế tại các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội.
Phải có hành động chống dịch, chứ không thể ngồi chờ được
Chia sẻ về nguyên do triển khai chương trình này, chị Nguyễn Thị Hồng Anh (30 tuổi, quận Cầu Giấy, Hà Nội), người lên ý tưởng cho biết, xuất phát từ cảm nhận thực tế của bản thân khi có người nhà điều trị tại bệnh viện trong khoảng thời gian dịch Covid-19 bùng phát trở lại, nên chị cũng hiểu được phần nào những khó khăn, vất vả của những nhân viên y tế tại đây.
“Hôm có thông báo Bệnh viện Bạch Mai sẽ bị phong tỏa, do bố tôi ốm nặng nên tôi và các anh chị em có xin chuyển bố về nhà, cũng vì lo rằng tình hình của bố như vậy nên nếu bệnh viện bị phong tỏa thì không ra được. Lúc chúng tôi thu xếp đồ đạc để về, mấy chị tạp vụ có tâm sự rằng, “Mọi người còn có thể về nhà được, chứ chúng em 3-4 hôm rồi không được về nhà, không được gặp các con, ăn uống cũng vất vả, nguy cơ nhiễm bệnh thì không biết lúc nào”. Từ chia sẻ đó, tôi thấy rất xót xa. Và ngay sau đó đã quyết định chia sẻ với mấy người bạn thân về ý định vận động đồ phòng hộ để gửi cho các nhân viên ở đây”, chị Hồng Anh tâm sự.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh (người thứ 2 từ phải sang), đại diện nhóm Cuộc sống tươi đẹp
Tuy nhiên, đến khi trao đổi với bác sỹ Huyền ở Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai thì chị Hồng Anh được biết, so với đồ phòng hộ thì bữa ăn cho các y, bác sỹ còn cần thiết hơn, vì các y, bác sỹ ở đây ăn uống rất kham khổ. Nhưng do việc vận chuyển suất ăn vào bệnh viện này gặp khó khăn, cho nên sau khi tìm hiểu về tình hình ăn uống của các y, bác sỹ tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 2, chị Hồng Anh nhận thấy việc ăn uống của các nhân viên y tế ở đây cũng không khác gì nhiều so với ở Bạch Mai, số lượng suất ăn trong bệnh viện không đủ cung cấp cho 370 nhân viên y tế ở đây.
Từ thực tế đó, chị Hồng Anh có trao đổi với một người bạn rất thân hiện đang là chủ chuỗi nhà hàng Thai Pattaya, “Nguyệt ơi, bây giờ chị đang đau đáu làm sao làm được việc gì đó thiết thực chung tay vào cùng các y, bác sỹ. Trong tình hình dịch như thế này mà ai cũng chờ đợi Nhà nước và các tổ chức phải làm thì đến bao giờ mọi việc mới đỡ được. Nếu mình muốn mọi việc sớm kết thúc thì bây giờ mình phải hành động, chứ không thể ngồi chờ mãi được”, chị Hồng Anh nói.
“Nếu mình muốn mọi việc sớm kết thúc thì bây giờ mình phải hành động, chứ không thể ngồi chờ mãi được”.
Chị Nguyễn Thị Hồng Anh, đại diện nhóm Cuộc sống tươi đẹp
Nghe vậy, chị Trần Thị Nguyệt (39 tuổi, trú tại quận Đống Đa) lúc đó đang ở Ninh Bình nói: “Em đang ở Ninh Bình, bếp thì nghỉ hết rồi nhưng nếu các chị quyết làm thì em sẽ trở lại Hà Nội ngay”.
Thống nhất xong, chị Hồng Anh mới chia sẻ thêm với chị Phạm Thị Liễu (55 tuổi, trú tại quận Nam Từ Liêm) và chị Phạm Tố Uyên (30 tuổi, huyện Thường Tín, Hà Nội) và được hưởng ứng ngay. Ban đầu, nhóm xác định với năng lực hiện tại thì có thể nấu được khoảng 100 suất ăn. Tuy nhiên, sau khi trao đổi thì biết nhu cầu của các bác sỹ ở đây cần tới khoảng 400 suất ăn/bữa, trong khi những bữa ăn trước đây bệnh viện phải gộp rất nhiều nhóm thiện nguyện khác nhau thì mới đủ cung cấp cho nhân viên y tế, thành ra chất lượng các suất ăn trong bữa không đồng đều, vả lại cũng có hôm có người ủng hộ, hôm không, nên các bữa ăn không ổn định. Sau khi cân nhắc nhóm quyết định sẽ nhận hỗ trợ 400 suất ăn trưa vào ngày thứ Bảy và chủ Nhật hàng tuần.
Video đang HOT
Với số lượng suất ăn tương đối lớn, trong khi nguồn nhân lực còn hạn chế, chị Hồng Anh cũng rất lo lắng. Rất may, những người trong nhóm hầu hết có kinh nghiệm làm nhà hàn nên có thể vận động hoặc mua nguồn lương thực thực phẩm từ những nông trại đảm bảo chất lượng. Ban đầu chưa huy động được mỗi người đều tự nguyện dốc tiền túi của mình ra để làm.
Nhưng, sắp tới ngày nổi lửa, nhóm vẫn chưa mua đủ nguyên liệu để chế biến, chị Nguyệt quyết định rất nhanh: “Nếu chưa xin được, chưa vận động được nhiều thì hàng trong kho nhà em cứ mang ra làm trước đã. Thôi, đã quyết là làm, không cần lo lắng gì cả”.
“Tinh thần của đồng bào mình rất là tuyệt vời!”
Do nấu số lượng suất ăn nhiều, nhu cầu bếp ăn công nghiệp để nấu nhanh và đảm bảo chất lượng là rất cần thiết. Sau khi được chị Hồng Anh ngỏ lời, một người bạn tên Ý có kinh doanh bếp ăn công nghiệp có nguyện ý cho nhóm mượn 2 bếp ăn công nghiệp để phục vụ việc nấu cơm cho các y, bác sỹ trong bệnh viện.
Tiếp đó, do mối làm ăn rộng, anh Ý có giúp nhóm liên hệ với một cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ cách bệnh viện chừng 300m, là Nhà hàng Đức Đạt (Nhà D6, Chung cư 5 tầng, xã Kim Chung, huyện Đông Anh) do anh Nguyễn Anh Tuấn làm chủ và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình.
Bên cạnh đó, sau khi trao đổi với Công an xã Kim Chung về việc nhóm có kết hợp với nhà hàng của anh Tuấn để cung cấp các suất ăn miễn phí cho bệnh viện và nhận được sự giúp đỡ của các chiến sỹ công an trong việc vận chuyển, nhóm mới chính thức bắt tay vào làm.
Nhóm đến làm việc Công an xã Kim Chung (huyện Đông Anh, Hà Nội) báo về việc mở bếp làm suất ăn cung cấp cho các y, bác sỹ trong bệnh viện
Vậy là tuần đầu đã ra mắt, mỗi suất ăn có chi phí khoảng 35.000 đồng (tất cả thực phẩm, nguyên vật liệu đều được cung cấp với giá xuất kho), với thực đơn ngày 1 gồm: Cơm trắng, thịt bò sốt lá húng, trứng gà ốp lết, củ quả luộc, canh thịt bằm rau cải, sữa chua tráng miệng; thực đơn ngày 2 gồm: Cơm trắng, thịt gà rang gừng lá chanh, chả cá, trứng cút sốt cà chua, rau bắp cải luộc, canh xương nấu bí, hoa quả tráng miệng…
Để đảm bảo các suất ăn ngon miệng, đến đúng giờ, ngay từ chiều hôm trước nhóm đã tập kết các nguyên vật liệu sẵn sàng tại địa điểm, sáng hôm sau từ 5h30-6h các thành viên trong nhóm đã bắt tay vào làm. Quá trình chế biến mọi người đều đeo khẩu trang và đeo găng tay để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
“Bạn biết không, có những người nhận đăng ký cho tớ gửi mấy chai nước cốt chanh leo để làm đồ tráng miệng, thế rồi họ đi mua chanh leo về làm rồi mang đến nhóm. Đấy, chúng tôi cứ làm theo kiểu góp như thế, nhưng mà vô cùng hạnh phúc, tình nguyện viên đến chào nhau mà không nhìn được mặt vì mọi người đều bịt khẩu trang, không biết mặt, không có số điện thoại, không có nick facebook, không có gì cả, và cứ thể lao vào làm. Làm xong, giao cơm xong thì ai về nhà nấy, còn không kịp gặp chào nhau luôn. Thế nên, qua việc này tôi mới thấy tinh thần của đồng bào mình rất là tuyệt vời và cảm thấy tự tin vì cuộc sống này vẫn còn tươi đẹp lắm.”, chị Hồng Anh chia sẻ.
Các thành viên trong nhóm Cuộc sống tươi đẹp chế biến nguyên liệu, chuẩn bị suất ăn
Là một trong những người tham gia tích cực ủng hộ chương trình này, anh Nguyễn Anh Tuấn, chủ Nhà hàng Đức Đạt cho biết, “Tôi nhận thấy thật ý nghĩa khi cuộc sống là san sẻ, hơn nữa do cũng là người trong ngành nghề dịch vụ nhà hàng ăn uống, trong thời gian này tuy cửa hàng đóng cửa nhưng tôi vẫn cho nhân viên vẫn ăn ở tại quán và có trả lương cho họ. Cho nên khi được bên chị Hồng Anh trao đổi, nhận thấy bản thân cũng có thuận lợi về cơ sở vật chất và nhân lực nên tôi quyết định hỗ trợ các chị em làm công việc hết sức ý nghĩa này”.
Trong quá trình làm việc, tình nguyện viên tham gia nhóm chị Hồng Anh không may để đồ ăn nóng làm vỡ mất 2 mặt kính bàn của vợ chồng anh Tuấn. Thấy người này có vẻ mặt áy náy ngại ngùng, vợ anh Tuấn có tiến lại gần cười nhẹ và an ủi, “Không sao đâu em à, đằng nào anh chị cũng sẽ phải thay”.
Còn về phía những chiến sỹ công an, khi chở suất ăn đi, có chiến sỹ cũng nguyện ý chia sẻ rằng, “Nếu cần người hỗ trợ nấu cơm để em ra em nấu, chị nhé!”, chị Hồng Anh hồi tưởng lại.
Chia sẻ về cảm nhận của bản thân khi nhận và thưởng thức những suất ăn ấm áp ân tình này, chị Phạm Thị Bích Thuận (trú tại quận Bắc Từ Liêm), nữ điều dưỡng công tác tại Phòng Vắc xin cho biết, chị công tác tại đây đã được 23 ngày rồi, những ngày đầu ở đây rất nhớ nhà và con cái nhưng rồi mọi người cũng an ủi động viên nhau thực hiện tốt công việc, việc ăn uống ở trong bệnh viện cũng không được chu toàn.
“Nên khi nhận được suất ăn của anh chị em nhóm Cuộc sống tươi đẹp, tôi và các anh chị em chia sẻ với nhau bữa cơm hôm nay ngon thật, và thật xúc động biết bao khi nhận được trong hoàn cảnh này”, chị Thuận xúc động nói.
Được biết, để công tác khám, chữa bệnh được kịp thời, đặc biệt là đối với những ca bệnh dương tính với dịch SARS-CoV-2, hiện tại ở Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đang có 370 cán bộ, nhân viên y tế thường xuyên làm việc ở đây, không được về nhà, không di chuyển ra ngoài cổng để tránh việc lây nhiễm chéo.
Trao đổi về tình hình này, bà Phạm Thị Nguyệt Quyên, Trưởng phòng Công tác Xã hội cho biết, “Do số bệnh nhân và số người phải cách ly tăng đột ngột nên bếp ăn của bệnh viện không thể đáp ứng về số lượng cũng như đảm bảo chất lượng các bữa ăn cho các y, bác sỹ nên phòng CTXH đã kêu goi sự giúp đỡ.
Việc ủng hộ suất cơm của các đơn vị bên ngoài đối với bệnh viện là rất cần thiết, không chỉ giúp đơn vị giảm tải gánh nặng về vấn đề lo việc ăn uống cho anh em, mà còn giúp cho suất ăn của anh em ở đây đa dạng và ngon miệng hơn, để họ đảm bảo có sức khỏe và làm việc có hiệu quả hơn”.
Những cá nhân, đơn vị, tổ chức muốn thông qua nhóm Cuộc sống tươi đẹp để ủng hộ tới các y, bác sỹ có thể liên hệ theo số hotline (033.269.8888), hoặc số điện thoại di động của chị Phạm Tố Uyên (0915.222.396).
Bên cạnh đó, mọi người có thể trực tiếp đến kho thực phẩm của nhóm ở số 94 Hoàng Ngân (phường Trung Hòa, quận Thanh Xuân, Hà Nội) và kho phòng hộ ở số 73 Thanh Nhàn (phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).
Được biết, trước đó, triển khai chương trình Phòng hộ yêu thương, nhóm Cuộc sống tươi đẹp đã quyên góp, ủng hộ cho các bệnh viện trên địa bàn Hà Nội: 200 lít nước súc họng, 1.000 chiếc nón kính bảo hộ, 6kg bột thanh tẩy không khí.
Bác 'bệnh nhân 17' ba lần ngừng tuần hoàn
Sức khỏe bệnh nhân 64 tuổi trở nặng, ba lần ngừng tuần hoàn, buộc các chuyên gia phải xem xét chỉ định can thiệp ECMO trở lại.
Bác ruột "bệnh nhân 17" mắc Covid-91 đang điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh trở nặng, ba lần ngừng tuần hoàn.
Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 cho biết nữ bệnh nhân 64 tuổi đang trở nặng. Trong đó, đêm 7/4, bệnh nhân trải qua ba lần ngừng tuần hoàn.
Theo bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, sức khỏe bệnh nhân có một chút tiến triển nhưng hiện vẫn phải duy trì thở máy.
Hôm 4/4, "bệnh nhân 19" trên đã được ngưng dùng ECMO (tim phổi nhân tạo) sau hơn hai tuần điều trị tích cực, nhưng bác sĩ Phạm Ngọc Thạch cho hay nhiều khả năng phải quay trở lại can thiệp ECMO.
Nữ bệnh nhân có bệnh lý nền là rối loạn tiền đình, bắt đầu trở nặng từ 15/3, được chuyển sang Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và chỉ định thở máy. Đến 19/3, tình hình tiếp tục xấu đi, bệnh nhân được chỉ định sử dụng ECMO.
Những ngày qua, Khoa hồi sức tích cực Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương và tổ chuyên gia 30 người do Bộ Y tế thành lập đã theo dõi từng phút bệnh trạng của "bệnh nhân 19".
Ngoài phác đồ điều trị của Bộ Y tế, các bác sĩ cũng nghiên cứu, học hỏi thêm những phác đồ mới của các quốc gia khác vận dụng vào điều trị cho các bệnh nhân từ Pháp, Nhật Bản, Cuba...
Ngoài "bệnh nhân 19", "bệnh nhân 91" là phi công người Anh, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM, cũng đang phải liên tục sử dụng ECMO.
Trong 24h qua, Việt Nam không có ca bệnh mắc mới, số ca nhiễm nCoV hiện tại là 251 trường hợp. Sáng 9/4, thêm hai bệnh nhân nữa hồi phục tại Bệnh viện Cần Giờ, TP HCM, nâng số người được chữa khỏi là 128.
Phạm Chiểu
Hội Nhà báo đề nghị Chính phủ hỗ trợ báo chí trong dịch Covid-19 Hội Nhà báo Việt Nam vừa có công văn đề nghị Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ cơ quan báo chí và người làm báo bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nội dung công văn cho biết, ngày 4/3/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản...