“Chúng ta phải giã từ lời xin lỗi đi, mà hãy nhận lỗi và sửa chữa là chính”
Nhà sử học – đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng, hành động xin lỗi người dân của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát là ứng xử đẹp, đáng khuyến khích nhưng người dân sẽ chờ đợi những thông điệp chính xác về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay như thế nào.
Nhà sử học Dương Trung Quốc (Ảnh: Thế Kha)
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội chiều 4/4, nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá những lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát là minh bạch và sẽ được người dân chia sẻ, cảm thông. Tuy nhiên minh bạch phải dựa trên cơ sở khoa học chứ không thể cảm tính. Chính vì thế, Bộ trưởng Cao Đức Phát phải đưa ra thông điệp chính xác nhất về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang ở mức độ như thế nào.
Nhìn rộng hơn về trách nhiệm của các tư lệnh ngành khi làm sai, điều hành lĩnh vực gây ra bức xúc trong dư luận nhân dân, nhà sử học Dương Trung Quốc khẳng định: “Làm sai mà xin lỗi là cách ứng xử đáng khuyến khích. Nhưng đáng khuyến khích hơn như tôi đã phát biểu cách đây 3 năm là chúng ta phải giã từ lời xin lỗi đi, mà hãy nhận lỗi và sửa chữa là chính. Điều đó mới đáng làm. Như nhiều đại biểu Quốc hội vừa rồi đã phát biểu, chúng ta thiếu trách nhiệm cá nhân, nếu có trách nhiệm cá nhân thì chúng ta xử lý được ngay thôi. Và đằng sau trách nhiệm cá nhân chính là lòng tự trọng của các vị đó. Rồi còn cả câu chuyện “ văn hóa từ chức” nữa, tự đánh giá, tự xử mình là quan trọng nhất”.
Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đánh giá, mặt bằng chung của chúng ta hiện nay không có trách nhiệm cá nhân, “cái gì cũng trách nhiệm tập thể”.
“Tư lệnh ngành là khái niệm tôi cho là không chính xác, mà phải phối hợp với nhau trong bộ máy. Có một cái tưởng là kỹ thuật thôi, nhưng tôi đã nói rồi, ở Quốc hội không nên chất vấn từng Bộ trưởng, nếu có chất vấn thì chỉ chất vấn ở những phiên họp của các Ủy ban của Quốc hội về những vấn đề cụ thể thôi. Còn chất vấn ở Quốc hội phải là Thủ tướng hoặc các Phó Thủ tướng và đứng đằng sau là các Bộ trưởng liên quan. Cũng như câu chuyện thực phẩm vừa rồi, có phải chuyện riêng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đâu, nó còn liên quan đến trách nhiệm của Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Y tế kia mà. Đó là chưa tính tới bộ máy chính quyền địa phương – nơi thực thi pháp luật”- ông Quốc phân tích.
Ông Quốc ủng hộ quan điểm được đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đưa ra tại hội trường Quốc hội mới đây, khi cho rằng nếu nhiệm kỳ qua Thủ tướng mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế Bộ trưởng, Chủ tịch, Phó chủ tịch UBND các tỉnh sai phạm hoặc không hoàn thành nhiệm vụ thì tình hình có thể sẽ khác.
“Đây là chân lý rõ ràng, chẳng có gì phải bàn thêm cả, nhưng cơ chế của mình vẫn là xin – cho, chia sẻ quyền lợi nhiều hơn là vì sự phát triển”- ông Quốc đánh giá.
Video đang HOT
Như Dân trí đã phản ánh, giải trình trước Quốc hội ngày 1/4, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, trong 5 tháng qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã lấy gần 6.000 mẫu phân tích và kết quả cho thấy số mẫu có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép là 5,17%, số mẫu thịt có dư lượng thuốc kháng sinh, chất cấm vượt mức cho phép là 1,92%. “Như vậy là đa số thực phẩm của chúng ta là an toàn nhưng nhân dân không biết nên có cảm giác là tất cả không an toàn”- ông Phát nói.
Ngay lập tức phát biểu này gặp phải phản ứng dữ dội trong dư luận. Tới ngày , Bộ trưởng Cao Đức Phát đã chính thức gửi lời xin lỗi tới người dân: “Tôi cảm thấy rất băn khoăn và ăn năn là tại diễn đàn Quốc hội mình đã không diễn đạt rõ ràng để người dân hiểu rõ ý nghĩ của mình”.
Người đứng đầu ngành nông nghiệp phân trần: “Trong lời phát biểu của mình thì thời điểm đó tôi muốn nói một ý rằng chúng ta đúng là có thực phẩm vi phạm, cũng có nhiều thực ph ẩm thực sự an toàn nhưng nhân dân không có thông tin hay không có khả năng phân biệt giữa thực phẩm an toàn hay không an toàn”,
Cùng với việc nỗ lực ngăn chặn việc sản xuất thực phẩm kém an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng nhân dân xây dựng các cơ sở sản xuất thực phẩm an toàn có uy tín để thông tin cho nhân dân biết.
“Gia đình chúng tôi cũng ăn cơm bệnh viện, ăn uống, đi chợ như một người dân bình thường. Gia đình tôi cũng có người bị ung thư nên tôi rất thấm thía nỗi lo của người dân, chia sẻ nỗi đau người thân bị ung thư. Cá nhân tôi luôn luôn mong muốn đóng góp để chấn chỉnh tình hình. Như tôi đã nói tại Quốc hội, chúng tôi cam kết, còn làm việc 1 ngày, tôi luôn coi đây là mục tiêu số 1″- ông Phát nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Có lời xin lỗi nhẹ tựa lông hồng, có lời nặng tựa ngàn cân...
Hôm qua (3/4), trên mạng xã hội Facebook Việt Nam có không ít lời bàn luận, thán phục về hình ảnh Giám đốc Công ty sản xuất kem Akagi của Nhật Bản cùng gần 100 nhân viên cúi gập người để xin lỗi người tiêu dùng vì buộc phải tăng giá kem thêm 10 yên Nhật trong một video clip được đăng tải trên clip.
Giám đốc Công ty Akagi Nhật Bản cùng các nhân viên xin lỗi người tiêu dùng vì đã tăng giá kem thêm 2.000 đồng tiền Việt sau khi giữ giá trong suốt... 25 năm. (Ảnh cắt từ clip)
Lời giải thích được đưa ra là công ty không hề muốn nhưng buộc lòng phải tăng giá món kem Garigari Kun rất được ưa chuộng tại đất nước mặt trời mọc từ 60 Yên (Nhật) lên 70 Yên nếu không muốn đối mặt với nguy cơ phá sản bởi nền kinh tế khó khăn. Cũng có nhiều người đánh giá việc này giống như một cách thức truyền thông, nhưng hầu hết người xem đều đánh giá việc làm này là khôn ngoan và mẫu mực.
Và cũng như khi nghe, xem nhiều việc hay khác ở các nước, người dân Việt Nam sẽ luôn nhìn lại những tình huống tương tự ở trong nước. Và thực sự là những cảm giác thất vọng.
Bởi lẽ, ở Việt Nam, có quá nhiều câu chuyện cần phải có một lời xin lỗi nhưng lời xin lỗi từ các bộ, ngành, hay một doanh nghiệp... khi có những việc gây thiệt hại cho người tiêu dùng, dường như quá nặng nề nên hiếm khi được đưa ra.
Gần nhất là việc xử lý sai trong các chính sách thuế xăng dầu, theo các Hiệp định Thương mại tự do với ASEAN với Hàn Quốc mà Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thừa nhận: "Chúng tôi đã nhận là sai, sai thì sửa chứ không đổ trách nhiệm". Điều ông nói là tích cực, nhưng cho đến thời điểm này, người tiêu dùng cũng chưa nhận được một lời xin lỗi công khai của Bộ Tài chính.
Trước đó nữa, Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho rằng, biểu giá điện hiện hành là bất hợp lý và đã yêu cầu Cục Điều tiết điện lực thuộc Bộ này phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam nghiên cứu, điều chỉnh lại biểu giá điện để cuối năm 2015 trình lãnh đạo Bộ này và trình Chính phủ để thay đổi. Tuy nhiên, đã đến đầu tháng 4/2016, kế hoạch này vẫn đứng im tại chỗ.
Sự bất hợp lý của biểu giá điện chưa được khắc phục thì hiển nhiên, nó sẽ lại gây bất lợi cho người tiêu dùng, nhất là ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam, khi mùa hè đang đến rất gần. Nếu biểu giá điện bất hợp lý, sao không có một lời xin lỗi? Hay sợ rằng xin lỗi thì phải nhận trách nhiệm và phải sửa chữa khuyết điểm? Nếu nhận lỗi mà không làm được điều ấy, có thể, người ta lo rằng, "lỗi" càng nặng hơn?
Đáng chú ý, hôm qua (3/4) trong buổi làm việc với báo Lao Động, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi tới người dân vì việc diễn đạt không chuẩn xác về thực phẩm an toàn trên diễn đàn Quốc hội, khiến người dân và bạn đọc hiểu lầm và bức xúc. Trước đó, ông Phát đã nói rằng: "Đa số thực phẩm ở Việt Nam là an toàn nhưng người dân không biết".
Bộ trưởng Cao Đức Phát gửi lời xin lỗi nhân dân và cam kết cơ bản không còn kháng sinh trong thức ăn chăn nuôi thực phẩm, không còn buôn lậu thức bảo vệ thực phẩm qua biên giới.... (Ảnh: Quochoi.vn)
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, gia đình ông cũng có người bị ung thư bị mất nên ông cũng rất thấm thía nỗi lo của người dân có liên quan tới giống nòi. Ông cho biết sẽ lựa chọn một số công việc trọng tâm để khắc phục một số vấn đề về mất an toàn thực phẩm như ngăn chặn triệt để tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, buôn lậu thực phẩm qua biên giới...
Có người sẽ nói: Lời xin lỗi đưa ra là kịp thời. Có người bình: Lời xin lỗi hơi muộn, chưa thực tâm... Nhưng bình tĩnh mà xét, không chỉ xin lỗi, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đã có những cam kết, lộ trình cụ thể để khắc phục những vấn đề gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà người dân bức xúc.
Không phải Bộ trưởng nào, lãnh đạo ngành nào, doanh nghiệp nào ở ta đã làm trọn vẹn được điều đó. Ở một số khoá, nhiều kỳ Quốc hội vừa qua cũng có không ít lời xin lỗi, lời cam kết nhưng cũng có không ít lời xin lỗi xong thì... để đó.
Cho nên, hầu hết những câu chuyện như quá tải bệnh viện, cử nhân ra trường thất nghiệp nhiều, ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, điều hành giá cả loạn nhịp... bao nhiêu năm qua, cơ bản vẫn thế và có nhiều vấn nạn còn tệ hơn trước. Cho nên, lời xin lỗi là cần thiết nhưng làm gì sau xin lỗi lại là cả vấn đề.
Lời xin lỗi của Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng rất hay, nghe thấy vẻ chân thành, nhưng hãy đợi một thời gian, liệu Bộ trưởng có dành thời gian để thực hiện điều mình đã hứa?
Mạnh Quân
Theo Dantri
Dân hoang mang vì 1.663 mẫu rau, quả, thịt, cá chứa... chất cấm Bộ NNPTNT đã công bố con số đáng báo động về chất cấm trong thực phẩm hiện nay, khi chỉ trong một thời gian ngắn, cơ quan chức năng đã phát hiện được tới 1.663 mẫu rau, quả, thịt, cá có chứa chất cấm. Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp trực tuyến về đợt cao điểm hành động vệ sinh...