Chung sức xây dựng nông thôn mới ở vùng biên giới biển Trà Vinh
Về thăm những khóm, ấp ven biển Trà Vinh hôm nay mới thấy nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn sau tròn một thập kỷ chung tay xây dựng nông thôn mới.
Trong đó, phải kể đến sự đóng góp không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP. Phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc trao đổi với Đại tá Đỗ Hữu Lộc, Chính ủy BĐBP Trà Vinh về vấn đề này.
Đại tá Đỗ Hữu Lộc trao Giấy khen của Bộ Chỉ huy BĐBP Trà Vinh cho các tập thể đạt thành tích trong 10 năm thực hiện phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới”. Ảnh: Hồ Phúc
- Đề nghị đồng chí chia sẻ về các chương trình, hoạt động của BĐBP Trà Vinh trong thực hiện phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” thời gian vừa qua?
- Khu vực biên giới tỉnh Trà Vinh có 9 xã, 2 thị trấn thuộc 3 huyện: Châu Thành, Cầu Ngang, Duyên Hải và thị xã Duyên Hải. Đa phần cuộc sống của người dân còn nhiều khó khăn. Trong quá trình triển khai thực hiện phong trào thi đua “BĐBP chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2010-2020, đơn vị đã phối hợp, hiệp đồng cùng các sở, ban, ngành trong tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến nhân dân các xã biên giới về các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, xã đạt chuẩn nông thôn mới, đô thị văn minh.
Các đồn Biên phòng đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn khu vực biên giới biển sử dụng các nguồn kinh phí tập trung đầu tư xây dựng cơ bản, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn liên xã, ấp, khóm; phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn tổ chức sửa chữa các trường học, trạm xá, nhà văn hóa, trung tâm sinh hoạt cộng đồng ở các ấp, khóm, các công trình trọng điểm và công trình dân sinh, phúc lợi xã hội. Cán bộ phụ trách địa bàn thuộc các đồn Biên phòng thường xuyên phối hợp với các trường học vận động các em học sinh bỏ học giữa chừng trở lại lớp.
Bên cạnh đó, các đơn vị cơ sở còn thường xuyên phối hợp với chính quyền các xã biên giới tổ chức lực lượng khai thông kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất cho bà con trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, khuyến khích người dân, đặc biệt là những vùng thường xuyên bị ảnh hưởng do biến đổi khí hậu chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng khu vực, hạn chế thấp nhất thiệt hại trong sản xuất.
- Những nỗ lực của cán bộ, chiến sĩ BĐBP Trà Vinh rất đáng ghi nhận. Đề nghị đồng chí cho biết kết quả cụ thể?
- Tính đến thời điểm hiện tại, BĐBP Trà Vinh đã nâng cấp 43,3km đường giao thông liên thôn, ấp, đào 16,9km kênh mương nội đồng phục vụ sản xuất cho bà con, tham gia xây dựng mới 15 cầu giao thông nông thôn; sửa chữa đưa vào sử dụng 21 phòng học mẫu giáo và tiểu học; xây mới và sửa chữa 80 căn nhà tốc mái, hư hỏng do mưa bão, lốc xoáy gây ra… Tổng số tiền cho các hoạt động khoảng 620 triệu đồng.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, BĐBP Trà Vinh cũng đã tham mưu, phối hợp với chính quyền các địa phương củng cố 163 tổ tự quản, phát động phong trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Các đồn Biên phòng cũng đã phát hiện, giáo dục, giải tán 276 vụ tụ điểm đánh bạc, đá gà ăn tiền, 92 nhóm thanh thiếu niên tụ tập đêm khuya gây mất trật tự; phát hiện 75 phương tiện/138 đối tượng vi phạm quy chế biên giới biển, 65 phương tiện/97 đối tượng khai thác cát trái phép. Tất cả các vụ việc được xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn, giới thiệu việc làm cho hơn 5.143 lao động trong và ngoài tỉnh. Các đồn Biên phòng cùng với địa phương, nhà trường các xã khu vực biên giới biển của tỉnh vận động 243 em học sinh bỏ học trở lại lớp; vận động các doanh nghiệp và nhà hảo tâm tặng tiền, xe đạp, cặp, tập, sách, bảo hiểm thân thể cho 430 học sinh, với số tiền gần 140 triệu đồng; tổ chức cấp phát 1.500 bồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo; vận động hơn 38.000 hộ dân sử dụng nước sạch, gần 175.000 người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đặc biệt, hiện nay, trong số 9 xã trên địa bàn biên giới mà các đồn Biên phòng phụ trách, đã có 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
- Trong quá trình tham gia xây dựng nông thôn mới, BĐBP Trà Vinh đã có những cách làm hay, hiệu quả, những mô hình tiêu biểu, đồng chí có thể chia sẻ về vấn đề này?
- Trong những năm qua, đơn vị triển khai thực hiện nhiều chương trình, mô hình dân vận khéo đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực. Cụ thể, thực hiện Chương trình “Nâng bước em tới trường”, đơn vị đã nhận đỡ đầu 34 em học sinh nghèo (mỗi em 500.000 đồng/tháng); thực hiện Chương trình “Chung tay bảo vệ môi trường sinh thái biển sạch, đẹp”, đơn vị đã tham gia xử lý khoảng 32 tấn rác thải các loại, làm sạch 45/65km chiều dài bờ biển của tỉnh, vận động 7.767 hộ dân ký cam kết bảo vệ môi trường biển. Đơn vị cũng đã khám chữa bệnh cho 51.785 lượt người dân, cấp thuốc miễn phí cho 11.472 lượt người là gia đình chính sách, gia đình nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn với tổng số tiền hơn 800 triệu đồng.
Cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Trường Long Hòa, BĐBP Trà Vinh thăm hỏi, tặng gạo cho hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: Hồ Phúc
Đặc biệt, đầu năm 2018, đơn vị đã triển khai thực hiện có hiệu quả mô hình “Người chiến sĩ quân hàm xanh chung tay xây dựng chi đoàn ấp, khóm biên giới vững mạnh”, đưa hoạt động cũng như sinh hoạt thường lệ của 4 chi đoàn ấp đi vào nền nếp. Các hoạt động, phong trào, hành động của Đoàn được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên thanh niên địa phương tham gia; 4/4 chi đoàn đều được Ban Thường vụ Đoàn thanh niên các xã, thị trấn công nhận đạt vững mạnh.
- Để tiếp tục tham gia có hiệu quả vào phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, thời gian tới, đơn vị sẽ triển khai những hoạt động nào, thưa đồng chí?
- Trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục xác định nội dung kế hoạch cụ thể trong thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Trong đó, sẽ tập trung vào 2 xã còn lại trên địa bàn chưa đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Xã Long Hòa, huyện Châu Thành và xã Long Khánh, huyện Duyên Hải. Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò từng cá nhân, tổ chức và hộ gia đình thi đua xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương có kế hoạch kiểm tra củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt được, không để tụt giảm, bảo đảm phát triển bền vững.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Hồ Phúc (thực hiện)
Theo Biên phòng
Mùa nước nổi An Giang: Chờ lũ về từng ngày, cá linh vẫn...biệt tăm
Người dân An Giang có câu: "Tháng 7 nước nhảy khỏi bờ" là thời điểm nước lũ về tràn ngập ruộng đồng, để cùng nhắc nhau sớm thu hoạch nông sản, hoa màu nếu không sẽ gây thiệt hại. Nhưng năm nay, đã hết tháng 8 mà nước lũ vẫn còn thấp hơn so với các năm trước.
Đợi nước vào đồng
Hàng năm, cứ đầu tháng 7, nước từ thượng nguồn đổ về sông Cửu Long mang theo phù sa, tôm cá tràn vào ruộng đồng. Vậy mà đến thời điểm hiện nay, cánh đồng thuộc các huyện: An Phú, Tịnh Biên, Tri Tôn, Châu Thành, TX. Tân Châu nằm ven kênh rạch, sông Hậu, sông Tiền... khô cạn phù sa. Nước rất thấp so với độ cao bờ ruộng cho nên không thể tràn đồng.
Người dân chờ lũ về từng ngày.
Đã hơn 30 năm gắn bó cùng cây lúa, cũng là bấy nhiêu năm ông Phan Văn Dũng (55 tuổi, xã Nhơn Hưng, huyện Tịnh Biên) đón lũ, nhưng chưa bao giờ thấy con nước thấp như vậy. Theo ông Dũng, năm 2015 lũ thấp nhưng mực nước vẫn vào được đến đồng, có lũ bà con nhà nông mở đồng đón, vừa tháo chua rửa phèn, vừa cho đất nghỉ ngơi.
Theo kế hoạch, năm nay An Giang cho xả lũ hơn 20.000ha để giảm áp lực năng suất lúa nếp và làm đất thêm phì nhiêu. Nhưng với tình hình nước lũ thấp như thế, nhà nông lo ngại lượng phù sa vào đồng sẽ giảm.
Lão nông Nguyễn Văn Đàng (ấp Bình Quới 1, xã Bình Thạnh Đông, huyện Phú Tân) cho biết, mấy năm trước, nước lũ về, địa phương chủ trương mở đồng đón lũ, được phù sa bồi đắp, nhờ vậy giúp nông dân bớt tốn kém từ 200-300.000 đồng/công cho tiền mua thuốc xịt cỏ, phân bón, thuốc diệt côn trùng.
"Ruộng đồng có phù sa nhìn khác hẳn, lúa nếp gì cũng đều tươi tốt, xanh mơn mởn, bớt tốn kém chi phí phân, thuốc mà lại có năng suất. Vậy mà năm nay nước lũ vẫn chưa về, nông dân tụi tui chờ nước về từng ngày, mà giờ này rồi, còn gì mà lũ nữa"- ông Đàng tiếc nuối.
Cá linh không về
Năm 2018, ngành chức năng phải cho xả lũ sớm hơn thường lệ ở 2 đập Tha La và Trà Sư (Tịnh Biên) nhằm giảm áp lực nước tránh vỡ đập. Nhưng năm nay, nước lũ tại 2 đầu bờ đập này khô queo.
"Vụ lúa vừa qua giá thấp nên lỗ, chờ lũ về kiếm tôm, cá còn gỡ gạc, nhưng ai ngờ được đã thất bát mùa lúa, nay lại không có lũ làm gì có cá mà trông"- ông Dương Minh Thiện, xã Phước Hưng (huyện Tịnh Biên) than thở.
Nhà được 10 công đất trồng lúa, năm nào lũ cũng vào đồng nên ông Thiện tranh thủ bắt cá linh, cá sông, cá đồng, 1 ngày "trúng mánh" dính vài chục kg cá đem ra chợ bán từ vài trăm ngàn đến vài triệu đồng. Khi lũ rút, không chỉ riêng gia đình ông Thiện mà hầu như nhà nào cũng dư giả vài chục triệu đồng từ nguồn lợi cá tự nhiên. Nhưng năm nay lũ thấp, tôm cá từ thượng nguồn không về.
Những con cá linh ít ỏi ở những năm trước đến giờ vẫn chưa xuất hiện.
Điều lo nhất của ngư dân vùng đầu nguồn là mất trắng mùa cá linh, loài cá chỉ xuất hiện trong nước lũ với số lượng rất lớn, giúp nhiều gia đình có được ăn cái ăn, cái mặc. Thông thường, cá linh tháng 7 đã có và tháng 8 cá lớn bằng đầu đũa bán từ 70.000-300.000 đồng/kg, nhưng đến giờ, ngư dân thả lưới trên sông, rạch chỉ bắt được cá chốt, cá lăng, cá sát, cá hú...
Không có con cá linh non nào dính lưới, đây là điều chưa từng xảy ra trong nghề cá. Ông Nguyễn Văn Lợt (xã Nhơn Hưng, Tịnh Biên) sống gần 30 năm với nghề cá lo lắng bởi một ngày thả lưới có khi về tay không.
"Mấy ngày nay, các vựa cá gọi điện hỏi tôi mua cá nhưng cá mắm ít quá nên đâu có mà bán"- ông Lợt cho biết. Nước không có, không chỉ người dân An Giang mà cả bà con miền Tây sắp phải đối mặt với mùa lũ cạn phù sa, cạn tôm cá, làm đảo lộn cuộc sống và sản xuất của nông dân.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư, ứng phó tình trạng khô hạn, cạn lũ, thiếu nước tưới tiêu, tỉnh sẽ tập trung nạo vét các hồ trữ, bố trí những cây trồng tiết kiệm nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang hướng có lợi... Đồng thời, tỉnh cảnh báo người dân không nên chủ quan với lũ thấp hay không có lũ; yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các sở, ngành, địa phương lên kịch bản ứng phó lũ lớn, đề phòng tình huống từ thượng nguồn nước đổ về do mưa bão bất thường, do xả đập...
Theo Ánh Nguyên (Báo An Giang)
Vườn mãng cầu Nữ hoàng cho trái bự, bán 2.000 quả có hơn 100 triệu Với mong muốn nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, lão nông ở huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp đã tự mình tìm tòi ra giống mãng cầu dai với trọng lượng mỗi trái lên đến 1 - 2 kg. Loại trái cây khủng này thơm ngon, ít hạt nên luôn trong tình trạng khan hiếm, bán với giá rất cao. Người...