Chứng khoán Việt phục hồi sau cơn hoảng loạn “bay” mất 164.000 tỉ đồng
Sau khi bất ngờ đổ sụp trong phiên 11-10, chứng khoán Việt Nam phục hồi mạnh trở lại trong ngày 12-10 bất chấp rủi ro trên thị trường Mỹ vẫn còn.
Chứng khoán Mỹ đêm qua 11-10 (rạng sáng 12-10 theo giờ Việt Nam) ghi nhận phiên giảm mạnh thứ hai liên tiếp. Chỉ số Dow Jones mất hơn 540 điểm, tương đương 2,1%. Tổng cộng, đà bán tháo 2 phiên đã khiến chỉ số này giảm 1.378 điểm.
S&P 500 cũng ghi nhận phiên thứ 6 liên tiếp sụt giảm, với 2,1%. Chỉ số đo biến động thị trường – VIX (thể hiện tâm lý lo sợ của thị trường) cũng lên cao nhất kể từ tháng 2.
Điều này khiến các thị trường chứng khoán châu Á lo sợ khi mở cửa giao dịch sáng 12-10. Chỉ số chứng khoán của các thị trường lớn như Nhật, Trung Quốc, Hồng Kông, Austrailia… đồng loạt đi xuống. Một số thị trường ghi nhận sắc xanh nhẹ Hàn Quốc và cả Việt Nam.
Tuy nhiên, sau đó hầu hết các thị trường đều lấy lại được bình tĩnh và bật tăng trở lại. Chốt phiên giao dịch ngày thứ sáu, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông vụt tăng 504,6 điểm; chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc cộng 23,41 điểm (tương ứng 0,91%) lên 2,606.91 điểm,
Ở Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cộng cũng tăng nhẹ 0,46% tương đương 103,8 điểm và khép phiên ở mức 22.694,66 điểm…
Các chỉ số tương lai của các thị trường châu Âu và Mỹ cũng cho thấy sắc xanh.
Sắc xanh trở lại các sàn chứng khoán châu Á, bao gồm cả Việt Nam. Ảnh: Hoàng Triều
Chứng khoán Việt Nam cũng có cùng diễn biến với các thị trường khác ở châu Á. Thị trường mở cửa phiên giao dịch sáng 12-10 trong sự lo lắng, nhà đầu tư chủ động bán ra để cắt lỗ. Có thời điểm VN-Index giảm hơn 13 điểm nhưng đến cuối buổi sáng niềm tin dần trở lại. Tại thời điểm 10 giờ, VN-Index tăng 1,47 điểm (0,16%) lên 947,36 điểm; HNX-Index cũng tăng 0,52% lên 107,73 điểm.
Các cổ phiếu ngân hàng ACB, BID, EIB, MBB, SHB, VCB, STB, TCB, VPB…hồi phục khá tốt và là động lực quan trọng giúp thị trường ổn định. Bên cạnh đó, các mã Bluechips như VHM, VRE, MWG, PNJ, HPG, MSN…cũng tăng điểm giúp thị trường trở nên ổn định hơn.
Sang phiên chiều, giao dịch diễn ra khá tích cực. Dòng tiền bắt đáy khá mạnh giúp các chỉ số hồi phục mạnh mẽ. Tại thời điểm 13 giờ 50, VN-Index tăng 20,2 điểm (2,14%), HNX-Index tăng 2,26 điểm (2,1%) và Upcom-Index cũng tăng 0,73 điểm (1,41%) lên 52,77 điểm. Thanh khoản toàn thị trường được cải thiện đáng kể với giá trị khớp lệnh lên gần 4.500 tỉ đồng.
Cuối phiên, tiền đổ vào thị trường nhiều hơn. Các chỉ số lấy lại một nửa số điểm đã mất trong ngày hôm qua. Cụ thể, VN-Index đóng cửa tăng 24,19 điểm ( 2,56%) lên 970,08 điểm; HNX-Index tăng 2,58 điểm (2,41%) lên 109,76 điểm và Upcom-Index tăng 0,71 điểm (1,37%) lên 52,75 điểm.
Đóng góp lớn nhất vào đà hồi phục của thị trường trong phiên hôm nay là các cổ phiếu chủ chốt như VIC, VCB, ACB, BID, BVH, SHB, GAS, VHM, MSN…
Video đang HOT
Trên sàn HoSE ghi nhận có 249 mã tăng, 57 mã giảm và 41 mã đứng giá. Sàn HNX cũng có 104 mã tăng, 60 mã giảm và 49 mã đứng giá.
Thanh khoản thị trường sụt giảm khá mạnh so với phiên hôm qua do tâm lý một số nhà đầu tư còn thận trọng. Theo đó, tổng khối lượng giao dịch hai sàn HoSE và HNX đạt 291 triệu cổ phiếu, trị giá 5.900 tỉ đồng.
Đặc biệt, khối ngoại là một tác nhân khác lớn giúp thị trường phục hồi. Theo đó, họ mua ròng khá tích cực với giá trị hơn 300 tỉ đồng trong phiên hôm nay, chủ yếu tập trung ở sàn HoSE với 11,96 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 272,93 tỉ đồng. VPB, VCB, HPG, HBC, STB là những mã được các nhà nước ngoài ưa chuộng mua vào nhiều nhất.
Tuy nhiên, dù thị trường tăng mạnh vào phiên cuối tuần nhưng các công ty chứng khoán vẫn khuyên nhà đầu tư của mình thận trọng vì đây chỉ có thể là sự phục hồi mang tính kỹ thuật sau khi VN-Index rớt xuống ngưỡng hỗ trợ 934 điểm. Họ đưa ra lời khuyên cho các nhà đầu tư đứng ngoài quan sát, chờ đợi thị trường ổn định hơn.
Trước đó, trong phiên lao dốc ngày 11-10, ông Andy Ho, Trưởng Bộ phận Đầu tư tập đoàn VinaCapital, cho rằng đây là cơ hội gom những cổ phiếu tốt với giá rẻ vì các yếu tố kinh tế của Việt Nam vẫn tốt, nhà đầu tư nước ngoài vẫn rất quan tâm đến doanh nghiệp Việt.
V.Vinh
Theo nld.com.vn
Góc nhìn: Cú sập chứng khoán Việt và lịch sử có lặp lại?
Có những điểm khá tương đồng của cú sập phiên 11/10 so với diễn biến đầu tháng 2/2018...
Cú sập của thị trường chứng khoán ngày 11/10/2018 không bị cộng hưởng bởi các yếu tố tiền tệ, và không lan sang các yếu tố tiền tệ tại cùng thời điểm - Ảnh: Quang Phúc.
"Cuộc sống đang bình thường tự nhiên có động đất sóng thần nhấn chìm tất cả. Đây hoàn toàn do thiên tai bất ngờ ập đến. Cá lớn cá bé đều chết hết", cảm xúc của một nhà đầu tư sau giờ giao dịch ngày 11/10/2018.
Có thể cảm xúc này đã được chuyền tay trong một bộ phận nhà đầu tư sau đó. Chủ nhân của nó là "nhạc trưởng" của một nhóm nhà đầu tư cá nhân trên sàn chứng khoán Việt.
Bất khả kháng và tâm lý?
Đều đặn, trước giờ mở cửa mỗi phiên, vị "nhạc trưởng" trên đều có tin nhắn tóm lược bối cảnh chung, dự báo diễn biến giao dịch và một số mã cụ thể. Kiểm nghiệm, khoảng một tuần trở lại đây, đó là những dự báo khá chính xác, đồng điệu với diễn biến thị trường sau đó.
Cũng với góc nhìn trên, 6h30 ngày 11/10/2018, tin nhắn được gửi đi, sau dư chấn mạnh từ Phố Wall (Mỹ): "Tình hình ngoài dự đoán. Kinh nghiệm cho ta thấy, anh em nên đưa tài khoản về vị thế tiền mặt nhiều nhất có thể, tránh để đến chiều sẽ là quá muộn".
Tuy nhiên, cảnh báo trên được chú thích là để những người nhận chuẩn bị sẵn tâm lý đón nhận chấn động mạnh, kèm theo đó là khuyến nghị nếu giảm mạnh ngay thì không nên bán, và kỳ vọng đây sẽ là phiên "tát ao" cuối cùng của nhịp giảm hiện nay.
Giả dụ, góc nhìn và phán đoán của vị "nhạc trưởng" trên điển hình cho một trong những quan điểm trước phiên 11/10/2018. Có những điểm đáng chú ý.
Thứ nhất, trong một tuần qua góc nhìn trên bám sát và dự báo tốt diễn biến. "Tình hình ngoài dự đoán" có thể xem là bất ngờ và dẫn tới bất khả kháng với nhiều nhà đầu tư.
Lệch múi giờ, đêm trước thị trường chứng khoán Mỹ có thể nói rơi vào khủng hoảng mang tính thời điểm. Sáng hôm sau, thị trường Việt Nam lập tức phản ánh, lệnh bán ồ ạt và giá "rơi như viên sỏi" ngay đợt khớp lệnh mở cửa. Có nghĩa là, phần lớn "số phận" của nhà đầu tư trở nên thụ động.
Trên sàn Hà Nội (HNX), khớp lệnh liên tục ngay khi mở cửa, đã có hoạt động "bắt dao rơi" ở nhiều mã khi xuất hiện cú rơi mạnh. Nhưng "đứt tay" ngay sau đó và hoạt động này thảng đi.
Thứ hai, kỷ luật nâng tỷ trọng tiền mặt lên mức cao có thể, nói cách khác là hoạt động bán ngay, bán dứt khoát để chủ động kiểm soát rủi ro được lựa chọn.
Diễn biến từ đầu đến kết phiên cho thấy rõ lựa chọn đó. Nó càng trở nên đậm nét hơn ở hai lần gắng gượng phục hồi, vào phiên sáng và chiều, đều bị nhấn chìm bới hoạt động bán ra dứt khoát.
Thứ ba, trong một tuần trở lại đây, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh bình thường, sau nhịp tăng khá dài từ ba tháng qua (từ tháng 7/2018); bối cảnh vĩ mô nói chung không có biến động lớn và bất thường nào; thậm chí có kỳ vọng hướng tới mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 3 khả quan, cùng với vĩ mô chốt quỹ vừa qua tích cực...
Theo đó, bên cạnh tác động từ Phố Wall cũng như chứng khoán toàn cầu nói chung giảm rất mạnh, tâm lý là một phần để lý giải cho cú sập ngày 11/10/2018 ở thị trường chứng khoán Việt.
Lịch sử có lặp lại?
Phiên 11/10/2018 gợi nhớ lại cú sập ngày 5/2/2018, vẫn còn tươi mới.
Chỉ khác một chút về thời điểm, phiên 5/2/2018 trọng lực đứt gãy của điểm số dồn vào buổi chiều. Một phiên mà khi đó giới đầu tư gợi lại kỳ khủng hoảng "trắng bên mua" năm 2008.
Cái khác trên thực ra không khác. Vì phiên 5/2/2018 của chứng khoán Việt Nam được pha loãng bằng hai ngày nghỉ cuối tuần; phiên liền trước cuối tuần chứng khoán Mỹ cũng có phiên giảm cực mạnh.
Và có những điểm chung đáng chú ý.
Về cơ bản, bối cảnh thị trường Việt Nam khi đó về vĩ mô khá thuận lợi và ủng hộ đà đi lên. Năm 2017 vừa đạt GDP ấn tượng, lãi suất, tỷ giá, kết quả kinh doanh nhiều doanh nghiệp... thuận lợi.
Điểm chung đáng chú ý khi đó và hiện nay, cú sập của thị trường chứng khoán không bị cộng hưởng bởi các yếu tố tiền tệ, và không lan sang các yếu tố tiền tệ tại cùng thời điểm.
Đó cũng là "cái may" của cú sập 11/10/2018. Nó dường như phản ánh nội tại của riêng thị trường chứng khoán. Vì các diễn biến tiền tệ không có xáo trộn lớn và bất thường theo hướng tác động tiêu cực.
Nhìn ra bên ngoài, sau khi chỉ số USD-Index nhăm nhe trở lại mốc 96 điểm, thì trước thềm cú sập này nó giảm đáng kể, có thời điểm nằm dưới 95 điểm. Đồng Nhân dân tệ sau khi đe dọa xuyên đáy của năm so với đồng USD thì đã lên giá đáng kể trở lại. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm có xu hướng giảm trở lại kéo dài...
Trong nước, bên cạnh các yếu tố vĩ mô thuận lợi vừa qua như GDP tăng cao, xuất siêu kỷ lục, tỷ giá USD/VND liên tiếp có những phiên hạ nhiệt trên liên ngân hàng cũng như trên biểu niêm yết của ngân hàng thương mại... Nói chung không có gì bất thường quá lớn và có tác động tiêu cực mang tính thời điểm; chưa kể đang có kỳ vọng đón mùa báo cáo quý 3 dự kiến nhiều doanh nghiệp tiếp tục có kết quả kinh doanh khả quan.
Vậy thì, cú sập của thị trường chứng khoán Việt Nam ngày 11/10/2018 có trọng số lớn mang tính nội tại của nó.
Với khá nhiều điểm tương đồng như vậy, nhìn lại diễn biến cú rơi 5/2/2018 thì sao?
Đó là quán tính lao dốc tiếp tục thể hiện mạnh mẽ, khốc liệt hơn vào sáng phiên nối tiếp 6/2/2018, có lúc VN-Index giảm tới trên 60 điểm. Tính chung hai phiên 5 và 6/2018, cú sập đã nhấn chìm tới 118 điểm của chỉ số.
Nhưng, như trên, "may mắn" vì không có những cộng hưởng từ các yếu tố tiền tệ lớn và bất lợi vĩ mô lớn nào đó, con lăn VN-Index dừng lại vào cuối chiều 6/2 để rồi bùng nổ với cổ phiếu tăng giá ồ ạt ngày sau đó phiên 7/2/2018.
Lần này, liệu lịch sử có lặp lại?
So sánh có thể khập khiễng. "Không ai tắm hai lần trên một dòng sông". Mỗi thời điểm có những biến số khác nhau. Song, nhìn về một dữ kiện khá điển hình trong quá khứ có nhiều điểm tương đồng, ít nhất cũng là một tham khảo. Và kinh nghiệm được thành hình từ quá khứ.
Theo Minh Đức
VnEconomy
Quý IV, lường sớm khả năng lãi suất tăng Biến động lãi suất trên thị trường tiền tệ luôn có mối liên hệ tức thời với diễn biến trên thị trường chứng khoán. Lãi suất tăng sẽ làm tăng sức hút dòng tiền vào ngân hàng và đây được cho là một trong những yếu tố tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán. Tuy vậy, nhiều chuyên gia cho rằng,...