Chứng khoán TP.HCM (HSC): Chọn cổ phiếu có định giá hấp dẫn làm chứng quyền
Theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC), khi đầu tư chứng quyền có bảo đảm, nhà đầu tư nên tìm hiểu kỹ sản phẩm, đọc hiểu các tham số sau đó quan sát hành vi giá, ước tính khả năng chịu đựng rủi ro trước khi quyết định mua một sản phẩm có tính đòn bẩy cao nhất so với chứng khoán cơ sở và phái sinh.
HSC đã chuẩn bị xong các công việc cần thiết để ra mắt sản phẩm chứng quyền vào cuối tháng 6/2019.
Là một trong các công ty hàng đầu thị trường, đến thời điểm này, HSC đã sẵn sàng chuẩn bị ra mắt sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đầu tiên?
Về cơ bản, HSC đã chuẩn bị xong các công việc cần thiết để ra mắt sản phẩm chứng quyền vào cuối tháng 6/2019, bao gồm việc thiết kế sản phẩm, hoàn thiện các quy trình nội bộ, hệ thống giao dịch và thanh toán, bố trí đội ngũ nhân sự chuyên biệt phụ trách các hoạt động phát hành, giao dịch, tạo lập thị trường, phòng ngừa rủi ro và thanh toán chứng quyền.
Hiện tại, chúng tôi đang tập trung đào tạo đội ngũ môi giới và nhà đầu tư nhằm phổ biến kiến thức về chứng quyền, giúp nhà đầu tư hiểu các đặc điểm của sản phẩm, cơ chế vận hành, cách ước tính giá chứng quyền dựa trên các thông số và các chiến lược đầu tư chứng quyền trong thực tế để có thể ra quyết định đầu tư phù hợp khi sản phẩm chính thức được đưa vào giao dịch.
Ông có thể chia sẻ về sản phẩm chứng quyền có bảo đảm đầu tiên mà HSC sẽ phát hành?
Trong đợt đầu, HSC dự kiến sẽ phát hành chứng quyền dựa trên hai mã cổ phiếu MWG và MBB.
Trong đợt đầu, HSC dự kiến sẽ phát hành chứng quyền dựa trên hai mã cổ phiếu MWG và MBB. Việc quyết định các thông số chứng quyền dựa trên các tiêu chí riêng của Công ty, tuy nhiên trên cơ sở là chúng tôi sẽ lựa chọn các cổ phiếu cơ sở có định giá hấp dẫn và còn tiềm năng tăng giá để mang lại lợi ích cao nhất và hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư. Về lâu dài, HSC sẽ tiếp tục phát triển của các sản phẩm với chứng khoán cơ sở khác hoặc có thể có nhiều mức giá, nhiều kỳ hạn khác nhau.
Theo ông, đây có phải thời điểm phù hợp để ra mắt sản phẩm chứng quyền ở thị trường Việt Nam?
Tôi cho là khá phù hợp vì thị trường có nhiều cổ phiếu đã ở mức giá hợp lý hơn giai đoạn trước dù vẫn còn một số rủi ro chung của thị trường. Khi giá cổ phiếu ở mức hợp lý, nhà đầu tư sẽ mạnh dạn thử đầu tư sản phẩm chứng quyền. Khi giá cổ phiếu tăng, nhà đầu tư có lời, công ty chứng khoán thu được phí bán chứng quyền, cùng win – win.
Video đang HOT
Nhà đầu tư trên thị trường sẽ đón nhận sản phẩm mới như thế nào, theo đánh giá của ông?
Ông Trịnh Hoài Giang
Theo kinh nghiệm phát triển tại các thị trường khác, chứng quyền là sản phẩm có cấu trúc giống như hợp đồng quyền chọn (options), nhưng được thiết kể để dành cho nhà đầu tư cá nhân. Khác với option là sản phẩm dành cho nhà đầu tư tổ chức, chứng quyền có một số đặc điểm phù hợp với nhà đầu tư cá nhân như giá trị một lô giao dịch nhỏ hơn nhiều so với giá trị một hợp đồng quyền chọn, có nhà tạo lập thị trường để làm tăng thanh khoản, được giao dịch tập trung trên thị trường cơ sở nên nhà đầu tư có thể mua bán rất dễ dàng bằng tài khoản giao dịch chứng khoán của mình.
Ngoài ra, chứng quyền có thể được phát hành tại nhiều mức giá và thời gian đáo hạn trên cùng một cổ phiếu cơ sở nên nhà đầu tư có nhiều lựa chọn để đầu tư hơn so với option. Theo đó, chúng tôi đánh giá sản phẩm chứng quyền trong thời gian đầu sẽ chỉ dành cho các nhà đầu tư cá nhân trong nước là chủ yếu.
Lợi thế lớn nhất của sản phẩm này cho nhà đầu tư cá nhân là tính đòn bẩy cao, giá cổ phiếu cơ sở biến động 1% thì giá chứng quyền có thể tăng giảm 6% hay 7%. Nhưng đây là sản phẩm có cấu trúc phức tạp và có nhiều rủi ro đặc thù như rủi ro đòn bẩy, rủi ro thanh toán, rủi ro thanh khoản, rủi ro về vòng đời giới hạn, rủi ro mất toàn bộ vốn đầu tư ban đầu nên nhà đầu tư cần đọc kỹ tài liệu chào bán, bản cáo bạch phát hành, quan sát hành vi giá, ước tính mức độ chịu đựng rủi ro trước khi đầu tư.
Nghiên cứu về sản phẩm này ở các thị trường phát triển, HSC đánh giá thế nào về khả năng phát triển của chứng quyền tại thị trường Việt Nam?
Việc ra mắt sản phẩm chứng quyền là một nỗ lực lớn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam và các thành viên thị trường sau một thời gian dài nghiên cứu và triển khai. Quan sát sản phẩm này tại các thị trường trong khu vực như Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan, Thái Lan, chúng tôi đánh giá đây là một sản phẩm tiềm năng và có thể có khả năng tăng trưởng cao.
Ví dụ, theo ước tính tại thị trường đứng đầu về chứng quyền là Hồng Kông, giá trị giao dịch của chứng quyền có tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 20%/năm trong giai đoạn 1995 – 2018 và chiếm hơn 25% tổng giá trị vốn hóa thị trường.
Thành công của sản phẩm chứng quyền tại Hồng Kông dựa trên một số yếu tố như thị trường cổ phiếu cơ sở sôi động và hấp dẫn, cơ quan quản lý liên tục cải tiến các quy định về sản phẩm, tăng cường tính minh bạch thị trường, gỡ bỏ những rào cản về pháp lý và giảm chi phí phát hành, cùng với việc các tổ chức phát hành năng động trong việc thiết kế nhiều sản phẩm có cấu trúc khác nhau, nâng cao chất lượng tạo lập thị trường và quản lý rủi ro, cũng như liên tục duy trì các hoạt động đào tạo và cung cấp thông tin cho nhà đầu tư.
Tại Việt Nam, chúng tôi cho rằng, đây là một sản phẩm tiềm năng vì có thể đáp ứng nhu cầu của nhiều nhà đầu tư. Cụ thể, các nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao và hiểu về sản phẩm có thể tận dụng việc mua bán chứng quyền vào các thời điểm thích hợp để gia tăng hiệu quả đầu tư của danh mục trong những giai đoạn thị trường biến động mạnh.
Chúng tôi cũng kỳ vọng một thị trường chứng quyền có thanh khoản tốt sẽ hỗ trợ tích cực cho thanh khoản của thị trường cơ sở, vì các nghiệp vụ về phòng ngừa rủi ro hàng ngày của các nhà tạo lập thị trường sẽ làm tăng thanh khoản cho cổ phiếu cơ sở. Nhìn chung, việc ra đời của chứng quyền góp phần hoàn thiện danh mục các sản phẩm trên thị trường và cung cấp thêm lựa chọn cho các nhà đầu tư, bên cạnh các sản phẩm truyền thống như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ ETF và hợp đồng tương lai.
Thu Hương
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Kinh nghiệm quốc tế cho thị trường chứng quyền Việt Nam
Thị trường chứng quyền trên thế giới đã phát triển rất nhanh, được đánh giá là một trong những thị trường năng động nhất dành cho nhà đầu tư cá nhân.
Thị trường chứng quyền đã phát triển mạnh mẽ ở cả thị trường châu Á và châu Âu.
Phát triển mạnh mẽ ở châu Á và châu Âu
Theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, chứng quyền là một sản phẩm phổ biến tại nhiều thị thường chứng khoán trên thế giới với nhiều tên gọi khác nhau: Covered Warrant (Anh, Đức, Thụy Sỹ, Úc, Canada), Derivative Warant (Hồng Kông, Thái Lan), Call/Put Warrant (Đài Loan, Malaysia), Equity-linked Warrant (Hàn Quốc)... Nhìn chung, chứng quyền cho phép người nắm giữ có quyền (không phải là nghĩa vụ) mua hoặc bán một tài sản cơ sở với giá được định trước (gọi là giá thực hiện) tại hoặc trước ngày đáo hạn.
Chứng quyền có một số nét tương đồng như quyền chọn (option) nhưng cũng mang một số điểm khác biệt. Đầu tiên, chứng quyền không có khả năng gây ra các khoản lỗ vượt quá số tiền bỏ ra ban đầu của nhà đầu tư.
Ngoài ra, chứng quyền thường được giao dịch phổ biến trên thị trường giao dịch (cash market) cùng với các sản phẩm khác như cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Khác với quyền chọn được giao dịch trên thị trường phái sinh với đối tác thanh toán bù trừ trung tâm, khoản lỗ tối đa mà nhà đầu tư quyền chọn có thể vượt quá khoản vốn ban đầu.
Tài sản cơ sở của chứng quyền cũng rất đa dạng, bao gồm: cổ phiếu trong và ngoài nước, chỉ số chứng khoán, rổ chứng khoán, ETF, chứng chỉ quỹ lưu ký, ngoại tệ, hàng hóa và tài sản khác. Tiêu chuẩn đối với tài sản cơ sở (về tính thanh khoản, giá trị vốn hóa, các chỉ tiêu tài chính cơ bản,...) thường được cơ quan quản lý quy định cụ thể.
Đối với một số thị trường, cơ quan quản lý đặt hạn mức đối với tài sản cơ sở dùng để phát hành chứng quyền nhằm kiểm soát rủi ro đối với thị trường giao ngay. Ví dụ, tại thị trường Đài Loan, tổng số cổ phiếu làm tài sản cơ sở cho tất cả chứng quyền được niêm yết không được vượt quá 22% số cổ phiếu tự do chuyển nhượng.
Tính đến năm 2018, theo số liệu thống kê của Liên đoàn các Sở Giao dịch Chứng khoán thế giới (WFE), số lượng chứng quyền phát hành và niêm yết trên các Sở Giao dịch Chứng khoán trên thế giới đạt gần 2,3 triệu chứng quyền, tương đương với giá trị giao dịch đạt gần 937 tỷ USD. Với những ưu điểm nêu trên, thị trường chứng quyền đã phát triển mạnh mẽ ở cả thị trường châu Á và châu Âu với giá trị giao dịch chứng quyền tại các khu vực này cao rõ rệt hơn so với châu Mỹ.
Ngoài ra, tại thị trường khác như châu Mỹ cũng cho thấy sự phát triển của sản phẩm chứng quyền với 32% tăng trưởng về giá trị giao dịch trong năm 2018.
Đáng chú ý, khu vực châu Á - Thái Bình Dương tuy chỉ chiếm gần 2% số lượng chứng quyền phát hành trên thế giới nhưng giá trị giao dịch đạt lên đến 87% tổng doanh số giao dịch chứng quyền toàn cầu. Nhiều Sở Giao dịch Chứng khoán tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đứng trong top 10 Sở Giao dịch Chứng khoán có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất trên thế giới. Ví dụ như Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông, Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan,... Đặc biệt, Sở Giao dịch Chứng khoán Hồng Kông trong nhiều năm qua vẫn luôn đứng đầu về giá trị giao dịch chứng quyền.
Các thị trường chứng quyền tại châu Á khác cũng có nhiều hoạt động ấn tượng như Thái Lan, Hàn Quốc, Đài Loan,.... Ngoài ra, trong năm qua, tuy chỉ đứng thứ 11 trong danh sách các thị trường có doanh số giao dịch chứng quyền lớn nhất thế giới, thị trường Malaysia đã có sự tăng trưởng vượt bậc với gần 300% tăng trưởng.
Tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, sản phẩm chứng quyền là một sản phẩm có tốc độ phát triển mạnh mẽ, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và là một trong những sản phẩm chủ lực của một số thị trường chứng khoán như Đài Loan, Hồng Kông,... Với đặc điểm là tỷ lệ đòn bẩy cao hơn giao dịch ký quỹ, chứng quyền thu hút được nhiều nhà đầu tư cá nhân mà không làm gia tăng rủi ro mất thanh toán từ khối nhà đầu tư cá nhân. Hơn nữa, chứng quyền giúp gia tăng tính thanh khoản cho tài sản cơ sở thông qua hoạt động giao dịch tài sản cơ sở của nhà phát hành để phòng hộ rủi ro.
Tuy nhiên, theo Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, đặc điểm đòn bẩy tuy là một lợi điểm thu hút nhà đầu tư giúp khuếch đại lợi nhuận nhưng cũng là hạn chế của sản phẩm mang tính chất rủi ro cao so với việc đầu tư trực tiếp từ tài sản cơ sở, và nhà đầu tư sẽ gánh chịu % tổn thất cao hơn nhiều lần so với đầu tư cổ phiếu.
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cho biết, thị trường chứng quyền chỉ hoạt động hiệu quả nhất khi trình độ hiểu biết của nhà đầu tư và tổ chức phát hành là ngang nhau. Đối với những thị trường chứng quyền có bề dày kinh nghiệm và lịch sử phát triển tương đối dài như Đài Loan và Hồng Kông, ngoài việc tăng cường thắt chặt quản lý và giám sát thị trường để không xảy ra các tác động tiêu cực đến tính bền vững của thị trường chứng khoán, công tác đào tạo nhà đầu tư luôn là vấn đề cốt lõi nhằm đảm bảo sự phát triển chung của thị trường.
"Một dẫn chứng cho tầm quan trọng của việc nhà đầu tư cần có sự am hiểu đầy đủ với các rủi ro của chứng quyền là tại thị trường Đài Loan. Theo đó, trong giai đoạn đầu phát triển thị trường, các tổ chức phát hành thu được khá nhiều lợi nhuận và nhà đầu tư tại Đài Loan chịu khá nhiều tổn thất do không am hiểu đầy đủ về sản phẩm. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cáo buộc các tổ chức phát hành có sai sót trong quá trình thiết kế sản phẩm. Ủy ban Hợp đồng tương lai và Chứng khoán Đài Loan đã thực hiện điều tra và không thấy có sự bất thường trong khâu thiết kế sản phẩm của các tổ chức phát hành. Hiện nay, Sở Giao dịch Chứng khoán Đài Loan đã áp dụng nhiều chính sách, chương trình đào tạo đa dạng hướng tới một thị trường chứng quyền hoạt động hiệu quả. Một số chương trình được áp dụng như: website có công thức định giá chứng quyền tự động để nhà đầu tư tự xác định giá chứng quyền, hình thành Hiệp hội Chứng quyền Đài Loan nhằm đào tạo nhà đầu tư,...", Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước dẫn chứng.
Thùy Linh
Theo baohaiquan.vn
Chứng quyền: "Món ăn" mới cho nhà đầu tư Việt dám chấp nhận rủi ro Chứng quyền nói nôm na giống như một "món ăn" của những nhà đầu tư mạo hiểm chấp nhận rủi ro khi tỷ lệ dùng đòn bẩy tài chính có thể lên tới 10 lần... Theo dự kiến, ngày 28/6/2019, chứng quyền có bảo đảm sẽ được niêm yết và đưa vào giao dịch trên sàn HOSE. Chứng quyền có bảo đảm (CW)...