Chứng khoán sáng 25/9: Các trụ “hết hơi”, SAB được đưa ra đỡ
VN-Index lại điều chỉnh do một loạt các trụ đã đồng loạt giảm. Ngay cả VNM cũng không giữ được sắc xanh. Trong tình cảnh này, SAB dù hầu như không có giao dịch vẫn được kéo lên để hạn chế sự tiêu cực.
VN-Index sáng 25/9.
Mọi kỳ vọng tăng về các cổ phiếu trụ đều không được đáp ứng trong sáng nay. Nhóm Vingroup cùng giảm một loạt với VHM (-0,56%), VIC (-0,58%), VRE (-0,15%). GAS (-1,74%) bị bán về mức 101.700 đồng/cổ phiếu còn VNM (-0,87%) cũng không còn lực mua thêm. Tại nhóm ngân hàng, VCB (-0,87%) dù chỉ giảm nhẹ cũng kéo theo một loạt các mã lớn khác như BID (-0,89%), TCB (-0,44%), CTG (0%), MBB (-0,68%).
VN30 hiện đang mất 0,34% xuống 907,62 điểm. Nếu không có SAB ( 1,7%) đứng ra kéo lại thì ảnh hưởng giảm của nhóm vốn hóa lớn còn mạnh hơn nữa. Mã này hiện chỉ cần giao dịch 3.570 cổ phiếu nhưng cũng đã tỏ ra hiệu quả. Dù vậy, SAB sẽ không thể là cổ phiếu có được sự tin cậy của nhà đầu tư trong các diễn biến của thị trường.
Thị trường chung đã cho thấy sự chuẩn bị từ các phiên trước nên các cổ phiếu cũng không có dấu hiệu hoảng loạn. Mức giảm phần lớn được kiềm chế lại như TCH (-1,45%), ASM (-0,97%), CTI (-1,24%), TDH (-0,9%), HCM (-0,85%), TCM (-0,43%), DGW (-0,2%), DHC (-0,85%), IDI (-0,28%)…
Trường hợp cá biệt, chỉ có FTM vẫn đang giảm sàn. Mã này hiện đang bị chất sàn 5,35 triệu cổ phiếu và giá giảm còn 3.000 đồng/cổ phiếu. Theo thống kê, FTM đang có gần 30 phiên giảm sàn.
Video đang HOT
Trong khi đó, lác đác trên sàn vẫn còn các mã tăng tốt như HBC ( 2,5%), PHR ( 2,7%), KDH ( 2,37%), LCG ( 2,25%), PC1 ( 2%), TIP ( 6,8%), CTF ( 6,85%) qua đó cho thấy hy vọng vẫn le lói trên sàn kể cả khi thị trường điều chỉnh.
Tạm dừng phiên sáng, HOSE có tổng cộng 97 mã tăng so với 163 mã giảm và 74 mã đứng giá tham chiếu. VN-Index giảm 0,46% xuống 983,6 điểm. Thanh khoản đạt 100,38 triệu đơn vị, tương đương 1.942 tỷ đồng trong đó thỏa thuận 676 tỷ đồng.
Tại HNX, chỉ số chỉ lình xình quanh tham chiếu, giảm 0,16% xuống 103,84 điểm. Hiện cuộc chiến tranh giành ảnh hưởng giữa các mã lớn như ACB (-0,86%), PVS (-0,99%), VCS ( 1,24%), NVB ( 1,27%) vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ. Thanh khoản sàn đạt 24,52 triệu đơn vị, tương đương 257 tỷ đồng.
MAI HƯƠNG
Theo Bizlive.vn
Nhóm tư nhân chiếm 44% tổng giá trị vốn hóa của 20 doanh nghiệp vốn hóa lớn nhất thị trường
Tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp tư nhân bao gồm VIC, VHM, MSN, VRE, TCB, VJC, HPG, NVL, MWG đạt 1.193.016 tỷ đồng, tương đương 52 tỷ USD.
Ảnh minh họa.
Tính đến hết tháng 8/2019, toàn thị trường có 29 doanh nghiệp có vốn hóa trên 1 tỷ USD (~23.000 tỷ đồng) trong đó, tạm tính theo thị giá cổ phiếu thời điểm kết thúc ngày 30/8, vốn hóa của 20 doanh nghiệp dẫn đầu đều vượt trên 50.000 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD).
Tổng giá trị vốn hóa thị trường của nhóm 20 doanh nghiệp này thời điểm cuối tháng 8 lên đến 2.737.085 tỷ đồng, tương đương 119 tỷ USD.
Trong đó, tổng giá trị vốn hóa của các doanh nghiệp tư nhân (không có cổ đông có yếu tố Nhà nước) bao gồm VIC, VHM, MSN, VRE, TCB, VJC, HPG, NVL, MWG đạt 1.193.016 tỷ đồng, chiếm 44% tổng giá trị vốn hóa của nhóm này.
20 doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường tính đến thời điểm cuối tháng 8/2019
Vingroup (mã VIC) tiếp tục là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường với 413.223 tỷ đồng, tăng mạnh trong 8 tháng đầu năm nhờ diễn biến tích cực của cổ phiếu VIC trên thị trường. Kết thúc phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8, cổ phiếu VIC dừng ở mức 123.500 đồng/cổ phiếu, tăng 30% so với thời điểm đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018.
Nhìn xa hơn, những doanh nghiệp tư nhân niêm yết từ khá sớm như Vingroup, Masan Group (mã MSN) hay Hòa Phát (mã HPG) đều có những bước tiến dài về vốn hóa trong vài năm trở lại đây.
Điển hình như Vingroup, cách đây khoảng 2 năm, vốn hóa của doanh nghiệp này mới chỉ quanh mức xấp xỉ 110.000 tỷ đồng, chỉ tương đương 27% hiện nay. Cùng tời điểm đó, vốn hóa của Masan Group chỉ tương đương một nửa so với hiện tại trong khi vốn hóa của Hòa Phát còn chưa đến 43.000 tỷ đồng.
Trong khi đó, nhóm doanh nghiệp tư nhân"mới nổi" như Vinhomes (mã VHM), Vincom Retail (mã VRE), Techcombank (mã TCB), Vietjet Air (mã VJC) hay Masan Consumer (mã MCH) cũng nhanh chóng chen chân vào danh sách những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất thị trường dù mới lên sàn trong giai đoạn 2017 - 2018.
Đối với nhóm doanh nghiệp có yếu tố Nhà nước, dẫn đầu về vốn hóa vẫn là những cái tên quen thuộc như Vietcombank (mã VCB), PVGas (mã GAS), Vinamilk (mã VNM), Cảng Hàng không (mã ACV), Sabeco (mã SAB), đều có vốn hóa trên 150.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng vốn hóa nhanh nhất kể từ đầu năm 2019 là Viettel Global (mã VGI) với mức tăng 168% lên 80.553 tỷ đồng.
Thực tế, giá trị vốn hoá thị trường phản ánh giá cổ phiếu của một công ty, trong khi giá này có thể thay đổi theo kì vọng của các nhà đầu tư. Giá trị này có thể biến động do một số nguyên nhân khác ngoài kết quả hoạt động kinh doanh như việc mua lại một doanh nghiệp khác, bán bớt một số bộ phận của tập đoàn, hay mua lại chính cổ phiếu của mình trên thị trường chứng khoán...
THANH HÀ
Theo bizlive.vn
[Điểm nóng TTCK tuần 05/08 - 11/08] Chứng khiến Việt giằng co mạnh, Chứng khoán thế giới lao dốc Thị trường chứng khoán Việt giằng co mạnh trong tuần qua. Bên cạnh đó, TTCK thế giới đồng loạt bị nhấn chìm trong cơn bão gió... 1. TTCK Việt Nam diễn ra phân hóa và giằng co mạnh Tuần qua, những gì diễn ra trên bảng điện cho thấy thị trường có một tuần lễ giằng co. Chính vì thế khả năng bứt...