Chứng khoán sáng 25/3: Thuận đà thế giới, VN-Index bốc hơi 1,84%
Mức sụt giảm của VN-Index sáng nay có thể còn là nhẹ. Nhiều thị trường chứng khoán Châu Á giảm rất sâu trước những lo ngại bên kia đại dương.
Thị trường trong nước sụt giảm mạnh ngày đầu tuần là không bất ngờ vì phiên giao dịch cuối tuần trước sau khi Việt Nam đã đóng cửa, chứng khoán Mỹ lao dốc kinh hoàng và cả thế giới cũng vậy. Những lo ngại về suy thoái kinh tế và các tin tức bất lợi khác xuất hiện đúng lúc các chỉ số chứng khoán Mỹ đang ở đỉnh cao nhất quý 1/2019.
VN-Index lúc giảm mạnh nhất sáng nay mất tới 2,29% và chốt phiên còn giảm 1,84%. Như thế thị trường cũng đã có mức phục hồi nhất định. VN30-Index chốt phiên giảm 1,92% từ mức giảm sâu nhất 2,14%.
Độ rộng HSX quá hẹp với 68 mã tăng/235 mã giảm, trong đó 115 mã giảm trên 2%, tính từ giảm 1% thì tới 182 mã. VN30 cũng có toàn bộ 30 mã giảm.
Mức giảm lớn ở chỉ số đương nhiên do tác động quá lớn từ nhóm blue-chips dẫn dắt: VHM giảm 2,63%, GAS giảm 3,9%, VIC giảm 1,6%, VRE giảm 5,43%, VCB giảm 1,64%, VNM giảm 1,1%, BID giảm 1,85%. Đó là các trụ lấy đi nhiều điểm nhất.
Thật sự thì trong nhóm VN30 mức tăng trưởng giá trước đây của các mã là không giống nhau. Tuy nhiên khi thị trường suy yếu, tất cả cùng sụt giảm mạnh bất kể là giá đang ở mức nào. Diễn biền này cho thấy thị trường đang chịu áp lực bán tháo là chính. Nhà đầu tư có nhu cầu thoát khỏi thị trường bằng mọi giá, không còn là chốt lời nữa.
Video đang HOT
Sàn HNX cũng sụt giảm mạnh ở nhóm blue-chips. HNX30 đang giảm 1,92%. Các trụ chính mất rất nhiều điểm: SHB giảm 2,6%, PVS giảm 3,81%, VGC giảm 2,8%, ACB giảm 1,31%, VCG giảm 1,41%. HNX-Index giảm 1,45% với 32 mã tăng/110 mã giảm.
Tuy nhiên có điểm khá bất ngờ là thị trường rất yếu, các mã giảm sâu nhưng cũng rất ít cổ phiếu giảm sàn. HSX chỉ có 8 mã sàn và đều là các mã đầu cơ ít quan trọng như GTN, PXS, CMT, SZC. HNX có 16 mã sàn nhưng chủ đạo là thanh khoản kém.
Biến động giá cổ phiếu mạnh nhưng không hoảng loạn cũng là yếu tố khá tích cực vào lúc này. Áp lực thoát ra quá lớn nên nhà đầu tư mua vào cũng chỉ chọn giá thấp. Giá cổ phiếu phục hồi không rõ ràng nhưng cũng chưa tụt xuống sâu hơn. VN-Index chạm đáy khoảng 966 điểm, cũng xấp xỉ mức thấp nhất trong phiên giảm đột biến ngày 28/2 vừa rồi.
Thanh khoản duy trì tốt là một trong những yếu tố góp phần chặn đà giảm của giá, dù không có dấu hiệu gì là sẽ đẩy giá lên. Hai sàn khớp khoảng 2.057,8 tỷ đồng, chỉ giảm 5% so với phiên trước, trong đó có phần không nhỏ là giảm giá.
Hiện tại áp lực chính trên thị trường là tâm lý lo ngại thị trường quốc tế sẽ điều chỉnh sâu. Thị trường Nhật phiên sáng đã giảm 3,07%, Thượng Hải giảm 1,38%, HongKong giảm 1,78%. Hợp đồng tương lai S&P 500 của Mỹ vẫn đang giảm 0,45%.
Đối với các phiên giảm do ảnh hưởng liên thông tâm lý mạnh như hôm nay, khả năng kiềm chế quán tính giảm là yếu tố bước đầu. Hiện nhà đầu tư có nhu cầu tháo chạy mạnh nhất nên sau khi áp lực lớn nhất được giải phóng, cơ hội chặn đà rơi sẽ tăng dần.
Lan Ngọc
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán 28/2: Bán tháo vì đàm phán Thượng đỉnh Mỹ-Triều bất thành
Chứng khoán 28/2/2019: VN-Index lao dốc ngay đầu phiên chiều và đóng cửa mức thấp nhất trong ngày trước "tin xấu" Thượng đỉnh Mỹ - Triều.
VN-Index lao dốc ngay đầu phiên chiều và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Bước vào phiên giao dịch chiều nay (28/2/2019), không chỉ có Việt Nam mà nhiều thị trường chứng khoán châu Á đã đồng loạt giảm điểm trước kết quả đàm phán tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều. VN-Index trượt dốc "không phanh" khi liên tục giảm sâu dưới tham chiếu và đóng cửa ở mức thấp nhất trong ngày.
Kết phiên, chỉ số VN-Index giảm tới 24,8 điểm (tương đương 2,5%) xuống 965,47 điểm. Toàn sàn HOSE có 98 mã tăng và 220 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 224,812 triệu đơn vị, giá trị 5.409 tỷ đồng.
Nguyên nhân diễn biến này là do áp lực bán mạnh trong buổi chiều khiến các cổ phiếu vốn hóa lớn không còn mã nào tăng. Giảm sâu nhất vẫn là nhóm cổ phiếu Vingroup. Cụ thể, VIC giảm 2,9% xuống 114.000 đồng/CP, VHM giảm 5,61% xuống 87.500 đồng/CP, VRE giảm 4,35% xuống 33.000 đồng/CP.
Tiếp đó, VNM cũng giảm đến 4,47% xuống 141.100 đồng/CP, MSN giảm 1,12% xuống 88.900 đồng/CP. Mặc dù giao dịch tích cực trong phiên, nhưng đóng cửa, GAS cũng đã giảm 0,3% xuống 98.200 đồng/CP.
Ngoài ra, nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng đồng loạt giao dịch trong sắc đỏ như VCB giảm 2,31%, SAB giảm 3,1%; TCB giảm 2,64%, CTG giảm 1,68%, BID giảm 3,38%, VPB giảm 2,41%, MBB giảm 2,55%, HDB giảm 2%.
Trên sàn Hà Nội, diễn biến cũng giống với HOSE khi đà giảm ngày một nới rộng. Kết phiên, chỉ số HNX-Index giảm 1,77 điểm (tương đương 1,64%) xuống 105,86 điểm với tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 59 triệu đơn vị, giá trị 614,989 tỷ đồng. Toàn sàn này có 57 mã tăng và 91 mã giảm giá.
Nhóm cổ phiếu lớn trên sàn đồng giảm điểm như VGC giảm 4,2% xuống 20.700 đồng/CP, VCG giảm 3,2% xuống 27.500 đồng/CP, VCS giảm 0,6% xuống 67.000 đồng/CP, ACB giảm 3,03% xuống 29.700 đồng/CP, SHB giảm 2,7% xuống 7.400 đồng/CP, PVS giảm 1,96% xuống 20.400 đồng/CP.
Trong khi đó, PVI vẫn giữ được sắc xanh khi tăng 0,3% lên 33.800 đồng/CP.
Trên UPCoM, toàn sàn có 66 mã tăng, 80 mã giảm. Chỉ số UPCoM-Index giảm 0,47 điểm (tương đương 0,85%) xuống 55,13 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 19,590 triệu đơn vị, giá trị 373,743 tỷ đồng.
Biển Ngọc
Theo baogiaothong.vn
Chứng khoán châu Á tăng điểm trước tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán Mỹ-Trung Trong phiên giao dịch ngày 13/2, hầu hết các TTCK châu Á tăng trên 1%, giữa lúc triển vọng giải quyết tranh chấp thương mại Mỹ-Trung có những tín hiệu rất tích cực. Chứng khoán châu Á tăng điểm trước tín hiệu tích cực từ vòng đàm phán Mỹ-Trung . Ảnh: Reuters Tổng thống Trump tuyên bố có thể lùi thời hạn 1/3...