Chứng khoán quý II: Đòi hỏi bản lĩnh của nhà đầu tư
Mức giảm của thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam trong quý I/2020 được thống kê chỉ đứng sau sự sụt giảm vào năm 2008, thời kỳ khủng hoảng kinh tế. Với mức giá hấp dẫn của nhiều cổ phiếu sau hàng thập kỷ và diễn biến phục hồi đầu tuần này, câu hỏi đặt ra là cơ hội đã đến với các nhà đầu tư?
Nhà đầu tư tham khảo tại thị trường chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Duy Anh
Sụt giảm kỷ lục
Kết thúc phiên giao dịch cuối tháng 3, chỉ số VN-Index đóng cửa đạt 662,53 điểm, giảm 31,06% so với đầu năm. Đây là quý ghi nhận mức giảm lớn thứ 2, chỉ xếp sau mức giảm 44,25% của quý I/2008, giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Vốn hóa các DN niêm yết trên HoSE bị “thổi bay” hơn 970.000 tỷ đồng. Tại mức điểm này, định giá P/E của VN-Index chỉ còn 9,8 lần, thấp nhất trong vòng 5 năm. Tâm lý thị trường nặng nề còn đến từ việc trong quý I khối ngoại bán ròng hơn 8.700 tỷ đồng. Đây là quý bán ròng lớn nhất của khối ngoại trên TTCK Việt Nam từ khi thành lập tới nay.
Ngược với diễn biến trên, giá cổ phiếu xuống thấp đã kích thích nhiều DN có nguồn tiền, các nhà đầu tư lớn, các lãnh đạo công ty đăng ký mua vào cổ phiếu, ước tính số tiền lên tới trên 4.000 tỷ đồng. Khối tự doanh công ty chứng khoán mua vào. Và đặc biệt từ cuối tháng 3, nhiều DN bắt đầu công bố trả cổ tức bằng tiền mặt, cũng là những động lực tốt hỗ trợ cho thị trường. Sau những phiên giảm mạnh, thị trường có những phiên tăng trở lại khiến tâm lý nhà đầu tư (NĐT) đỡ tiêu cực và có điểm tựa phần nào.
Đi tìm giá trị
Một động thái được thị trường chú ý gần đây là Công ty TNHH Đầu tư SIC (công ty 100% vốn của SCIC) đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu FPT. Trên thực tế, đây là DN được cấp vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, có chức năng đầu tư mua bán cổ phiếu, đầu tư tài chính trên thị trường. Chính vì vậy, NĐT vẫn rất thận trọng bởi tiền đầu tư là tiền Nhà nước. SIC mua vào cổ phiếu cho thấy một tín hiệu, khi đặt các yếu tố lên bàn cân, yếu tố an toàn với cổ phiếu FPT có sức nặng nhiều hơn.
Video đang HOT
Với công ty mẹ của SIC là SCIC thì sao? Còn nhớ trong đợt thị trường khủng hoảng vào những năm 2008 – 2009, SCIC được sự chấp nhận của Chính phủ đã thực hiện một đợt mua vào cổ phiếu ở mức giá thấp. Từng mã cổ phiếu được mua không được công bố để tránh ảnh hưởng tới thị trường. Tuy nhiên, động thái này đã tiếp thêm lực cho chứng khoán, trong nhiều bản tin của nhiều công ty chứng khoán khi đó, đề cập đến diễn biến tích cực của thị trường trong một số phiên đã mô tả “nhờ tác động SCIC mua vào”. Lãnh đạo SCIC sau này trong một số cuộc họp khi được giới báo chí tài chính đặt câu hỏi về đợt đầu tư đó đã không chia sẻ nhiều nhưng tiết lộ đó là khoản “đầu tư có lãi”. Còn lần này thì sao?
Theo báo cáo tài chính bán niên 2019 được SCIC công bố, SCIC sở hữu tiền và đầu tư ngắn hạn là 31.658,4 tỷ đồng, chiếm 55,6% tổng tài sản. Đây là nguồn lực lớn nếu NĐT của Chính phủ có động thái hỗ trợ thị trường, tạo vốn mồi cho các dòng tiền nhàn rỗi đang tìm kiếm cơ hội đầu tư.
Một yếu tố nữa giúp hỗ trợ thị trường vẫn là làn sóng đăng ký mua vào của các cổ đông lớn. Đơn cử mới đây, NĐT ngoại là Tập đoàn F&N đăng ký mua vào tới 17,5 triệu cổ phiếu VNM; bà Mai Kiều Liên – Chủ tịch VNM cũng đăng ký mua vào cổ phiếu này…
Trong thư gửi tới các NĐT mới đây, lãnh đạo VinaCapital cho biết, quỹ này cũng như một số quỹ khác như PYN đã chọn dịp này để tái cơ cấu danh mục đầu tư. Các cổ phiếu của DN đầu ngành, DN có nền tảng cơ bản tốt, có khả năng bật mạnh trở lại sau đại dịch được nhìn nhận sẽ là những cơ hội đáng chú ý với các NĐT.
Không dễ để đoán được thị trường tới đây sẽ diễn biến ra sao vì chưa thể trả lời được bao giờ đại dịch Covid-19 sẽ được khống chế trên toàn cầu. Vào ngày giao dịch đầu tiên trong tuần này, VN-Index tăng điểm lần thứ 4 liên tiếp sau khi tạo đáy tại vùng giá 650 điểm. Có những cổ phiếu dư mua vẫn lớn nhưng một số lại có dư mua ít dần. Điều này cho thấy khả năng sẽ có sự phân hóa vào những phiên sau. Rất có thể trong các phiên giao dịch tới, cung lớn lại xuất hiện, đẩy điểm số đi xuống. Bởi thế, NĐT nếu bỏ tiền vào thị trường thời điểm này sẽ cần đến sự bản lĩnh để theo đuổi cuộc chơi và đầu tư đường dài. – Trưởng phòng Phân tích CTCK Rồng Việt Hoàng Thạch Lân
Thảo Nguyên
Vừa đầu tư chứng khoán vừa hóng dịch
Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng như toàn cầu có phiên giảm mạnh trong ngày 9-3 nhưng đã hồi phục trong ngày 10-3
Trong phiên ngày 10-3, VN-Index đã hồi phục, đóng cửa ở mức 837,5 điểm, tăng 2,01 điểm so với phiên trước đó. Trong khi đó, VN30-Index tăng đến 6,66 điểm, lên 789, 51 điểm; HNX-Index giảm chỉ 0,14 điểm, còn 106,2 điểm. Tổng giá trị giao dịch 2 sàn phiên này tuy có giảm nhẹ so với phiên trước nhưng vẫn trên 5.800 tỉ đồng. Nhiều mã vốn hóa lớn tăng điểm trở lại.
Vẫn có nhà đầu tư thu lãi
Về việc nên mua vào, nắm giữ hay bán ra trong giai đoạn này, chuyên gia chứng khoán Phan Dũng Khánh cho rằng nhà đầu tư có thể xác định mình thuộc "gu" nào của thị trường. Nếu là nhà đầu tư chấp nhận rủi ro cao, thích lướt sóng thì mua vào các cổ phiếu giá thấp (penny) và thị trường chứng khoán phái sinh. Bởi thực tế, ngay cả phiên giảm mạnh hôm 9-3, vẫn có nhiều nhà đầu tư kiếm được lợi nhuận trong lúc nhiều nhà đầu tư khác phát hoảng.
Tuy biến động mạnh nhưng giá trị giao dịch trên thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn ở mức cao Ảnh: Tấn Thạnh
Còn nếu hợp với "gu" cổ phiếu bluechips thì nên đứng ngoài thị trường, chờ thêm, đồng thời xem đây là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, ưu tiên giữ tiền mặt, chỉ nên bán lúc thị trường bật lại để tránh thua lỗ.
Nhận định thị trường chứng khoán trong vài ngày tới, theo ông Phan Dũng Khánh, mức hỗ trợ tốt nhất là ngưỡng 820-830 điểm của VN-Index. Đây là mức hỗ trợ tốt nhất của thị trường trong hơn 2 năm qua. Nếu vùng này giữ tốt thì cơ hội phục hồi, đi lên sẽ vững hơn. Tuy nhiên, sự phục hồi ở đây chỉ là phục hồi trong xu hướng giảm chứ không phải đi lên từ mức giảm mạnh ở năm 2018 đến nay. Nếu vùng này không giữ được thì thị trường có thể xấu hơn. Những nhà đầu tư lướt sóng rất thích hợp với diễn biến thị trường trong giai đoạn này.
Một chuyên gia chứng khoán khác nhìn nhận chứng khoán Việt Nam đang giảm theo diễn biến tiêu cực của chứng khoán thế giới. Phiên giảm điểm kỷ lục 6,3% hôm 9-3 nếu so sánh với diễn biến các sàn châu Á thì lại không có gì bất thường. Quan trọng hơn, những diễn biến như thế cho thấy sự sợ hãi và bán tháo không phụ thuộc vào đặc tính của thị trường, phát triển hay mới nổi, cá nhân hay tổ chức là đa số... Hiện tại, dự báo nói chung vẫn cho thấy rủi ro, chứng khoán thế giới còn rủi ro (giảm) và như vậy, VN-Index vẫn còn bị ảnh hưởng. Điều căn bản kéo chứng khoán hồi phục thực sự vào lúc này là tin tức về việc khống chế dịch bệnh Covid-19.
Nhưng dựa vào giá trị giao dịch mấy ngày qua thì thấy vẫn còn nhiều nhà đầu tư Việt Nam nhìn thị trường với sự lạc quan, họ chấp nhận "bắt dao rơi". Hôm 9-3, VN-Index giảm mạnh nhưng nhiều mã tiếp tục đà tăng như QCG, AMD, L18, DNM..., tức là vẫn có người thắng trên thị trường.
Với những nhà đầu tư thích bắt đáy như vậy, thị trường đang có quá nhiều mã để chọn. Thời điểm này, nhìn chung ngành nào cũng có mã để lướt sóng.
Tránh bán tháo không cần thiết
Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán nhà nước, nhận định phiên 9-3 thị trường giảm mạnh cũng dễ hiểu, vì nhiều thông tin không tốt xuất hiện cùng lúc. Đặc biệt là tin liên quan đến người nhiễm Covid thứ 17 sống ở TP Hà Nội. Dù vậy, trong phiên 10-3, thị trường đã nhận được tín hiệu lạc quan hơn khi thị trường future (tương lai) của các nước đã tăng mạnh, cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã ổn định, không còn hoang mang. Đặc biệt, thị trường chứng khoán một số nước châu Âu tăng gần 5%. Còn thị trường chứng khoán châu Á, tình hình cũng đã ổn hơn. Trong sáng 10-3, thị trường không giảm sâu sau phiên giảm mạnh của thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo ông Trần Văn Dũng, những phiên chứng khoán sau Tết, nhất là phiên đầu tuần này, giảm mạnh là do có nhiều thông tin không tốt, nhất là mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu. Số người nhiễm trong nước tăng lên. Bên cạnh đó, giá dầu thế giới giảm mạnh, chạm đáy năm 2016. Cùng với đó, Chính phủ Nhật Bản công bố số liệu kinh tế năm 2019 xấu hơn dự báo, làm gia tăng lo ngại kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái. Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã giảm lãi suất khẩn cấp và giới đầu tư cũng cho rằng FED sẽ tiếp tục hạ lãi suất trong cuộc họp vào ngày 17-3 tới đây. Tín hiệu này cho thấy có sự lo ngại cho sự suy thoái kinh tế Mỹ.
Trong giai đoạn hiện tại, ông Trần Văn Dũng đánh giá tổn thương của doanh nghiệp là khó tránh nhưng về trung và dài hạn, các gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ phần nào giúp doanh nghiệp sớm khôi phục sản xuất - kinh doanh. "Chúng tôi mong rằng các doanh nghiệp, tổ chức tài chính trung gian và nhà đầu tư cần vững tin vào nội lực nền kinh tế, vào các giải pháp của Chính phủ, cũng như sức bền của thị trường chứng khoán, tránh những phiên bán tháo không cần thiết. Dòng tiền có thể tạm thời đứng ngoài thị trường nhưng sẽ ổn định trở lại. Điều quan trọng là nền tảng kinh tế của chúng ta ổn định nên sẽ thu hút nhà đầu tư trở lại dù dòng vốn đang co cụm. Việt Nam vẫn là điểm sáng trong đầu tư khi dịch bệnh được kiểm soát" - ông Dũng nhận định.
Sơn Nhung
Theo NLD.com.vn
Trong 1 thập kỷ qua, tăng trưởng VN-Index chỉ đạt bình quân 6,4%/năm FiinGroup cho rằng trong bối cảnh các chỉ sỗ kinh tế vĩ mô phát triển và dự kiến duy trì tốt thì mức tăng trưởng bình quân 6,4%/năm trong 10 năm qua là nỗi thất vọng của giới đầu tư. Thị trường chứng khoán thường được xem là kênh đầu tư hấp dẫn với kỳ vọng tăng trưởng vượt xa lãi suất ngân...