Chứng khoán phái sinh: Khối lượng giao dịch tăng tới gần 64% trong tháng 10
Thị trường chứng khoán cơ sở khó khăn, nhà đầu tư gia tăng tìm kiếm cơ hội kiếm lời trên thị trường chứng khoán phái sinh. Các công ty chứng khoán không bỏ lỡ cơ hội này để thu hút khách hàng.
Khối lượng giao dịch chứng khoán phái sinh trong tháng 10 tăng tới gần 64% so với tháng trước đó. Nguồn: internet
Những diễn biến không thuận lợi của thị trường chứng khoán cơ sở trong tháng 10 làm cho việc kiếm lời trên thị trường này trở nên khó khăn hơn. Ngay cả các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp như các quỹ đầu tư chứng khoán hay khối tự doanh của các công ty chứng khoán cũng gặp muôn vàn khó khăn. Đây cũng là tình trạng của các nhà đầu tư cá nhân. Chính vì thế mà nhiều nhà đầu tư cá nhân đã chuyển sang thị trường chứng khoán phái sinh để tìm kiếm cơ hội kiếm lời.
Theo thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), trong tháng 10 khối lượng giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh đạt 2.551.535 hợp đồng, tăng tới 63,85% so với tháng trước. Tính bình quân, khối lượng giao dịch đạt 110.936 hợp đồng mỗi phiên, tăng 35,35% so với tháng trước.
Khối lượng mở (OI) toàn thị trường tăng 26,08% so với tháng trước. Tính đến cuối ngày 31/10/2018 khối lượng OI toàn thị trường đạt 18.426 hợp đồng.
Số lượng tài khoản phái sinh vẫn tiếp tục tăng. Tại thời điểm cuối tháng 10, số lượng tài khoản giao dịch phái sinh đạt 50.956 tài khoản, tăng 9,45% so với tháng 9.
Thống kê của HNX cũng cho thấy, hoạt động giao dịch vẫn tập trung chủ yếu ở các nhà đầu tư cá nhân trong nước (98,83%). Sự tham gia của nhà đầu tư tổ chức trong nước chỉ chiếm khoảng 1% khối lượng giao dịch toàn thị trường, trong đó hoạt động tự doanh của các công ty chứng khoán tăng gần gấp đôi so với tháng 9, chiếm 0,6% khối lượng giao dịch. Giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài chiếm 0,17% tổng khối lượng giao dịch toàn thị trường.
Từ miễn phí giao dịch tới nâng cấp hệ thống giao dịch
Video đang HOT
Để cạnh tranh thu hút nhà đầu tư mở và kích hoạt tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh tại công ty mình, các công ty chứng khoán đã áp dụng nhiều chính sách hấp dẫn, đặc biệt là phí giao dịch. Kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động 1 năm trước, mức phí giao dịch đã được các công ty giảm liên tục. Giờ đây đã có không ít công ty áp dụng mức phí giao dịch quanh mức 5.000 đồng/hợp đồng đối với loại mở/đóng vị thế trong ngày. Thậm chí có công ty như Công ty chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) đã miễn phí giao dịch phái sinh đối với toàn bộ khách hàng. Ngoài ra, để kích thích khách hàng giao dịch phái sinh, công ty này còn đưa ra chương trình giảm phí giao dịch cơ sở khi khách hàng giao dịch chứng khoán phái sinh từ ngày 10/10 cho đến hết ngày 31/12 năm nay.
Bên cạnh đó các công ty còn gia tăng đầu tư cho việc cải thiện, nâng cấp hệ thống giao dịch. Từ trước tới nay, trong số các công ty chứng khoán thì VNDirect, HSC hay Techcombank Securities là những công ty được nhà đầu tư đánh giá cao về mức độ chịu chi cho đầu tư vào hệ thống giao dịch. Tuy nhiên, gần đây VPBS cho thấy họ đang đầu tư mạnh vào công nghệ, tiên phong áp dụng công nghệ mới để cải thiện hệ thống giao dịch nhằm cung cấp cho nhà đầu tư những tiện ích và trải nghiệm đầu tư thú vị.
Bên cạnh việc giới thiệu ứng dụng giao dịch chứng khoán dành cho điện thoại di động thông minh là SmartOne, cho phép giao dịch cả chứng khoán cơ sở và chứng khoán phái sinh, VPBS mới đây cũng đã nâng cấp thành công hệ thống giao dịch hometrade dành cho chứng khoán phái sinh.
Theo anh Nguyễn Văn Toàn, một nhà đầu tư chứng khoán đã từng sử dụng hệ thống giao dịch của nhiều công ty chứng khoán lớn trên thị trường, dường như hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh chuyên biệt hometrade của VPBS hiện đạt tốc độ nhanh nhất trên thị trường và do vậy tốc độ đặt lệnh nhanh (có thể đặt lệnh bằng cách cài phím tắt), bên cạnh những yếu tố quan trọng khác là đồ thị phân tích kỹ thuật tốt và hiển thị thông tin 10 giá (dư mua, dư bán), thông tin lãi lỗ realtime trên cùng một màn hình, giúp việc đưa ra quyết định mua bán nhanh .
Theo Ngọc Trâm/nhadautu.vn
Chứng khoán ngày 8/11: Giao dịch cầm chừng, thị trường đi ngang?
Các chỉ số về xung lượng thị trường RSI, ADX, MACD ở vùng quá bán có xu hướng hướng lên xác nhận nhịp phục hồi. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp cộng với tình trạng giao dịch cầm chừng là yếu tố khiến cho chỉ số VN-Index đi ngang trong các phiên giao dịch tiếp theo.
Chứng khoán Mỹ tăng điểm
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh trong phiên giao dịch thứ tư (7/11) sau khi các Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ làm việc với đảng Dân chủ sau khi đảng Cộng hòa nhượng quyền kiểm soát Hạ Viện sau cuộc bầu cử giữa kỳ. Các cổ phiếu công nghệ nhóm FANG và y tế tăng mạnh kéo thị trường chung tăng điểm.
Đóng cửa phiên giao dịch thứ tư (7/11), chỉ số Dow Jones tăng 545,29 điểm ( 2,13%) lên mốc 26.180 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 58,44 điểm ( 2,12%) lên 2.814 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 194,79 điểm ( 2,64%) lên mốc 7.571 điểm.
Giá dầu WTI giảm trong phiên giao dịch ngày thứ tư (7/11) và đóng cửa ở mốc 61,67 USD/ thùng (-1%). Giá dầu Brent đóng cửa ở mốc 72,11 USD/ thùng (-0,03%). OPEC và cuộc chiến dầu đá phiến của Hoa Kỳ đã quay trở lại, đưa sự không chắc chắn mới vào các thị trường dầu thô trong bối cảnh giá dầu thô và các lệnh trừng phạt đối với hàng xuất khẩu của Iran giảm trong 8 tháng.
Biên độ giao động co hẹp, thị trường đi ngang
Thị trường chung xuất hiện áp lực điều chỉnh ở phiên giao dịch buổi sáng kéo dài sang đầu phiên chiều, nhịp phục hồi xuất hiện ở cuối phiên giao dịch với đà dẫn dắt của nhóm cổ phiếu large cap, bất động sản. Thanh khoản toàn thị trường vẫn ở mức thấp với tâm lý dè chừng, lực cầu bắt đáy chưa thực sự xuất hiện.
Nhóm cổ phiếu large cap tiếp tục kéo chỉ số VN-Index phục hồi ở cuối phiên với các cổ phiếu dẫn dắt là: VNM, VHM, SAB, VIC, MSN, MWG. Ở chiều ngược lại, đà bán vẫn tập trung ở các cổ phiếu vốn hóa lớn như: GAS, FPT, PLX, PNJ, ROS, VJC.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng trở nên phân hóa, các cổ phiếu tiếp tục duy trì đà tăng là: BID, HDB, STB, TCB, TPB, VIB trong khi các cổ phiếu giảm giá và đóng cửa trong sắc đỏ là: ACB, EIB, VCB, VPB. Các cổ phiếu MBB, LPB, SHB, CTG đóng cửa ở mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu dầu khí trở lại đà giảm giá, các cổ phiếu đồng loạt đóng cửa giảm điểm với đà bán tập trung vào các cổ phiếu: GAS, PVB, PVC, PVD, POW, OIL, BSR. Đà giảm của giá dầu thô tiếp tục ảnh hưởng tiêu cực đến nhóm cổ phiếu dầu khí.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán giao dịch cầm chừng với xu hướng đi ngang của thị trường chung, các cổ phiếu đầu ngành chứng khoán như: HCM, SSI, VCI, MBS đóng cửa trong sắc đỏ, VND và SHS đóng cửa ở mốc tham chiếu.
Nhóm cổ phiếu bất động sản giao dịch tích cực và thu hút dòng tiền với lực cầu tập trung ở các cổ phiếu: CII, VGC, QCG, NLG, LCG, NBB, LDG.
Khối ngoại mua ròng 89,2 tỷ đồng trên HOSE và bán ròng 3,8 tỷ đồng trên HNX. Các mã cổ phiếu tiếp tục chịu áp lực bán của khối ngoại là VIC (bán ròng 25 tỷ đồng), HBC (bán ròng 16,31 tỷ đồng), GAS (bán ròng 16,20 tỷ đồng), BCG (bán ròng 7,17 tỷ đồng), DHG ( bán ròng 6 tỷ đồng). Ở chiều mua, khối ngoại mua ròng MSN (mua ròng 42,14 tỷ đồng), VNM (mua ròng 34,24 tỷ đồng), STB (mua ròng 30,24 tỷ đồng), HPG (mua ròng 19,21 tỷ đồng), GMD (mua ròng 14,23 tỷ đồng).
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ tư (7/11), chỉ số VN-Index đóng cửa tại mốc 922,16 điểm, tăng 0,11 điểm ( 0,01%), giá trị giao dịch đạt 3,1 nghìn tỷ đồng với 109 mã tăng giá, 63 mã tham chiếu và 167 mã giảm giá. Chỉ số HNX-Index đóng cửa tại mốc 104,20 điểm, giảm 0,36 điểm (-0,34%), giá trị giao dịch đạt 423,04 tỷ đồng với 59 mã tăng, 61 mã tham chiếu, 72 mã giảm. Chỉ số Upcom-Index đóng cửa tại mốc 51,57 điểm, giảm 0,07 điểm (-0,13%) với giá trị giao dịch đạt 171,88 tỷ đồng.
Trên phương diện kỹ thuật, chỉ số VN-Index đóng cửa với cây nến Doji thể hiện tâm lý giằng co giữa bên mua và bên bán. Các chỉ số về xung lượng thị trường RSI, ADX, MACD ở vùng quá bán có xu hướng hướng lên xác nhận nhịp phục hồi. Tuy nhiên, thanh khoản ở mức thấp cộng với tình trạng giao dịch cầm chừng là yếu tố khiến cho chỉ số VN-Index đi ngang trong các phiên giao dịch tiếp theo.
Chứng khoán phái sinh
Ở thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai phái sinh chỉ số VN30-Index biến động trái chiều. Hợp đồng tháng 11/2018 (VN30F1811) đóng cửa ở mốc 894,8 điểm và hợp đồng tháng 12/2018 (VN30F1812) đóng cửa ở mốc 894,9 điểm, hợp đồng tháng 3/2019(VN30F1903) đóng cửa ở mốc 893,5 điểm, hợp đồng tháng 6/2019( VN30F1906) đóng cửa ở mốc 894,6 điểm.
Các cổ phiếu trong nhóm VN30-Index tiếp tục xu hướng giảm và các hợp đồng tương lai vẫn đang giao dịch thấp hơn so với chỉ số cơ sở VN30-Index cho thấy các traders vẫn e ngại với nhịp phục hồi của chỉ số VN-Index trong ngắn hạn. Nhà đầu cơ nên đứng ngoài quan sát và chờ đợi các hợp đồng phái sinh thể hiện xu hướng rõ ràng trước khi tham gia giao dịch trong ngắn hạn.
THÀNH LONG
Theo thegioitiepthi.vn
Chứng khoán phái sinh: "Tay to ra trận"? Thị trường cơ sở biến động mạnh tạo cơ hội kiếm lời trên thị trường phái sinh, khiến thanh khoản trên thị trường này tăng vọt. Nhiều ý kiến cho rằng, đóng góp không nhỏ vào thanh khoản gần đây là các "tay to". Tuy rủi ro giao dịch chứng khoán phái sinh rất lớn, nhưng điểm hấp dẫn là có thể kiếm...