Chứng khoán ngày 28/7: Có nên nắm giữ cổ phiếu GIL, PNJ, LTG?
Một số mã cổ phiếu nhà đầu tư cần chú ý trước phiên giao dịch 28/7.
Ngưỡng hỗ trợ của GIL nằm tại mốc 18.500 đồng/cp
CTCK Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BSC):GIL thời gian qua đã tích lũy ngắn hạn tại xung quanh ngưỡng 18.000 đồng/cp sau khi có sự điều chỉnh từ vùng đỉnh 21.500 đồng/cp.
Thanh khoản cổ phiếu phiên hôm nay tăng cao đã giúp GIL đóng cửa ở mức trần, qua đó trở thành một trong số ít cổ phiếu không rơi vào xu thế bán tháo của thị trường chung. Các chỉ báo kỹ thuật hiện đang nghiêng về trạng thái tích cực.
Chỉ báo động lượng RSI đang tăng dần và còn cách khá xa vùng quá mua nên động lực tăng có thể được duy trì trong ngắn hạn.
Ngưỡng hỗ trợ gần nhất của GIL nằm tại mốc 18.500 đồng/cp. Mục tiêu chốt lãi của cổ phiếu nằm tại xung quanh giá 20.500 đồng/cp, cắt lỗ nếu ngưỡng 17.500 đồng/cp bị xuyên thủng.
Khuyến nghị mua PNJ
CTCK Bản Việt (VCSC): Khuyến nghị mua cho PNJ khi cho rằng lợi thế cạnh tranh mạnh mẽ của PNJ sẽ dẫn dắt tăng trưởng lợi nhuận gia tăng sau năm 2020 – đặc biệt các rủi ro gián đoạn kinh doanh đến từ dịch COVID-19 hiện đã suy yếu tại Việt Nam – dù khả năng tăng trưởng chi tiêu của người tiêu dùng trong nước hạ nhiệt.
Điều chỉnh giảm tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2020-2022 thêm 4% do dự báo biên lợi nhuận gộp mảng bán lẻ thấp hơn khi môi trường vĩ mô hiện chưa rõ ràng dẫn đến chuyển đổi nhu cầu từ các mặt hàng trang sức đá quý có biên lợi nhuận cao hơn sang mặt hàng trang sức có hàm lượng vàng cao.
Chú ý cổ phiếu nào phiên 28/7?
Tuy nhiên tăng giá mục tiêu thêm 18% do loại bỏ mức chiết khấu định giá 30% đã áp dụng trước đây trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát tại Việt Nam, phần nào bù đắp bởi dự báo lợi nhuận thấp hơn cũng như chi phí vốn chủ sở hữu.
Rủi ro: mức phục hồi thấp hơn dự kiến trong chi tiêu không thiết yếu sau năm 2020; tiến độ mở rộng cửa hàng chậm hơn dự kiến; cạnh tranh gia tăng.
Khuyến nghị tích luỹ LTG với giá 22.300 đồng/cp
Video đang HOT
CTCK Rồng Việt (VDSC): Việc cơ cấu lại mảng gạo từ nửa cuối năm 2019 (ngừng bán gạo không thương hiệu, tập trung vào gạo có thương hiệu) đã giúp CTCP Tập đoàn Lộc Trời (UPCoM: LTG) thu hẹp quy mô hàng tồn kho.
Bên cạnh đó, LTG đang nỗ lực siết chặt chính sách thu nợ với các đơn vị phân phối thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), từ đó giúp giá trị khoản phải thu giảm.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, VDSC nhận thấy việc tinh giảm hàng tồn kho và khoản phải thu chủ yếu do doanh thu sụt giảm thay vì cải thiện vòng quay hàng tồn kho hay khoản phải thu. Điểm tích cực trong năm nay là nợ vay ngắn hạn sẽ giảm, giúp giảm chi phí lãi vay và rủi ro đòn bẩy tài chính.
Về tình hình sản xuất và kinh doanh, VDSC dự kiến doanh thu và lợi nhuận của LTG sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực trong nửa đầu năm và sẽ hồi phục trở lại từ quý 3 năm nay.
VDSC dự phóng LTG có thể đạt 6.917 tỷ đồng doanh thu thuần (giảm 16,8% so với năm trước) và 283 tỷ đồng lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ (giảm 14,3%) trong năm 2020.
VDSC đánh giá cao nỗ lực cải thiện chất lượng quản lý hàng tồn kho và khoản phải thu mà LTG đã bắt đầu rốt ráo thực hiện từ nửa cuối năm 2019. Mặc dù điều kiện kinh doanh không thuận lợi trong nửa đầu năm 2020 có thể làm chậm lại quá trình tái cấu trúc này, VDSC kỳ vọng hiệu quả quản lý vốn lưu động cũng như chất lượng khoản phải thu sẽ có sự cải thiện trong các năm tiếp theo.
Ngoài ra, VDSC kỳ vọng kết quả kinh doanh của LTG sẽ bắt đầu cải thiện từ quý 3/2020 theo cùng đà hồi phục của ngành nông nghiệp. Do đó, giai đoạn thấp điểm về kết quả kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có thể bắt đầu quan sát LTG và có thể cân nhắc tích lũy nếu giá cổ phiếu giảm về vùng hấp dẫn.
Qua đó, VDSC khuyến nghị tích lũy LTG với giá mục tiêu 22.300 đồng/cp.
Thị trường cuối năm: Lạc quan lớn hơn lo ngại
Kết quả kinh doanh quý II dự kiến kém khả quan, cùng nguy cơ bùng phát dịch Covid-19 thứ hai trên toàn cầu khả năng sẽ kìm hãm thị trường chứng khoán, nhưng thị trường vẫn có các điểm tựa.
Xu hướng thận trọng
Theo Công ty Chứng khoán Rồng Việt, trong tháng 7, rủi ro bùng phát đợt dịch Covid-19 thứ hai trên toàn cầu đang gia tăng trước tình trạng phát sinh nhiều ca nhiễm mới và tăng cao kỷ lục.
Công ty này cho rằng, nhà đầu tư sẽ không phản ứng quá cực đoan (nếu thực sự có đợt bùng phát dịch thứ hai) như đã phản ứng trong đợt bùng phát cuối tháng 3, nhưng thận trọng hơn khi đưa ra quyết định đầu tư, nhất là khi thị trường đi vào vùng trống thông tin hỗ trợ trong tháng 8.
Vì vậy, nhà đầu tư nên để dành một phần sức mua cho trường hợp xảy ra kịch bản xấu hơn. Chiến lược ngắn hạn trong mùa công bố kết quả kinh doanh quý II là giải ngân trong các nhịp điều chỉnh và hiện thực hóa lợi nhuận trong các phiên tăng điểm.
Một diễn biến đáng chú ý là các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất huy động trong bối cảnh nhu cầu vốn cho hoạt động kinh tế duy trì ở mức thấp, một mặt giúp các ngân hàng giảm chi phí vốn, song cũng sẽ kích thích dòng tiền dịch chuyển sang các kênh đầu tư, gồm chứng khoán và bất động sản.
Dự báo kết quả kinh doanh quý II
Số liệu tổng hợp từ kế hoạch kinh doanh năm 2020 của 638 doanh nghiệp đại diện cho 84% vốn hóa trên hai sàn HOSE và HNX cho thấy, các chủ doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trung vị sẽ giảm 2% so với năm 2019. Trong đó, tăng trưởng lợi nhuận trung vị từ sàn HNX và HOSE giảm lần lượt khoảng 0,2% và 6% so với năm 2019.
Riêng đối với nhóm VN30, tăng trưởng lợi nhuận trung vị giảm khoảng 11% so với năm 2019. Chỉ có 9/28 doanh nghiệp trong 30 doanh nghiệp thuộc VN30 đặt kế hoạch lợi nhuận dương, trong khi một nửa số doanh nghiệp cho rằng, lợi nhuận sẽ giảm hơn 10% trong năm 2020.
Kết quả chênh lệch giữa lợi nhuận thực tế so với kế hoạch hai năm 2018 và 2019 của các doanh nghiệp trong VN30 cho thấy, phần lớn các công ty có xu hướng vượt kế hoạch, tuy nhiên, chênh lệch giữa thực tế và kế hoạch là không đáng kể.
Rồng Việt nhận định, mùa công bố kết quả kinh doanh quý II/2020 sẽ có sự phân hóa giữa các nhóm ngành.
Trong đó, các doanh nghiệp chủ yếu hoạt động kinh doanh trong nước sẽ có kết quả tốt hơn so với những công ty xuất khẩu.
Các ngành hàng tiêu dùng và tiện ích công cộng sẽ phục hồi nhanh hơn so với nhóm ngành dệt may, hàng không, cảng. Đối với các công ty xây dựng và bất động sản, mùa kinh doanh thường rơi vào quý III hoặc quý IV.
Vì vậy, các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành này khó ghi nhận kết quả khả quan trong quý II. Đối với ngành ngân hàng, kết quả hoạt động quý II có thể chứa đựng sự bất ngờ.
Thu nhập lãi ròng thấp (do tăng trưởng tín dụng thấp) có thể được bù bởi chi phí dự phòng thấp (nếu ngân hàng trì hoãn ghi nhận dự phòng cho các khoản vay).
Tuy nhiên, đây chỉ là bút toán kế toán. Ngành ngân hàng khó có thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực trong bối cảnh các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung có những khó khăn vì dịch bệnh.
Nhận định thị trường cuối năm
Nhìn nhận chung về thị trường cuối năm, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, có nhiều yếu tố hỗ trợ thị trường trong nửa sau năm 2020 như khối nhà đầu tư nước ngoài có thể quay trở lại mua ròng nhờ nền tảng vĩ mô ổn định và triển vọng tăng trưởng trung hạn tích cực; thị trường Việt Nam có thể được nâng tỷ trọng trong nhóm thị trường cận biên của MSCI sau khi Kuwait được nâng hạng lên nhóm thị trường mới nổi...
Hiện tại, định giá theo P/B của thị trường chứng khoán Việt Nam cao hơn so với khu vực, nhưng định giá theo P/E lại thấp hơn. P/E của VN-Index đang ở mức 14,2 lần, thấp hơn so với mức đầu năm 2020 là 15,1 lần.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác hỗ trợ thị trường chứng khoán như Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành trong nửa sau năm 2020 để giảm chi phí đi vay của doanh nghiệp, từ đó kích thích dòng tiền đầu tư nội quay trở lại thị trường chứng khoán; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU dự kiến có hiệu lực từ 1/8 tới sẽ thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào EU.
Ngoài ra, Chính phủ sẽ đẩy mạnh thoái vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp nhà nước, nổi bật là tại Sabeco.
Tuy vậy, thị trường vẫn có những yếu tố bất định như làn sóng thứ hai của đại dịch Covid-19 có thể phủ bóng đen lên triển vọng kinh doanh của các công ty niêm yết, đặc biệt trong lĩnh vực tiêu dùng, hay căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, hoặc cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong quý IV/2020 có thể gây ra sự kiện "thiên nga đen" cho thị trường chứng khoán toàn cầu.
VNDIRECT kỳ vọng, với ước tính lợi nhuận năm 2020 các doanh nghiệp trên HOSE chỉ giảm 5 - 6% so với năm 2019, VN-Index có thể duy trì ở mức định giá hiện tại (P/E 2020F trong khoảng 14 - 15 lần), điểm số trong khoảng 840 - 920 điểm vào cuối năm.
Công ty đưa ngành ngân hàng vào danh sách theo dõi do đây là ngành nhạy cảm với biến động lãi suất và cho rằng, một số ngành có thể phục hồi mạnh trong nửa cuối năm bao gồm tiêu dùng, bán lẻ, điện, hàng không, công nghệ..., nhà đầu tư có thể mua vào trong những nhịp điều chỉnh.
Trong khi đó, chuyên gia của Công ty Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, thị trường chứng khoán tháng 7 sẽ khả quan hơn so với tháng 6 do đợt điều chỉnh gần đây với khối lượng giao dịch giảm dần giống như giai đoạn tích luỹ.
Do đó, KIS kỳ vọng, VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng hoặc ngừng giảm, ít nhất là trong tháng 7. Tuy nhiên, thị trường có thể trở nên "rung lắc" vào cuối tháng, vì kết quả kinh doanh quý II của các công ty niêm yết có thể tạo ra nhiều bất ngờ.
Theo KIS, trong nửa cuối năm nay, thanh khoản dồi dào sẽ định giá lại toàn thị trường. Lãi suất tiết kiệm thấp sẽ dẫn đến mức định giá P/E cổ phiếu cao hơn, vì đây là những công cụ đầu tư thay thế, điều này có thể thấy rõ trong giai đoạn 2009 - 2015.
Trong khi nền kinh tế Việt Nam hiện ít bị tổn thương hơn so với giai đoạn khủng hoảng 2007 - 2008, thì khoảng cách giữa lợi tức cổ phiếu (P/E đảo ngược) với lãi suất tiết kiệm đang ở mức cao kỷ lục so với các con số âm của năm 2008 - 2012.
Bên cạnh đó, một nửa thời gian trong số 12 năm qua, việc định giá lại là yếu tố chính dẫn dắt VN-Index cả trong giai đoạn thị trường tăng và giảm.
Do đó, KIS nhận định, VN-Index có thể sẽ kết thúc năm nay ở mức 900 - 1.000 điểm, với giả sử EPS giảm 9% và chỉ số giao dịch với mức định giá P/E cao hơn so với mức trung bình năm 2019 là 16,4 lần.
Chứng khoán ngày 8/7: SAB duy trì "phong độ" giúp VN-Index tiếp tục xanh Thị trường chứng khoán ngày 8/7: Sau những nhịp tăng giảm đan xen, VN-Index may mắn giữ được sắc xanh nhạt nhờ lực đỡ chính từ cổ phiếu SAB. Chỉ số VN-Index tăng nhẹ hơn 1 điểm sau phiên giao dịch ngày 8/7. Khép lại phiên giao dịch ngày 8/7, chỉ số VN-Index tăng nhẹ 1,08 điểm (tương đương 0,13%) lên 864,5 điểm....