Chứng khoán ngày 15/1: Thanh khoản dần cạn kiệt
Thanh khoản yếu mang tính chu kỳ đang là yếu tố chính kìm hãm thị trường vượt qua 970 điểm.
Sau phiên giảm đầu tuần, chứng khoán trong nước trở lại sắc xanh trong phần lớn thời gian giao dịch. Khối ngoại có phiên mua ròng khá mạnh khi dòng tiền tập trung vào CTG, qua đó trở thành lực cầu cùng những cổ phiếu trụ như HPG, VPB, MBB… đưa VN-Index lên mốc 967 điểm.
Độ rộng toàn thị trường và rổ VN30 đều nghiêng về bên bán với chênh lệch không quá nhiều. Giá trị khớp lệnh tăng 15% nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình 20 phiên gần nhất, chứng tỏ thanh khoản đang dần cạn kiệt trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Thanh khoản yếu mang tính chu kỳ đang là yếu tố kìm hãm thị trường vượt qua 970 điểm, dù chỉ số đã tiệm cận ngưỡng này nhiều lần trong phiên. Tâm lý thận trọng trước thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý IV/2019 và nghỉ lễ có thể làm thanh khoản tiếp tục teo tóp từ nay đến cuối tuần.
Thậm chí, thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền được giới quan sát dự báo là nguyên nhân then chốt khiến thị trường điều chỉnh trở lại. “VN-Index có thể lui về xung quanh 960 điểm nếu kịch bản này xuất hiện. Tuy nhiên, rủi ro giảm sâu không quá đáng ngại”, nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Tân Việt (TVSI) nhận định.
Video đang HOT
Đồng quan điểm, bản tin tối của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng thị trường hôm nay sẽ chịu áp lực giảm điểm về vùng hỗ trợ 960-963 điểm trước khi hồi phục trong phiên kế tiếp. Việc hợp đồng tương lai tháng 1 đáo hạn vào thứ 5 tuần này nhiều khả năng tạo ra những biến động mạnh với thị trường.
Để tạo ra nhịp tăng mới, VN-Index cần phải bứt qua vùng kháng cự 970-972 một cách thuyết phục. Thông tin tích cực để thị trường dựa vào trong lúc này là Mỹ và Trung Quốc ký thoả thuận giai đoạn 1 về chiến tranh thương mại. Các thị trường chứng khoán lớn tại Mỹ và châu Á có thể phản ứng tích cực, từ đó tác động đến tâm lý của nhà đầu tư Việt Nam.
“Nhà đầu tư nên xem xét tăng tỷ trọng cổ phiếu trong những phiên giao dịch cuối cùng trước Tết để có thể ở vị thế sẵn sàng khi thị trường đi lên sau đợt nghỉ lễ. Đồng thời, có thể tận dụng các phiên rung lắc kỹ thuật để mở vị thế mua vào các cổ phiếu tốt, có dự báo kết quả kinh doanh quý IV/2019 tăng trưởng và triển vọng năm nay khả quan”, nhóm phân tích của BVSC khuyến nghị.
Theo VNE
VNDIRECT: "Hầu hết lo ngại đã phản ánh vào giá, VN-Index có thể cán mốc 1.160 điểm trong năm 2020"
VNDIRECT dự báo VN-Index tăng 20,7% so với cuối năm 2019; dựa trên P/E 2020 là 15,3x, tương đương với mức P/E trượt hiện tại. Top ngành đầu tư của VNDIRECT là bán lẻ, F&B, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics.
CTCK VNDIRECT (VNDS) vừa công bố báo cáo chiến lược đầu tư năm 2020 với nhiều triển vọng tích cực với thị trường.
Cụ thể, VNDIRECT dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam đạt 6,8% trong năm 2020, trong đó lĩnh vực sản xuất tăng 10%; xuất khẩu tăng 8,5% và tiêu dùng trong nước tăng 8,5%. Lạm phát có thể cao hơn do giá thịt lợn tăng nhưng sẽ vẫn ở mức dưới 3,2%, tạo dư địa cho NHNN nới lỏng chính sách tiền tệ vào năm 2020.
VNDIRECT cho rằng áp lực giảm giá lên tiền đồng (VND) là không đáng kể nhờ thặng dư thương mại và nguồn dự trữ ngoại hối dồi dào. Mặc dù nhóm doanh nghiệp FDI vẫn tiếp tục là đầu tàu kinh tế, VNDIRECT nhận thấy lĩnh vực sản xuất ở khu vực tư nhân đang cất cánh với nhiều dự án lớn đang được triển khai.
Hầu hết các lo ngại đã phản ánh vào giá, VN-Index có thể đạt mốc 1.160 điểm
TTCK năm 2019 nhìn chung diễn biến không đồng pha với kinh tế vĩ mô. VNDIRECT nhận thấy hai áp lực chính lên TTCK năm ngoái bao gồm: tăng trưởng lợi nhuận của các DNNY thấp hơn dự báo và sự bùng nổ của thị trường TPDN với lợi suất cao đã phần nào thu hút dòng tiền.
Năm 2020, VNDIRECT ước tính lợi nhuận của các DNNY tăng 18%, cao hơn so với con số 13,7% của 2019. VNDIRECT cho rằng cần khoảng ít nhất 2 năm nữa, Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi trong MSCI, song tỷ trọng của cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Index kỳ vọng sẽ tăng lên sau khi Kuwait được nâng hạng, điều này giúp kích hoạt dòng vốn mới từ nước ngoài vào thị trường.
Về luận điểm đầu tư, VNDIRECT cho rằng nhóm ngành bán lẻ và thực phẩm & đồ uống (F&B) sẽ tiếp tục tỏa sáng trong bối cảnh tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh mẽ cùng với sự lạc quan của người tiêu dùng. Thứ hai, dưới sự hỗ trợ của chính sách, sự vươn lên của dòng vốn đầu tư tư nhân có thể giúp ngành sản xuất và công nghệ cất cánh trong năm 2020. Thứ ba, nhóm logistic và khu công nghiệp vẫn tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng FDI và dịch chuyển thương mại. Cuối cùng, chính sách tiền tệ nới lỏng linh hoạt cỏ thể sẽ đưa ngành ngân hàng vào tâm điểm đầu tư trong năm 2020.
VNDIRECT dự báo VN-Index tăng 20,7% so với cuối năm 2019; dựa trên P/E 2020 là 15,3x, tương đương với mức P/E trượt hiện tại. Top ngành đầu tư của VNDIRECT là bán lẻ, F&B, công nghiệp chế biến chế tạo và logistics. Top cổ phiếu khuyến nghị của VNDIRECT bao gồm: VRE, MWG, VNM, DBC, HPG, GMD, MBB và FPT.
VNDIRECT thấy rằng có ít rủi ro đối với TTCK, ngoại trừ suy thoái kinh tế toàn cầu và những bất ổn liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong khi, dư địa tăng trưởng cho thị trường bao gồm việc nâng hạng thị trường diễn ra sớm hơn dự kiến; một số thương vụ IPO đáng chú ý như Bamboo Airways, Maritime Bank thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Chứng khoán 30/12: Ngân hàng trở lại dẫn dắt, Penny tháo chạy Quan điểm về sự rút lui của dòng tiền khỏi các mã Penny đang càng được củng cố trong phiên sáng nay. Trong khi đó, VN-Index đang được Ngân hàng tiếp sức với 2 mã dẫn đầu là VCB và BID. Một loạt các cổ phiếu Penny như FIT (-6,96%), DCL (-7%), DAH (-7%), HVH (-6,83%) đều giảm sàn đầu phiên sáng nay...