Chứng khoán năm 2016: Kỳ vọng bứt phá
Trò chuyện với báo trước thềm năm mới, lãnh đạo các CTCK cho rằng, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng TTCK năm 2016 cũng đứng trước nhiều cơ hội mang lại từ hội nhập và hàng loạt chính sách mới được thực thi.
“Năm 2016, TTCK hội tụ nhiều yếu tố tich cực hơn”
Ông Mạc Quang Huy, Tổng giám đốc CTCK Maritime (MSI)
TTCK năm 2015 đã trải qua nhiều thách thức khi giá dầu thô giảm mạnh, tỷ giá USD/VND tăng 5%, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất và nhiều yếu tố tiêu cực khác. Tôi cho rằng, TTCK năm 2016 sẽ vẫn chịu sự tác động của các yếu tố trên, song mức độ tiêu cực sẽ giảm đi rất nhiều.
Áp lực tăng tỷ giá USD/VND trong năm 2016 là rất rõ ràng, nhưng mức độ biến động có thể bằng hoặc thấp hơn năm 2015 ( 5%), nhờ FDI vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt trong năm 2016 (năm 2015 giải ngân khoảng 14 tỷ USD), kiều hối dự báo tiếp tục tăng (năm 2015 đạt 12,2 tỷ USD) và dự trữ ngoại hối đủ bù đắp cho những áp lực tỷ giá.
Tôi cho rằng, các cải tiến thị trường mang tính kỹ thuật như thanh toán T 2, được mua bán chứng khoán cùng phiên, bán chứng khoán đang về tài khoản, nới room cho các NĐT nước ngoài hay các sản phẩm phái sinh dự kiến triển khai trong năm 2016 sẽ là những yếu tố quan trọng tác động tích cực đến thị trường, giúp tăng thanh khoản, tăng tính hấp dẫn cho thị trường, tăng vòng vốn quay và giảm chi phí giao dịch của các NĐT.
Tôi cũng kỳ vọng vào các yếu tố cơ bản như sự tăng trưởng của nền kinh tế, nới lỏng tăng trưởng tín dụng cũng như việc hoàn thành cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước sẽ kéo theo dòng tiền nước ngoài tham gia vào thị trường. Đặc biệt, nếu TTCK Việt Nam được nâng cấp từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi sẽ là động lực mới cho sự phát triển.
Về phía MSI, chúng tôi đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vốn, nhân sự, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu đổi mới cũng như các sản phẩm mới của thị trường.
“Chúng tôi sẵn sàng cho mọi sự thay đổi”
Ông Nguyễn Hoàng Giang, Tổng giám đốc CTCK VNDirect
TTCK Việt Nam trải qua một năm 2015 đầy thách thức, chịu tác động rất lớn từ các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, giá dầu. Theo cảm nhận của tôi, trong năm 2016, yếu tố tỷ giá vẫn sẽ là yếu tố mà các NĐT cần quan tâm. Tuy nhiên, với định hướng điều hành tỷ giá linh hoạt hơn của NHNN, thị trường sẽ hấp dẫn hơn trong mắt khối ngoại.
Về giá dầu, tôi kỳ vọng chu kỳ giảm của giá dầu thế giới sẽ dừng lại trong năm 2016. Nhiều doanh nghiệp dầu khí đang được thị trường định giá thấp và bước vào giai đoạn tạo đáy, do đó, sẽ không còn lo ngại nhiều về ảnh hưởng tiêu cực của nhóm cổ phiếu này tới thị trường.
Cùng với đó, năm 2016 với hàng loạt các quy định mới có hiệu lực như nới room, cho mua – bán cùng phiên, giảm thời gian thanh toán về T 2… sẽ mang tới nhiều tích cực và đột phá cho thị trường. Nếu việc mua bán trong ngày có hiệu lực, NĐT sẽ được hưởng lợi rất nhiều, không chỉ ở góc độ thanh khoản thị trường gia tăng, giao dịch sôi động hơn, nhiều cơ hội hơn, mà giao dịch T 0 còn cho họ khả năng phản ứng nhanh với các tình huống thị trường.
Về phía VNDIRECT, chúng tôi đã sẵn sàng cho mọi sự thay đổi. Điển hình là từ ngày giao dịch đầu tiên của năm 2016, khách hàng của VNDIRECT sẽ được hưởng tiền về tài khoản từ 8 giờ sáng ngày T 2, sớm hơn 8 tiếng so với quy định 16 giờ của VSD. Giao dịch T 0 sẽ giúp thanh khoản thị trường tăng 50% so với mức hiện tại, đồng nghĩa với số lượng lệnh của toàn thị trường sẽ tăng gấp đôi, gấp ba, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn sàng hệ thống giao dịch đáp ứng nhu cầu này.
“Tác động của việc Fed tăng lãi suất với TTCK Việt Nam sẽ không quá mạnh”
Bà Josephine Yei, Tổng giám đốc CTCK Saigonbank-Berjaya (SBBS)
Hoạt động của TTCK không chỉ dựa vào yếu tố kinh tế vĩ mô, mà còn phụ thuộc lớn vào tâm lý NĐT. TTCK Việt Nam hiện đang bị chi phối bởi các NĐT nhỏ lẻ. Lời khuyên của tôi cho các NĐT Việt Nam là TTCK biến động liên tục và rủi ro không thể tránh khỏi, trừ khi người ta không tham gia vào TTCK. Những gì tốt nhất là để cân bằng danh mục đầu tư để phân tán rủi ro.
Đối với việc tăng lãi suất gần đây của Fed đã được phản ánh vào tỷ giá và diễn biến TTCK Việt Nam, do vậy, tác động của việc này đối với TTCK Việt Nam trong thời gian tới sẽ không quá mạnh. Các công ty FDI đã chọn Việt Nam lý do chính là vì chi phí sản xuất thấp và tình hình kinh tế vĩ mô ổn định.
Trong khi đó, vốn đầu tư gián tiếp có thể di chuyển đến Mỹ để có lợi nhuận tốt hơn. Điều đó không có nghĩa ở Việt Nam hoạt động không tốt. Nó chỉ đơn giản là nhiệm vụ của người quản lý quỹ trong việc tìm kiếm lợi nhuận tốt hơn và giảm rủi ro trong đầu tư.
“Chính sách mới tạo động lực tăng trưởng cho TTCK 2016″
Ông Trần Việt Anh, Phó giám đốc CTCK Vietcombank (VCBS)
Video đang HOT
Trong năm 2015, thị trường đón nhận một số thông tin khá tích cực như tăng trưởng kinh tế vượt kỳ vọng (6,68%) trong khi lạm phát ở mức thấp kỷ lục (0,6%); quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng và xử lý nợ xấu được đẩy mạnh (giảm còn 2,72% vào cuối 2015); triển khai các hiệp định thương mại tự do như TPP, FTA …; những thay đổi tích cực từ phía chính sách trong việc phát triển và hoàn thiện thị trường, đặc biệt là trong việc thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, những yếu tố kể trên không đủ sức giúp thị trường chống chọi với những rủi ro mới nảy sinh, đặc biệt là một số diễn biến xấu trên thị trường thế giới.
Năm 2016 là năm bản lề của nền kinh tế nói chung và TTCK nói riêng. Với một nhiệm kỳ mới của Đảng và Chính phủ, tôi kỳ vọng vào những chuyển động tích cực hơn về chính sách. Mặc dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, với đặc thù Việt Nam là một nền kinh tế có quy mô nhỏ và độ mở lớn, thị trường sẽ tiếp tục bị chi phối mạnh mẽ bởi các yếu tố bên ngoài như Fed hiện thực hóa lộ trình tăng lãi suất, giá dầu thô tiếp tục giảm.
Tuy nhiên, với những bước đi tiếp chính sách trong việc hỗ trợ, phát triển thị trường và nâng cao sức hút với dòng tiền, đặc biệt là dòng vốn ngoại, là động lực tăng trưởng cho thị trường cả về quy mô, điểm số và thanh khoản. Đứng trước cơ hội như vậy, VCBS đã có bước chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt con người, củng cố năng lực tài chính vững mạnh, nhằm cung cấp cho khách hàng những tiện ích và dịch vụ tốt nhất.
“Hội nhập ASEAN mở ra nhiều cơ hội mới”
Ông Nguyễn Văn Dũng, Tổng giám đốc CTCK Tân Việt (TVSI)
TTCK đã trải qua một năm 2015 đầy biến động, thử thách khi chịu tác động của nhiều yếu tố. Trước hết là Thông tư 36/2014 của Ngân hàng Nhà nước đã làm hạn chế dòng tiền vào TTCK và tôi cho rằng, yếu tố này tiếp tục có những ảnh hưởng đến TTCK trong năm 2016.
Trong năm qua, thị trường cũng chịu tác động xấu từ những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Cùng với đó, kế hoạch IPO của nhiều doanh nghiệp lớn và kế hoạch mua trái phiếu của các ngân hàng thương mại đã “hút” vốn của nền kinh tế, làm hạn chế dòng vốn vào TTCK.
Về triển vọng thị trường trong 2016, tôi cho rằng, dù vẫn còn khó khăn, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều cơ hội, khi mà thị trường đã giảm khá sâu nên sẽ có khả năng hồi phục. Việc hội nhập ngày càng sâu rộng với thế giới, bằng việc gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN, ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam đang đứng trước nhiều vận hội mới. Nguồn vốn đầu tư gián tiếp và trực tiếp nước ngoài vào thị trường trong nước dự báo sẽ diễn biến tích cực.
Tuy nhiên, cần thiết lập kỷ cương trên thị trường, nhằm đảm bảo chất lượng hàng hóa và thương hiệu của thị trường niêm yết, bảo vệ quyền lợi của NĐT và vì mục tiêu phát triển bền vững.
“Việt Nam vẫn tiếp tục là điểm sáng 2016″
Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng tổ chức CTCK (SSI)
Năm 2016, dòng vốn ngoại có khả năng có nhiều biến động, khi tình hình hình các khu vực kinh tế chính trên thế giới có thể có nhiều thay đổi lớn và khá khó để có thể dự đoán được chính xác các kịch bản có thể xảy ra. Tuy vậy, so với các thị trường trong khu vực, Việt Nam vẫn tiếp tục là một điểm sáng, nhờ vào khả năng duy trì tăng trưởng tương đối tốt và sự ổn định vĩ mô.
Với bối cảnh chung như vậy, quá trình tái cấu trúc nền kinh tế năm 2016 sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất thu hút dòng vốn ngoại. Bởi điều này sẽ tạo niềm tin về khả năng tăng tưởng bền vững của nền kinh tế trong giai đoạn 3-5 năm sắp tới, cũng như khơi thông dòng vốn và đảm bảo quyền lợi của khối NĐT nước ngoài khi đầu tư vào TTCK Việt Nam, điều khiến khối này “lấn cấn” bấy lâu nay. Trên cơ sở đó, các ngành phục vụ tiêu dùng nội địa sẽ tiếp tục có khả năng thu hút NĐT nước ngoài.
Các yếu tố bên ngoài như tỷ giá, lãi suất hay tình hình kinh tế Trung Quốc chắc chắn sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Tuy nhiên, nếu Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì mức tăng trưởng tốt và bền vững dựa vào tiêu dùng nội địa, những ảnh hưởng trên khả năng sẽ chỉ có tác động trong ngắn.
“Dòng vốn nước ngoài không đơn thuần phụ thuộc vào quyết định của Fed”
Ông Trịnh Thanh Cần, Tổng giám đốc Công ty TNHH Chứng khoán ACB (ACBS)
Một số chuyên gia dự báo, việc Fed tăng lãi suất suất tham chiếu 25 điểm phần trăm lên mức 0,25-0,5%/năm vào ngày 16/12/2015 sẽ khiến dòng vốn quốc tế rút khỏi các thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc rút vốn này vẫn chỉ là dự báo.
Trên thực tế, khi Fed đẩy lãi suất lên đến đỉnh điểm trên 5% vào năm 2006, vốn FII vẫn ào ạt đổ vào Việt Nam và các thị trường mới nổi khác. Do vậy, động thái của dòng vốn nước ngoài trong dài hạn phụ thuộc nhiều hơn vào yếu tố nội tại của nền kinh tế Việt Nam, hiệu quả hoạt động của DN, định giá cổ phiếu và độ mở của thị trường hơn là đơn thuần một yếu tố là lãi suất USD của Fed.
Về xu hướng dòng vốn ngoại, trong năm 2015, hoạt động giải ngân tích cực của các quỹ đầu tư với chiến lược chọn các cổ phiếu nhỏ và vừa có mức giá hấp dẫn so với mặt bằng các cổ phiếu khác và có tiềm năng tăng trưởng tốt. Hoạt động đầu tư các cổ phiếu vốn hóa lớn chủ yếu chỉ đến từ các quỹ ETF. Điều này là do các cổ phiếu lớn có yếu tố cơ bản tốt nhất như VNM và FPT vẫn đang hết room.
Nếu Chính phủ sớm ban hành Nghị định hướng dẫn việc bỏ giới hạn đầu tư nước ngoài cho các cổ phiếu chủ chốt, có thể sẽ có dòng vốn lớn hơn tham gia thị trường. Ngoài ra, xu hướng khối ngoại đầu tư các công ty nhà nước mới IPO cũng đáng lưu ý khi có hàng loạt các đơn vị lớn dự kiến sẽ IPO trong năm 2016.
“cơ hội với Các cổ phiếu hưởng lợi từ các hiệp định thương mại, cơ sở hạ tầng”
Ông Kim Thiên Quang, Tổng giám đốc Maybank Kim Eng
Về các yếu tố cơ bản, Maybank Kim Eng duy trì quan điểm tích cực trong năm 2016 bao gồm các yếu tố vĩ mô và các thông tin hỗ trợ TTCK. Đây sẽ là một năm cởi mở hơn rất nhiều, khi một loạt chính sách mới được áp dụng hoặc sắp được thông qua, như mua bán trong ngày, rút ngắn thời gian thanh toán, triển khai thị trường chứng khoán phái sinh, cổ phần hóa các DNNN còn lại, nâng cao chuẩn mực công bố thông tin hay các hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề nới room cho NĐT nước ngoài.
Đặc biệt, Thông tư 180/2015/TT-BTC khi được áp dụng rốt ráo sẽ đưa hàng trăm DN đại chúng lên sàn, giúp làm tăng đáng kể số lượng hàng hóa cũng như vốn hóa thị trường Việt Nam. Đây là một trong những điểm được mong đợi nhất, đặc biệt đối với các quỹ đầu tư nước ngoài, nhóm đối tượng lớn chưa thực sự tham gia thị trường Việt Nam do quy mô và thanh khoản của thị trường vẫn còn hạn chế.
Những yếu tố tỷ giá hay điều chỉnh lãi suất gần đây của Fed sẽ không ảnh hưởng nhiều đến TTCK năm 2016 do tỷ trọng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thấp (so với tổng nguồn vốn đầu tư vào các thị trường cận biên và mới nổi), cũng như việc các yếu tố này đã được dự đoán trước. Điều căn bản là Chính phủ phải kiên định với các định hướng kinh tế thị trường, bao gồm cả chính sách điều hành quản lý tỷ giá, đẩy mạnh các cải cách trọng điểm cũng như có biện pháp quyết liệt hơn trong thắt chặt chi tiêu công (nhằm giảm thâm hụt ngân sách) và quản lý nợ công.
Các NĐT nước ngoài quan tâm rất lớn tới thị trường Việt Nam, đặc biệt với những chuyển biến mạnh mẽ được kỳ vọng trong thời gian sắp tới. Tuy nhiên, họ vẫn còn vướng mắc về việc thực hiện Nghị định 60/2015/NĐ-CP và Thông tư 123/2015/TT-BTC liên quan đến việc nới room cho NĐT nước ngoài.
Năm 2016, MBKE cho rằng, các cổ phiếu hưởng lợi từ các hiệp định tự do thương mại, cơ sở hạ tầng hoặc có thể được hướng dẫn cho phép nới room cho NĐT nước ngoài có cơ hội tăng giá tốt hơn. Chúng tôi thấy cơ hội đầu tư tại nhiều cổ phiếu trong các ngành hàng tiêu dùng, dược phẩm, công nghệ do yếu tố cơ bản tốt và định giá còn rất hấp dẫn.
“Vốn ngoại sẽ tích cực nếu chính sách tỷ giá rõ ràng”
Ông Nguyễn Việt Đức, Chuyên gia chiến lược thị trường cao cấp CTCK MB (MBS)
Dòng vốn đầu tư nước ngoài mới đạt khoảng 98 triệu USD cho năm 2015, thấp hơn khá nhiều so với các năm trước. Theo dõi biểu đồ hút ròng vốn đầu tư gián tiếp của NĐT nước ngoài từ 2007 tới nay, xu hướng hút ròng tương đối yếu của thị trường Việt Nam. Điều này do nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng lệch pha so với thế giới và do TTCK nhỏ với quy mô vốn hóa chỉ khoảng 57 tỷ USD (bằng 1/3 so với Philippines là nước có quy mô GDP tương đương trong khu vực).
Năm 2016, dòng vốn ngoại sẽ chảy chậm trong thời gian đầu năm khi NĐT quốc tế tiếp tục cơ cấu phân bổ dòng tiền sau khi Fed tăng lãi suất lần đầu và NĐT nước ngoài lo ngại về sức ép điều chỉnh tỷ giá. Dòng vốn sẽ tích cực hơn sau khi vấn đề tỷ giá có một định hướng rõ ràng từ cơ quan quản lý. Các vấn đề về mở room cho các công ty niêm yết cũng như IPO và niêm yết các công ty hàng đầu như Mobifone, VietjetAir… sẽ thu hút sự chú ý của NĐT nước ngoài.
Trong bối cảnh rủi ro của TTCK toàn cầu gia tăng, sức hút của Việt Nam là ở tiềm năng tăng trưởng do tham gia các hiệp định thương mại quốc tế, khả năng hút ròng vốn FDI và sự phục hồi theo chu kỳ. Trên cơ sở này, chúng tôi khuyến nghị NĐT tập trung đầu tư vào công ty trong ngành cảng biển, khu công nghiệp, dệt may (được hưởng lợi từ việc gia nhập các hiệp định thương mại và đầu tư FDI), bất động sản, ngân hàng, công nghệ thông tin (phục hồi chu kỳ). Bối cảnh rủi ro tăng cao cũng sẽ khiến NĐT tăng cường phân bổ vào những công ty có khả năng trả cổ tức ổn định, tỷ lệ cổ tức/thị giá hấp dẫn so với kênh tiền gửi ngân hàng.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
TPP với thị trường chứng khoán: Không chỉ toàn màu hồng
Nhiều nghiên cứu cho rằng Việt Nam là quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất khi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được thông qua. Tuy nhiên, TPP không chỉ tác động tích cực, mà có ảnh hưởng trái chiều đến nền kinh tế, cũng như TTCK Việt Nam.
Theo WB, dệt may xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ tăng trưởng 90% vào năm 2020
Nhiều nhóm ngành được hưởng lợi
Hiệu ứng của việc TPP được thông qua đối với TTCK Việt Nam trong ngắn hạn là không đáng kể. Điều này xuất phát từ hai nguyên nhân chính: Thứ nhất, quy mô vốn hóa của các ngành có ảnh hưởng tích cực nhờ TPP không quá lớn, nên tác động tới chỉ số chứng khoán chung không quá mạnh mẽ. Thứ hai, TPP vẫn cần một khoảng thời gian nữa để chính thức có hiệu lực tại tất cả các quốc gia thành viên sau khi được thông qua.
Các nhóm ngành được hưởng lợi khi TPP chính thức có hiệu lực gồm: dệt may, da giày, thủy sản, gỗ, phân phối ô tô, khu công nghiệp, cảng biển...
Với ngành dệt may, các nước tham gia TPP là đối tác xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản. 40% giá trị hàng hóa của Việt Nam được xuất khẩu sang 11 nước trong TPP. Việt Nam xuất khẩu chủ yếu các mặt hàng dệt may và da giày sang các nước trong TPP, chiếm 31% tổng giá trị. Việt Nam là nước xuất khẩu hàng dệt may đứng thứ hai (chỉ sau Trung Quốc) vào thị trường Mỹ và thứ ba vào thị trường Nhật Bản.
Sản lượng ngành dệt may sẽ tăng 21% và tốc độ tăng trưởng xuất khẩu vào thị trường Mỹ có thể đạt kỷ lục 90% vào năm 2020, dựa trên dự báo của World Bank. Cũng theo dự báo của tổ chức này, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của ngành có thể ở mức 41%, tương ứng với giá trị xuất khẩu tăng thêm 11,5 tỷ USD đến năm 2020.
Tuy không được hưởng thuế suất 0%, một số DN dệt may sẽ được hưởng lợi gián tiếp từ việc gia tăng các đơn hàng của các DN nước ngoài để gia công. Ngay cả khi TPP có hiệu lực và các DN dệt may đạt được mức tăng trưởng kỳ vọng, thì mức độ ảnh hưởng của nhóm DN đang niêm yết này lên TTCK là không đáng kể. Vốn hóa của các cổ phiếu dệt may khoảng 4.281 tỷ đồng, chỉ chiếm 0,36% tổng vốn hóa thị trường tính đến hết tháng 6/2015.
Khối lượng giao dịch bình quân của các mã cổ phiếu ngành dệt may khoảng 52,7 tỷ đồng/ngày, khá thấp so với khối lượng giao dịch bình quân của sàn HOSE (1.844 tỷ đồng/ngày) và HNX (754 tỷ đồng/ngày). Các DN ngành dệt may đang niêm yết có triển vọng được hưởng lợi từ TPP gồm: TCM, GMC, TNG.
Ngành thủy sản, tại thị trường Nhật Bản, các DN xuất khẩu tôm, bạch tuộc, cá ngừ của Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thuế nhập khẩu được giảm về 0% so với mức trung bình 6,4-7,2% hiện tại. Tại thị trường Mỹ, TPP sẽ không tác động lớn đến các DN thủy sản của Việt Nam, do các DN vẫn phải chịu thuế chống bán phá giá rất cao. Với mức thuế 0,97 USD/kg, các DN cá tra của Việt Nam hầu như không thể xuất khẩu sang thị trường Mỹ do không đủ bù đắp các chi phí nhiên liệu, nhân công... Các DN thủy sản niêm yết được hưởng lợi mà NĐT cần quan tâm gồm: FMC, VHC.
Ngành gỗ, Việt Nam là nước xuất khẩu gỗ đứng thứ 6 trên thế giới và đứng đầu ASEAN. Các thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (37%), Nhật Bản (16%), Trung Quốc (12%), châu Âu (12%). Năm 2014, xuất khẩu gỗ đạt 6,2 tỷ USD, tăng trưởng tại 2 thị trường Mỹ và Nhật Bản lần lượt là 12,5% và 18%.
Giống như các DN dệt may, thách thức lớn đối với các DN gỗ là nguồn nguyên liệu, khi hơn 80% nguyên liệu đều đang phải nhập khẩu, trong khi đó yêu cầu để được ưu đãi về thuế là tỷ lệ nội địa hóa phải đáp ứng từ 55% tổng giá trị trở lên; DN chỉ được phép nhập tối đa 45% nguyên vật liệu từ nước ngoài. Các DN ngành gỗ niêm yết NĐT nên quan tâm là GDT, TTF.
Khu công nghiệp, xu hướng dịch chuyển nguồn vốn FDI để đón đầu các hiệp định thương mại từ các nước trong khu vực vào Việt Nam dự báo sẽ tiếp diễn trong thời gian tới. Các khu công nghiệp nằm gần cảng, sân bay, cơ sở hạ tầng phát triển, chính sách ưu đãi... sẽ thu hút được các NĐT nước ngoài. Trong số 5 DN khu công nghiệp đang niêm yết là: KBC, ITA, LHG, SZL và D2D thì NĐT nên quan tâm đến KBC và LHG.
Phân phối ô tô, kim ngạch nhập khẩu ô tô từ Nhật Bản và Mỹ chiếm khoảng 13% tổng kim ngạch nhập khẩu ô tô của Việt Nam. Năm 2014, lượng xe nhập khẩu từ 2 thị trường này có tốc độ tăng trưởng mạnh, lần lượt là 140% từ Mỹ và 90% từ Nhật Bản. DN niêm yết mà NĐT nên quan tâm là SVC.
Ngành cảng biển, logistic sẽ được hưởng lợi từ nhu cầu xuất nhập khẩu tăng cao giữa khu vực châu Á và Bắc Mỹ khi TPP được áp dụng. Các DN niêm yết NĐT nên lưu ý là VSC, CLL.
Các nhóm ngành có thể gặp khó
Trong khi nhiều nhóm ngành được hưởng lợi từ TPP thì sẽ có khá nhiều nhóm ngành có thể sẽ gặp khó khăn như: mía đường, dược phẩm, nông sản...
Cụ thể, việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại khác sẽ buộc Việt Nam phải mở cửa ngành mía đường, gỡ bỏ các hạn ngạch nhập khẩu. Ngành mía đường trong nước dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn do chi phí sản xuất cao hơn đáng kể so với các nước trong khu vực và thế giới. Trong các nước tham gia TPP có Australia, nước xuất khẩu mía đường lớn thứ ba thế giới, với chi phí sản xuất khoảng 20 USD/tấn, trong khi ở Việt Nam khoảng 55 - 60 USD/tấn.
Với ngành dược, việc tham gia hiệp định TPP và các hiệp định thương mại khác sẽ làm tăng doanh số nhập khẩu thuốc của Việt Nam. Theo Hiệp định TPP, thuế suất nhập khẩu sẽ giảm từ mức trung bình hiện nay khoảng 2,5% về 0%, làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường dược phẩm trong nước. Đồng thời, TPP kéo dài thời gian bảo hộ đối với thuốc bản quyền, từ đó hạn chế khả năng tiếp cận và sản xuất các loại thuốc mới của DN nội.
Với ngành thức ăn chăn nuôi, giá thành thức ăn chăn nuôi hiện của Việt Nam cao hơn khoảng 10% so với các nước trong khu vực. Áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng khi thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn vào Việt Nam sẽ giảm từ 5% xuống 0%, đặc biệt là cạnh tranh các sản phẩm từ Australia và Mỹ do đây những nước có chi phí sản xuất thấp, năng suất cao.
CTCK BIDV
"TPP sẽ thu hút dòng vốn ngoại đổ vào Việt Nam"
Bà Trần Anh Đào, Phó tổng giám đốc HOSE
Tác động từ TPP lên thị trường vài phiên qua chủ yếu là hiệu ứng tâm lý. Dài hạn hơn, doanh nghiệp Việt Nam sẽ hưởng lợi từ hiệp định, từ đó đương nhiên TTCK cũng phát triển theo. NĐT nước ngoài thường là những NĐT có kinh nghiệm, kiên nhẫn đầu tư, do vậy, nếu có triển vọng tốt, họ sẽ đầu tư vào Việt Nam.
Trong quý III, khối ngoại bán ròng 665 tỷ đồng. Hiện tượng bán ròng xuất hiện từ tháng 8-9, nhưng chênh lệch không quá lớn. Nguyên nhân chủ yếu là trong tháng 8, Trung Quốc phá giá đồng Nhân dân tệ và Việt Nam đã điều chỉnh tỷ giá. Tuy nhiên, với thông tin TPP, hy vọng sẽ có sự cân bằng giữa mua và bán của khối ngoại từ nay đến cuối năm.
Trong quý III, HOSE đón 10 đoàn NĐT ngoại lớn đến tham quan tìm hiểu về TTCK Việt Nam, tăng mạnh so với các quý trước (6 - 7 đoàn), chủ yếu là các NĐT đến từ châu Á như Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc... Qua đó cho thấy, NĐT nước ngoài vẫn rất quan tâm đến TTCK Việt Nam.
"Sự háo hức của NĐT đối với TPP có thể qua nhanh"
Huy Nam Chuyên gia chứng khoán
Sự háo hức của NĐT đối với TPP có thể qua nhanh, bởi phải chờ ít nhất đến đầu năm 2016 mới rõ ràng, bởi TPP còn các thủ tục cần thiết khác. Sự công bố chính thức về nội dung hiệp định cũng rất quan trọng. Do vậy, ban đầu, NĐT có thể hồ hởi, giúp TTCK bật lên, nhưng về lâu dài, tác động của TPP lên dòng vốn ngoại vào TTCK Việt Nam vẫn là ẩn số.
Đối với dòng tiền khối ngoại, tác động trực tiếp của TPP là dòng vốn FDI sẽ tăng lên. Hiện tỷ trọng xuất khẩu từ các DN FDI chiếm tới hơn 60 - 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, nếu DN nội không tranh thủ nâng cao trình độ sản xuất thì rất có khả năng, đối tượng được hưởng lợi chủ yếu là các DN FDI.
Một số DN có khả năng hưởng lợi chủ yếu nằm trong ngành dệt may, nhưng nếu xem xét về hiệu quả kinh doanh, các chỉ số tài chính so với thị giá cổ phiếu hiện nay thì độ hấp dẫn không nhiều. Số lượng niêm yết của các DN trong ngành cũng ít.
Còn các DN chế biến thủy sản, cần chú ý vấn đề chất lượng, phẩm chất của hàng hóa xuất đi các nước, nhất là Mỹ, Nhật Bản. Hiện cơ cấu hàng hóa xuất của các doanh nghiệp Việt chủ yếu là xuất nguyên liệu nên giá trị gia tăng không cao. Do vậy, DN trong nước muốn hưởng lợi nhiều thì phải gia tăng mặt hàng có giá trị gia tăng cao.
"Việt nam sẽ tăng tốc trong thập kỷ tới nhờ TPP"
CTCK TP. HCM (HSC)
Quá trình thông qua TPP tại cơ quan lập pháp các nước sẽ mất ít nhất nửa năm, sau đó TPP sẽ được cơ quan lập pháp các nước thảo luận và bỏ phiếu. Thời gian thực hiện sẽ tùy thuộc từng nước, nhưng nhiều khả năng quá trình này sẽ mất 6 - 9 tháng. Theo đó, tác động thực sự từ việc giảm thuế hoặc tăng hạn ngạch có lẽ sẽ phải đợi đến giờ này năm sau.
Trên thực tế, trước khi một loại thuế được cắt giảm thì điều này đã có ảnh hưởng đáng kể đến các quyết định đầu tư cả trực tiếp lẫn gián tiếp và mức độ đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng tốc kể từ bây giờ.
Là quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn là các nước phát triển bao gồm 2 trong số các đối tác lớn nhất của Việt Nam và gần như không bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Việt Nam sẽ tăng tốc đáng kể trong thập kỷ tới nhờ TPP. Điều này nhờ: thứ nhất, vốn đầu tư trực tiếp tăng, các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn; thứ hai, tốc độ cải cách được đẩy nhanh, tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỷ trọng của DNNN sẽ giảm; thứ ba, có thêm vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng - nhu cầu sẽ tăng do vốn ngoại đổ vào Việt Nam làm tăng nhu cầu đối với dịch vụ tiện ích; nước; đường xá...
Đầu tư tư nhân trong lĩnh vực này đã được mở rộng sau khi có quy định mới về hình thức đối tác công tư PPP. Và thứ tư, việc có thêm các cơ sở sản xuất tại Việt Nam sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của Việt Nam, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
Quy định nước xuất xứ sẽ buộc Việt Nam phải tăng tỷ lệ nguyên liệu đầu vào nội địa để được hưởng ưu đãi giảm thuế. Điều này có thể sẽ tạo một số khó khăn, nhưng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển theo chiều sâu của ngành sản xuất của Việt Nam. TPP sẽ tạo ra động lực tăng tỷ lệ nguyên liệu và phụ tùng đầu vào nội địa nhanh hơn nhiều so với khi không có TPP. Có thể nói, đây sẽ là một tác động lớn từ TPP trong thập kỷ tới.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
TS. Alan T.Pham: Fed tăng lãi suất, TTCK Việt Nam đã 'chiết khấu' gần xong 'Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất đang ảnh hưởng đến các dòng vốn đầu tư trên toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, do một số yếu tố nên mức độ ảnh hưởng từ quyết định này của Fed đối với TTCK Việt Nam là không đáng kể', TS. Alan T.Pham, Kinh tế...