Chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất 5 tháng nhờ hy vọng FED hạ lãi suất
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh nhất 5 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell để ngỏ khả năng cắt giảm lãi suất.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ – Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, ông Powell nói rằng FED sẽ có hành động “phù hợp” để ứng phó với những rủi ro mà chiến tranh thương mại gây ra cho nền kinh tế. Tuyên bố này được ông Powell đưa ra chỉ một ngày sau khi một quan chức cấp cao khác của FED là ông James Bullard, Thống đốc FED chi nhánh St. Louis, nói rằng có thể sớm có cơ sở cho một đợt giảm lãi suất.
Vị Chủ tịch FED cũng cho biết ngân hàng trung ương này đang “theo dõi chặt chẽ các ảnh hưởng” của xung đột thương mại – vấn đề gây nhiều xáo trộn trên thị trường toàn cầu suốt hơn 1 năm qua.
Chỉ số S&P 500 đã có phiên tăng tính theo giá trị phần trăm mạnh nhất kể từ ngày 4/1 – ngày mà ông Powell đưa ra quan điểm mềm mỏng hơn sau đợt bán tháo ở Phố Wall hồi cuối năm 2018, hứa rằng FED sẽ kiên nhẫn và linh hoạt trong vấn đề lãi suất.
Theo dữ liệu Fedwatch của CME Group, giới đầu tư đang đặt cược rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất ít nhất 1 lần trong thời gian từ nay tới cuối năm. Tuyên bố ngày thứ Ba của ông Powell càng củng cố sự đặt cược này.
“Trên thực tế, khả năng trên 95% FED cắt giảm lãi suất đã được phản ánh vào giá trái phiếu. Thật tuyệt vời khi nghe FED nói rằng họ sẽ hành động dựa trên tình hình kinh tế. Nếu kinh tế Mỹ giảm tốc do thuế quan, FED sẽ cân nhắc cắt giảm lãi suất”, chiến lược gia JJ Kinahan thuộc TD Ameritrade phát biểu.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 2,06%, đạt 25.332,18 điểm. S&P 500 tăng 2,14%, đạt 2.803,27 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 2,65%, đạt 7.527,12 điểm.
Trong tháng 5, S&P 500 giảm hơn 6% do mối lo nền kinh tế toàn cầu giảm tốc vì căng thăng thương mại leo thang giữa Mỹ với Trung Quốc và giữa Mỹ với Mexico.
“Khi thị trường đã giảm nhiều như vậy, thì tất cả những gì cần thiết là một tia hy vọng”, nhà quản lý danh mục Paul Nolte thuộc Kingsview Asset Management nhận xét.
Ông Nolte cũng nói rằng trong phiên này, giới đầu tư cảm thấy yên tâm hơn sau khi Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador của Mexico bày tỏ hy vọng có thể đạt một thỏa thuận thương mại với Mỹ. Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn tỏ ra cứng rắn, nói rằng ông có thể vẫn sẽ triển khai việc áp thuế quan bổ sung 5% lên toàn bộ hàng hóa Mexico kể từ ngày 10/6.
Một bài báo của tờ Washington Post nói rằng các nghị sỹ Cộng hòa đang bàn xem liệu họ có cần phải tổ chức một bỏ phiếu để chặn kế hoạch áp thuế hàng hóa Mexico của ông Trump. Thông tin này cũng giúp hỗ trợ tâm lý giới đầu tư.
Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc nói rằng khác biệt và xung đột giữa Bắc Kinh và Washington cần phải được giải quyết thông qua đối thoại.
Tuy nhiên, chiến lược gia Kinahan cho rằng tâm trạng của nhà đầu tư liên quan tới vấn đề thương mại có thể thay đổi dễ dàng. “Những thông tin về thuế quan sẽ tiếp tục khiến thị trường trồi sụt. Mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 1/2019 đã khép lại, nên chiến tranh thương mại sẽ là nguồn thông tin chính tác động lên thị trường”, ông Kinahan nói.
Video đang HOT
Phiên tăng mạnh này của Nasdaq diễn ra sau phiên bán tháo hôm thứ Hai, khi chỉ số rơi vào trạng thái thị trường điều chỉnh (correction).
Công nghệ là nhóm cổ phiếu đóng góp nhiều nhất vào sự tăng điểm của S&P 500 phiên này, với mức tăng 3,3%.
Trong khi đó, ngân hàng là nhóm có mức tăng lớn nhất trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, tăng 3,65% nhờ lợi suất trái phiếu kho bạc tăng trở lại.
Bất động sản là nhóm cổ phiếu duy nhất giảm điểm ở Phố Wall phiên này, với mức giảm 0,6%, do giới đầu tư mua vào những tài sản có mức độ rủi ro cao hơn.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu tăng giá nhiều gấp hơn 4 lần số mã giảm. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là hơn 3 lần.
Có tổng cộng 7,53 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 7,16 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Theo vneconomy.vn
Cơ hội đến từ những biến động
Trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tỏa sức nóng lên các thị trường chứng khoán toàn cầu, giới chuyên gia nhận định, cơ hội đến từ những biến động. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư giá trị sẽ quan tâm nhiều hơn đến triển vọng cơ bản do giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hấp dẫn. Trên nền tảng giá thấp, thị trường cũng dễ phản ứng mạnh trước các yếu tố tích cực.
Thị trường chịu tác động tiêu cực trong ngắn hạn, phức tạp trong dài hạn
Ông Trần Đức Anh, Giám đốc Chiến lược và vĩ mô, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV).
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động tiêu cực đến thị trường chứng khoán Việt Nam trong ngắn hạn, trong khi các tác động về trung/dài hạn là tương đối phức tạp.
Cụ thể, trong ngắn hạn, chiến tranh thương mại tác động đến thị trường từ 2 khía cạnh. Khía cạnh thứ nhất liên quan đến biến động tỷ giá. Trong quá khứ, ở các giai đoạn căng thẳng thương mại leo thang, đồng USD có xu hướng mạnh lên, trong khi nhân dân tệ (CNY) yếu đi, tạo áp lực kép lên chính sách điều hành, ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), qua đó có thể tạo nên các bất ổn vĩ mô, vốn là yếu tố tác động tiêu cực lên xu hướng dòng tiền trên thị trường chứng khoán.
Thống kê các giai đoạn trong quá khứ cho thấy, mỗi khi tỷ giá căng thẳng, khối ngoại có xu hướng rút vốn khỏi thị trường chứng khoán Việt Nam, khiến VN-Index chịu áp lực tiêu cực.
Ở khía cạnh thứ hai, khi chiến tranh thương mại leo thang, các quỹ đầu tư toàn cầu thường có xu hướng tăng tỷ trọng ở các tài sản an toàn (vàng, trái phiếu, USD, yên Nhật...) và giảm tỷ trọng ở các tài sản rủi ro như cổ phiếu ở các thị trường mới nổi và cận biên. Mặc dù nền kinh tế Việt Nam được đánh giá là năng động, tăng trưởng cao, hưởng lợi phần nào từ chiến tranh thương mại, tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt sẽ không tránh khỏi các ảnh hưởng tiêu cực trong ngắn hạn từ xu hướng dòng vốn đầu tư toàn cầu tìm đến nơi trú ấn an toàn.
Về dài hạn, tôi đánh giá phần tích cực của chiến tranh thương mại đến kinh tế Việt Nam trong trung/dài hạn có phần lấn lướt các tác động tiêu cực, qua đó hỗ trợ xu hướng tăng của thị trường chứng khoán trong trung/dài hạn.
Trong rủi ro tồn tại cơ hội
Bà Châu Thiên Trúc Quỳnh, Giám đốc Môi giới, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC).
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khó có thể sớm kết thúc, thậm chí còn kéo dài dai dẳng và điều này sẽ ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng đối với từng ngành, từng cổ phiếu là khác nhau.
Hiện tại, các ngành dệt may, da giày, thủy sản hay các thị trường nguyên liệu như sắt thép... được xem là có nhiều cơ hội khi cuộc chiến diễn ra, bởi thị trường xuất khẩu tiềm năng là Mỹ đang nhập khẩu một lượng lớn hàng từ Việt Nam.
Tuy nhiên, xét bối cảnh chung, thị trường chịu tác động tiêu cực nhiều hơn. Tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn cho thấy có sự dịch chuyển về mức tiêu cực tại tất cả các chỉ số, bao gồm VN-Index, VN30 và HNX-Index với kháng cự MA5 phía trên lần lượt nằm tại 965 điểm, 880 điểm và 105 điểm. Dự báo trong phiên giao dịch tới, thị trường có thể tiếp tục giảm để VN-Index kiểm định hỗ trợ tại 957 - 959 điểm.
Mặc dù vậy, sau đó, chúng tôi kỳ vọng lực cầu được thúc đẩy tại vùng hỗ trợ mạnh này sẽ giúp VN-Index nói riêng và thị trường nói chung có sự phục hồi nhất định để kiểm định các kháng cự ngắn hạn trên.
Trong rủi ro vẫn tồn tại cơ hội, đặc biệt đối với nhà đầu tư dài hạn và cơ bản thì đây là cơ hội tốt để tích lũy cổ phiếu yêu thích, cổ phiếu tốt, có những câu chuyện về tăng trưởng, mua cổ phiếu quỹ... để chờ đợi sóng cuối năm hoặc thời điểm công bố kết quả kính doanh bán niên. Đối với nhà đầu tư lướt sóng, nhịp giảm thị trường và kiểm định vùng hỗ trợ mạnh cũng là cơ hội mua cổ phiếu và bán ngay khi thị trường hồi phục, hay kiểm định vùng kháng cự ngắn hạn.
Cơ hội đầu tư xuất hiện ở nhiều ngành nghề
Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCS).
Việc USD mạnh lên khiến nhân dân tệ mất giá lớn, kéo theo sự mất giá của các nền kinh tế mới nổi, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra hiện tượng bán ròng liên tiếp của khối nhà đầu tư nước ngoài ở các thị trường và là một trong những nguyên nhân khiến các thị trường suy giảm mạnh. Số liệu cho thấy, các quỹ ETF có danh mục thuộc các thị trường mới nổi đã bị rút ròng hơn 13 tỷ USD trong tháng 5/2019. Tại Việt Nam, cùng thời điểm, khối ngoại đã bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng qua giao dịch khớp lệnh.
Tâm lý bi quan của giới đầu tư toàn cầu trước khả năng chiến tranh thương mại leo thang và lan rộng đã tác động tiêu cực tới triển vọng kinh tế toàn cầu, khiến giá dầu thế giới giảm mạnh. Giá dầu WTI đã sụt giảm gần 20% từ mức đỉnh hơn 66 USD/thùng vào thời điểm cuối tháng 4/2019. Diễn biến đồng pha giảm mạnh giữa giá dầu và các chỉ số chứng khoán toàn cầu trong điều kiện giá vàng đã tăng trở lại hơn 3,8%, đồng thời lợi suất trái phiếu Mỹ giảm mạnh ở hầu hết các kỳ hạn là thực tế rõ nhất cho thấy, tâm lý lo ngại rủi ro của giới đầu tư vào thời điểm hiện tại.
Tháng 6/2019 là tháng quan trọng với các sự kiện được chờ đợi là cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Mỹ - Trung có thể sẽ gặp gỡ tại Hội nghị Thượng đỉnh G20... Các sự kiện này có thể sẽ tác động lớn tới diễn biến thị trường tài chính toàn cầu. Ngoài ra, trong 2 tuần đầu tháng 6/2019 tại Việt Nam cũng diễn ra hoạt động tái cơ cấu danh mục của các quỹ ETF, nhiều khả năng ảnh hưởng đáng kể tới thị trường trong nước.
Tôi cho rằng, cục diện chiến tranh thương mại Mỹ - Trung liệu có hướng giải quyết thông qua đàm phán, và việc Fed có thực hiện nới lỏng chính sách điều hành lãi suất đồng USD trong tháng 6/2019 hay không sẽ là những yếu tố quyết định tới xu hướng của các thị trường chứng khoán toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Khi thị trường giảm mạnh đồng loạt, cơ hội đầu tư xuất hiện ở nhiều ngành nghề, trong đó tôi đánh giá cao khả năng hoạt động tốt của các doanh nghiệp đầu ngành thuộc các ngành: hàng tiêu dùng - bán lẻ, thực phẩm đồ uống, ngành điện, ngành bất động sản khu công nghiệp, phát triển cơ sở hạ tầng, logistic, xuất khẩu dệt may, thủy sản, ngành nguyên vật liệu...
Nên xem xét nhóm cổ phiếu có chỉ báo kết quả kinh doanh tích cực
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán SSI.
Trong tháng 6, rủi ro tăng cao khi thị trường chứng khoán có nhiều ẩn số. Cụ thể, triển vọng lợi nhuận chung toàn thị trường trong quý II/2019 chưa cho thấy tín hiệu tích cực hơn so với diễn biến đi ngang trong quý I/2019. Rủi ro nhiều và động lực ít nên dự đoán xu hướng thị trường trong tháng 6 vẫn sẽ có những phiên biến động mạnh do yếu tố tâm lý chi phối.
Tuy nhiên, cơ hội đến từ những biến động. Khi thị trường giảm, nhà đầu tư giá trị sẽ quan tâm nhiều hơn đến triển vọng cơ bản do giá cổ phiếu điều chỉnh về vùng hấp dẫn. Trên nền tảng giá thấp, thị trường cũng dễ phản ứng mạnh trước các yếu tố tích cực.
Nếu dựa trên tăng trưởng lợi nhuận, nên xem xét nhóm cổ phiếu đã có kết quả kinh doanh quý I tăng trưởng vượt trội và nhóm cổ phiếu có các chỉ báo kết quả kinh doanh quý II tốt (đã công bố kết quả tháng 4 và tháng 5).
Xét riêng từng nhóm ngành, gỗ, dệt may và khu công nghiệp vẫn là nhóm cổ phiếu được thị trường quan tâm khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang nhờ xu hướng dịch chuyển sản xuất
Bên cạnh đó, ngân hàng và bất động sản tiếp tục chịu áp lực với chính sách hạn chế tín dụng và lãi suất tăng. Giá sắt, thép, xi măng, cát tăng cũng sẽ khiến biên lợi nhuận của nhóm xây dựng và bất động sản thu hẹp.
Hiện tại, nhóm dầu khí đang chịu áp lực do giá dầu giảm, tuy nhiên tác động trong ngắn hạn chưa lớn đối với các doanh nghiệp có khối lượng công việc ổn định nhờ các hợp đồng đã ký kết từ trước.
Hoàng Anh - Phan Hằng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
VN-Index có thể giảm về 930 điểm Thị trường chung bị bán mạnh từ đầu phiên giao dịch với thanh khoản tăng do tâm lý tiêu cực từ đến từ đà giảm của thị trường chứng khoán Mỹ và đà giảm của giá dầu. Thị trường chứng khoán Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch thứ hai (3/6) với thông tin Chủ tịch St. Louis Fed James Bullard...