Chứng khoán Mỹ tăng điểm trước tín hiệu FED giảm biên độ tăng lãi suất
Các chỉ số chứng khoán chủ lực của thị trường chứng khoán Mỹ đã lấy lại đà tăng trong ngày giao dịch 23/11 sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp tháng 11, cho thấy ngân hàng này có thể sớm giảm tốc tăng lãi suất.
Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Chốt phiên giao dịch, chỉ số Dow Jones tăng 95,96 điểm (0,28%) lên 34.494,06 điểm, chỉ số S&P 500 tăng 23,68 điểm (0,59%) lên 4.027,26 điểm và chỉ số Nasdaq Composite tăng 110,91 điểm (0,99%), đóng cửa ở mức 11.285,32 điểm.
Thông tin Fed nới lỏng hơn biện pháp siết chặt tiền tệ trong thời gian tới ngay lập tức đã khiến đồng USD giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch ngày 23/11 tại New York.
Video đang HOT
Chỉ số “đồng bạc xanh” của Mỹ giảm 1,07% xuống còn 106,076. Hiện 1 euro đổi được 1,0403 USD, tăng so với mức 1,0299 USD trong phiên giao dịch trước đó.
Trước đó, cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Washington, Fed đã công bố biên bản cuộc họp của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) – đơn vị quyết định chính sách tiền tệ của Fed, hồi đầu tháng 11 cho biết ủy ban này nhất trí với kế hoạch giảm tốc tăng lãi suất để ủy ban “đánh giá tiến độ hướng tới các mục tiêu về việc làm và ổn định giá cả”. Hầu hết các thành viên hội đồng quản trị của Fed đều sẵn sàng điều chỉnh mức tăng 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo về chính sách lãi suất, dự kiến diễn ra vào tháng 12 tới.
Để “ghìm cương” lạm phát đã tăng vọt lên mức cao nhất trong 40 năm qua, từ tháng 3/2022 đến nay, Fed đã 6 lần tăng lãi suất trong đó có 4 lần thực hiện tăng mạnh 75 điểm cơ bản, theo đó biên độ lãi suất cho vay cơ bản của Fed lên khoảng 3,75% đến 4%.
Tỷ lệ lạm phát theo năm tại Mỹ đã giảm từ 8,2% trong tháng 9 vừa qua xuống còn 7,7% trong tháng 10. Mức giảm này vượt dự kiến của giới phân tích, song không đủ để Fed ngừng tăng lãi suất bởi tỷ lệ lạm phát này còn quá cao so với lạm phát mục tiêu 2% mà Mỹ đề ra.
Những lo ngại về một cuộc suy thoái tiếp tục đeo đuổi Mỹ, với một số nhà kinh tế hàng đầu cảnh báo rằng điều này có thể xảy ra vào mùa Xuân năm 2023, tùy thuộc vào việc tăng lãi suất của Fed và các yếu tố khác. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, thước đo giá trị hàng hóa và dịch vụ của nền kinh tế, đã giảm hai quý liên tiếp trong năm nay trước khi tăng trong quý III/2022, chủ yếu do xuất khẩu tăng mạnh.
Chứng khoán Mỹ và châu Âu đỏ lửa trước nỗi lo lạm phát
Thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu đã kết thúc tuần bằng một phiên giao dịch đỏ lửa sau khi tiếp nhận thông tin tiêu cực về chỉ số lạm phát trong tháng 5.
Các mã chứng khoán đỏ sàn tại Sở giao dịch New York, Mỹ. Ảnh tư liệu THX/TTXVN
Các nhà đầu tư lo ngại lạm phát cao sẽ khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có thêm cơ sở để nới rộng biên tăng lãi suất cơ bản (từ mức 0,5 điểm % lên 0,75 điểm %) trong cuộc họp dự kiến diễn ra vào tuần tới.
Chốt phiên giao dịch ngày 11/6 theo giờ Mỹ, chỉ số Dow Jones mất 2,7%, xuống còn 31.392,79 điểm. Chỉ số S&P500 để vuột mất 2,9%, xuống còn 3.900,86 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm mạnh nhất khi bị thổi bay tới 3,5%, chỉ còn 11.340,02 điểm.
Đà giảm của chứng khoán Mỹ cũng đã lan sang châu Âu, khi các chỉ số chứng khoán chủ chốt đều mất trên 2%. Cụ thể, chỉ số FTSE của Anh giảm 2,1%, CAC 40 của Pháp giảm 2,7%, DAX của Đức giảm 3,1%, MIB của Italy giảm 5,1% và IBEX của Tây Ban Nha giảm 3,7%.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu cũng giảm trong phiên 10/6 trước sức ép nhu cầu về mặt hàng này có thể giảm nếu mặt bằng giá tiếp tục tăng và tác động từ việc Trung Quốc có thể tái áp đặt các biện pháp hạn chế mới để chống dịch COVID-19. Giá dầu thô ngọt nhẹ (WTI) của Mỹ giảm 84 cent xuống còn 120,67 USD/thùng, dầu Brent Biển Bắc giảm 1,06 USD xuống còn 122,01 USD/thùng.
Trong khi đó, giá vàng bật tăng khi các nhà đầu tư lại tìm về kênh trú ẩn an toàn này do lo ngại lạm phát sẽ gây ra các nguy cơ kinh tế nghiêm trọng. Giá vàng miếng tương lai của Mỹ tăng 1,2% lên 1.875,5 USD/ounce.
Theo các thông tin trước đó, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 5 tăng 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981, do giá năng lượng và thực phẩm tăng. Lạm phát cùng kỳ tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) cũng tăng lên mức kỷ lục mới là 8,1%, vượt mức đỉnh 7,4% vừa thiết lập trong tháng trước đó và đã cao gấp 4 lần mức mục tiêu 2% mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đề ra. Trước tình trạng này, cả FED, ECB và ngân hàng trung ương của nhiều nước châu Âu đã lên kế hoạch tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát.
Chứng khoán Mỹ đi lên sau khi ECB tăng mạnh lãi suất Thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) đi lên trong phiên giao dịch 8/9 sau khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng mạnh lãi suất và các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất mạnh vào cuối tháng này. Giao dịch viên tại Sàn chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN...