Chứng khoán Mỹ đỏ lửa khi Trung Quốc tuyên bố thuế quan trả đũa, Dow Jones mất 600 điểm
Chứng khoán Mỹ lao dốc mạnh trong phiên giao dịch đầu tuần, sau khi Trung Quốc quyết định nâng thuế với một số hàng hoá của Mỹ, cuộc chiến thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn ở trong trạng thái căng thẳng.
Kết phiên, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 617,38 điểm, tương đương 2,4%, xuống 25.324,99 điểm và chứng kiến phiên tệ nhất kể từ ngày 3/1. S&P 500 cũng trải qua diễn biến tệ nhất từ đầu tháng 1, mất 2,4%, còn 2.811,87 điểm. Nasdaq Composite sụt 3,4%, chốt phiên với 7.647,02 điểm – đà giảm trong ngày mạnh nhất từ đầu năm đến nay.
Ở mức thấp nhất trong phiên, Dow Jones đã giảm tới 719,86 điểm, trong khi S&P 500 và Nasdaq ghi nhận mức giảm lần lượt là 2,8% và 3,6%. Các chỉ số lớn đồng loạt thoát khỏi mức đáy của phiên vào buổi chiều, sau khi Tổng thống Donald Trump cho biết ông chưa có quyết định áp thuế bổ sung với 325 tỷ USD hàng hoá của Trung Quốc.
Phil Blancato, CEO của Ladenburg Thalmann Asset Management, cho hay: “Tôi nghĩ rằng đây chỉ là khởi đầu của những điều sắp diễn ra. Chúng ta nên chuẩn bị sẵn tinh thần cho những biến động trong tương lai gần.” Ông nói thêm, để ngăn chặn tình trạng lao dốc, thì “Trung Quốc phải quay lại bàn đàm phán. Còn những gì chúng ta chứng kiến vào sáng nay cho thấy rằng mọi thứ lại không như mong đợi.”
Theo CNBC, Trung Quốc sẽ nâng thuế với 60 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 1/6. Hàng hoá bị áp thuế bao gồm một loạt các loại nông sản. Động thái được đưa ra sau khi ông Trump nâng thuế với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hồi tuần trước. Trung Quốc cho biết quyết định của Mỹ đã gây hại tới lợi ích của 2 quốc gia và không đáp ứng được “kỳ vọng chung của cộng đồng quốc tế.”
Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết 2 quốc gia “vẫn đang đàm phán.” Ông Trump cũng nói rằng Mỹ đang có một “vị thế tốt” trên bàn đàm phán, “nền kinh tế của chúng ta rất mạnh, còn họ thì không.”
Theo đó, cổ phiếu Caterpillar mất 4,6%, Apple giảm 5,8%. Boeing cũng “bay” 4,9% trong bối cảnh nhà sản xuất máy bay này có thể bị yêu cầu rời khỏi Trung Quốc khi chiến tranh thương mại diễn ra. Các ngành tiện ích và bất động sản, được coi là nhóm có không gian phòng thủ trên thị trường, là lĩnh vực duy nhất thuộc S&P 500 tăng điểm trong phiên này.
Ngoài ra, chứng khoán châu Á cũng giao dịch trong sắc đỏ. Nikkei 225 giảm 0,7%, Shanghai Composite lùi 1,2%. Chứng khoán châu Âu ghi nhận diễn biến tương tự. Stoxx 600 mất 1,2%, German Dax sụt 1,5%.
Video đang HOT
Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm giảm 2,39%, trái phiếu lợi suất 2 năm cũng giảm 2,17%. Chỉ số đo lường trạng thái biến động Cboe Volatility index tăng 4.51% lên mức 20.55.
Hôm thứ Hai, ông Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng Trung Quốc sẽ bị “ảnh hưởng nặng nề nếu không thực hiện một thoả thuận thương mại”, lưu ý rằng các công ty sẽ buộc phải rời khỏi Mỹ mà không có một thoả thuận được đưa ra. Ông nói thêm, Trung Quốc đã gần như đi đến “một thoả thuận tuyệt vời” nhưng họ lại “rút lui.”
Hồi tuần trước, chứng khoán Mỹ cũng ghi nhận đà sụt giảm mạnh, sau thông báo nâng thuế của Mỹ với hàng hoá Trung Quốc. 200 tỷ USD hàng hoá Trung Quốc sẽ phải chịu mức thuế 25%, trước đó là 10%. S&P 500 và Nasdaq lần lượt mất 2,2% và 3% tính đến cuối tuần trước, chứng kiến tuần tồi tệ nhất kể từ tháng 12/2018. Còn Dow Jones giảm 2,1%, cũng trải qua tuần lao dốc mạnh nhất kể từ tháng 3/2019.
Hương Giang
Theo Trí thức trẻ/CNBC
Nhà đầu tư bán tháo, chứng khoán Mỹ giảm mạnh nhất từ đầu năm
Thị trường chứng khoán Mỹ "rực lửa" trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, sau khi Trung Quốc tuyên bố áp thuế quan trả đũa lên hàng hóa Mỹ, đánh dấu bước leo thang mới nhất trong cuộc chiến thương mại căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Cổ phiếu đã bị giới đầu tư bán tháo để chuyển vốn sang những tài sản được cho là bớt rủi ro hơn.
Các nhà giao dịch cổ phiếu trên sàn NYSE ở New York, Mỹ, ngày 13/5 - Ảnh: Reuters.
Theo tin từ Reuters, cả ba chỉ số chính của Phố Wall đều trượt dài trong phiên bán tháo trên diện rộng, trong đó chỉ số Nasdaq có phiên giảm mạnh nhất tính theo giá trị phần trăm từ đầu năm. Hai chỉ số S&P 500 và Dow Jones cũng giảm mạnh nhất kể từ hôm 3/1.
Bất chấp lời cảnh báo Trung Quốc không nên trả đũa Mỹ mà Tổng thống Donald Trump đưa ra, Bắc Kinh tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 60 tỷ USD hàng hóa Mỹ. Trước đó, vào hôm thứ Sáu, chính quyền ông Trump đã tăng thuế trừng phạt từ 10% lên 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Những đòn "ăn miếng trả miếng" này đang thổi bùng nỗi lo sợ về một cuộc giảm tốc mạnh của nền kinh tế toàn cầu.
"Thị trường đang xem đây là một sự đổ vỡ của đàm phán thương mại và mọi thứ đang bị kéo tụt lại", chiến lược gia trưởng Michael O'Rourke thuộc JonesTrading nhận xét.
"Tình hình có thể sẽ rất xấu", ông O'Rourke nói thêm. "Có quá nhiều sự bấp bênh. Điều này sẽ dẫn tới sự giảm tốc thêm nữa trong nền kinh tế".
Song song với việc tháo chạy khỏi cổ phiếu, giới đầu tư đổ tiền vào những tài sản được xem là "vịnh tránh bão".
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 6 tuần, trong đó lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm xuống thấp hơn lợi suất tín phiếu kỳ hạn 3 tháng. Đây là sự đảo ngược đường cong lợi suất mà nhiều nhà phân tích và đầu tư xem là tín hiệu về một cuộc suy thoái kinh tế sắp xảy ra.
Cùng với đó, giá vàng đạt mức cao nhất gần 3 tháng.
Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi của nhà đầu tư, có mức tăng tuyệt đối mạnh nhất kể từ đầu năm.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 2,38%, còn 25.324,99 điểm. S&P 500 giảm 2,41%, còn 2.811,87 điểm. Nasdaq mất 3,41%, còn 7.647,02 điểm.
Trong số 11 nhóm cổ phiếu ngành chính của S&P 500, duy nhất chỉ có nhóm dịch vụ tiện ích chốt phiên trong trạng thái tăng. Mức giảm mạnh nhất thuộc về các công ty công nghệ vốn có độ nhạy cảm cao với thông tin về xung đột thương mại.
Trong số những cổ phiếu giảm mạnh nhất phiên này, có nhiều công ty đặc biệt nhạy cảm với thuế quan Mỹ-Trung.
Như cổ phiếu Boeing giảm 4,9%, cổ phiếu Caterpillar sụt 4,6%, chỉ số Philadelphia Chip Index của cổ phiếu các hãng sản xuất con chip "bốc hơi" 4,7%. Đây là phiên giảm phần trăm mạnh nhất của chỉ số này kể từ ngày 3/1 và nối tiếp cú giảm 6% trong tuần trước.
Cổ phiếu hãng công nghệ Apple lao dốc 5,8%. Không chỉ chịu sức ép của chiến tranh thương mại, cổ phiếu Apple còn bị đẩy xuống bởi một quyết định của Tòa án Tối cao Mỹ cho phép tiến hành một vụ kiện chống độc quyền cáo buộc "táo khuyết" lũng đoạn thị trường ứng dụng iPhone.
Cổ phiếu ứng dụng gọi xe Uber tiếp tục lao dốc, giảm 10,8% trong phiên thứ hai với tư cách là một công ty đại chúng. Cổ phiếu đối thủ Uber là Lyft sụt 5,8%.
Cổ phiếu hãng xe chạy điện Tesla giảm 5,2%, xuống mức thấp nhất hơn 2 năm.
Trên sàn NYSE, số mã cổ phiếu giảm giá nhiều gấp 4,81 lần số mã tăng. Trên sàn Nasdaq, tỷ lệ tương ứng là 5,12 lần.
Có tổng cộng 8,24 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng thành công ở Phố Wall phiên này, so với mức bình quân 6,97 tỷ cổ phiếu mỗi phiên của 20 ngày giao dịch gần nhất.
Bình Minh
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán Mỹ phản ứng bất ngờ với dòng Tweet của Trump Chứng khoán Mỹ giảm trong phiên giao dịch đầu tuần như dự báo, nhưng cách mà thị trường giao dịch đầy kịch tính khiến nhiều người không khỏi bất ngờ. Chỉ số Dow và thị trường rộng lớn hơn đã rớt về dưới mức hỗ trợ kỹ thuật tại đường trung bình động 50 ngày trước khi bật lên trở lại. Đường trung...