Chứng khoán Mỹ có thể phục hồi vào cuối năm?
Trong khi một số nhà phân tích nhận định thị trường chứng khoán có thể sẽ hồi phục vào cuối tuần sau “màn trình diễn” đêm Giáng Sinh tồi tệ nhất từ trước đến nay, một số chiến lược gia lại chỉ dự báo một đợt tăng điểm “nửa vời” trên thị trường Phố Wall trước khi những biến động và thiệt hại lớn hơn xảy ra.
Các giao dịch viên tại sàn giao dịch chứng khoán ở New York, Mỹ, ngày 24/12. Ảnh: THX/TTXVN
Kết thúc phiên 24/12, chỉ số S&P 500 để mất 65,52 điểm (2,71%) xuống 2.351,1 điểm, qua đó phá ngưỡng tâm lý quan trọng là 2.400 điểm. 96% các mã cổ phiếu thuộc chỉ số này giảm 10% hoặc cao hơn, trong khi 70% đã để mất 20% hoặc hơn. Các nhà phân tích hiện đang lo ngại chỉ số này có thể còn rơi xuống mức 2.300 điểm hoặc thậm chí thấp hơn nếu có bất cứ biến động mạnh nào diễn ra.
Song chuyên gia Andrew Brenner của công ty môi giới chứng khoán National Alliance Securities cho biết sự điều chỉnh hoạt động vào cuối năm của một số quỹ đầu tư có thể giúp “nâng đỡ” thị trường cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 12. Khi đó, các nhà quản lý tái cân bằng những khoản đầu tư bằng cách tái phân bổ nguồn tiền từ lượng trái phiếu do họ nắm giữ sang thị trường chứng khoán.
Video đang HOT
Nhưng một số nhà chiến lược cho rằng vẫn có những trở lực khác kìm hãm thị trường chứng khoán đi lên trong tuần này.
Ông Sam Stovall, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty nghiên cứu thị trường CFRA, nói rằng với khối lượng giao dịch dự kiến sẽ khá thấp trong tuần này, một số người đang tìm cách đẩy giá xuống thấp hơn nữa để họ có thể “lướt sóng”. Nhiều khả năng thị trường sẽ bị thúc đẩy chủ yếu do các hoạt động của nhà đầu tư trong tuần này.
Theo chuyên gia Stovall, thị trường hiện đang trong tình trạng “lấp lửng” và đang chờ đợi một lý do để tăng trở lại. Song chuyên gia này thực sự không nhận thấy bất kỳ lực đẩy nào để thị trường khởi sắc hơn trước cuối năm nay.
Chuyên gia Doug Roberts tại công ty nghiên cứu thị trường Channel Capital Research cũng lưu ý rằng thị trường có thể trong trạng thái không mấy lạc quan sau kỳ nghỉ Năm Mới. Hiện còn quá sớm để xác định ảnh hưởng của những biến động trên thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế.
Trong một thông báo gửi đến khách hàng, ông Roberts cho biết nhiều nhà đầu tư còn đang bị phân tâm bởi kỳ nghỉ lễ và có thể coi những diễn biến này không gì khác ngoài một sự điều chỉnh của thị trường. Nhưng tâm lý này có thể thay đổi đáng kể một khi họ nhìn thấy các khoản lỗ trên báo cáo hoạt động đầu tư của họ vào tháng 1/2019. Điều này có thể dẫn đến một làn sóng bán tháo khác và khiến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng bị suy giảm.
H.Thủy (TTXVN)
Theo baotintuc.vn
Chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm điểm mạnh
Kết thúc phiên giao dịch 4/12, các chỉ số chứng khoán chính giao dịch tại sàn New York đều đồng loạt giảm điểm mạnh, do giới đầu tư tiếp tục quan ngại về nguy cơ chiến thương mại Mỹ-Trung và đà suy giảm của kinh tế Mỹ.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/ TTXVN
Phóng viên TTXVN thường trú tại New York cho hay, chốt phiên giao dịch, chỉ số Công nghiệp Dow Jones đã giảm 799,36 điểm, tương đương 3,1%, xuống còn 25.027 điểm. Hai chỉ số chính khác là S&P 500 và Nasdaq cũng lần lượt giảm 3,24% và 3,8%. Thị trường không còn duy trì được đà hưng phấn đối với thỏa thuận "đình chiến" mà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc đạt được tại Buenos Aires và đây được xem là tác nhân khiến chứng khoán Mỹ giảm điểm. Giới đầu tư lo ngại sự đối đầu giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể khiến kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm, tạo thêm sức ép đối với châu Âu và châu Á - hai khu vực đang phải đối mặt với thách thức tăng trưởng.
Theo giới chuyên gia, đà bán tháo xuất hiện ngay từ thời điểm mở cửa, khi các nhà đầu tư mất phương hướng trước thông tin có tính "gây nhiễu" mà Mỹ và Trung Quốc đưa ra. Đơn cử như việc có hay không việc Bắc Kinh đồng ý giảm và dỡ bỏ rào cản đối với ôtô nhập khẩu từ Mỹ như tuyên bố của Tổng thống Donald Trump. Cùng lúc đó, việc bổ nhiệm Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer làm trưởng phái đoàn đàm phán Mỹ cũng gây ra quan ngại, do ông này được xem là người có lập trường cứng rắn, ủng hộ quan điểm đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc.
Lo ngại giảm tăng trưởng cũng khiến giới đầu tư chuyển sang nắm giữ tài sản được cho là an toàn và có giá trị trong thời kỳ bất ổn kinh tế, đặc biệt là trái phiếu chính phủ Mỹ. Lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của chính phủ Mỹ đã giảm xuống mức 2,926% so với ngưỡng 2,99% trước đó một ngày. Một tín hiệu lo ngại khác cũng xuất hiện, đó chính là đà giảm sâu của nhóm cổ phiếu vận tải. vốn được xem là một chỉ dấu về tương lai bất ổn hơn đối với Phố Wall.
Theo baotintuc.vn
Thị trường tài chính Mỹ trải qua năm tồi tệ nhất Ngày 20.11, với sự suy giảm của các tài sản khiến các nhà đầu tư không có thiên đường nào để trú ẩn. Một trong những năm khó khăn nhất trong nửa thế kỷ Cổ phiếu đã tiếp tục giảm giá ngày thứ hai liên tiếp, khiến chỉ số S&P 500 rơi vào vùng điều chỉnh. Dầu giảm giá mạnh như một năm...