Chứng khoán Mỹ áp sát mốc cao kỷ lục mọi thời đại
Trong phiên giao dịch đêm qua, chứng khoán Mỹ đã ghi nhận đà tăng điểm mạnh, với các chỉ số chủ chốt lần lượt áp sát mức cao kỷ lục mọi thời đại.
Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. (Ảnh minh họa).
Chỉ số S&P 500 tăng 0,88%, chốt phiên giao dịch ở mức 2.933,68 điểm, thấp hơn đôi chút so với mức cao kỷ lục từng ghi nhận là 2.940,91 điểm.
Chỉ số Nasdaq tăng mạnh 1,32%, chốt phiên ở mức 8.120,82 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,55%, đóng cửa ở mức 26.656,39 điểm, cách ngưỡng cao nhất mọi thời đại chỉ 1,1%.
Chứng khoán Mỹ đã phục hồi mạnh mẽ và áp sát ngưỡng cao kỷ lục chỉ chưa đầy 6 tháng sau khi lao dốc chóng mặt trong tháng 12-2018, thời điểm chỉ số S&P 500 rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2008.
Theo CNBC, đà phục hồi mạnh mẽ của chứng khoán Mỹ là do Cục Dự trữ Liên bang nước này đã đưa ra những chính sách kịp thời và phù hợp về lãi suất, đồng thời các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc ghi nhận diễn biến tích cực.
Bên cạnh đó, hôm qua, hàng loạt doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ đã công bố mức lợi nhuận khả quan hơn dự báo, góp phần tác động tích cực tâm lý của giới đầu tư trên thị trường.
Cổ phiếu của Twitter tăng vọt 15,6% sau khi mạng xã hội này báo cáo, số lượng người dùng mỗi tháng đạt tổng cộng 330 triệu người, cao hơn mức ước tính là 318 triệu người.
Trong lĩnh vực công nghiệp, cổ phiếu của nhiều tập đoàn cũng tăng mạnh, trong đó, cổ phiếu của Coca-Cola tăng 1,7%, United Technologies tăng 2,3% và Lockheed Martin tăng 5%.
theo Hanoimoi.com.vn
Fed - Nguyên nhân khiến chứng khoán Mỹ tụt dốc?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đả kích Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và gọi cơ quan này là 'vấn đề duy nhất' đối với kinh tế Mỹ.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell. Ảnh: THX/TTXVN
Các quan chức hàng đầu đã thảo luận về sự tụt dốc thảm hại của thị trường chứng khoán mà nguyên nhân một phần là những lời mạt sát của ông Trump đối với Fed.
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tiếp tục giảm ngày 24/12 giữa những lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại, chính phủ đóng cửa và tin đồn rằng ông Trump muốn sa thải Chủ tịch Fed Jerome Powell. Chỉ số S&P 500 đang giảm liên tục để hướng tới đà giảm lớn nhất tính theo phần trăm kể từ cuộc Đại suy thoái cách nay gần 90 năm.
Trong một dòng tweet không hề có tác dụng gì để trấn an thị trường về tính độc lập của Fed vốn lâu nay vẫn được đề cao, Tổng thống Trump đổ lỗi cho Fed về những diễn biến kinh tế bất lợi của nước Mỹ.
Ông Trump viết trên Twitter: "Vấn đề duy nhất mà nền kinh tế chúng ta đối mặt là Fed. Họ không hề có cảm nhận gì về thị trường. Fed giống như một tay golf (gôn) mạnh mẽ nhưng không thể ghi điểm bởi vì ông ấy không có cảm giác - ông ấy không thể đánh bóng vào lỗ".
Trước đó, hôm 19/12, với việc nhận định kinh tế Mỹ vẫn tăng trưởng với tỉ lệ tốt trong khi thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện, Fed thông báo tăng lãi suất thêm 0,25% lên mức 2,5% sau cuộc họp 2 ngày của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang. Đây là lần nâng lãi suất thứ 4 trong năm nay của Fed.
Quyết định tăng lãi suất của Fed nằm trong đúng lộ trình tăng lãi suất theo từng bước. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump lại luôn chỉ trích Fed về vấn đề lãi suất, cho rằng các đợt nâng lãi suất liên tục trong thời gian qua của Fed đã kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.
Cho đến nay, ông Trump đã chỉ trích ông Powell một vài lần. Hồi tháng Tám, ông nói với Reuters rằng ông 'không hào hứng lắm' với Chủ tịch Fed, người mà ông đề cử, và rằng Fed nên làm nhiều hơn nữa để giúp ông tạo cú hích cho nền kinh tế.
Toàn bộ 11 khu vực kinh tế chính của chỉ số S&P 500 đều đi xuống, trong khi toàn bộ (chỉ trừ có một) mã chứng khoán của chỉ số công nghiệp Dow Jone đều ngập trong sắc đỏ.
Trong ngày thứ ba liên tiếp, trên 2.500 cổ phiếu được niêm yết trên Thị trường Chứng khoán New York và Nasdaq đã chạm đáy trong 52 tuần. Điều này phản ánh mức độ bán tháo mà thị trường chưa từng thấy kể từ đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng tài chính một thập niên trước.
Hôm 22/12, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin cho biết ông Trump nói với ông rằng ông ấy 'chưa bao giờ đề cập sa thải Powell'. Tuy nhiên, chỉ tin đồn thôi là ông Trump có thể can thiệp rất sâu vào công việc của Fed đã khiến cho các thị trường tài chính vốn từ lâu hoạt động dựa trên mặc định rằng Ngân hàng Trung ương Mỹ hoạt động độc lập và không bị chi phối về chính trị lao đao.
Đạo luật về Cục Dự trữ Liên bang cho phép tổng thống sa thải các thành viên hội đồng quản trị Fed với lý do chính đáng. Lý do ở đây được hiểu là vi phạm đạo đức nghiêm trọng, phạm tội, không qua được kiểm tra bia rượi và chất kích thích, trong khi ông Powell không phạm bất cứ điều gì trong số này.
Chuyên gia Doug Roberts tại công ty nghiên cứu thị trường Channel Capital Research cũng lưu ý rằng thị trường có thể trong trạng thái không mấy lạc quan sau kỳ nghỉ Năm Mới. Hiện còn quá sớm để xác định ảnh hưởng của những biến động trên thị trường chứng khoán đối với các nhà đầu tư và nền kinh tế.
Còn chuyên gia Andrew Brenner của công ty môi giới chứng khoán National Alliance Securities cho rằng sự điều chỉnh hoạt động vào cuối năm của một số quỹ đầu tư có thể giúp "nâng đỡ" thị trường cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 12. Khi đó, các nhà quản lý tái cân bằng những khoản đầu tư bằng cách tái phân bổ nguồn tiền từ lượng trái phiếu do họ nắm giữ sang thị trường chứng khoán.
Đối với các nhà đầu tư chứng khoán, năm 2019 nhiều khả năng sẽ không lạc quan hơn so với năm 2018. Trong khi các chuyên gia của Phố Wall dự báo năm 2019 sẽ là một năm đầy biến động với nhiều thách thức, song họ cũng hy vọng thị trường cổ phiếu sẽ hồi phục sau "màn trình diễn" tháng 12 tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái hồi những năm 1930 tới nay./.
TTXVN
Theo bnews.vn
Cổ phiếu công nghệ, tài chính kéo chứng khoán Mỹ giảm điểm Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm nhẹ trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, khi sức ép từ hai nhóm cổ phiếu công nghệ và tài chính áp đảo sự hỗ trợ từ biên bản cuộc họp gần nhất của Cục Dự trữ Liên bang (FED) cho thấy ngân hàng trung ương này bắt đầu tính đến việc lúc nào thì ngừng...