Chứng khoán còn cơ hội tăng cuối năm
Thị trường chứng khoán đã trả lại trọn vẹn những gì đã mất cho những ai kiên nhẫn, nhưng nếu ở góc nhìn khi bắt đầu năm 2020, mọi thứ chưa hẳn là quá nóng.
Vượt 1.000 điểm, khi VN-Index chỉ là chiếc áo đã cũ
Trong giao dịch chứng khoán, các mốc số tròn thường mang ngưỡng tâm lý nhất định và ở ngưỡng 1.000 điểm với chỉ số VN-Index cũng không ngoại lệ.
Đó là ngưỡng được nhiều người bình luận, dự đoán và câu chuyện vượt hay không vượt 1.000 điểm đã xuất hiện dày đặc trên những phương tiện truyền thông, các diễn đàn đầu tư chứng khoán thời gian qua.
Nhưng rồi, chỉ số VN-Index cũng vượt 1.000 điểm tương đối dễ dàng, đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần qua (4/12) ở mức 1.021 điểm.
Thực chất, ngưỡng 1.000 điểm không mang nhiều ý nghĩa, bởi nhiều lần trước đó cũng không có sự phản ứng tâm lý nào đáng kể. Ngưỡng quan trọng hơn đối với VN-Index có lẽ nằm quanh 1.025 điểm, đỉnh của đợt phục hồi năm 2019. Tuy nhiên, hiện tại, bản thân VN-Index cũng không phải chỉ số đáng tin cậy để có thể là ngưỡng tham khảo có giá trị.
Sở dĩ nói VN-Index là “chiếc áo cũ”, vì vai trò phản ánh diễn biến thị trường của chỉ số ngày càng kém đi. Có thể thấy rõ điều này nếu đặt VN-Index và các chỉ số khác trên một đồ thị để phân tích.
Vai trò phản ánh thị trường của chỉ số VN-Index ngày càng kém đi.
Như đã đề cập ở trên, sau khi vượt 1.000 điểm, ngưỡng tiếp theo cần chú ý trên VN-Index là đỉnh của nhịp phục hồi năm 2019.
Tuy nhiên, nếu quan sát các chỉ số khác, hầu như tất cả các chỉ số đã vượt, thậm chí vượt xa mốc neo ở trên, từ VNAllshare với cái nhìn bao quát, VN30 với các cổ phiếu trụ hay VNMidcap với các cổ phiếu có vốn hóa trung bình.
Các chỉ số mới hơn như VNDiamond, VNFinlead thậm chí còn vượt đỉnh từ lâu và hiện tại đã vượt xa. Với việc VN-Index có trọng số lớn đối với các nhóm cổ phiếu có biến động ít theo thị trường hoặc các cổ phiếu bị bỏ quên khiến chỉ số này ngày càng kém tin cậy dưới góc nhìn giao dịch.
Các chỉ số mới hơn về một nhóm cổ phiếu nào đó sẽ cho cái nhìn có giá trị hơn, bởi lẽ thực tế, không ai đầu tư vào VN-Index được cả.
Hưng phấn nhưng chưa quá đà
Chỉ số VN-Index đã tăng thần tốc từ mức đáy xác lập hồi cuối tháng 3/2020, xác lập mức tăng hơn 50% chỉ vỏn vẹn trong vòng khoảng 6 tháng.
Video đang HOT
Hiện tại, những phiên giao dịch có thanh khoản trên 10.000 tỷ đồng đã trở nên bình thường, không hề có dấu hiệu căng sức để phải nghi ngờ sự phân phối. Nếu tính về gia tốc tăng, mức tăng này có thể được so sánh với sóng tăng năm 2017 – 2018 và xa hơn là sóng tăng 2007 – 2008.
Thị trường hưng phấn như hiện tại phản ánh rõ ràng việc thị trường chứng khoán được hưởng lợi từ vĩ mô, nới lỏng chính sách tiền tệ và cả chính sách tài khóa.
Đáng chú ý, điều này không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn cầu, khi lãi suất ở các quốc gia lớn đều ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Thị trường đã tăng mạnh kể từ chân sóng, nhưng nếu tính từ đầu năm đến nay, VN-Index mới chỉ tăng hơn 6%. Điều đó có nghĩa rằng, một phần của đà phục hồi ấn tượng hơn 50% từ đáy của chỉ số này là do đợt suy giảm khủng khiếp trong đầu năm do đại dịch Covid-19 gây ra.
Hiện tại, thị trường đã trả lại trọn vẹn những gì đã mất cho những ai kiên nhẫn bám sàn, nhưng nếu ở góc nhìn khi bắt đầu năm 2020, mọi thứ chưa hẳn là quá nóng.
P/E hiện nay tương đương mức trung bình giai đoạn 2018 đến nay.
Ngoài mặt chỉ số, một trong những dẫn chứng để có thể thấy thị trường đang hưng phấn nhưng chưa phải quá phi lý, đó là định giá (P/E). Hiện tại, mức định giá P/E của VN-Index là khoảng 16,4 lần. Mức này cao hơn mức trung bình từ năm 2010 đến nay một chút (14,36 lần), nhưng cũng chỉ tương đương mức trung bình từ năm 2018 đến nay.
Mức định giá của thị trường Việt Nam đang dần được nâng lên trong khoảng 10 năm trở lại đây.
Bức tranh vĩ mô chưa thay đổi, dòng tiền vẫn ở lại
Thông thường, với những sóng vĩ mô như hiện tại, sự hưng phấn hoàn toàn có thể được đẩy lên cao hơn nữa. Có thể những nhịp quá mua trong ngắn hạn khiến thị trường rung lắc nhưng nếu dòng tiền vẫn ở lại, thị trường sẽ rất khó điều chỉnh sâu.
Điều này được quan sát rất rõ trong thời gian qua khi hiếm có nhịp điều chỉnh nào kéo dài tính bằng tuần và mức độ chỉnh trên 10%. Tiền xoay vòng và tự luân phiên chảy rất nhịp nhàng.
Trong những sóng lớn, việc đoán đỉnh và đáy thường không thể thực hiện nếu chỉ dựa vào việc quan sát riêng thị trường cổ phiếu.
Sóng tăng vĩ mô một khi kết thúc sẽ kết thúc nhanh, gọn và được quyết định và cảnh báo sớm bởi các thị trường khác (trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ…).
Gần nhất đó là sóng tăng năm 2018, thị trường giảm nhanh vào tháng 4 với nhiều dấu diệu cảnh báo từ trước đó ở góc nhìn toàn cảnh.
Đó là việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và đồng USD mạnh lên và ở trong nước, lãi suất nâng lên và lạm phát có dấu hiệu quay trở lại vào thời điểm đó.
Đại dịch Covid-19 mang đến quá nhiều tác động tiêu cực cho nền kinh tế, nhưng lại mang tới món quà lớn cho thị trường cổ phiếu nhờ tạo ra môi trường chính sách tiền tệ và tài khóa ủng hộ thị trường.
Một khi bức tranh lớn chưa thay đổi, dù các chỉ số có ở vùng nào, tiền vẫn ở lại thị trường chứng khoán thì cơ hội kiếm tiền vẫn ở đó.
Còn như đã nói, một khi bức tranh lớn đổi màu, mọi thứ sẽ diễn ra rất nhanh. Do đó, có lẽ là hợp lý khi tiếp tục nương theo đà tăng của thị trường, chỉ cần mở rộng tầm nhìn ra ngoài các thị trường khác một chút để nhận ra sớm những sự thay đổi.
Việc cập nhật tín hiệu ở các thị trường khác (trái phiếu, hàng hóa, ngoại tệ…) càng trở nên quan trọng khi hiện tại, độ mở của thị trường Việt Nam ngày càng lớn.
Xin tạm kết bằng một trong những câu nói nổi tiếng của John J Murphy, một tác giả quen thuộc đối với các trader trên toàn thế giới: “Cố gắng giao dịch trên các thị trường mà không có nhận thức liên thị trường cũng giống như lái xe mà không nhìn vào bên hông, gương chiếu hậu và cửa sổ”.
"Săn" cổ phiếu có cổ tức tiền mặt hấp dẫn
Trong xu hướng lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng đang giảm và dự kiến sẽ tiếp tục giảm, lựa chọn cổ phiếu đầu tư "ăn" cổ tức có lẽ là một sự lựa chọn không tồi đối với giới đầu tư trong giai đoạn này, đặc biệt là những khoản cổ tức tiền mặt.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Theo nhận định của giới chuyên gia, thị trường chứng khoán đang đứng trước áp lực giảm điểm nhiều hơn là tăng điểm trong thời gian còn lại của quý II/2020. Tuy nhiên, đây lại là thời điểm mà các doanh nghiệp công bố những thông tin liên quan đến việc phân phối lợi nhuận, chia cổ tức năm 2019 và dự kiến tỷ lệ cổ tức cho năm 2020.
"Mưa" cổ tức tiền mặt
Mới đây, CTCP Dược phẩm Imexpharm đã có thông báo quyết định của HĐQT thông qua phương án chia cổ tức tiền mặt, cổ phiếu năm 2019 và thưởng cổ phiếu.
Công ty dự kiến trả cổ tức năm 2019 tổng tỷ lệ 20%. Trong đó, trả 10% bằng tiền mặt và 10% cổ phiếu, tương đương với việc phát hành 4,9 triệu cổ phiếu. Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận sau thuế năm 2019.
Ngoài ra, Imexpharm dùng thặng dư vốn để phát hành 9,9 triệu cổ phiếu, tương đương 20% lượng cổ phiếu đang lưu hành thưởng cho cổ đông hiện hữu. Việc thực hiện chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng dự kiến sẽ diễn ra trong quý II và quý III/2020.
Đầu tư "ăn" cổ tức là lựa chọn khá tốt so với tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng trong giai đoạn hiện nay (Ảnh: Internet)
Được biết đến là một doanh nghiệp luôn duy trì tỷ lệ chi trả cổ tức tiền mặt ở mức cao, vừa qua HĐQT CTCP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên đã quyết định chi trả cổ tức năm 2019 với tỷ lệ 100% bằng tiền. Trước đó, vào cuối năm 2019, công ty đã tạm ứng 50% cổ tức bằng tiền mặt. Sang năm 2020, kế hoạch cổ tức duy trì ở mức tối thiểu 80%.
CTCP Cảng Đồng Nai (mã: PDN) cũng vừa phát đi thông báo ngày 17/6 tới là ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức đợt 2 (đợt cuối) năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu nhận 1.500 đồng).
Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông là ngày 18/6. Thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 10/7/2020. Trước đó, vào cuối tháng 2 vừa qua, Cảng Đồng Nai đã tạm ứng cổ tức đợt 1 năm 2019 bằng tiền với tỷ lệ 15%. Như vậy, tổng mức chia cổ tức năm 2019 là 30%.
Tương tự, ban lãnh đạo CTCP Địa ốc Sài Gòn (Saigonres, mã: SGR) dự kiến sẽ trình ĐHĐCĐ thường niên 2020 sắp được tổ chức phương án chia cổ tức năm 2019 bằng tiền mặt với tỷ lệ 15%. Thời gian thực hiện trong quý IV/2020.
Hồi cuối tháng 5 vừa qua, giới tài chính được dịp xôn xao trước thông tin Dầu ăn Tường An sẽ thực hiện sáp nhập vào Tập đoàn Kido. Đáng chú ý hơn khi Dầu ăn Tường An đưa ra kế hoạch chi cổ tức với tỷ lên lên tới 75% bằng tiền mặt trước thềm "về chung một nhà".
Ngoài những doanh nghiệp kể trên, nhiều doanh nghiệp khác như CTCP Lâm nông sản thực phẩm Yên Bái (mã: CAP) cũng vừa chốt danh sách cổ đông trả cổ tức bằng tiền mặt năm 2019 với tỷ lệ 35%; May Hưng Yên tỷ lệ 60%; Vocarimex: 12%...
Trợ lực của giá cổ phiếu
Thực tế, những khoản cổ tức luôn được cho là trợ lực của giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn vùng trũng thông tin. Ví dụ như cổ phiếu NTC, bên cạnh những thông tin về triển vọng ngành thì việc trả cổ tức bằng tiền mặt đều đặn cũng là một yếu tố khiến mã này trở nên "hot" trong mắt các nhà đầu tư.
Theo đó, trong vòng chưa đầy 2 tháng qua, NTC đã tăng gần 50% từ vùng giá 53.000 đồng lên 77.300 đồng/cp với thanh khoản trung bình khoảng 600.000 đơn vị mỗi phiên.
Tương tự, cổ phiếu PDN của Cảng Đồng Nai cũng có diễn biến tích cực ngay sau khi công bố thông tin chi trả cổ tức với mức tăng ghi nhận tại ngày 3/6 là 2,5% lên 67.600 đồng/cp.
Hay như trước đó, cổ phiếu PET của Tổng CTCP Dịch vụ tổng hợp dầu khí cũng có thanh khoản dồi dào hơn khi công bố kế hoạch trả cổ tức tiền mặt 10%, EPS ở dao động 1.000 - 2.000 đồng/cp.
Cổ phiếu BCG của CTCP Bamboo Capital đã dần dần phục hồi lên 6.000 đồng/cp, khi mức cổ tức tiền mặt dự kiến 10% trong năm 2019 và 2020, EPS năm 2020 dự kiến là 3.000 đồng/cp.
CTCP Kinh doanh và Phát triển nhà Bình Dương (mã: TDC) cũng là một doanh nghiệp nổi tiếng nhiều năm về việc chia cổ tức đều đặn từ 10 - 13%/năm. Với thị giá dao động 7.000-8000 đồng/cp, cổ đông của công ty hưởng lợi tức từ 10 - 15%/năm/thị giá.
Với nhiều nhà đầu tư, tỷ suất sinh lời đến 15%/năm không phải là một con số quá lớn so với việc đầu tư những cổ phiếu khác, nhưng đối với các cổ đông thường niên của doanh nghiệp thì đây là lựa chọn khá tốt so với tiền gửi tiết kiệm tại các ngân hàng.
Đặc biệt trong bối cảnh như hiện nay, các ngân hàng đã và đang có xu hướng hạ lãi suất tiền gửi. Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần gần nhất của SSI Research, lãi suất tiền gửi tại một số ngân hàng thương mại cổ phần lớn được điều chỉnh giảm từ 30 - 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12, 13 tháng và giảm tiếp 30 - 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng.
Tính chung từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi của các ngân hàng thương mại cổ phần lớn đã giảm tổng cộng 60 - 75 điểm cơ bản với kỳ hạn dưới 12 tháng (về mức 4 - 5,5%/năm) và giảm từ 65 - 100 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12, 13 tháng (về mức 5,7 - 6,2%/năm).
Trường phái đầu tư "ăn theo" cổ tức mở ra cơ hội vừa đầu tư nhận cổ tức, vừa có thể sinh lợi nhuận khi giá cổ phiếu tăng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư vẫn cần cẩn trọng, bởi không phải doanh nghiệp trả cổ tức cao nào cũng là doanh nghiệp tốt.
Vàng bị bán tháo, ngấp nghé xuyên thủng ngưỡng quan trọng Sự bùng nổ của chứng khoán đã kéo nhà đầu tư ra khỏi vàng. Giá vàng thế giới giảm mạnh, đã có lúc xuyên thủng ngưỡng tâm lý 1.700 điểm. Phiên giao dịch Mỹ ngày 3/6 (đêm qua theo giờ Việt Nam), giá vàng thế giới giảm khá mạnh, có lúc lao dốc từ mức xấp xỉ 1.725 USD/ounce về dưới 1.690 USD/ounce...