Chứng khoán chiều 18/10: Xả tăng cường, blue-chips hụt hơi
Một nhịp phục hồi ngắn đầu phiên chiều nay đã kết thúc bằng nhịp trượt dốc còn nhanh hơn. Các chỉ số đóng cửa sát đáy thấp ngày do mất hết các cổ phiếu trụ lớn nhất…
Một nhịp phục hồi ngắn đầu phiên chiều nay đã kết thúc bằng nhịp trượt dốc còn nhanh hơn. Các chỉ số đóng cửa sát đáy thấp ngày do mất hết các cổ phiếu trụ lớn nhất.
Mặt bằng blue-chips chiều nay rất kém, đa số giảm giá so với phiên sáng. VN30 ghi nhận 21 cổ phiếu tụt giá, chỉ 5 mã tăng cao hơn. Vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thị trường chung tỏ ra yếu ớt như vậy.
VN-Index chốt phiên giảm 0,84% so với tham chiếu, Vn30-Index giảm 0,88%. Rổ blue-chips bao gồm cả VHM, TCB chỉ có 4 cổ phiếu tăng, trong đó VIC là mã trụ duy nhất. VIC cũng chỉ tăng được 0,1%. Các mã HSG, GMD, ROS là quá nhỏ để có thể tác động tới chỉ số.
Phía giảm, các đại diện lớn nhất của nhóm ngân hàng và dầu khí đều rơi mạnh: GAS giảm 2,22%, VCB giảm 2,03% là hai mã đáng kể nhất. Vốn hóa của mỗi mã đều bốc hơi trên 4.000 tỷ đồng. Chỉ GAS và VCB đã khiến VN-Index mất đi 0,3%.
Nhóm còn lại là VHM giảm 1,05%, CTG giảm 1,78%, VNM giảm 0,71%, VJC giảm 1,94%, NVL giảm 1,77%. Các mã này đều bốc hơi từ 1.000 -2.000 tỷ đồng vốn hóa.
So với phiên sáng, các blue-chips yếu nhất phải kể tới VRE, MBB, VCB, STB, GAS, CTG đều tụt giá ít nhất là 1%. HPG, VIC là hai blue-chips hiếm hoi phục hồi tốt. HPG quay trở lại mốc tham chiếu thành công, trong khi VIC khỏe hơn, còn được giật tăng qua tham chiếu lúc đóng cửa.
Không chỉ có blue-chips, mặt bằng giá cổ phiếu nói chung của HSX chiều nay cũng kém hơn phiên sáng. Độ rộng lúc đóng cửa ghi nhận là 99 mã tăng/190 mã giảm, phiên sáng mới có 85 mã tăng/174 mã giảm. Chiều nay cũng có 115 cổ phiếu giảm trên 1%, trong khi buổi sáng là 80 mã.
Thanh khoản cũng không mạnh ở phiên chiều, dù giao dịch có lớn hơn chiều hôm qua một chút. Tổng giá trị khớp tăng thêm khoảng 1.572,5 tỷ đồng, giảm 3% so với phiên sáng nhưng tăng 8% so với chiều hôm qua. Dù vậy cả phiên thanh khoản cũng khá thấp với 3.190,8 tỷ đồng, giảm chung gần 14%.
Video đang HOT
Điểm tích cực nhỏ hôm nay là nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng. Khoảng 97 tỷ đồng được bơm ròng vào hai sàn cổ phiếu, không lớn, nhưng dứt được khỏi chuỗi ngày bán ròng gần đây. Cụ thể, trên HSX khối ngoại mua 436,7 tỷ đồng, bán ra 343,6 tỷ đồng. Trên HNX mua 10,6 tỷ đồng, bán 6,8 tỷ đồng.
STB và BID là hai mã ngân hàng được mua ròng rất lớn hôm nay với tương ứng 2,1 triệu và 1,03 triệu cổ phiếu. Tuy vậy lực mua là chưa đủ để đỡ giá. STB đến cuối phiên bị ép giảm 0,37% dù trước đó vẫn tăng. BID bị đè xuống tham chiếu. Nhà đầu tư trong nước xả lớn hơn nhiều. Tỷ trọng mua của khối ngoại chỉ chiếm 15% tại STB và 32% tại BID mà thôi.
Ngoài hai mã trên, HBC, SSI, HPG, SBT, NKG, DXG cũng được mua ròng tốt. Phía bán ròng có DLG, PPC, VIC, VJC, SKG, SCR, AAA.
Lan Ngọc
Theo vneconomy.vn
Chứng khoán phái sinh "sốt" trở lại
Phiên 11/10, giá trị giao dịch trên sàn phái sinh đạt hơn 12.000 tỷ đồng, gấp 3 lần phiên trước đó, cao nhất kể từ đầu tháng 8. Giá trị giao dịch phiên sau đó cao hơn, đạt gần 14.000 tỷ đồng, trong khi trung bình giai đoạn từ 1 - 10/10 chỉ trên 5.000 tỷ đồng/phiên.
Thị trường cơ sở biến động mạnh, tạo ra cơ hội "lướt sóng"
Khi phiên giao dịch 11/10 kết thúc, người viết có trao đổi với một nhà đầu tư (NĐT) chứng khoán phái sinh, người này chia sẻ, buổi sáng, anh mở màn hình giao dịch và giật mình khi thấy giá chứng khoán phái sinh sụt giảm, lệnh bán với giá ATO chất đống (bán tại mức giá khi hệ thống so khớp lệnh xác định giá mở cửa; trong bối cảnh giá giảm, lệnh này đồng nghĩa với việc NĐT chấp nhận bán với giá sàn), trong khi lệnh mua với giá ATO cũng lớn.
Nhìn thời gian, hệ thống chuẩn bị khớp lệnh nên anh liền đặt mua vì cho rằng, làm gì có thông tin nào bất lợi, chắc có đội lái dìm giá, "mua tay trái, bán tay phải", giá sẽ tăng ngay khi bước vào đợt khớp lệnh liên tục.
Lâu nay, các đợt ATO chỉ có vài trăm đơn vị được khớp, NĐT đặt lệnh nhỏ giọt nhằm thăm dò, chứ mấy ai mua bán lớn, mà phải chờ diễn biến trên thị trường cơ sở (sàn cơ sở mở cửa sau sàn phái sinh 15 phút, khi sàn phái sinh kết thúc đợt ATO).
Kết quả, anh mua được hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đáo hạn tháng 10 ở mức giá 952 điểm, thấp hơn gần 20 điểm so với giá tham chiếu và thấp hơn khoảng 14 điểm so với tham chiếu của VN30.
Mua xong, anh cảm thấy hoảng, vì giá tiếp tục lao dốc, cắt lỗ thì... đau chết! Vội nhìn sang sàn cơ sở thì thấy bảng điện "đỏ lừ", giá dự kiến khớp mỗi lúc một giảm thêm, tìm hiểu nguyên nhân thì được biết, TTCK thế giới đêm trước lao dốc.
"Gần đây, tôi không đánh giá cao tác động của diễn biến giá chứng khoán thế giới đến chứng khoán Việt Nam. Ngay cả khi Mỹ quyết định áp thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc hồi giữa tháng 9 thì chứng khoán Việt vẫn cứ lình xình, thậm chí tăng điểm, dù nhiều thị trường khác, trong đó có Mỹ, giảm điểm. Do đó, tôi quyết định không cắt lỗ", NĐT nói trước khi thừa nhận, đây là một quyết định không thực sự hợp lý.
Chỉ vì không cam tâm chấp nhận lỗ mà anh đã bỏ qua cơ hội lướt sóng trong phiên, hoặc chuyển sang vị thế bán, bởi giá đóng cửa cuối phiên là 920,2 điểm, gần thấp nhất phiên, giảm 31,8 điểm so với giá mở cửa và giảm 51,4 điểm so với cuối phiên trước (1 điểm tương đương 100.000 đồng, trong khi một hợp đồng có giá trị ký quỹ giao dịch khoảng 18 triệu đồng).
Trao đổi lại với NĐT trên khi phiên giao dịch cuối tuần qua (12/10) kết thúc, anh cho biết, nhiều thị trường trên thế giới vẫn giảm điểm nên giá chứng khoán phái sinh tiếp tục giảm khi mở cửa, nhưng sau đó hồi dần và tăng cao trong phiên chiều.
Anh đã gỡ lại được phần lớn mức thua lỗ hôm trước nhờ kiên định nắm giữ vị thế mua, dù tâm lý ban đầu khá hoảng, phải nộp thêm tiền vào tài khoản nhằm đảm bảo tỷ lệ ký quỹ giao dịch. Trong khi đó, các bạn anh liên tục mua vào - bán ra nhằm hưởng chênh lệch giá.
Phiên 12/10, VN30 tăng 23,47 điểm, đạt 943,49 điểm; giá hợp đồng đáo hạn tháng 10 tăng 23,8 điểm, đạt 944 điểm. Trong phiên, giá hợp đồng này thấp nhất là 902,9 điểm, cao nhất là 944,5 điểm, còn VN30 thấp nhất là 908,74 điểm, cao nhất là lúc đóng cửa.
"Tôi hiếm khi nắm giữ vị thế qua đêm, vừa qua là kinh nghiệm nhớ đời. Không thể chống lại thị trường, mà cần nương theo xu hướng.
Nếu không hấp tấp trước khi giao dịch phiên sáng 11/10 thì tôi có thể sử dụng vốn để thỏa sức lướt sóng trong phiên, vì biên độ dao động giá lớn và giá có diễn biến nhanh, chứ không như trước, cứ lình xình, rất khó chịu, rất khó kiếm lời, cả ngày chỉ thực hiện được vài ba thương vụ", NĐT tỏ vẻ tiếc nuối.
Trưởng phòng môi giới tại một công ty chứng khoán ở Hà Nội cho biết, chỉ số cơ sở biến động mạnh khiến giá phái sinh biến động theo, tạo cơ hội cho các NĐT lướt sóng, liên tục mua - bán trong phiên nhằm hưởng chênh lệch giá, dẫn đến thanh khoản tăng vọt so với trước.
Kỹ thuật lướt sóng
Vị trưởng phòng môi giới cho rằng, giá phái sinh dựa vào giá cơ sở, nên chỉ có thể "làm giá" trên thị trường cơ sở để hưởng lợi trên thị trường phái sinh, chứ làm ngược lại là không thể.
Nhưng trên thị trường cơ sở cũng rất khó làm giá, vì quy mô quá lớn, chỉ có thể tác động (liên tục mua với giá cao hoặc bán với giá thấp) vào một vài mã có thanh khoản không cao, trong một số điều kiện nhất định, chẳng hạn thị trường đang đi ngang.
Hành động này khiến chỉ số bất ngờ tăng hoặc giảm, qua đó giá phái sinh "chạy" theo. NĐT sẽ hưởng lợi khi thực hiện đóng vị thế trên sàn phái sinh sau khi mở vị thế mua hoặc bán trước đó.
Còn trên sàn phái sinh, khả năng tác động tương tự là có, nhưng phải nương theo thị trường cơ sở. Ví dụ, chỉ số cơ sở đang tăng, nhưng giá phái sinh tăng ít và khối lượng mua bán tại các mức giá gần nhất đều nhỏ, NĐT mở vị thế mua nhiều trước đó có thể liên tiếp mua vào để đẩy giá phái sinh lên một mặt bằng mới, sau đó từ từ chốt lời. Đây không phải là làm giá, mà là kỹ thuật lướt sóng.
"Sàn chứng khoán giờ đây có kỹ thuật lướt sóng rất cao, NĐT nhỏ nếu không cẩn trọng, mua đuổi hoặc bán đuổi, có thể sẽ mắc bẫy "cá mập" hoặc các NĐT giàu kinh nghiệm khác", vị trưởng phòng môi giới nói.
Trí Dũng
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Động lực nào giúp thị trường chứng khoán bật lại mạnh mẽ trong phiên cuối tuần? Sau phiên giảm hơn 48 điểm trong ngày hôm qua, chỉ số VN Index trong ngày cuối tuần hôm nay bật lại hơn 24 điểm, lấy lại được phần nào điểm số đã mất đi vào hôm qua. Điều gì đã khiến thị trường phục hồi tích cực trở lại? Từ tác động tích cực của thị trường thế giới Có thể nói...