Chứng khoán châu Á và châu Âu xanh sàn
Thị trường chứng khoán châu Á đã có một ngày hoạt động sôi động trong ngày giao dịch 6/7 khi tâm lý nhà đầu tư hưng phấn trước những tín hiệu phục hồi kinh tế tích cực, bất chấp số ca mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu vẫn tăng cao.
Giao dịch viên tại Sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN
Đóng cửa phiên giao dịch trong ngày, chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Thượng Hải (Trung Quốc) dẫn đầu các thị trường lớn trong khu vực khi tăng tới 5,71% lên mức 3.332,88 điểm, mức cao nhất trong hơn 2 năm qua, khi các nhà đầu tư tin tưởng vào “sự hồi sinh” của hoạt động kinh tế tại cường quốc châu Á sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chỉ số Shenzhen Composite trên sàn giao dịch Thâm Quyến cũng ghi nhận mức tăng 3,9% và chốt phiên ở mức 2.121,59 điểm.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 tăng 1,8% lên mức 22.714,44 điểm, trong khi chỉ số Topix tăng 1,6% và đóng cửa ở mức 1.577,15 điểm. Tương tự, chỉ số KOSPI của Hàn Quốc cũng tăng 1,65% lên mức 2.187,93 điểm.
Video đang HOT
Nhìn chung, chỉ số MSCI toàn châu Á- Thái Bình Dương, trừ Nhật Bản, tăng 1,6% lên mức cao nhất kể tháng Hai vừa qua.
Nối tiếp đà đi lên của chứng khoán châu Á, các chỉ số chứng khoán châu Âu cũng mở phiên trong “sắc xanh” . Cụ thể, chỉ số FTSE 100 của thị trường London (Anh) tiến 1,8% lên 6.267,78 điểm. Tại khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), chỉ số DAX 30 tại Frankfurt (Đức) tăng 1,9% lên 12.766,05 điểm, trong khi chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) “nhảy vọt” 2% lên mức 5.109,28 điểm.
Việc các nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa phòng chống đại dịch COVID-19 chính là chất xúc tác mạnh mẽ tác động tới tâm lý của giới đầu tư vốn đang kỳ vọng vào sự phục hồi sau tình trạng được cho là suy thoái toàn cầu trong năm 2020 này do ảnh ưởng của dịch bệnh trên.
Ngoài ra, số liệu việc làm Mỹ cũng như hoạt động sản xuất tốt hơn mong đợi cũng giúp tăng niềm tin của các nhà đầu tư, cùng hy vọng về sớm có vaccine phòng COVID-19 – một yếu tố then chốt sẽ giúp thúc đẩy sự phục hồi kinh tế.
'Sắc xanh' tiếp tục lan tỏa thị trường chứng khoán thế giới
Các thị trường chứng khoán ở châu Á lẫn châu Âu tiếp nối đà tăng điểm trong bối cảnh tâm lý nhà đầu tư hưng phấn khi đón nhận thông tin về gói kích thích kinh tế quy mô lớn trị giá 2.000 tỷ USD của Mỹ.
Ngày 25/3, chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) nhảy vọt 3,5%. Ảnh: THX/TTXVN
Khép lại phiên 25/3, các chỉ số chứng khoán chủ chốt tại Trung Quốc đồng loạt tăng điểm. Chỉ số chứng khoán tổng hợp Thượng Hải tăng 2,17% lên mức 2.781,59 điểm, trong khi chỉ số Thâm Quyến tiến 2,92% và đóng cửa ở mức 1.714,86 điểm. Tại Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng cũng "nhảy vọt" 3,81% và đóng cửa ở mức 23.529,19 điểm.
Trong khi đó, các chỉ số chứng khoán Tokyo của Nhật Bản cũng tăng vọt hơn 8%, mức tăng cao nhất kể từ năm 2008, trước thông tin về gói cứu trợ kinh tế khổng lồ của Mỹ và Thế vận hội Olympics sẽ được hoãn thay vì bị hủy. Cụ thể, chỉ số Nikkei 225 đã tăng 8,04% và chốt phiên ở mức 19.546,63 điểm. Trong phiên giao dịch trước đó một ngày, chỉ số này đã tăng hơn 7%. Chỉ số Topix (đo lường giá toàn bộ 1.700 cổ phiếu trên sàn giao dịch Tokyo) cũng tiến 6,87% lên mức 1.424,62 điểm.
Tương tự, chứng khoán Hàn Quốc cũng nối dài đà tăng điểm khi chỉ số KOSPI tiến 5,89% và đóng cửa ở mức 1.704,76 điểm. Trước đó một ngày, chỉ số này đã tăng vọt 8,6%, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ cuối tháng 10/2008.
"Sắc xanh" cũng tiếp tục bao trùm thị trường chứng khoán châu Âu khi mở cửa phiên giao dịch ngày 25/3, các chỉ số chính đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh các chính phủ và các ngân hàng trung ương đưa ra các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế toàn cầu vốn chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cụ thể, các chỉ số chứng khoán trên sàn giao dịch London (Anh) đã tiến 2,5% sau khi chốt phiên ngày 24/3 với mức tăng 7,5%. Trong khi đó, chứng khoán trên sàn giao dịch Frankfurt (Đức) cũng nhảy vọt 3,5%, trên sàn Paris (Pháp) nhích 3,1%, trền sàn Milan (Italy) thêm 3,2% và trên sàn Madrid (Tây Ban Nha) tăng 4%.
Trước đó, cùng ngày, Thượng viện Mỹ và Nhà Trắng đã đạt được thỏa thuận về gói kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD nhằm giúp nền kinh tế đầu tàu thế giới và hàng triệu người dân Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19 gây ra. Theo quy định, Quốc hội lưỡng viện Mỹ vẫn cần bỏ phiếu thông qua dự luật hỗ trợ và kích thích nền kinh tế này trước khi chuyển tới Tổng thống Mỹ Donald Trump ký thành luật.
Nếu được thông qua, gói kích thích lần này sẽ là gói cứu trợ thứ ba của Chính phủ Mỹ trong nỗ lực giảm bớt tác động từ dịch COVID-19. Dự luật đầu tiên trị giá 8,3 tỷ USD tập trung vào các quan cơ y tế và những người phải ứng phó đầu tiên với dịch, trong khi dự luật thứ hai trị giá 104 tỷ USD được Tổng thống Trump ký ngày 18/3 nhằm hỗ trợ người lao động nghỉ phép khẩn cấp, xét nghiệm miễn phí virus SARS-CoV-2 gây COVID-19 và bảo hiểm thất nghiệp mở rộng.
Phương Oanh
Thông tin về dịch COVID-19 khiến chứng khoán châu Á và châu Âu ngập sắc đỏ Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên 24/2, với thị trường Hàn Quốc dẫn đầu đà giảm, khi nước này thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV2 tăng mạnh và có 8 người tử vong. Chứng khoán châu Á giảm điểm. Ảnh minh họa: TTXVN Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ 3...