Chứng khoán châu Á phần lớn lên điểm
Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á lên điểm trong phiên 24/1, khi các nhà đầu tư theo dõi diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung.
Chứng khoán châu Á phần lớn lên điểm. Ảnh: TTXVN/AFP
Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng 0,4% và chốt phiên ở mức 2.591,69 điểm, chỉ số Hang Seng ở Hong Kong tăng 0,42% lên 27.120,98 điểm. Chỉ số KOSPI tại Hàn Quốc tăng 0,81% lên 2.145,03 điểm, trong lúc chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Nhật Bản giảm 0,1%, xuống 20.574,63 điểm.
Đây là phiên thứ hai các thị trường chứng khoán trồi sụt, khi không có nhiều yếu tố quyết định chiều hướng biến động của thị trường, dù Phố Wall tạo được lực đẩy với cả ba chỉ số chủ lực chốt phiên trước cùng lên điểm, nhờ các báo cáo lợi nhuận của các tên tuổi lớn trên thị trường như Procter & Gamble và IBM.
Ngày 23/1, Tổng thống Mỹ đã nói rằng đàm phán thương mại với Trung Quốc đang tiến triển tốt và Trung Quốc mong muốn đạt thỏa thuận.
Các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung diễn ra khi Trung Quốc đang nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế, với nhịp độ tăng trưởng năm ngoái ở mức thấp nhất trong gần ba thập niên.
Việc Chính phủ liên bang Mỹ đóng cửa một phần tiếp tục khiến các nhà đầu tư lo ngại, khi đảng Dân chủ và Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn bất đồng trong vấn đề cấp ngân sách xây bức tường biên giới với Mexico.
Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng cố vấn kinh tế của Nhà Trắng, Kevin Hassett cảnh báo tình trạng đóng cửa chính phủ nếu tiếp tục kéo dài qua tháng Ba có thể khiến tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới xuống gần đến mức 0%. Tuy nhiên, ông này cũng nói nền kinh tế có thể sẽ bứt lên ngay khi tình trạng bế tắc hiện nay được khơi thông.
Trên thị trường tiền tệ, đồng bảng duy trì ở mức cao nhất trong hai tháng so với đồng USD, nhờ sự lạc quan rằng nước Anh sẽ không ra khỏi EU mà không thỏa thuận nào đạt được, mặc dù thỏa thuận mà Thủ tướng Theresa May đã nhất trí với EU đã bị bác bỏ tại Quốc hội Anh trong tuần trước. Đồng bảng tăng từ 1,3068 USD lên 1,3070 USD.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 24/1, tại thị trường Việt Nam, VN – Index tăng 0,61 điểm lên 908,79 điểm. Toàn sàn có 136 mã tăng giá, 53 mã đứng giá và 151 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt rất thấp, chỉ hơn 110,29 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 2.677,7 tỷ đồng.
HNX – Index tăng nhẹ 0,11 điểm lên 102,78 điểm. Toàn sàn có 51 mã tăng giá, 62 mã đứng giá và 65 mã giảm giá. Khối lượng giao dịch đạt hơn 28,2 triệu đơn vị, tương ứng với giá trị hơn 378,1 tỷ đồng.
Các chỉ số vẫn giữ được sắc xanh là nhờ lực kéo của nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn. Theo đó, trong rổ cổ phiếu VN30 có tới 16 mã tăng giá, trong khi chỉ có 9 mã giảm giá.
Các mã tăng tiêu biểu có thể kể đến như: VJC tăng 2,2%, REE tăng 1,5%, CII tăng 2,6%, KDC tăng 1,8%; trong khi VNM, VIC, FPT, PNJ,… chỉ tăng giá nhẹ.
Ở chiều giảm giá, đáng chú ý ROS, SAB, SBT, GAS, NVL,… giảm giá nhẹ. Thêm vào đó, cổ phiếu có vốn hóa lớn thứ 2 thị trường là VHM cũng giảm giá 1% đã gây áp lực lớn lên chỉ số.
Rất may, thị trường còn có sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Những mã quan trọng nhất trong nhóm cổ phiếu này đều ở chiều tăng giá như: CTG tăng tới 2,5%, MBB tăng 2,4%, VPB tăng 1,5%. Các mã STB, TCB, ACB,… đều tăng giá nhẹ.
Nhóm cổ phiếu dầu khí là nhóm tích cực nhất trong phiên giao dịch hôm nay với sắc xanh lan tỏa. BSR tăng tới 2,5%, OIL tăng 1,5%, PVB tăng 1,3%, PVD tăng 1,6%, PVS tăng 1,1%, TDG tăng 2,2%. Ở chiều giảm giá chỉ còn PVC giảm 1,7%, GAS giảm nhẹ 0,2%.
Lê Minh – Văn Giáp
Theo bnews.vn
Mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế "phủ bóng" lên chứng khoán châu Á
Phiên chiều 17/1, sắc đỏ chi phối các sàn chứng khoán châu Á, trong bối cảnh mối lo về sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc nói riêng và kinh tế thế giới nói chung tác động đến tâm lý của giới đầu tư.
Mối lo về triển vọng tăng trưởng kinh tế "phủ bóng" lên chứng khoán châu Á. Ảnh minh họa: TTXV N
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei đảo ngược đà tăng đầu phiên, giữa những lo ngại của các nhà đầu tư về triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu và tình hình căng thẳng thương mại. Chốt phiên này, chỉ số Nikkei giảm 0,2% xuống đóng cửa ở mức 20.402,27 điểm.
Trước đó vào đầu phiên, chỉ số này đã tăng 0,7% lên 20.571,75 điểm, nhờ đà tăng của chứng khoán Mỹ đêm trước. Chiến lược gia Takashi Hiroki, thuộc Monex Securities, nhận định việc chỉ số Nikkei trở lại mốc 20.500 điểm đã thúc đẩy một số nhà giao dịch tiến hành bán ra kiếm lời sau khi rơi xuống mức thấp trong tháng 12/2018. Thống kê cho thấy chỉ số Nikkei đã phục hồi khoảng 8% từ mức thấp trong sáu tháng hồi cuối tháng trước.
Cùng đà giảm, tại Trung Quốc, chỉ số Shanghai Composite của thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm 0,42%, đóng cửa ở mức 2.559,64 điểm. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng giảm 146,47 điểm xuống 26.755,63 điểm. Theo kết quả cuộc khảo sát do hãng Reuters tiến hành, các nhà phân tích dự kiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm xuống 6,3% trong năm 2019.
Trong quý IV/2018, kinh tế Trung Quốc ước tính tăng 6,4%, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế, giữa lúc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung làm suy yếu nhu cầu xuất khẩu cũng như tiêu dùng nội địa. Mới đây, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cảnh báo kinh tế nước này sẽ đối diện với một năm khó khăn, đồng thời cam kết tăng cường đầu tư vào lĩnh vực dịch vụ công, cơ sở hạ tầng và thúc đẩy tiêu dùng nhằm đối phó với những "cơn gió ngược".
Tại thị trường Việt Nam, đóng cửa phiên giao dịch 17/1, chỉ số VN-Index giảm 6,81 điểm (0,75%) còn 901,89 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 133,8 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 2.464 tỷ đồng. Toàn sàn có 100 mã tăng, 175 mã giảm.
HNX - Index cũng đóng cửa ở mức 101,92 điểm, giảm 0,06 điểm (0,06%). Khối lượng giao dịch đạt trên 17,9 triệu cổ phiếu, trị giá hơn 229 tỷ đồng. Toàn sàn có 69 mã tăng và 64 mã giảm. Hàng loạt cổ phiếu trụ cột giảm sâu trong phiên hôm nay; trong đó GAS, SAB, VRE, MSN, HPG, PLX là những mã tác động mạnh đến đà giảm của thị trường. Cụ thể, GAS giảm 1,8%, SAB giảm 1,9%, VRE giảm giảm 4,3%, MSN giảm 1,5%, HPG giảm 1,9%, PLX giảm 1,4%.
Nhóm cổ phiếu ngân hàng ngoại trừ ACB, EIB, MBB, TCB, NVB giữ được sắc xanh, còn lại chìm trong sắc đỏ. BID giảm 0,8%, CTG giảm 1,3%, VCB giảm 0,4%, TPB giảm 0,5%.
Thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh so với phiên trước. Tổng giá trị hai sàn trong phiên hôm nay khoảng gần 2.700 tỷ đồng. Khối ngoại tiếp tục mua ròng trong phiên hôm nay. Trên HOSE, khối ngoại mua ròng hơn 658.930 đơn vị, giá trị 25,94 tỷ đồng.
MSN dẫn đầu danh sách mua ròng với giá trị hơn 17 tỷ đồng, tiếp đến là VCB (trên 13 tỷ đồng), DPM (trên 11 tỷ đồng).
VJC dẫn đầu danh sách bán ròng của khối ngoại trong phiên hôm nay với giá trị hơn 34 tỷ đồng. Tiếp đến là HPG, CII, AST.
Trên HNX, khối ngoại bán ròng 183.100 đơn vị, giá trị 1,69 tỷ đồng. DBC dẫn đầu danh sách bán ròng với giá trị hơn 968 triệu đồng.
Trà My - Đỗ Huyền
Theo bnews.vn
Chứng khoán châu Á sụt giảm do bất ổn chính trị tại Mỹ Giới đầu tư bày tỏ sự quan ngại về tình hình chính trị bất ổn tại Mỹ tại thời điểm kinh tế toàn cầu cho thấy những dấu hiệu chậm lại... Thị trường chứng khoán châu Á mở cửa phiên giao dịch sáng 24/12 trong sắc đỏ giữa bối cảnh giới đầu tư quan ngại về tình hình chính trị bất ổn tại...