Chứng khoán châu Á lên điểm sau khi thỏa thuận Brexit được ủng hộ
Sắc xanh bao phủ thị trường chứng khoán châu Á trong phiên ngày 15/11 khi niềm tin thị trường được cải thiện.
Đây là phản ứng của thị trường châu Á sau khi Thủ tướng Anh Theresa May đã thuyết phục được Nội các ủng hộ thỏa thuận “chia tay” với EU ( thỏa thuận Brexit). Các lãnh đạo EU sẽ nhóm họp vào ngày 25/11 để xem xét thỏa thuận này.
Ảnh minh họa (Nguồn: Getty Images)
Trên sàn Hong Kong (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng tăng 1,75% và chốt phiên ở mức 26.103,34 điểm. Cổ phiếu của Tập đoàn công nghệ Tencent tăng vọt 5,8% sau khi lợi nhuận quý 3 của tập đoàn này tăng cao hơn dự kiến.
Trả lời kênh truyền hình CNBC, ông Ronald Wan, chủ tịch độc lập của công ty sở hữu tài chính Partners Financial Holdings cho rằng, tình hình tài chính quý 3 của Tencent khiến thị trường khá ngạc nhiên. Nhất là mảng kinh doanh game trên di động của tập đoàn này hoạt động tốt hơn kỳ vọng.
Nhưng ông Ronald Wan cũng cảnh báo cần thận trọng với triển vọng tăng trưởng của gã khổng lồ Tencent. Tăng trưởng lợi nhuận quý 3/2018 của Tencent là nhờ vào những thương vụ độc, tức khắc và cũng nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của mảng kinh doanh trên di động sau khi Tencent ra mắt nhiều mini-game.
Tăng trưởng lợi nhuận quý 4 và thậm chí năm 2019 của Tencent vẫn còn nhiều bất ổn. Nhà đầu tư sẽ rất cẩn trọng với biến động giá của Tencent, ông Wan nói.
Tại thị trường Trung Quốc (đại lục), chỉ số Shanghai Composite lên điểm 1,36% để chốt phiên ở mức 2.668,17 điểm, còn chỉ số Shenzhen Composite tăng 1,454% và kết thúc giao dịch ở mức 1.398,40 điểm.
Chứng khoán Trung Quốc tăng điểm sau khi 3 nguồn tin của chính quyền Mỹ thông tin với Reuters rằng: Bắc Kinh đã có phản hồi đối với yêu cầu của Washington về cải cách thương mại.
Các thị trường chứng khoán khác ở châu Á cũng lên điểm trong ngày giao dịch 15/11.
Tại Australia, chỉ số ASX 200 tăng lên mức 5.736 điểm khi hầu hết các nhóm cổ phiếu đều lên điểm. Tuy nhiên, ngược sóng với các nhóm khác, cổ phiếu tài chính đã trượt nhẹ sau khi cổ phiếu “tứ hùng” ngân hàng của Australia rớt giá. Cụ thể, cổ phiếu của Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia rớt 0,51%, cổ phiếu của Ngân hàng Westpac và Ngân hàng Quốc gia Australia lần lượt giảm 0,43% và 0,21%. Còn cổ phiếu của Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand chủ yếu đi ngang.
Video đang HOT
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 0,2% và chốt phiên ở mức 21.803,62 điểm. Chỉ số Topix cũng giảm nhẹ 0,14% và khép lại giao dịch ở mức 1.638,97 điểm do cổ phiếu của Tập đoàn SoftBank trượt dốc 2,7%.
Trong khi đó, chỉ số Kospi của Hàn Quốc lên điểm 0,79% và đóng cửa giao dịch ở mức 2.088,06 điểm.
Nội các Anh ủng hộ thỏa thuận Brexit
Ngày 14/11, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết bà đã có đủ sự ủng hộ đối với thỏa thuận Brexit. Trả lời phóng viên tại London, bà Theresa May nhận định: “Đây là bản thảo thỏa thuận tốt nhất đã được bàn thảo, và cũng là bước đi có tính quyết định giúp chúng ta có thể đi tiếp và hoàn tất thỏa thuận trong những ngày tới.”
Sau tuyên bố của Thủ tướng Anh, đồng Bảng Anh đã hồi phục về mức 1 GBP đổi được 1,2985 USD.
Lãi suất USD sẽ thay đổi bất thình lình
Ngày 14/11, Chủ tịch Cục Dữ trữ Liên bang Mỹ ( FED) Jerome Powell bày tỏ tin tưởng, kinh tế Mỹ sẽ mạnh lên và các thị trường khác phải quen với việc FED có thể tăng lãi suất bất cứ lúc nào, bắt đầu từ năm 2019.
Nhịp tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ không giống năm ngoái, nhưng nhìn chung bức tranh kinh tế Mỹ có vẻ vẫn tốt. Xét về tốc độ tăng trưởng, bức tranh kinh tế toàn cầu “đang dần đi xuống”, nhưng sẽ không đi xuống một cách “khủng khiếp”, ông Powell dự báo.
Chứng khoán Mỹ đêm qua đỏ sàn, khi chỉ số S&P 500 giảm khoảng 0,76% và chốt phiên ở mức 2.701,58 điểm, còn chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones trượt 205,99 điểm và kết thúc giao dịch ở mức 25.080,50 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,9% và đóng cửa ở mức 7.136,39 điểm.
Diễn biến chứng khoán Mỹ bị tác động bởi bình luận của Hạ nghị sĩ Mỹ Bill Pascrell trên Bloomberg. Ông Pascrell cho rằng thỏa thuận thương mại mới giữa Mỹ, Canada và Mexico cần phải thay đổi trước khi Quốc hội Mỹ thông qua.
Hạ nghị sĩ Pascrell nói thêm, sự thay đổi không chỉ ở góc độ tư pháp mà còn phải ở cả hành pháp./.
CTV Hồng Quang/VOV.VNTheo CNBC
Cục diện cân đối lãi suất và tỷ giá cuối 2018 đã thay đổi
Đến cuối tuần qua, thị trường liên ngân hàng đã quen với lãi suất VND qua đêm quanh mức 4,8%/năm. Nhưng nếu nhìn lại cùng thời điểm này năm 2017 và 2016, cục diện các cân đối chính đã nhiều thay đổi.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đặt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng - Ảnh: Quang Phúc.
Trong chuỗi vận động của lãi suất VND và tỷ giá USD/VND hàng năm, có những thời điểm một câu hỏi quen lại được đặt ra: "Nguồn tiền lớn VND đã đi đâu?".
Lần này, câu hỏi đó nằm ở băn khoăn: tín dụng tăng trưởng thấp nhất trong bốn năm qua, định hướng siết lại tiếp tục thể hiện, vậy hiện tượng dư thừa tiền đồng nổi bật nửa đầu năm nay vì sao mờ nhạt đi, lãi suất VND liên ngân hàng lên cao và Ngân hàng Nhà nước liên tiếp bơm ròng gần đây?
Nhìn cả từ đầu năm, lãi suất VND hiện nay trên liên ngân hàng cũng không có gì gây hoảng hốt. Vì, chỉ hơn hai tháng trước, cuối tháng 8/2018, lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng cũng từng lên quanh 4,7%/năm; lùi về trước một quãng, gần trung tuần tháng 2/2018 nó cũng nằm trên 4%/năm...
Nhưng, nhìn xa hơn nữa, cùng thời điểm này năm 2017 và 2016, lãi suất VND qua đêm chỉ quanh 0,9%/năm. Như vậy, thay đổi hiện nay đã lớn.
Xen giữa thay đổi lớn đó là tỷ giá USD/VND.
Tầm này năm 2016 và 2017, tỷ giá USD/VND rất ổn định, Ngân hàng Nhà nước có những đợt mua vào lượng lớn ngoại tệ, lượng tiền đồng đối ứng đưa ra lớn góp phần mềm hóa lãi suất VND. Sự hậu thuẫn của những dòng chảy này thậm chí có những lúc còn làm mờ nhạt đi điểm hoán đổi bất lợi giữa lãi suất USD - VND trên liên ngân hàng (lãi suất USD cao hơn VND).
Còn nay đã và đang khác đi nhiều. Tỷ giá USD/VND tăng mạnh từ cuối tháng 6/2018 và giữ ở mức cao cho đến nay. Dù có dấu hiệu hạ nhiệt khá nhanh trong tuần qua, nhưng rủi ro tỷ giá đã bộc lộ, mà điều này tác động đến phản ứng phòng thủ và dịch chuyển ở tín dụng ngoại tệ.
Tăng trưởng tín dụng ngoại tệ giảm nhanh những tháng gần đây. Không hẳn nhu cầu vay vốn giảm đi, mà doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vay VND thay vì ngoại tệ để tránh rủi ro tỷ giá. Cầu vay vốn VND tăng lên, cũng như về tỷ trọng trong cơ cấu tín dụng, góp phần định hình câu trả lời cho câu hỏi nguồn tiền lớn VND đã đi đâu nói trên, một phần giải thích cho lãi suất VND có xu hướng tăng lên.
Một cấu phần nữa của câu trả lời còn nằm ở lượng VND Ngân hàng Nhà nước hút về qua các đợt bán ra ngoại tệ bình ổn tỷ giá vừa qua.
Ngoài ra, vốn VND trong hệ thống ngân hàng hiện nay đã đi đâu còn liên quan đến mức độ tiền gửi ngân sách, tốc độ giải ngân đầu tư công dồn vào cuối năm, cũng như mức độ và tốc độ phát hành trái phiếu Chính phủ hút vốn theo tiến độ kế hoạch...
Thay đổi đã lớn so với cùng kỳ 2017 và 2016. Trong đó, tác động nổi bật là môi trường và những biến động lớn bên ngoài.
Năm 2018 đến nay đã ba lần Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất. Tại Việt Nam, lãi suất USD trên liên ngân hàng cũng đã duy trì trên 2,3%/năm các kỳ hạn ngắn suốt thời gian qua thay vì dễ chịu quanh 1% cùng kỳ 2017 và 2016.
Chỉ riêng mức lãi suất USD duy trì cao trên liên ngân hàng cũng đã tạo áp lực Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh cân đối, gián tiếp đẩy lãi suất VND lên trên thị trường này để tạo điểm hoán đổi có lợi cho ổn định tỷ giá USD/VND.
Và cũng khác biệt rất lớn, đồng Nhân dân tệ phá giá rất mạnh năm nay, xuyên đáy cả chục năm so với đồng USD thời gian gần đây, mà điều này từng gây áp lực lớn đối với tỷ giá USD/VND, ngay cả về mặt tâm lý thị trường.
Vấn đề là, FED tăng lãi suất hay diễn biến đồng Nhân dân tệ (cùng cuộc chiến thương mại Trung - Mỹ) là câu chuyện lâu dài, chứ không mang tính thời điểm và chủ yếu ngắn hạn như các tác động trước đây như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, Brexit, hay bầu cử Tổng thống Mỹ...
Cái lâu dài đó góp phần tạo thay đổi cục diện các cân đối trên thị trường tiền tệ Việt Nam. Đến nay, về cơ bản lãi suất và tỷ giá Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ được ổn định, nhưng tầm nhìn và sự chủ động đang đòi hỏi xa hơn, không chỉ những tháng cuối năm 2018 mà vắt sang cả năm 2019.
Chuyển động cụ thể, từ giữa năm Ngân hàng Nhà nước đã chủ động siết dần lại tăng trưởng tín dụng, liên tục đốc thúc hệ thống đẩy nhanh xử lý nợ xấu để tái tạo nguồn, bám sát và cân đối nhanh các kênh điều tiết, hay tới đây sẽ có bước siết lại tín dụng ngoại tệ để hạn chế tác động bất lợi tới tỷ giá...
Còn ở định hướng cao hơn, tại phiên họp thường kỳ tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đặt yêu cầu Ngân hàng Nhà nước có phương án ngay từ bây giờ đến cuối năm để đảm bảo không tăng lãi suất huy động, lãi suất liên ngân hàng.
Minh Đức
Theo vneconomy.vn
Vấn đề Brexit: IMF cảnh báo kinh tế Anh suy yếu nếu không có thỏa thuận với EU Nền kinh tế Anh sẽ suy yếu nếu nước này rời Liên minh châu Âu (EU) vào năm tới mà không đạt được một thỏa thuận Brexit. Và ngay cả trong trường hợp đạt được thỏa thuận, tài chính của Anh cũng sẽ ở trong tình trạng tệ hơn so với lựa chọn ở lại EU. Đây là cảnh báo đưa ra ngày...