Chứng khoán châu Á giảm mạnh khi ông Trump đe dọa tái áp thuế nhôm thép Brazil, Argentina
Cổ phiếu châu Á lao dốc trong phiên 3/12 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo tái đánh thuế đối với thép và nhôm nhập khẩu từ Brazil và Argentina.
Thị trường chứng khoán châu Á ngập sắc đỏ do các nhà đầu tư lo ngại phát sinh căng thẳng thương mại mới giữa Mỹ với Brazil và Argentina.
“Brazil và Argentina đang xem xét phá giá đồng tiền của mình, điều này không có lợi cho nông dân Mỹ. Do vậy, ngay lập tức, tôi sẽ tái khởi động đánh thuế lên thép và nhôm nhập khẩu từ hai quốc gia này”, Tổng thống Trump viết dòng tweet hôm 2/12.
Chứng khoán châu Á lao dốc mạnh trong phiên 3/12.
Ngay sau thông tin tiêu cực này, chứng khoán Australia lao dốc trong phiên 3/12 với chỉ số S&P/ASX 200 trượt 2%, trước thời điểm Ngân hàng trung ương Australia công bố quyết định lãi suất mới.
Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng sụt 0,44%. Dữ liệu công bố hôm 2/12 cho thấy tổng doanh số bán lẻ trong tháng 10 tại Hồng Kông giảm 26,2% so với cùng kỳ – mức giảm lớn nhất từ trước tới nay, theo báo cáo của Reuters.
Tại thị trường chứng khoán Trung Quốc, chỉ số tổng hợp Thượng Hải cũng trượt 0,4%, chỉ số chứng khoán Thâm Quyến mất 0,5%, và chỉ số tổng hợp Thâm Quyến giảm 0,59%.
Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản trượt nhẹ so với đầu phiên và giữ ở mức 0,86%, trong khi đó Topix mất 0,72%. Tại thị trường Hàn Quốc, chỉ số KOSPI hạ 0,61% do cổ phiếu “nặng ký” của hãng sản xuất chip nhớ lớn thứ 2 thế giới SK Hynix lao dốc 1,5%.
Video đang HOT
Nhìn chung, chỉ số MSCI khu vực châu Á – Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) giảm 0,55%.
Chứng khoán Mỹ cũng giảm mạnh khi chốt phiên 2/12 sau khi số liệu hoạt động sản xuất chế tạo gây thất vọng. Chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones “bốc hơi” 268,37 điểm và chốt phiên với 27.783,04 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,9% còn 3.113,87 điểm – giảm mạnh nhất trong gần 2 tháng, còn Nasdaq Composite mất 1% còn 8.567,99 điểm.
VIX (Cboe Volatility Index) – chỉ số đo lường trạng thái biến động chung của thị trường chứng khoán Mỹ – tăng từ 12,6 lên 14,3.
Theo công bố ngày 2/12 của Viện Quản lý Cung ứng (Mỹ), hoạt động sản xuất chế tạo tại Mỹ trong tháng 11 tiếp tục trượt dốc. Chỉ số Nhà quản trị Mua hàng (PMI) của Mỹ do Viện Quản lý Cung ứng công bố giảm còn 48,1 điểm trong tháng 11, trượt sâu hơn dự báo 49,4 điểm trước đó.
Trong khi đó, bất ổn trên mặt trận thương mại Mỹ – Trung vẫn tiếp diễn. Tổng thống Trump cho rằng Trung Quốc muốn đạt thỏa thuận thương mại, “nhưng chúng tôi sẽ xem điều gì xảy ra”. Ông Trump đưa ra bình luận này trong bối cảnh căng thẳng giữa hai siêu cường kinh tế “tăng nhiệt” từ tuần trước sau khi người đứng đầu Nhà Trắng ký ban hành đạo luật ủng hộ người biểu tình tại Hồng Kông.
Các nhà giao dịch cổ phiếu đang theo sát diễn biến đàm phán thương mại Mỹ – Trung với hy vọng hai bên sẽ sớm đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Nếu không đạt thỏa thuận thương mại trước ngày 15/12, Mỹ sẽ kích hoạt gói thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc theo kế hoạch.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, trượt từ mức 98,3 điểm đạt được trong ngày 2/12 về 97,933 điểm.
Đồng yen Nhật Bản phục hồi mạnh mẽ lên 109,13 yen trong phiên này từ mức 109,5 thiết lập trong ngày 2/12.
Theo Kinhtedothi.vn
Chứng khoán châu Á giảm mạnh do nhà đầu tư thất vọng với ECB
Các cổ phiếu châu Á đi xuống trong phiên 26/7 sau khi Ngân hàng trung ương châu Âu giữ nguyên lãi suất sau khi kết thúc cuộc họp chính sách.
Thị trường chứng khoán châu Á giao dịch kém khởi sắc trong phiên này do nhà đầu tư thất vọng sau phát biểu của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vì trước đó họ đã chờ một lập trường chính sách tiền tệ mềm mỏng hơn.
Chứng khoán châu Á giảm điểm trong phiên 26/7.
Tại cuộc họp ngày 25/7, Hội đồng Điều hành ECB quyết định giữ nguyên lãi suất ở các mức thấp lịch sử, song để ngỏ cánh cửa cho việc cắt giảm lãi suất trong tương lai.
Kết quả này của cuộc họp không nằm ngoài dự báo, nhưng điều đáng nói Chủ tịch ECB Mario Draghi tỏ ra lạc quan hơn so với kỳ vọng của thị trường khi đánh giá về sức khỏe nền kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Đánh giá của Chủ tịch Draghi buộc giới giao dịch phải cắt giảm khả năng ECB có một đợt hạ lãi suất vào tháng 9.
Chỉ số chứng khoán MCSI của cổ phiếu châu Á - Thái Bình Dương không tính thị trường Nhật Bản giảm 0,15%. Tại thị trường Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 cũng sụt 0,3%.
Các cổ phiếu của Trung Quốc đại lục cũng giảm trong phiên này với chỉ số Thượng Hải hạ 0,23%, chỉ số Thâm Quyến sụt 0,21% các chỉ số tổng hợp Thâm Quyến trượt dốc 0,146%. Tại sàn Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng mất 0,64%.
Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tương lai của Mỹ tại thị trường châu Á đi ngang trong phiên 26/7.
"Một số DN tại thị trường chứng khoán Mỹ đã báo cáo kết quả kinh doanh quý II, trong đó đa số đều có số liệu tốt, tuy nhiên tâm lý nhà đầu tư bị ảnh hưởng trong phiên này là do họ đặt kỳ vọng vào một lập trường chính sách nới lỏng mạnh hơn" - nhà chiến lược Hitoshi Asaoka tại Asset Management One nhận xét.
Tại Mỹ, các chỉ số chính trên sàn Phố Wall nhuốm sắc đỏ trong ngày 25/7, khi nhà đầu tư lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ không "bồ câu" như kỳ vọng trong thông báo chính sách tiền tệ vào tuần tới sau dữ liệu kinh tế mạnh mẽ và những nhận định từ Chủ tịch ECB.
Kết thúc phiên giao dịch này, chỉ số Dow Jones sụt 128,99 điểm (tương đương 0,5%) xuống 27.140,98 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng giảm 0,5% xuống 3.003,67 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite mất 1% còn 8.238,54 điểm. Cả S&P 500 và Nasdaq Composite đều tăng chạm mức kỷ lục mới trong phiên trước đó.
"Tôi nghĩ họ lo ngại rằng có lẽ FED có thể bước lùi", Art Cashin, Giám đốc hoạt động sàn tại UBS, nhận định. "Số hàng hóa lâu bền tốt hơn dự báo, điều đó khiến một số người nói về khả năng điều chỉnh dự báo GDP".
Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ cho biết số đơn đặt hàng hàng hóa lâu bền tăng 2% trong tháng 4/2019. Báo cáo về GDP quý II tại Mỹ dự kiến công bố vào ngày 26/7.
FED được kỳ vọng sẽ hạ lãi suất vào tuần tới để kích thích tăng trưởng kinh tế Mỹ, cho dù tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ đang ở mức thấp nhất 50 năm.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ số Dollar, phản ánh sức mạnh của đồng USD so với 6 đồng tiền chủ chốt khác, tăng lên 97,776 điểm sau khi giảm xuống còn 97,6 điểm trong phiên trước đó.
Theo kinhtedothi.vn
Các thị trường chứng khoán trên thế giới có quy mô như thế nào? Mỹ là thị trường chứng khoán lớn nhất thế giới, gấp 1/5 giá trị vốn hoá của Trung Quốc.Nhiều thị trường châu Âu chỉ chiếm từ 1-3% giá trị vốn hoá toàn cầu.Tiềm năng mới của thị trường chứng khoán thế giới nằm tại châu Á, cụ thể là các quốc gia Đông Á. Khó có thể tượng tưởng điều gì thú vị...