Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 25/2
Chứng khoán châu Á diễn biến khá trái chiều trong phiên 25/2, khi nhiều nhà đầu tư đẩy mạnh hoạt động mua vào sau phiên lao dốc hồi đầu tuần này.
Chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều phiên 25/2. Ảnh minh họa: TTXVN
Phiên này, chứng khoán Nhật Bản dẫn đầu xu hướng giảm điểm khi ngày càng có nhiều lo ngại về sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 sẽ tác động tới đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Kết thúc phiên 25/2, chỉ số Nikkei 225 trên thị trường Tokyo giảm tới 781,33 điểm (tương đương 3,34%), xuống 22.605,41 điểm.
Chỉ số Shanghai Composite tại thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) cũng để mất 18,18 điểm (0,6%) và khép phiên ở mức 3.013,05 điểm. Các thị trường Sydney và Wellington đều giảm hơn 1%. Chứng khoán Bangkok và Jakarta cũng nằm trong vùng đỏ.
Trong khi đó, ở chiều ngược lại, chỉ số Hang Seng tại thị trường Hong Kong (Trung Quốc) đã chấm dứt chuỗi 3 phiên mất điểm liên tiếp với mức tăng 72,35 điểm (0,3%) lên 26.893,23 điểm trong phiên này.
Tại Hàn Quốc, thị trường chứng khoán nước này đã hồi phục hơn 1% nhờ hoạt động mua vào của nhà đầu tư sau phiên giảm sâu trước đó, bất chấp những lo ngại về sự lây lan của dịch COVID-19 tại nước này.
Chỉ số Kospi tại thị trường Seoul phiên này tăng 24,57 điểm (1,18%) lên khép phiên ở mức 2.103,61 điểm. Chứng khoán Singapore cũng tăng 0,6%. Chứng khoán Taipei và Mumbai lần lượt tiến thêm 0,1% và 0,3%.
Với số ca tử vong khoảng 2.700 người và 80.000 trường hợp xác nhận nhiễm dịch COVID-19, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết dịch có thể đã “đạt đỉnh điểm” ở Trung Quốc. Nhưng tổ chức này vẫn cảnh báo tất cả các quốc gia khác nên chuẩn bị cho một “đại dịch tiềm tàng”.
Chuyên gia Tai Hui của công ty quản lý đầu tư JP Morgan Asset Management cho rằng, khi số ca nhiễm COVID-19 bên ngoài Trung Quốc tăng lên, các nhà đầu tư đang phải xem xét những yếu tố rủi ro tiềm ẩn khác đối với nền kinh tế thế giới, ngoài tình trạng “hạ nhiệt” tăng trưởng ở Trung Quốc và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Tai Hui nhận định thị trường chứng khoán sẽ còn biến động trong ngắn hạn, do ảnh hưởng từ những số liệu về dịch COVID-19 trên toàn thế giới.
Còn tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 25/2, VN – Index tăng 6,33 điểm (tương ứng 0,7%) lên 909,67 điểm. Khối lượng giao dịch đạt hơn 211 triệu đơn vị, tương ứng giá trị trên 3.880 tỷ đồng. Toàn sàn có 142 mã giảm giá và 218 mã tăng giá./.
H.Thủy (Tổng hợp)
Video đang HOT
Theo bnews.vn
Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, vốn hóa TTCK Việt Nam "bay hơi" 14,5 tỷ USD kể từ sau kỳ nghỉ Tết
Tính chung trên toàn Châu Á, VN-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh thứ 2 trong phiên 24/2, chỉ xếp sau Kospi của Hàn Quốc với mức giảm lên tới 3,87%.
Dịch Covid-19 lan rộng tại nhiều quốc gia, đặc biệt tại Hàn Quốc đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới thị trường tài chính Châu Á trong phiên 24/2 và thị trường Việt Nam cũng không ngoại lệ.
Đóng cửa phiên giao dịch, chỉ số VN-Index giảm 29,75 điểm (3,19%) xuống 903,34 điểm, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2019 tới nay. Tính chung trên toàn Châu Á, VN-Index là chỉ số chứng khoán giảm mạnh thứ 2, chỉ xếp sau Kospi của Hàn Quốc với mức giảm lên tới 3,87%. Việc thị trường Việt Nam phản ứng tiêu cực khi dịch Covid-19 bùng phát tại Hàn Quốc là điều không quá bất ngờ khi ảnh hưởng kinh tế của quốc gia này với Việt Nam là khá lớn.
VN-Index giảm mạnh thứ 2 Châu Á sau Kospi của Hàn Quốc
Không chỉ các cổ phiếu ngành hàng không như VJC, HVN, ACV...mà hầu hết các nhóm ngành trên thị trường đều giảm mạnh. Chỉ tính riêng trên HoSE, số mã giảm lên tới 330, trong đó có tới 59 mã giảm sàn, áp đảo hoàn toàn con số 42 mã tăng điểm.
15 cổ phiếu BID, VIC, VHM, VCB, TCB, CTG, VPB, VNM, VRE, GAS, HVN, PLX, MBB, HPG, MSN đã khiến VN-Index mất đi 21,32 điểm trên tổng số 29,75 điểm trong phiên hôm nay.
Sau kỳ nghỉ Tết nguyên đán, thị trường chứng khoán Việt Nam mở cửa lại từ phiên 30/1, đây cũng là lúc dịch Covid-19 bùng phát mạnh và thị trường đã liên tục lao dốc. Tính tới hết phiên 24/2, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam (bao gồm 3 sàn HoSE, HNX, UPCom) chỉ còn 4,14 triệu tỷ đồng, giảm khoảng 337 nghìn tỷ đồng (14,5 tỷ USD) so với thời điểm trước khi nghỉ Tết.
Bên cạnh đó, việc khối ngoại đẩy mạnh bán ròng hơn 2.000 tỷ đồng trên toàn thị trường từ sau Tết tới nay cũng là yếu tố ảnh hưởng tiêu cực.
Trong bản tin cập nhật thị trường đầu tuần, CTCK MBS cho rằng mặc dù số liệu cho thấy dịch Covid-19 đang tích cực khi số ca nhiễm bệnh mới duy trì xu hướng giảm. Tuy nhiên, số trường hợp nhiễm bệnh mới ngoài Trung Quốc có xu hướng gia tăng, đặc biệt tại Hàn Quốc. Lo ngại rủi ro bùng dịch và phong tỏa các thành phố lớn tại quốc gia này là tâm điểm cho thị trường trong tuần giao dịch.
MBS đánh giá nếu vùng 920 -925 điểm bị phá vỡ, thị trường có khả năng sẽ về mức 900 điểm hoặc thậm chí có thể về lại vùng đáy cũ 860 /- điểm.
Minh Anh
Theo Trí thức trẻ
Thông tin về dịch COVID-19 khiến chứng khoán châu Á và châu Âu ngập sắc đỏ Các thị trường chứng khoán châu Á giảm điểm mạnh trong phiên 24/2, với thị trường Hàn Quốc dẫn đầu đà giảm, khi nước này thông báo số ca nhiễm virus SARS-CoV2 tăng mạnh và có 8 người tử vong. Chứng khoán châu Á giảm điểm. Ảnh minh họa: TTXVN Chứng khoán Hàn Quốc đã giảm mạnh trong phiên giao dịch thứ 3...