Chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch 28/4
Đà tăng trên các thị trường đã bị giới hạn bởi hoạt động chốt lời và lo ngại rằng nhiều biện pháp kiểm soát dịch có thể được dỡ bỏ quá sớm, dẫn đến nguy cơ đợt bùng phát thứ hai.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AP)
Các thị trường chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 28/4, trong bối cảnh giới đầu tư đang dõi theo động thái của chính phủ các nước trong việc nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa.
Khép lại phiên này, chỉ số Hang Seng tại Hong Kong ghi nhận phiên thứ hai khởi sắc liên tiếp với mức tăng 1,2% lên 24.575,96 điểm. Thị trường Seoul ghi thêm 0,6%, còn thị trường Đài Bắc tăng 0,5%.
Thị trường Manila ghi nhận mức tăng mạnh hơn 2%, trong khi thị trường Jakarta tăng 0,3%. Hai thị trường Singapore và Mumbai lần lượt ghi thêm 0,2% và 0,8%.
Đáng chú ý trong phiên này, thị trường Wellington tăng hơn 3%, khi giới đầu tư quay trở lại sau một kỳ nghỉ cuối tuần dài sau khi New Zealand tuyên bố “chiến thắng” dịch COVID-19 và xem xét dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
Tuy nhiên, chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo lại giảm 0,1% xuống 19.771,19 điểm, trong khi chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải để mất 0,2% và khép phiên ở mức 2.810,02 điểm.
Video đang HOT
Sắc đỏ cũng được ghi nhận tại thị trường Việt Nam, với chỉ số VN-Index để mất 3,56 điểm, hay 0,46%, xuống 767,21 điểm, còn chỉ số HNX-Index giảm nhẹ 0,04 điểm, tương đương 0,04% và khép phiên với 106,26 điểm.
Dù số liệu bắt đầu cho thấy rõ tác động của dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế, những ngày vừa qua, các thị trường đã được thúc đẩy bởi thông tin rằng ở nhiều nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tốc độ lây nhiễm và tử vong do dịch COVID-19 đã chậm lại đáng kể.
Tuy nhiên, đà tăng trên các thị trường đã bị giới hạn bởi hoạt động chốt lời và lo ngại rằng nhiều biện pháp kiểm soát dịch có thể được dỡ bỏ quá sớm, dẫn đến nguy cơ đợt bùng phát thứ hai.
Những lo ngại này càng được củng cố bởi số liệu mới đây từ Đức cho thấy tốc độ lây nhiễm đã tăng nhẹ ngay khi nước này bắt đầu mở cửa trở lại nền kinh tế.
Tuần này, giới đầu tư đang hướng sự chú ý đến các quyết định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản cho biết sẽ bỏ giới hạn đối với chương trình mua trái phiếu của ngân hàng này để cung cấp thanh khoản cho các thị trường tài chính./.
Khánh Ly
Chứng khoán thế giới tràn ngập sắc xanh trong phiên giao dịch 27/4
Diễn biến trên thị trường chứng khoán thế giới đã phản ánh những thông tin tích cực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Ngày 27/4, chứng khoán châu Âu và châu Á đã đồng loạt tăng điểm trong bối cảnh một số nước nới lỏng các biện pháp hạn chế và Ngân hàng trung ương Nhật Bản công bố các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế.
Tại châu Âu, mở màn phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán tại Madrid (Tây Ban Nha) đã tăng mạnh nhất ở mức 2,6%. Trong khi đó, chỉ số chứng khoán tại Milan (Italy), Frankfurt (Đức), Paris (Pháp) và London (Anh) đã lần lượt tăng 2,4%, 2,2%, 2% và 1,4%.
Tại châu Á, chốt phiên giao dịch, chỉ số chứng khoán Nikkei 225 tại Nhật Bản đã tăng 525,22 điểm (tương đương 2,71%) lên 19.783,22 điểm, trong khi chỉ số Topix đã tăng 25,96 điểm (tương đương 1,83%) lên 1.447,25 điểm.
Tương tự, chỉ số chứng khoán tại Mumbai (Ấn Độ) tăng hơn 2%, trong khi chỉ số tại Sydney (Australia), Seoul (Hàn Quốc) và Singapore đều tăng hơn 1%.
Chỉ số chứng khoán tại Bangkok (Thái Lan), Thượng Hải, Hong Kong (Trung Quốc) cũng ghi nhận những diễn biến tích cực, song chỉ số trên thị trường chứng khoán Jakarta (Indonesia) và Manila (Philippines) lại bị sụt giảm nhẹ.
Diễn biến trên thị trường chứng khoán đã phản ánh những thông tin tích cực trong cuộc chiến chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Một số nước châu Âu đang từng bước nới lỏng các biện pháp hạn chế và phong tỏa trong bối cảnh số ca nhiễm mới và tử vong do COVID-19 đang giảm mạnh trong những ngày qua.
Tại Tây Ban Nha, các nhà máy và công ty bắt đầu mở cửa trở lại. Ngày 26/4, lần đầu tiên sau 6 tuần, trẻ em Tây Ban Nha được phép ra khỏi nhà đi dạo phố.
Tại Italy, Thủ tướng Giuseppe Conte cam kết sẽ mở lại các trường học vào tháng 9, đồng thời sẽ cho phép các doanh nghiệp hoạt động trở lại ngay trong tuần sau khi dừng lệnh phong tỏa.
Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng tuyên bố sẽ đưa ra chiến lược quốc gia nhằm chấm dứt lệnh phong tỏa áp đặt từ ngày 17/3.
Về phần mình, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng dự kiến sẽ thông báo nới lỏng lệnh phong tỏa trong tuần này, sau khi ông trở lại làm việc sau thời gian điều trị bệnh COVID-19.
Nhằm vực dậy nền kinh tế đang lao đao do chịu tác động tiêu cực của dịch COVID-19, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) ngày 27/4 đã quyết định tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ.
Theo đó, Hội đồng Chính sách BOJ đã nhất trí "mua vào một khối lượng cần thiết trái phiếu chính phủ mà không áp đặt mức trần."
Bên cạnh đó, BOJ sẽ tăng gấp gần 3 lần số lượng trái phiếu công ty và thương phiếu mà ngân hàng trung ương này có thể mua với mục đích hỗ trợ thanh khoản cho các tập đoàn lớn.
Liên quan đến tình hình thị trường dầu mỏ, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ đã giảm tới 13% xuống còn 14,63 USD/thùng. Giá dầu thô Brent Biển Bắc đã giảm 5,4% xuống còn 20,29 USD/thùng.
Trong suốt tuần qua, giá dầu đã liên tục đi xuống do những lo ngại về nhu cầu sụt giảm mạnh, bất chấp việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) đã bắt đầu hạn chế sản lượng./.
Đặng Ánh
Giá dầu châu Á giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ Trong phiên giao dịch chiều 20/4, giá dầu tại thị trường châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ qua, giữa lúc giới giao dịch ngày càng lo ngại các kho tích trữ dầu đang đạt đến giới hạn, trong khi những dấu hiệu cho thấy dịch COVD-19 có thể đã đạt đỉnh ở Mỹ và châu Âu...