Chứng khoán các thị trường mới nổi “ảm đạm” trong thập kỷ qua
Dù có khởi đầu mạnh mẽ vào năm 2010, cổ phiếu thị trường mới nổi vẫn kém hơn thị trường phát triển trong thập niên qua.
Chỉ số MSCI của thị trường mới nổi chỉ tăng 15% kể từ đầu năm 2010. Trong khi đó, MSCI World index đã mang lại lợi nhuận khổng lồ, với mức tăng 104% trong cùng thập niên qua.
Reuters bình luận rằng, diễn biến trên là do cổ phiếu thị trường mới nổi bị đè nặng bởi các sự kiện như bán tháo tại thị trường Trung Quốc, khủng hoảng nợ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Argentina và cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung.
Chỉ số MSCI thị trường mới nổi (vàng) so với MSCI World index. Đồ họa: Reuters
Thái Lan, Philippines và Đài Loan dẫn đầu các thị trường mới nổi, với mức tăng hơn 50% trong thập kỷ qua. Trong khi đó, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ và Cezch đứng cuối danh sách với lợi nhuận âm.
Giai đoạn năm 2010 đến tháng 12/2019, vốn ngoại đổ vào thị trường chứng khoán mới nổi có nhiều biến động. Nhà đầu tư ngoài chùn bước khi quan điểm về mức độ rủi ro của họ luôn thay đổi. Đây cũng là giai đoạn Mỹ liên tục nâng lãi suất trong bối cảnh các ngân hàng trung ương lớn bắt đầu giảm kích thích.
Tỷ số P/E trong 12 tháng qua tại thị trường mới nổi. Đồ họa: Reuters
Chỉ số MSCI thị trường mới nổi cũng chỉ ra tỷ số P/E 12 tháng qua, tính đến cuối tháng 11/2019, ở mức 11,8. Còn mức trung bình 10 năm là 10,9. Mức thấp nhất của nó là 8,5 vào tháng 10/2011 và mức cao là 13,09 vào tháng 1/2018. Trung Quốc và Ba Lan chứng kiến P/E giảm mạnh nhất trong thập kỷ qua còn Thái Lan thì ghi nhận P/E tăng mạnh nhất.
Nga và Cezch dẫn đầu về tỷ lệ chi trả cổ tức, trong khi Ấn Độ có tỷ suất sinh lợi thấp nhất. Cổ tức của Nga tăng lên 6,8% vào cuối tháng 11/2019, so với mức 1,6% vào đầu năm 2010. Tỷ lệ cổ tức của Chile cũng tăng lên 3,6, từ mức 1,3%.
Video đang HOT
Tỷ lệ chi trả cổ tức các nước thị trường mới nổi. Đồ họa: Reuters
Theo phân tích của Reuters với 4.402 công ty, lợi nhuận của các công ty tại thị trường mới nổi đã chậm lại, sau khi họ đạt mức tăng trưởng 40% trong năm 2010. Nguyên nhân đến từ các yếu tố như giá hàng hóa giảm, nhu cầu chậm đối với các sản phẩm công nghệ và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.
Phân tích cũng cho thấy tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thị trường mới nổi tụt lại so với các công ty thị trường phát triển trong phần lớn thập kỷ qua.
Lợi nhuận các công ty thị trường phát triển (đỏ) và mới nổi (xanh) trong thập kỷ qua. Đồ họa: Reuters
Các công ty Trung Quốc, Mexico và Thái Lan có mức tăng trưởng lợi nhuận trung bình cao nhất, từ 10% trở lên trong 10 năm qua. Hungary, Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ có mức tăng trưởng trung bình âm.
Các công ty thị trường mới nổi đã cắt giảm bớt nợ. Nhưng đồng thời, họ cũng chậm kế hoạch mở rộng quy mô do nhu cầu xuất khẩu giảm.
Theo VNE
Tín hiệu tiêu cực cho hút vốn ngoại
Việc cổ phiếu Việt Nam bất ngờ bị giảm tỷ trọng trong rổ MSCI Frontier Markets Index đang là tín hiệu không tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Theo tin từ MSCI, sau đợt cơ cấu danh mục cuối tháng 11 vừa qua, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ chỉ số MSCI Frontier Markets Index đã giảm từ mức 18,77% xuống còn 16,96%. Ở chiều ngược lại, thị trường Kuwait lên tới 36,86%, tăng mạnh hơn 6% so với tháng trước đó.
Ngược chiều dự báo
Các cổ phiếu Việt Nam bị giảm tỷ trọng trong đợt cơ cấu danh mục tháng 11 của MSCI là điều khá bất ngờ với giới đầu tư, bởi tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong nhiều tháng gần đây liên tục được gia tăng.
Thậm chí, trong một báo cáo cách đây không lâu, MSCI còn ước tính tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets Index sẽ lên tới 25,2% khi Kuwait được nâng hạng thị trường Emerging Markets vào năm 2020.
Trong danh sách 10 cổ phiếu lớn nhất danh mục MSCI Frontier Markets Index hiện có 3 cổ phiếu Việt Nam, bao gồm VIC (Vingroup) với tỷ lệ 3,69%, VHM (Vinhomes) với tỷ lệ 2,93% và VNM (Vinamilk) có tỷ lệ 2,82%.
Trước đó, hồi giữa năm 2019, các công ty chứng khoán ước tính thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được kỳ vọng sẽ nhận được khoảng 66 triệu USD (1.500 tỷ đồng) từ MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index khi Argentina chính thức được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Ngoài ra, con số 66 triệu USD đề cập ở trên mới chỉ tính đến các quỹ mô phỏng theo MSCI Frontier Markets Index và MSCI Frontier Markets 100 Index, mà chưa tính đến các quỹ chủ động như MSCI Frontier Emerging Index hoặc S&P/BNP Mellon New Frontier Index và do đó lượng tiền phân bổ sang TTCK Việt Nam từ các quỹ đầu tư vào thị trường cận biên có thể lớn hơn nữa.
Do không phải quỹ ETFs nên việc tái cơ cấu danh mục của MSCI không nhất thiết phải theo đúng chuẩn của các chỉ số cơ sở, nhưng việc bất ngờ bị giảm tỷ trọng của MSCI cũng là tín hiệu không tích cực, phần nào ảnh hưởng tới dòng vốn ngoại vào thị trường Việt Nam.
Trong phiên 26/11, quỹ iShare MSCI Frontier 100 ETF đã thực hiện cơ cấu danh mục, gây nên ảnh hưởng không nhỏ tới TTCK Việt Nam. Dữ liệu giao dịch cho thấy khối ngoại đã bán ròng hơn 200 tỷ đồng tại phiên này, đóng góp một phần không nhỏ là iShare MSCI Frontier 100 ETF.
Số liệu mới nhất của iShare MSCI Frontier 100 ETF cho thấy tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam tại quỹ này chỉ còn 12,07%, giảm khoảng 2,5% so với trước phiên 26/11. Như vậy, ước tính iShare MSCI Frontier 100 ETF đã bán ra khoảng 12 triệu USD (250 tỷ đồng) cổ phiếu Việt Nam trong đợt cơ cấu tháng 11 vừa qua.
Chưa có cơ sở để khẳng định chắc chắn dòng vốn ngoại sẽ chảy mạnh vào TTCK
Rủi ro hiện hữu tại ETF
TTCK Việt đang trải qua những phiên giao dịch mệt mỏi khi chỉ số Vn-Index tăng ở mức nhẹ nhưng giảm thì khá mạnh. Đây là đợt điều chỉnh mạnh nhất của Vn-Index từ đầu năm mà chưa hề có nhịp phục hồi nào.
Trước đó, trong đợt điều chỉnh từ đỉnh tháng 3 tới cuối tháng 6, Vn- Index giảm còn mạnh hơn (-6,79%) nhưng thị trường vẫn liên tục xuất hiện các nhịp hồi phục ngắn hạn sau khi sụt giảm chưa tới 5%, chưa kể các phiên tăng - giảm đan xen đều diễn ra trong suốt xu thế giảm.
Một điểm sáng của thị trường trong thời gian qua là sau thời gian dài bán ròng tại cả 3 sàn giao dịch, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng nhẹ trong những phiên gần đây, mang lại kỳ vọng dòng vốn ngoại đã bán đủ và quay trở lại với thị trường.
Việc khối ngoại mua ròng trở lại có thể giúp chỉ số Vn-Index bớt đi một sức ép đáng kể, kết hợp cùng nhiều yếu tố khác kỳ vọng có thể chấm dứt được xu hướng giảm.
Tuy nhiên, báo cáo dòng lưu chuyển vốn toàn cầu của Chứng khoán SSI mới đây lại cho biết cổ phiếu ở các thị trường mới nổi có mối liên hệ rõ ràng hơn với dòng vốn của các quỹ đầu tư so với các thị trường phát triển.
Chỉ số MSCI Emerging Market (thị trường mới nổi) đã có lúc tăng tới hơn 4% trong 3 tuần vừa qua, khi có khoảng 5,2 tỷ USD chảy vào cổ phiếu của các thị trường mới nổi và trong bối cảnh căng thẳng thương mại tạm lắng.
Thế nhưng, dòng vốn tăng thêm 4 tuần vừa qua ở các thị trường mới nổi tập trung vào các quỹ đầu tư toàn cầu và phần nhiều đổ vào thông qua các ETF, nên dòng vốn vào nhanh nhưng cũng có thể ra nhanh.
Cũng theo SSI, trong các đợt tăng mạnh của TTCK Việt Nam đều được hỗ trợ bởi dòng vốn từ các quỹ ETF. Mối tương quan này mờ nhạt hơn trong tháng 6 và 7 khi các quỹ ETF ghi nhận vào ròng nhưng Vn-Index không có nhiều khởi sắc.
Với những diễn biến mới của dòng vốn toàn cầu trong thời gian gần đây, nếu không có những biến động bất ngờ như đổ vỡ của đàm phán thương mại Mỹ - Trung thì dòng vốn nước ngoài, trong đó có ETF được hy vọng sẽ tích cực hơn, từ đó tạo sự nâng đỡ cho chỉ số trong thời gian cuối năm 2019, đầu năm 2020.
Thế nhưng, nếu chiến tranh thương mại Mỹ - Trung gặp bất trắc thì dòng vốn ngoại sẽ bị rút ra khỏi thị trường nhanh chóng qua các quỹ đầu tư.
Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn
Ra mắt thương hiệu chứng khoán Pinetree Việt Nam Ngày 4/12, tại Hà Nội, Hanwha Investment & Securities đã tổ chức lễ ra mắt thương hiệu mới. Qua đó, Hanwha Investment & Securities tại Việt Nam chính thức được đổi tên thành PINETREE SECURITIES, bắt đầu thúc đẩy đầu tư các dịch vụ tài chính kỹ thuật số. Hanwha Investment & Securities, một thành viên của tập đoàn Hanwha, tự hào thuộc...