Chứng khoán 2019: Vẫn còn dư địa tăng trưởng
Ông Nguyễn Lâm Dũng, Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng ( VPBS) cho biết, năm 2018, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm, nhưng vẫn khả quan hơn nhiều nước khác trong khu vực và là thị trường duy nhất tại Đông Nam Á ghi nhận mức mua ròng của khối ngoại. Cơ hội vẫn đang rộng mở với TTCK trong năm 2019
Môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thị trường chứng khoán đang dần khép lại năm 2018 với nhiều cung bậc cảm xúc. Ông nhìn nhận thế nào về diễn biến thị trường trong năm qua?
Trong năm 2018, thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán Việt Nam nói riêng đã có những đợt điều chỉnh đáng kể. Chỉ số VN-Index tính đến ngày 20/12/2018 giảm 6,71% so với thời điểm cuối năm 2017.
Ông Nguyễn Lâm Dũng.
Tuy nhiên, mức giảm trên vẫn là rất nhỏ so với các thị trường tài chính phát triển tại châu Á như Trung Quốc, Hồng Kông, Nhật Bản hay Hàn Quốc. Theo số liệu tổng hợp của VPBS, trong thời gian kể trên, thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm 23,31%, Hồng Kông giảm 14,36%, Nhật Bản giảm 10,42%, Hàn Quốc giảm 16,51%.
Đáng chú ý, mặt bằng chung của thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi trong khu vực Đông Nam Á tốt hơn so với các quốc gia nói trên. So với các nước láng giềng trong khu vực, chỉ có thị trường chứng khoán Indonesia đạt thành tích tốt hơn Việt Nam với mức giảm 3,27% điểm so với cuối năm 2017, còn thị trường các quốc gia láng giềng khác có mức giảm cao hơn Việt Nam như Thái Lan giảm 9,32%, Philippines giảm 11,63%, Malaysia giảm 8,14%.
Về dòng vốn nước ngoài đầu tư vào thị trường cổ phiếu của các quốc gia so sánh trong khu vực Đông Nam Á, theo số liệu của VPBS, duy nhất thị trường Việt Nam đang ghi nhận mức mua ròng so với cuối năm 2017, ở mức 1,87 tỷ USD tính đến ngày 19/12/2018.
Tại các quốc gia khác như Indonesia, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng 3,63 tỷ USD, Malaysia bị bán ròng 2,79 tỷ USD, Philippines bị bán ròng 1,05 tỷ USD, Thái Lan bị bán ròng 8,88 tỷ USD.
Video đang HOT
Những số liệu thống kê trên cho thấy, VN-Index giảm 6,7% trong năm 2018, sau khi thị trường tăng mạnh trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018, là mức giảm chấp nhận được.
Sự biến động và điều chỉnh của thị trường tạo ra nhiều cơ hội tốt cho nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư chứng khoán phái sinh. Sự tăng trưởng mạnh của số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh và khối lượng hợp đồng giao dịch trong năm qua minh chứng cho điều đó.
Vĩ mô vẫn là nền tảng chính cho sự phát triển của TTCK. Những thông số vĩ mô ổn định trong năm 2018 có tạo động lực cho TTCK tăng trưởng tốt hơn trong năm 2019 không, theo ông?
Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 ước đạt 7%, mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây và Việt Nam là một trong những nước có mức tăng trưởng GDP cao nhất thế giới.
Đi cùng quy mô tăng trưởng là những điểm tích cực trong chất lượng tăng trưởng. Cụ thể, chỉ số ICOR (hiệu quả sử dụng vốn đầu tư) của Việt Nam trong năm 2018 được dự báo ở mức 5, giảm khá mạnh so với mức 6,42 và 6,11 của năm 2016 và 2017.
Điều này cho thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư của nền kinh tế tốt hơn và có xu hướng giảm dần qua các năm. Tốc độ tăng năng suất lao động duy trì ổn định ở mức 5% từ năm 2015 trở lại đây.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/9/2018, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 9,52%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,02% của cùng kỳ năm 2017, trong khi tăng trưởng kinh tế cao hơn so với năm 2017, cho thấy hiệu quả tín dụng đã được cải thiện rõ rệt trong năm 2018.
Đáng nói là mức tăng trưởng kinh tế nói trên được đóng góp đáng kể bởi mức xuất siêu dự kiến đạt khoảng 7,5 tỷ USD. Đây là mức thặng dư chưa từng có trong lịch sử thương mại Việt Nam, cho thấy sức cạnh tranh của hàng hóa được sản xuất tại nước ta được nâng cao trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung ngày một leo thang.
Có được những thành tựu trên trong lĩnh vực thương mại phải kể tới việc Chính phủ đã mở ra nhiều cơ hội cho các nhà xuất khẩu trong nước thông qua việc ký kết, đàm phán tham gia các hiệp định thương mại đa phương như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP). Những hiệp định đa phương này sẽ mở ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu Việt Nam trong những năm tiếp theo.
Trong khi đó, môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp.
Mặt bằng lãi suất trong năm 2019 chịu áp lực tăng trước xu hướng thắt chặt tiền tệ của nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới, đặc biệt là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Đồng thời, quy định về việc siết tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 45% xuống 40% khiến không ít ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn về thanh khoản, dẫn tới áp lực về vốn, buộc phải nâng cao lãi suất huy động.
Tiếp đó, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung chưa có hồi kết, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Song song đó, bất ổn chính trị ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở châu Âu với diễn biến Brexit-EU và bạo động ở Pháp. Ngoài ra, bất ổn giữa Mỹ – Nga – Trung Đông có thể khiến diễn biến giá dầu thô trở nên khó dự báo.
Tóm lại, năm 2019, thị trường chứng khoán Việt Nam có những thuận lợi và thách thức đan xen, song vẫn còn dư địa tăng trưởng.
Là một thành viên của thị trường, ông chờ đợi và kỳ vọng gì nhiều nhất về chính sách, sản phẩm chứng khoán mới trong năm 2019?
Hiện tại, Bộ Tài chính thông qua Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang chủ trì sửa đổi Luật Chứng khoán. Đây là văn bản pháp lý cao nhất về lĩnh vực chứng khoán ở Việt Nam, quyết định sự phát triển của thị trường trong nhiều năm tới.
Cơ quan soạn thảo đã tiến hành lấy ý kiến đóng góp của các thành viên viên thị trường nhiều vòng. Đã có nhiều ý kiến góp ý hợp lý, xác đáng và hết sức hữu ích xuất phát từ thực tế Việt Nam và kinh nghiệm quốc tế được đưa ra.
Vì vậy, tôi mong rằng, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu ý kiến đóng góp của các thành viên thị trường một cách nghiêm túc và cầu thị, vì một thị trường phát triển nhanh nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững, góp phần vào sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đặc biệt, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, dự thảo Luật cần tạo ra khung khổ pháp lý cần thiết để mở đường cho sự phát triển của các công ty công nghệ tài chính và các sản phẩm tài chính mới, để thị trường vốn của Việt Nam bắt kịp được xu thế và thu hẹp khoảng cách phát triển với thị trường khu vực và thế giới. Chúng ta cần tham khảo kinh nghiệm phát triển của Trung Quốc, Singapore, Indonesia hay Malaysia trong lĩnh vực này.
Hoàng Anh
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
VPBS thông qua phương án phát hành 2.030 tỷ đồng Cổ phần ưu đãi cổ tức
VPBS dự kiến phát hành 203 triệu Cổ phần ưu đãi cổ tức mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần.
CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) vừa công bố Nghị quyết Đại hội cổ đông bất thường họp ngày 5/10/2018 vừa qua. Đại hội đã thông qua phương án phát hành Cổ phần ưu đãi cổ tức năm 2018.
Theo đó VPBS dự kiến phát hành 203 triệu Cổ phần ưu đãi cổ tức (mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần) với giá trị chào bán bằng 100% mệnh giá. Tổng giá trị cổ phần chào bán theo mệnh giá 2.030 tỷ đồng. Đối tượng phát hành là các cổ đông hiện hữu đang sở hữu cổ phần phổ thông của công ty.
Tổng số tiền thu được trong đợt phát hành cổ phần ưu đãi cổ tức sẽ dùng để tài trợ vốn mở rộng hoạt động kinh doanh của công ty.
Trường hợp số cổ phần ưu đãi cổ tức này không chào bán hết cho cổ đông hiện hữu, thì HĐQT toàn quyền phân phối số Cổ phần ưu đãi cổ tức còn lại cho các nhà đầu tư là cổ đông hiện sở hữu cổ phần phổ thông của công ty với giá bán không thấp hơn giá bán cho cổ đông hiện hữu.
Cổ tức ưu đãi sẽ được trả bằng tiền mặt với mức cố định hàng năm bằng 3% mệnh giá Cổ phần ưu đãi cổ tức dành cho chu kỳ Cổ tức ưu đãi đầu tiên và 6% mệnh giá Cổ phần ưu đãi dành cho các chu kỳ Cổ tức ưu đãi tiếp theo. Ngoài ra còn có mức thưởng do Đại hội cổ đông quyết định dựa trên kết quả kinh doanh hàng năm.
Cổ phần ưu đãi cổ tức cũng có thể được chuyển đổi thành cổ phần phổ thông nếu được Đại hội đồng cổ đông quyết định, hoặc trong thời gian kể từ ngày tròn 10 năm kể từ ngày hoàn tất phát hành cho đến khi còn tồn tại Cổ phần ưu đãi cổ tức - lúc đó nhà đầu tư có quyền yêu cầu chuyển đổi thành cổ phần phổ thông với tỷ lệ chuyển đổi 15:1 (15 cổ phần ưu đãi cổ tức được đổi thành 1 cổ phần phổ thông).
Thời gian phát hành dự kiến ngay trong quý 4/2018.
VPBS Thành lập từ năm 2006, là một trong 3 công ty chứng khoán đầu tiên được chấp thuận thành viên giao dịch phái sinh đầu tiên của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội cùng với CTCP Chứng khoán TP HCM (HCM), CTCP chứng khoán SSI (SSI).
Nam Hà
Theo InfoNet