Chung kết văn nghệ “Dưới mái trường” của teen Lê Hồng Phong: Cùng khóc, cùng cười vì chúng ta là một phần thanh xuân của nhau!
Các bạn học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) vừa có một đêm chung kết văn nghệ chào mừng ngày 20/11 ngập tràn trong nhiệt huyết tuổi trẻ và những cảm xúc thật tuyệt vời.
Tối ngày 17/11, vòng chung kết hội diễn văn nghệ “Dưới mái trường” nhằm chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM) đã được diễn ra. Hơn 20 tiết mục ca hát, nhảy, múa xuất sắc nhất vượt qua vòng sơ kết đã cùng nhau tranh tài sôi nổi.
Tất cả các phần trình diễn trong đêm chung kết đều thể hiện được sự đầu tư công phu và rất chỉn chu từ các bạn học sinh. Nhiều bài nhảy, múa có các tổ hợp động tác phức tạp nhưng đã được các bạn chinh phục thành công khiến ai nấy cũng phải trầm trồ, thán phục. Không những thế, các tiết mục của teen Lê Hồng Phong còn truyền tải những thông điệp rất ý nghĩa về: tình cảm gia đình, bảo vệ môi trường, sống tích cực,…
Chung kết hội diễn văn nghệ “Dưới mái trường” nhằm chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 của học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM). (Clip: Kingpro)
Để có được những tiết mục đặc sắc như thế các bạn học sinh đã bỏ ra không ít thời gian và tâm sức. Dù có vất vả, đổ mồ hôi và cả nước mắt trong quá trình tập luyện nhưng hơn tất cả là các bạn đã được cùng nhau trải qua những giây phút đáng nhớ. Tin chắc rằng dù cho kết quả có ra sao thì các bạn đã đều nhận được cho mình những trải nghiệm tuyệt vời nhất trong thanh xuân rực rỡ này.
Những khoảnh khắc ấn tượng trong đêm chung kết hội diễn văn nghệ “Dưới mái trường” của teen Lê Hồng Phong
Bạn Mỹ Duyên, lớp 10 chuyên Văn 1 chia sẻ: “Dù không có nhiều thời gian trống nhưng tụi em vẫn cố gắng dành buổi trưa để cùng nhau tập luyện cho tiết mục. Mặc dù có vất vả nhưng được cùng nhau trình diễn trên sân khấu thì đó lại là niềm vui, niềm hạnh phúc của tập thể lớp. Sau hội diễn, em nhận thấy lớp mình càng thêm đoàn kết và gắn bó với nhau hơn.”
Tiết mục nhảy ấn tượng thể hiện nhiệt huyết tuổi trẻ của teen
Tiết mục nhạc kịch được dàn dựng công phu với thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình
Tiết mục múa quạt kết hợp tính hiện đại và truyền thống
Bạn Kim Hoàng, lớp 12 chuyên Lý 1 cho biết: “Vì là học sinh cuối cấp nên tụi em đã phải cân bằng hợp lý giữa thời gian học và tập luyện. Có thể nói hai tháng chuẩn bị cho tiết mục là thời gian tập thể gắn lớp bó nhất. Qua không ít khó khăn, thử thách cùng nhau, chúng em cảm thấy mình đã trưởng thành hơn rất nhiều.”
Theo Helino
Nhiều thầy cô chạnh buồn trong ngày Nhà giáo Việt Nam!
Có nhiều giáo viên nói rằng giá như đừng có ngày Nhà giáo Việt Nam thì họ lại đỡ tủi, đỡ chạnh lòng trước đồng nghiệp và học trò của mình.
Mỗi năm, ngành Giáo dục có một ngày để tôn vinh thầy cô giáo, tôn vinh nghề dạy học đó là ngày 20/11. Tâm trạng chung của nhiều thầy cô giáo là có một cảm giác vui vẻ vì xã hội, phụ huynh, học sinh quan tâm, nhớ đến mình.
Thế nhưng, trong ngày Lễ này cũng có một bộ phận rất lớn giáo viên chạnh buồn, hẫng hụt bởi họ bị quên lãng ngay cả khi đang trực tiếp giảng dạy cho học trò. Đó là những giáo viên dạy các môn phụ, những giáo viên không chủ nhiệm lớp.
Dù ai cũng biết rằng phần lớn những món quà học sinh tặng thầy cô chỉ mang ý nghĩa tượng trưng chứ không có giá trị về vật chất. Song, nỗi buồn bị bỏ rơi ấy vẫn len lỏi vào nỗi lòng của nhiều thầy cô đang trực tiếp giảng dạy.
Ngày Nhà giáo Việt Nam không phải giáo viên nào cũng có trọn niềm vui (Ảnh minh họa: toquoc.vn)
Đối với những khu vực đô thị lớn và với một số phụ huynh có điều kiện thì chuyện tặng phong bì hay những món quà xa xỉ cho thầy cô giáo đang dạy con mình có lẽ cũng không có gì xa lạ.
Một bộ phận thầy cô khi nhận những phong bì mà cá nhân học trò tặng cũng có mà nhận theo hình thức đại diện lớp tặng cũng có.
Bởi, nhiều nơi đó là "nét văn hóa" hình thành đã nhiều năm. Nhưng, thực tế thì chuyện tặng phong bì cho thầy cô giáo thường ít khi xảy ra và không phải giáo viên nào cũng nhận phong bì của phụ huynh và học sinh.
Những món quà mà phụ huynh và học sinh tặng cho thầy cô giáo nhân ngày 20/11 thường là những vài bông hoa, quyển sổ, cây bút, lọ dầu gội đầu, nước hoa, sữa tắm...
Những học sinh lớn hoặc ở khu vực có điều kiện thì phụ huynh và học sinh tặng thầy cô chiếc áo sơ mi, cái cà vạt, cái thắt lưng, miếng vải may áo dài...
Tuy nhiên, không phải là giáo viên nào cũng được phụ huynh và học sinh quan tâm.
Ngay cả những khu vực đô thị thì cũng có những giáo viên thường xuyên nhận quà từ phụ huynh và học sinh trong ngày 20/11 thì cũng có nhiều giáo viên không bao giờ được tặng quà hay nhận một lời chúc trong ngày Nhà giáo Việt Nam.
Đó là những giáo viên dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Công nghệ... và những giáo viên không chủ nhiệm lớp.
Thực tế là cấp tiểu học thì phụ huynh chỉ tặng quà cho thầy cô chủ nhiệm con mình. Các cấp học cao hơn thì cũng chỉ là giáo viên chủ nhiệm và một vài học sinh quan tâm đến những thầy cô dạy các môn chính.
Ngay cả những thầy cô đang trực tiếp ôn thi học sinh giỏi cho học trò thì cũng ít khi nhận được một lời chúc mộc mạc, một tin nhắn của học trò dành cho mình.
Ngày vui nhưng luôn xen lẫn nỗi buồn...
Thực tế, không mấy giáo viên quan trọng chuyện tặng quà của học trò cho mình bởi khi theo đuổi nghề giáo thì thầy cô hiểu rõ được môn mình đang dạy, hiểu được cái nghề của mình theo đuổi, hiểu được niềm vui, hạnh phúc và cả sự bạc bẽo của nghề.
Thế nhưng, cảm xúc con người thì những buồn vui trong cuộc sống là không tránh khỏi. Vì thế, nhiều thầy cô cảm thấy chạnh lòng trong ngày 20/11 bởi chứng kiến rất nhiều những câu chuyện diễn ra trước mắt mình.
Trong quá trình diễn ra buổi lễ, nhiều khi giáo viên chứng kiến một số phụ huynh vào hỏi thăm cô, thầy chủ nhiệm của con mình. Phụ huynh bắt tay cười nói với giáo viên chủ nhiệm với đầy những lời hoa mỹ để cảm ơn.
Ngay cạnh bên giáo viên chủ nhiệm đang ngồi cũng là những thầy cô đang dạy con họ thì lại không nhận được một chút tín hiệu xã giao dù chỉ là cái gật đầu...
Nhiều khi các thầy cô đang ngồi trong buổi lễ thấy một số học sinh len lỏi qua các dãy bàn ghế, đi qua các thầy cô giáo bộ môn để tặng hoa, tặng quà cho giáo viên chủ nhiệm.
Những khi ấy, dù không so đo gì nhưng tất nhiên sẽ có nhiều thầy cô thoáng buồn. Cái cảm giác chênh chao trong lòng của nhiều thầy cô lại xuất hiện.
Có nhiều giáo viên nói rằng giá như đừng có ngày Nhà giáo Việt Nam thì họ lại đỡ tủi, đỡ chạnh lòng trước đồng nghiệp và học trò của mình.
Nỗi niềm giáo viên môn phụ không chỉ bị học sinh học qua loa, đối phó trên lớp mà nhiều khi khó nói thành lời. Đến ngày Nhà giáo Việt Nam cũng không mấy khi được học sinh đoái hoài đến thầy cô của mình, dù chỉ là một lời chúc giản đơn thôi.
Vậy nên, nhiều giáo viên môn phụ rất ngại đến trường vào ngày này. Họ không đến không phải là vì những món quà của phụ huynh và học sinh mà vì nỗi buồn thường xâm lấn, bủa vây...
Giá như phụ huynh và học trò đừng tặng quà cho thầy cô giáo như hàng chục năm trước đây thì nét đẹp của truyền thống tôn sư trọng đạo sẽ đẹp biết bao nhiêu! Nhiều giáo viên không phải buồn, không phải xót xa...
NHẬT DUY
Theo giaoduc.net
Tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11: Ai thương giáo viên "trơn" chúng tôi? Tháng 11 với nhiều hoạt động văn nghệ, thể thao, chuyên môn tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Nhưng ẩn đằng sau đó, những nỗi niềm của những giáo viên về tháng "trời hành", không mong muốn có ngày 20/11 này mà không dám thổ lộ. Tự múa ...tự vỗ tay Để có những tiết mục văn nghệ chào mừng Ngày Nhà...