Chung kết Nữ hoàng đá quý liên tục xảy ra sự cố
Năm thí sinh bốc thăm ngẫu nhiên nhưng lại nhận được câu hỏi ứng xử có nội dung giống hệt nhau.
Chung kết cuộc thi Nữ hoàng đá quý 2016 diễn ra tối 13/12 tại Hà Nội. Ban đầu, cuộc thi dự kiến trao giải cho 2 nhóm đối tượng thí sinh – phụ nữ chưa lập gia đình và phụ nữ đã lập gia đình. Tuy nhiên theo Hoa hậu Đền Hùng Giáng My, trưởng ban giám khảo, sau khi họp bàn và thống nhất, ban tổ chức quyết định tổ chức khoanh vùng thí sinh trong nhóm 18-30 tuổi và chưa lập gia đình.
Đêm thi chung kết xảy ra nhiều lỗi đáng tiếc như sự cố micro, thi ứng xử hài hước, MC công bố nhầm kết quả…
Trong đêm chung kết, 25 thí sinh, được lựa chọn từ hơn 200 gương mặt dự thi, lần lượt tham gia tranh tài ở các phần thi gồm trang phục áo dài, áo tắm và đầm dạ hội. Trang phục của thí sinh ở ba phần thi đều được gắn các loại trang sức, đá quý.
Kết thúc 3 phần thi, ban giám khảo chọn ra Top 10, sau đó công bố 5 người đẹp lọt vào phần thi ứng xử gồm Nguyễn Thị Thảo Trinh (Hà Tĩnh), Trần Ngô Thu Thảo (Tiền Giang), Lý Thị Mỹ Hồng (Cần Thơ), Cao Thùy Trang (Bến Tre) và Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội).
Top 5 của Nữ hoàng đá quý. Ảnh: BTC.
Tại vòng ứng xử, tình huống hài hước xảy ra khi 5 người đẹp bốc thăm ngẫu nhiên nhưng lại nhận được cùng một câu hỏi với nội dung “Em hãy cho biết đá quý và trang sức khác nhau thế nào và em nghĩ gì nếu mình trở thành Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016?”.
Video đang HOT
Ngay cả MC cũng tỏ ra bối rối khi phải đọc đi đọc lại một câu hỏi sau mỗi lần thí sinh bốc thăm. Khán giả bên dưới cười ồ. Ngoài ra, sự cố micro cũng khiến phần thi này trở nên thiếu chuyên nghiệp. Khi thí sinh cuối, Nguyễn Thị Oanh, đang trả lời, micro liên tục tậm tịt.
Đến phần công bố kết quả, khán giả lại được một phen ngỡ ngàng khi MC công bố nhầm các danh hiệu. Đầu tiên, Nguyễn Thị Oanh được xướng tên ở vị trí Á hoàng 2. Rất nhanh sau đó, khi MC chưa kịp xướng tên người đạt ngôi vị cao nhất, đại diện của ban tổ chức kịp thời chạy lên sân khấu đính chính.
Kết quả cuối cùng, danh hiệu Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016 thuộc về Nguyễn Thị Oanh (Hà Nội). Cô nhận giải thưởng 100 triệu đồng tiền mặt cùng vương miện luân lưu làm bằng vàng và đá quý.
Khoảnh khắc đăng quang của Nguyễn Oanh. Ảnh: BTC.
Nguyễn Oanh sinh năm 1994, là sinh viên Đại học Công đoàn khoa luật và xã hội học. Cô cao 1,71 m với số đo ba vòng 86-60-91. Cô từng tham gia cuộc thi Hoa hậu Biển 2016 nhưng không đạt thành tích cao.
Á hoàng 1 là người đẹp Cao Thùy Trang (Bến Tre) và danh hiệu Á hoàng 2 được trao cho Lý Thị Mỹ Hồng (Cần Thơ).
Nguyễn Thị Oanh trình diễn ở phần thi áo tắm. Ảnh: BTC.
Ngoài giải thưởng chính, ban tổ chức còn trao thêm 7 giải phụ gồm Người đẹp thời trang áo dài, Người đẹp được bình chọn nhiều nhất, Người đẹp thời trang đá quý, Người đẹp thời trang trên biển, Người đẹp thời trang dạ hội, Người đẹp Thân thiện, Người đẹp có gương mặt khả ái.
Trao đổi với phóng viên ngay sau đêm chung kết, trưởng ban giám khảo Giáng My khẳng định sự cố nhầm lẫn kết quả là do ban thư ký, chứ giám khảo không nhầm.
Khi được hỏi về tình huống ứng xử hài hước, Giáng My chia sẻ: “Tôi nghĩ do trục trặc bên trong, giữa đạo diễn chương trình với ê-kíp, chưa có sự kết hợp nhuần nhuyễn. Các cuộc thi hoa hậu trên thế giới, thí sinh cũng thường trả lời chung câu hỏi, nhưng họ phải bịt tai. Bạn trả lời sau không nghe được bạn trước mình nói gì, như vậy phần trả lời sẽ thú vị và màu sắc hơn. Nhưng tôi nghĩ nữ hoàng năm nay xứng đáng, đẹp cả về vóc dáng lẫn phong cách”.
Theo Zing
Cuộc thi đầu tiên trao vương miện Nữ vương và Nữ hoàng
Cuộc thi Người mẫu - Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016 chia ra hai đối tượng thí sinh, nên cũng có 2 hệ thống giải riêng biệt.
Buổi họp báo ra mắt cuộc thi Người mẫu - Nữ hoàng đá quý Việt Nam được tổ chức vào chiều 12/7 tại Hà Nội. Cuộc thi được Cục Nghệ thuật Biểu diễn - Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch cấp phép tổ chức từ 15/6 đến 12/11.
Theo công bố của ban tổ chức, hai đối tượng thí sinh được phép tham dự cùng lúc. Một là nữ công dân Việt Nam có độ tuổi 18-30, chưa lập gia đình, chưa đăng ký kết hôn, chưa sinh con và đáp ứng các điều kiện chung. Hai là nữ công dân Việt Nam có độ tuổi 21-47, đã lập gia đình, đã đăng ký kết hôn hoặc ly hôn và đáp ứng các điều kiện chung.
Ông Lê Ngọc Hải, trưởng ban tổ chức, cho biết: "Đây là cuộc thi mới mẻ, lần đầu tiên trên thế giới với hai giải song song. Tôi trình đề án lên Bộ và đã được thông qua, vì nó phù hợp với tình hình thực tế đất nước đang phát triển, trên nền tảng không phân biệt tuổi tác, mọi phụ nữ đều có quyền bình đẳng".
Hoa hậu đền Hùng Giáng My và hai thành viên Ban tổ chức. Ảnh: HB
Về danh hiệu và giải thưởng, ban tổ chức cũng chia ra 2 hệ thống riêng với hai giải cao nhất - Nữ vương (dành cho thí sinh chưa lập gia đình) và Nữ hoàng (thí sinh đã lập gia đình).
Nữ vương và Nữ hoàng đều được trao 1 vương miện bằng vàng, giải thưởng tiền mặt 85 triệu đồng và bằng chứng nhận của BTC.
Danh hiệu Nữ hoàng được sử dụng khá phổ biến ở các cuộc thi sắc đẹp trong nước lẫn quốc tế. Tuy nhiên, danh hiệu Nữ vương khiến nhiều người thắc mắc. Lý giải cho điều này, BTC nói: "Vương và hoàng đều là vua, nhưng hai giải song song nên không thể gọi cùng một tên. Tôi dành danh hiệu vương cho thí sinh trẻ và hoàng cho thí sinh có gia đình. Vương gần với vua hơn, nhưng nữ hoàng cũng rất cao sang, là người có tuổi và có bề dày hơn".
Trong vai trò đại sứ, kiêm thành viên ban giám khảo cuộc thi Nữ hoàng đá quý Việt Nam 2016, Hoa hậu đền Hùng Giáng My chia sẻ: "Đây không chỉ là cuộc thi về vẻ đẹp hình thể, mà muốn tôn vinh giá trị người phụ nữ, vẻ đẹp tâm hồn và đặc biệt là quảng bá ngành trang sức Việt Nam. Nữ vương nghe trẻ trung, tiểu thư hơn, còn nữ hoàng thể hiện người phụ nữ trưởng thành và có độ chín".
Vòng bán kết cuộc thi Nữ hoàng đá quý Việt Nam dự kiến diễn ra vào 11/10 và đêm chung kết được tổ chức vào 12/11. Ngoài các danh hiệu chính, ban tổ chức còn trao một số giải phụ như Người đẹp trang sức áo dài, Người đẹp trang sức trên biển, Người đẹp trang sức đá quý...
Theo Zing