Chung cư ‘đặc biệt’ cho bệnh nhân ung thư: Vừa được ở miễn phí, vừa bớt nỗi lo dịch Corona
Mừng hơn nắng hạn gặp mưa rào, những bệnh nhi nghèo đầu tiên được ở tại căn chung cư có không gian ấm cúng, không khác gì nhà của mình.
Từ chỗ phải thuê trọ có giá 100.000 đồng/đêm ở phòng trọ chật chội; hay phòng giá rẻ 15.000 đồng/ đêm gió lùa, mưa lạnh, thậm chí phải ngủ hành lang bệnh viện bị muỗi chích…, mới đây, 4 bệnh nhi ung thư nghèo: Lê Văn Gia Huy, Mai Tùng Anh, Lò Hồng Ngọc, Nguyễn Thị Mai cùng gia đình đã được nhà hảo tâm tài trợ suất trọ miễn phí tại một căn chung cư rộng hơn 60m2.
Video: Ngày đầu tiên về ở tại căn chung cư miễn phí.
Đêm đầu tiên ngon giấc
Căn chung cư ‘đặc biệt’ nằm trong khu chung cư Đại Thanh, cách Bệnh viện K Tân Triều chỉ hơn 1km, thuận tiện cho việc thăm, chờ khám, chữa bệnh của các bệnh nhân. Với hai phòng ngủ rộng, một phòng khách, hai nhà vệ sinh và một gian bếp, căn chung cư tạo cảm giác thoải mái ‘như ở nhà’ cho các bệnh nhi cùng người thân.
4 bệnh nhi cùng gia đình quây quần trong phòng khách.
Từng ‘chiến đấu’ với ung thư trực tràng nên chị Lê Thị Thắm(Thanh Hóa) biết việc chữa bệnh mệt mỏi như thế nào với một người lớn. Huống chi thời điểm hiện tại con gái chị đang phải điều trị với phác đồ của bệnh nhân ung thư xương.
Chị Thắm thương con, ‘rớt nước mắt’ chị tâm sự: ‘Chữa bệnh khiến con tôi mệt mỏi và khó ăn, ăn cơm ở các cửa hàng bình dân đồ nguội lạnh lại thêm đau đớn trong người khiến nó hay bỏ bữa.
Con gái lớn nên sinh hoạt cá nhân cũng bất tiện. Thuê nhà trọ giá rẻ bên ngoài, nhiều đêm nó phải đi vệ sinh xa chưa kể mấy đêm nay Hà Nội mưa gió lạnh, thấy con lục đục dậy thương con mà tôi không biết phải làm sao.
May mắn sao, trường hợp của con bé được nhà hảo tâm tài trợ suất trọ miễn phí trong căn chung cư, tôi mừng rớt nước mắt’.
Chị Thắm cùng con gái mừng rỡ.
Còn với chị Lò Thị Quyên(Sơn La), suốt mấy tháng nay, chị và con khổ sở nằm bệnh viện, ở trọ đắt đỏ để chăm con gái mắc bệnh ung thư xương, ngay khi biết thông tin được ở trong chung cư miễn phí, chị Quyên xúc động:
‘Gần một năm trời cùng con chiến đấu với căn bệnh quái ác, chi phí đi lại, chạy chữa, thuốc thang cả ăn uống không biết bao nhiêu cho vừa. Mất tiền đã đành nhưng nhìn con chật vật tôi cũng chỉ muốn khóc.
Việc truyền hóa chất khiến con cảm thấy đau đớn, bứt rứt. Những lúc không phải truyền, tôi chỉ muốn con nghỉ ngơi thoải mái nhưng phòng trọ chật chội, ẩm thấp lại khiến con khó chịu hơn.
Hôm trước khi được chuyển về đây, con bé nhà tôi háo hức lắm. Về đây rồi, hai mẹ con được nghỉ ngơi yên tĩnh, dễ chịu, đây là đêm đầu tiên con ngon giấc’.
Lò Hồng Ngọc cùng mẹ (Lò Thị Quyên) tâm sự trong căn phòng ấm áp.
Trong bối cảnh dịch viêm phổi do virus Corona gây ra có nhiều diễn biến phức tạp, người có sức đề kháng kém đặc biệt là người lớn và trẻ em là đối tượng dễ bị virus ‘tấn công’. Bệnh viện lại vốn là nơi tập trung đông người nên từ khi được chuyển về sống riêng trong căn chung cư này, người nhà bệnh nhi có phần yên tâm hơn:
‘Bình thường ở bệnh viện các con phải điều trị với hóa chất rất mệt, lại còn phải đeo cả khẩu trang nữa nên có phần khó chịu. Về đây các con không cần phải đeo khẩu trang, sinh hoạt trong nhà thoải mái, bớt phần nào việc tập trung nơi đông người nên chúng tôi cũng yên tâm hơn’ – chị Quyên bày tỏ.
Được xếp phòng cùng nhau, hai anh em từ hai vùng quê khác nhau: Mai Tùng Anh (Sơn La) và Lê Văn Gia Huy (Phú Thọ) vốn cùng điều trị tại khoa Nhi, bệnh viện K Tân Triều gần một năm nay lại càng thân nhau hơn. Gia Huy hồn nhiên:
‘Lúc được vào nhà, con thấy vui lắm. Con nói với mẹ, đi viện đẹp thế này con cũng thích đi viện.
Con được ở chung phòng với anh Tùng Anh, hai anh em con cùng nhau chơi đá bóng, bắt bóng, nhiều khi còn cùng nhau nhìn cả Hà Nội nữa. Con thấy hết buồn luôn.’
Căn phòng nằm trên tầng gần như cao nhất của khu chung cư nên hai cậu bé dễ dàng quan sát Hà Nội từ trên cao, điều này khiến cả hai thích thú.
Không chỉ là nhà trọ, đây là một ‘mái ấm’
Bếp chính là trái tim của ngôi nhà, đây là nơi các mẹ nhen nhóm ngọn lửa yêu thương nên tại căn chung cư này, không gian bếp nấu cũng là khu vực được các mẹ yêu thích nhất. Các mẹ đều cho hay, việc được tự nấu ăn cho con khiến con ăn ngon miệng hơn.
Các mẹ cùng vào bếp chuẩn bị bữa cơm nóng hổi cho con.
Chị Vũ Thị Thu Hằng (mẹ bé Mai Tùng Anh) thật thà nói về niềm vui giản đơn: ‘Trong viện khi các con truyền xong thì hầu như các con không ăn gì. Về đây các con vừa chơi với nhau hợp, ăn uống được hơn. Trong viện cả ngày ép ăn lắm thì các con mới ăn được một hai thìa nhưng ở đây các con tự cầm bát xúc cơm ăn. Chỉ cần vậy thôi là các mẹ đã thấy vui lắm rồi’.
Được ở trong khu chung cư ấm cúng, hai mẹ con như được tiếp thêm động lực trong hành trình điều trị.
Không chỉ có bếp, tại căn chung cư này, con trẻ còn có không gian chơi. Bóng đá – môn thể thao hầu như đứa trẻ nào cũng thích, cũng chính là đam mê của Gia Huy. Cậu bé 7 tuổi ‘thao thao’ về ước mơ của mình: ‘Ở bệnh viện chúng con thường chỉ chơi trò đẩy xe lăn với nhau. Nhưng về đây con được chơi bóng đá. Con rất thích chú Quang Hải và mong ước cũng đá giỏi như chú ấy’.
Thấy tinh thần con lạc quan hơn, vui vẻ hơn, chị Vũ Mai Hương (mẹ Gia Huy) phấn khởi: ‘Có không gian chơi thì tinh thần con thoải mái hơn, khỏe hơn, dường như có thêm nhiều động lực để chữa bệnh hơn’.
Gia Huy – cậu bé thông minh, lém lỉnh.
Các mẹ thừa nhận, căn chung cư này không chỉ là nơi trọ miễn phí mà còn là tình yêu, sự quan tâm của các nhà hảo tâm dành cho bệnh nhi ung thư nghèo, là ‘mái ấm’ của các con giữa những ngày gian nan chiến đấu với ‘tử thần’, đây cũng là nơi nuôi dưỡng những ước mơ hồn nhiên của tụi trẻ. Hy vọng mô hình này sẽ được mở rộng hơn, đem lại những may mắn và hạnh phúc này đến nhiều bệnh nhi hơn nữa!
Nụ cười lạc quan thắp lên hy vọng
Kỳ Duyên
Theo baodatviet
Có một lớp học mang tên "Hy vọng"
Suốt nhiều năm qua, các bạn trẻ nhóm thiện nguyện Chắp cánh ước mơ đã tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ cho các em nhỏ tại BV Nhi Trung ương.
Và cứ hàng tháng, các em nhỏ tại lớp học Hy vọng, BV Nhi Trung ương sẽ được nhóm Chắp cánh ước mơ tổ chức sinh nhật tập thể vào một ngày cuối tuần của tháng.
Khi đó, sinh nhật luôn là niềm háo hức mong chờ với bất cứ đứa trẻ nào. Với các bệnh nhi ung thư có lẽ niềm mong ước trong ngày đặc biệt ấy sẽ còn ý nghĩa hơn rất nhiều. Những món quà được các bạn trong nhóm Chắp cánh ước mơ chuẩn bị đã đem đến nhiều bất ngờ cho các em. Có lẽ không phải ai cũng biết tới một lớp học mang tên Hy vọng nằm trong khuôn viên BV Nhi Trung ương (Hà Nội), được duy trì đều đặn từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần, dành cho các bệnh nhi đang điều trị nội trú tại đây. Lớp học đặc biệt này không chỉ mang kiến thức, niềm vui mà cả niềm tin, niềm hy vọng chiến thắng bệnh tật đến những người bệnh nhỏ tuổi.
Một buổi sinh hoạt tập thể của các em trong lớp học Hy vọng tại BV Nhi Trung ương.
Chứng kiến nhiều em nhỏ không may mắc bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo phải nằm viện điều trị dài ngày làm gián đoạn việc học tập hoặc không có cơ hội được đến trường, từ năm 2011, ban lãnh đạo và đội ngũ bác sĩ, nhân viên y tế BV Nhi Trung ương quyết tâm tổ chức một lớp học ngay tại BV với tên gọi lớp học Hy vọng. Lớp học rộng rãi, thoáng mát, được trang bị đầy đủ tiện nghi gồm: bàn ghế học sinh, ti-vi, máy chiếu, máy tính, cây nước... Ngay sau lễ khai giảng, rất nhiều nhà giáo, nhà khoa học, nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ, bác sĩ... đã tình nguyện tham gia "đứng lớp" hoặc hỗ trợ về vật chất và tinh thần. Trong số những giáo viên tình nguyện, nhiều người vẫn nhớ mãi hình ảnh "thầy giáo" Hoàng Văn Quảng, nguyên Trưởng phòng Hành chính quản trị, BV Nhi Trung ương, người mang trong mình căn bệnh ung thư vòm họng nhưng vẫn tham gia rất nhiệt tình, vừa dạy các em vẽ, vừa dạy các em biết cách quên đi nỗi đau bệnh tật.
Nói về ý tưởng thành lập lớp học Hy Vọng, bác sỹ Nguyễn Thanh Liêm cho biết: "Tại BV Nhi Trung ương cũng như tất cả các BV trong cả nước, rất nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học không được cắp sách đến trường vì phải nằm viện dài ngày hoặc điều trị bệnh hiểm nghèo. Đã từ lâu Ban lãnh đạo BV khát khao tổ chức được lớp học ngay tại BV cho các bệnh nhi đang nằm điều trị. Nhìn các cháu trở đi trở lại BV, phải nằm viện nhiều ngày làm gián đoạn việc học ở trường, bị lưu ban không lên lớp được do nghỉ lâu không theo kịp, rồi những cháu chưa có may mắn được đi học ngày nào vì bệnh nặng, chúng tôi thật sự xót xa". Trước ngày khai giảng, trả lời phiếu thăm dò của BV, có đến 92,68% em nhỏ mong muốn được đến trường, được học tập ngay trong thời gian nằm viện. Đáp ứng mong mỏi đó, lớp học Hy Vọng ra đời là kết quả của tình yêu thương, của những tấm lòng thiện nguyện.
Những ngày đầu tổ chức lớp học, nhiều em nhỏ còn ngại ngần chưa muốn tham gia, ngày nào cũng có bác sĩ, nhân viên y tế hay các tình nguyện viên đến tận giường bệnh động viên các em đến lớp. Thế rồi, những giờ học thoải mái, vui nhộn đã khiến các em thích thú, quên đi mệt mỏi, đau đớn bệnh tật. Các em tự nguyện đến lớp nhiều hơn, cảm thấy vui vẻ hơn. Có những thời điểm, lớp học lên tới gần 30 em. Phần lớn học sinh của lớp học Hy vọng là những em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, suy thận, tiểu đường... Ở lớp học Hy vọng, các em được học hát, học vẽ, làm đồ thủ công, học kỹ năng sống; được hỗ trợ bổ túc các môn văn hóa: Toán, Văn, tiếng Anh, tiếng Việt, Lịch sử,... Ở đây, các thầy, cô giáo không chỉ nhớ tên từng học sinh, mà còn hiểu tường tận tình trạng bệnh tật, lịch trình điều trị và hoàn cảnh gia đình của các em. Dẫu vẫn đau đớn, vẫn mệt mỏi trên hành trình chiến đấu với bệnh tật nhưng trong hành trang của các em đã có thêm những bài học mới về nghị lực sống, về niềm hy vọng không bao giờ tắt, về tình yêu thương của các thầy cô giáo trong lớp học Hy vọng và của cả cộng đồng dành cho các em.
Lớp học thường bắt đầu khá muộn, từ 9g30 hoặc 10g, đó là lúc các em đã hoàn tất việc thăm khám, tiêm truyền của buổi sáng. Mỗi ngày hai buổi sáng chiều, từ thứ hai đến thứ sáu, các em đều cố gắng có mặt đầy đủ. Có nhiều bệnh nhi xuống muộn hơn vì vẫn còn mệt, cũng có những em xuống lớp được một lúc lại phải về phòng. Nhưng các em luôn cố gắng mỗi ngày, ăn được nhiều hơn để có sức đi học, cố gắng tiêm truyền thật ngoan để đem khoe cô giáo. Bước vào lớp giữa giờ học, người lớn không khỏi giật mình bởi những gương mặt xanh xao non nớt, những cái đầu lơ thơ tóc, nghiêng nghiêng nắn nót từng nét chữ, những bàn tay nhỏ xíu nhằng nhịt dây truyền. Ở cửa sổ có cậu bé đầu còn quấn băng gạc sau ca phẫu thuật trước đó một ngày, ở góc lớp có cô bé say sưa tô vẽ bằng một tay, tay kia được cố định với một dây dịch từ một chai thuốc treo ở bên cạnh và những nỗi đau thế nhưng các em đều nỗ lực vượt qua tất cả.
Trải qua quãng thời gian đầy ý nghĩa, với sự chung tay của nhiều người, lớp học Hy vọng đã được trang bị thêm những hệ thống nội thất hiện đại (quạt, tivi, máy chiếu, màn chiếu, máy tính, cây nước, loa) không chỉ là "mái trường" tiếp nối hành trình tri thức của các em nhỏ, tạo không gian vui chơi, thư giãn cho các bé trong những ngày điều trị tại BV mà còn là nguồn động viên tinh thần ý nghĩa đối với đội ngũ y bác sĩ BV Nhi Trung ương. Chắc chắn lớp học này sẽ mang đến kiến thức, niềm vui sống, tiếp thêm nghị lực để các em có thêm sức mạnh chống chọi lại bệnh tật.
Thái Yên
Theo phapluatxahoi
Hạnh phúc ngày về nhà ăn Tết trên chuyến xe yêu thương dành cho bệnh nhân ung thư Từ bệnh viện K Tân Triều trở về quê ở Quan Hoá (Thanh Hoá) sau đợt điều trị ung thư phổi, ung thư cổ tử cung, bình thường cô Chu Thị Định (62 tuổi) phải trải qua 3 cuốc xe. "Nhưng hôm nay, nhờ chuyến xe yêu thương, tôi bình tĩnh dọn đồ trong bệnh phòng, ra xe, được chở miễn phí về...