Chứng bệnh ảnh hưởng đến phòng the
“Sau khi sinh, vợ tôi bỗng tỏ ra rất muốn được cưng chiều, vuốt ve. Ngỡ vợ “muốn yêu”, tôi cởi bỏ y phục cho cô ấy thì nàng lại nổi loạn phản kháng như đã bị tôi tra tấn.”!?
Đó là lời than phiền không hiếm gặp mà các bác sỹ tâm lý đã nhận được. Thực ra đây là một chứng bệnh rối loạn tâm thần ở cả nam lẫn nữ, ảnh hưởng rất lớn đến chuyện phòng the cần được tìm hiểu.
Những biểu hiện chết người
Những phụ nữ sau khi sinh nở mắc chứng loạn thần thường có biểu hiện của một người bị trầm cảm, không hứng thú chăm sóc con, nói nhảm, dễ bị kích động…
Video đang HOT
BS. Nguyễn Thị Yến, Khoa sản, Phòng khám đa khoa Quân Dân, đường Giải Phóng (Hà Nội) cho biết: “Sản phụ mắc chứng loạn thần thường có hội chứng mất ngủ, tinh thần sa sút, dễ cáu bẳn, bận tâm quá mức đến vóc dáng, ám ảnh lo con chết… Nghiêm trọng nhất là những người có ý nghĩ hoang tưởng rằng đứa con không được sinh ra hoặc không đúng với giới tính được thông báo… khiến tinh thần khủng hoảng. Theo thống kê của ngành y tế có đến 77,9% phụ nữ sinh con đầu lòng có nguy cơ bị loạn thần cao gấp 35 lần so với những người sinh con dạ, tuổi khởi phát trung bình là 26,3. Và một hệ luỵ kéo theo đó là những phụ nữ mắc chứng bệnh này không còn xúc cảm phòng the”.
Cũng theo BS. Nguyễn Thị Yến, nguyên nhân gây bệnh loạn thần sau sinh chủ yếu do người mẹ dùng thuốc giảm cân và các loại kháng sinh trong sản phụ khoa. Một số người có thể bị viêm tuyến giáp, thiếu vitamin B12 và mắc bệnh rối loạn nhiễm sắc thể. Hoặc bị căng thẳng quá mức do người thân gây nên. Sau 7 ngày, nếu các triệu chứng không thuyên giảm, cần đưa sản phụ đến bệnh viện ngay. Nếu không sẽ không lường hết hậu quả vì trên thực tế người mắc chứng bệnh này có thể giết con hoặc tự hủy hoại cơ thể. Kết quả điều trị phụ thuộc hoàn toàn vào việc bệnh được phát hiện sớm hay muộn.
Còn với nam giới nghiện rượu hoặc thường xuyên phải uống rượu trong thời gian dài rất dễ dẫn đến loạn thần. Theo BS. Lê Xuân Thuỷ, Trung tâm truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, loạn thần do rượu được biểu hiện dưới những trạng thái như rối loạn ảo giác, hoang tưởng, rối loạn cảm xúc và hành vi… Trong đó, biểu hiện rối loạn cảm xúc và hành vi là bệnh nhân thường cảm thấy lo âu, sợ hãi, căng thẳng cao độ, bệnh nhân né tránh, chạy trốn người thân. Và tất nhiên với biểu hiện này họ sẽ không còn biết đến cảm xúc ái ân nữa.
Muốn cưng chiều nhưng dễ nổi loạn
Chăm sóc bệnh nhân loạn thần cần được theo dõi giấc ngủ, số giờ ngủ được trong ngày, khi ngủ có mê, có thức giấc giữa đêm không… Do người bệnh thường bị hoang tưởng, ảo giác, kích động, không chăm sóc được bản thân nên gia đình phải hết sức chú ý. Thông thường người bị loạn thần do rối loạn cảm xúc và hành vi rất muốn được cưng chiều, vuốt ve. Điều này khiến chồng (vợ) dễ nhầm tưởng bạn đời của mình muốn có được cảm xúc ái ân và đáp ứng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng đây là biểu hiện muốn được cưng nựng để làm dịu vợi những cơn cáu giận và hành vi phá phách vô lối. Nếu vợ (chồng) hiểu rằng người loạn thần “muốn yêu” rồi cởi bỏ y phục của họ rất dễ khiến cơn điên bùng phát. Vì với tâm trạng bất an, cảm xúc ái ân đã tan biến, thay vào đó là nỗi lo lắng, sợ hãi. Do đó, việc cởi bỏ y phục rất dễ làm người loạn thần hiểu rằng mình đang bị tra tấn và khiến họ nổi loạn.
Vì thế, chăm sóc người bệnh cần hết sức nhẹ nhàng, ân cần. Và tuyệt đối không nên nghĩ đến cảm xúc ái ân khi bệnh vẫn chưa lành. Vì với phụ nữ sau sinh sẽ khiến họ hiểu nhầm mình đang bị đàn áp và nổi loạn còn với nam giới loạn thần vì rượu cũng rất dễ làm bạn tình bị thương. Tốt nhất là người nhà phải luôn có thái độ tôn trọng, giúp đỡ, không phân biệt đối xử đối với bệnh nhân, lắng nghe ý kiến, thực hiện các yêu cầu, nguyện vọng của họ trong điều kiện cho phép. Khi từ chối, nên giải thích cho người bệnh hiểu. Theo TS. Lý Trần Tình – Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, loạn thần là một loại rối loạn cảm xúc, tác động đến khí sắc, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần, tình cảm, nhận thức, rối loạn thần kinh thực vật và tâm thần vận động của người bệnh… Những biến đổi cảm xúc và rối loạn tâm trí đó thường đi đôi với những rối loạn chức năng của nhiều cơ quan nội tạng khác nhau thể hiện dưới dạng đau đầu, mất ngủ, đau ngực, đau vùng trước tim, rối loạn nhịp tim chức năng, đau cơ khớp, huyết áp dao động, tăng tiết mồ hôi và đặc biệt là rối loạn và suy giảm khả năng “yêu”. 100% người mắc bệnh loạn thần từ nhẹ đến nặng giảm sút phong độ trong “chuyện đó” thậm chí không còn cảm xúc ái ân. Trong khi đó, thời gian vừa qua lượng bệnh nhân loạn thần do rượu phải nhập viện tăng cao và đang có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Nam giới nghiện rượu cũng dễ rối loạn tâm thần
Khôi phục cảm xúc
Theo các chuyên gia, muốn khôi phục lại cảm xúc ham muốn trước tiên phải điều trị tận gốc bệnh loạn thần.
Ở nam giới, giảm ham muốn tình dục và rối loạn cương dương khác nhau (giảm ham muốn là không có ham muốn, hứng thú trong chuyện gối chăn; còn rối loạn cương dương là có ham muốn nhưng không có khả năng cương cứng). Sự giảm ham muốn có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chung quy lại là do rối loạn tâm thần gây nên.
Theo đó, muốn chữa trị được trước tiên phải biết được căn nguyên gây nên bệnh. Chẳng hạn, người bệnh buồn phiền, khó khăn thì phải giải quyết khó khăn gây sầu não rồi mới dùng thuốc chữa trị loạn thần. Tâm lý trị liệu rất có hiệu quả để giải tỏa những buồn sầu, hờn giận, căng thẳng. Nếu do ảnh hưởng của thuốc gây nên thì thay thuốc khác hoặc ngừng thuốc. Người bệnh hay e ngại, hồi hộp thì tập can đảm, bình tĩnh tự tin. Nếu trầm cảm do hậu quả của nghiện rượu, ma túy, cờ bạc thì phải loại bỏ những nguyên nhân này. Nếu do biến chứng của các bệnh mãn tính thì phải điều trị bệnh gốc.
Cách nhận diện sớm bệnh loạn thần
Khi sản phụ có những biểu hiện sau người nhà cần nghĩ đến bệnh loạn thần: Lo lắng thái quá về thai kỳ, khí sắc không ổn định, cảm xúc buồn khổ, trầm cảm, than phiền nhiều về cơ thể, mệt mỏi; Đòi hỏi yêu sách đối với người thân; Đột ngột mê tín dị đoan; Thay đổi thói quen ăn uống hoặc ăn uống miễn cưỡng; Tránh sinh hoạt vợ chồng; Cường độ nôn mửa không bình thường, kéo dài dai dẳng; Thiếu sự quan tâm chăm sóc tình cảm cho người chồng hoặc gia đình.
Theo Giadinhnet