Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế: Doanh nghiệp Việt không thể mãi đứng ngoài (bài 1)
Áp dụng chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) với các doanh nghiệp niêm yết, đại chúng không còn là câu chuyện xa vời, mà đang là đòi hỏi từ nhiều nhà đầu tư quốc tế khi muốn bỏ vốn vào thị trường chứng khoán Việt Nam.
Bài 1: Khoảng cách lớn giữa chuẩn kế toán trong nước và quốc tế
Trong câu chuyện với Báo Đầu tư Chứng khoán mới đây, ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam đã chia sẻ một thông tin đáng chú ý.
“Câu hỏi đầu tiên mà các nhà đầu tư nước ngoài đặt ra cho chúng tôi, với tư cách là bên thực hiện thẩm định, là có sự khác biệt nào giữa hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam và chuẩn mực quốc tế có thể dẫn tới ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tài chính và kết quả kinh doanh của bên bán hay không”, ông Long nói.
Những băn khoăn của nhà đầu tư ngoại không phải vô cớ. Trong mỗi thương vụ đầu tư khâu thẩm định việc thẩm định số liệu trên báo cáo tài chính đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Nếu hệ thống kế toán doanh nghiệp trong nước áp dụng có những khác biệt lớn so với chuẩn mực chung của quốc tế sẽ là rào cản trong tiếp cận báo cáo tài chính với nhà đầu tư nước ngoài.
Các doanh nghiệp trong nước hiện đang lập báo cáo tài chính dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam (VAS) và chế độ kế toán doanh nghiệp (cụ thể hóa những chuẩn mực này).
Hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam được ban hành trong giai đoạn từ năm 2001 – 2005, bao gồm 26 chuẩn mực kế toán, dựa trên hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS) tại thời điểm đó và có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện của nền kinh tế Việt Nam.
Ở thời điểm được ban hành, VAS là bước tiến lớn trong hành lang pháp lý về chuẩn mực hạch toán kế toán và trình bày báo cáo tài chính cho các doanh nghiệp Việt Nam, khi đã tiệm cận nhiều chuẩn mực kế toán quốc tế.
Nhưng đến nay, VAS được giới chuyên gia nhìn nhận đã trở nên lỗi thời so với mặt bằng chung thế giới. Kể từ thời điểm ban hành đến nay đã hơn 10 năm, VAS chưa được sửa đổi, bổ sung và cập nhật, trong khi nền kinh tế thế giới cũng như trong nước vận động liên tục.
Video đang HOT
Bản thân căn cứ gốc của VAS là IAS cũng liên tục được Hội đồng Chuẩn mực kế toán quốc tế cập nhật liên tục hàng năm và bổ sung thêm nhiều chuẩn mực hoặc ban hành chuẩn mực hoàn toàn mới với tên gọi “Chuẩn mực lập và trình bày báo cáo tài chính quốc tế” – IFRS.
Việt Nam mới chỉ ban hành 26 chuẩn mực kế toán, trong khi hệ thống chuẩn mực kế toán quốc tế (IAS và IFRS) có tới hơn 40 chuẩn mực. Điều này cũng đồng nghĩa với việc còn nhiều chuẩn mực kế toán quốc tế VAS chưa tiếp cận được.
Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát kế toán, kiểm toán, ông Trịnh Đức Vinh thừa nhận nhiều bất cập của hệ thống chuẩn mực kế toán hiện hành.
Chẳng hạn, dù nông nghiệp là lĩnh vực đang chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, nhưng Việt Nam lại chưa có chuẩn mực kế toán về nông nghiệp.
Tương tự, dù là quốc gia sở hữu nhiều tài nguyên khoáng sản và khai khoáng đang là một ngành có vai trò quan trọng trong cơ cấu nền kinh tế, nhưng hiện Việt Nam cũng chưa có chuẩn mực kế toán riêng cho lĩnh vực thăm dò khai thác tài nguyên khoáng sản…
Cũng theo ông Vinh, VAS ngày càng bộc lộ nhiều hạn chế, một số nội dung chưa theo kịp với thông lệ quốc tế và nền kinh tế thị trường hiện nay, nhất là trong bối cảnh hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp, tổ chức tài chính và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đang diễn ra mạnh mẽ, xuất hiện ngày càng nhiều các loại công cụ tài chính phức tạp.
Nhiều thông tin mà VAS đưa ra không còn mang tính hữu ích. Tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính bị suy giảm nên người sử dụng báo cáo tài chính không thể đánh giá được hết khả năng, tiềm lực của doanh nghiệp, cũng như những rủi ro mà doanh nghiệp gặp phải.
Bên cạnh đó, phạm vi áp dụng của một số chuẩn mực kế toán như hàng tồn kho, tài sản cố định không có sự loại trừ về phạm vi áp dụng nên một số tài sản sinh học của các hoạt động nông nghiệp và các loại nông sản tại thời điểm thu hoạch như cây trồng, vật nuôi và những sản phẩm chưa qua chế biến thu được từ tài sản sinh học (thịt, hoa màu, gỗ, mủ cao su…) có đặc thù riêng vẫn được hạch toán như hàng tồn kho và tài sản cố định thông thường.
Điều đó dẫn đến việc phản ánh không đúng bản chất, đặc điểm và giá trị các tài sản này.
Trong bối cảnh thị trường vốn, thị trường tài chính phát triển mạnh mẽ, những nhóm chuẩn mực kế toán về công cụ tài chính chưa được ban hành, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để ghi nhận công cụ tài chính theo thông lệ quốc tế. Đặc biệt, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng công cụ phái sinh cho mục đích phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất hoặc giá cả hàng hóa, nhưng chưa có hướng dẫn kế toán phòng ngừa rủi ro.
Ở vai trò tư vấn nhiều thương vụ M&A cho các tập đoàn, quỹ đầu tư nước ngoài, Công ty Chứng khoán MB (MBS) chỉ ra nhiều điểm khác biệt giữa hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam với IFRS; trong đó có sự khác biệt lớn giữa cách tính thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS).
Theo đó, chuẩn mực kế toán Việt Nam quy định, lãi được dùng để tính EPS bao gồm cả các khoản lãi không dành cho các cổ đông phổ thông. Trong khi theo IFRS, những khoản này sẽ được tính vào chi phí để trừ ra khỏi lãi cho việc tính EPS.
Chính sự khác biệt này dẫn tới tình huống EPS tính theo VAS cao hơn theo chuẩn mực kế toán quốc tế khá nhiều, thông thường từ 5 – 15%, cá biệt có thể lên đến 30%.
Một điểm khác biệt khác, theo MBS, là trong trường hợp chia cổ tức bằng cổ phiếu, khác với IAS, VAS chưa quy định việc điều chỉnh hồi tố EPS. Điều này dẫn tới việc phân tích xu hướng EPS qua các năm theo số liệu EPS gốc (không điều chỉnh bởi chia cổ tức) sẽ bị sai lệch.
Nghiêm trọng hơn, theo chuyên gia Phan Lê Thành Long, chuẩn mực kế toán Việt Nam có khá nhiều lỗ hổng để doanh nghiệp lợi dụng nhằm thao túng báo cáo tài chính theo ý chủ quan của họ.
“Đặc biệt, do Việt Nam chưa áp dụng kế toán giá trị hợp lý có thể dẫn tới doanh nghiệp có cơ hội khai khống giá trị tài sản, đẩy lợi nhuận thông qua các giao dịch mua bán công ty nội bộ hoặc giao dịch với các bên liên quan, khiến cho chất lượng thông tin báo cáo tài chính và lợi nhuận được công bố chưa cao”, ông Long nhận xét.
Điều này cũng khiến chi phí vốn của các doanh nghiệp Việt Nam chưa áp dụng IFRS tăng cao, gây khó khăn trong việc tiếp cận và huy động các nguồn vốn mới do nhà đầu tư quốc tế tăng chiết khấu để bù đắp cho rủi ro về kém minh bạch thông tin.
Việc áp dụng hệ thống chuẩn mực IFRS – vốn được chấp nhận như chuẩn mực lập báo cáo tài chính cho các công ty tìm kiếm sự thừa nhận trên thị trường chứng khoán thế giới – đang là yêu cầu bức thiết được đặt ra với các doanh nghiệp Việt Nam nếu muốn lọt vào “mắt xanh” của nhà đầu tư ngoại, hoặc huy động được nguồn vốn với chi phí thấp hay bán vốn với một mức giá tốt hơn.
Khi áp dụng IFRS, chất lượng thông tin của báo cáo tài chính của doanh nghiệp sẽ được cải thiện một cách rõ rệt thông qua việc nâng cao trách nhiệm giải trình, tăng cường tính minh bạch và khả năng so sánh, cung cấp cho người sử dụng báo cáo tài chính nhiều thông tin hữu ích cho việc ra quyết định quản lý, điều hành và đầu tư.
Thông tin được ông Long đưa ra, hiện trên thế giới, chỉ còn 12 quốc gia chưa áp dụng hoặc chưa cho phép áp dụng IFRS và Việt Nam đang nằm trong số này.
Ngay trong khu vực ASEAN, một số quốc gia như Singapore đã bắt buộc áp dụng IFRS đối với các doanh nghiệp niêm yết. Thậm chí, Campuchia cũng đã tuyên bố áp dụng hoàn chỉnh hệ thống lập và trình bày báo cáo tài chính này.
Bài 2: Thiếu IFRS, khó thuyết phục nhà đầu tư ngoại bỏ vốn
Hằng Phương
Theo tinnhanhchungkhoan.vn
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tăng nhiệt
Những thông điệp lẫn lộn từ Mỹ về cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể nhấn chìm các cuộc thảo luận nhằm giải quyết vấn đề giữa hai nước này.
Giới quan sát quốc tế đang chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, là việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung sẽ chính thức "phát nổ", tạo ra cái thực sự gọi là "chiến tranh thương mại". Một cuộc chiến như thế diễn ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dĩ nhiên sẽ ảnh hưởng lớn đến kinh tế toàn cầu. Nói như ông Heenam Choi, Giám đốc điều hành (CEO) tại quỹ đầu tư quốc gia Hàn Quốc Korea Investment Corporation (KIC), thậm chí cuộc chiến tranh thương mại này sẽ tạo ra đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu tiếp theo.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung nhiều khả năng tiếp tục leo thang vì đàm phán bế tắc. Ảnh: Reuters
Theo ông Choi, khi kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác đang tìm cách siết chặt chính sách tiền tệ. Điều này có thể dẫn tới một viễn cảnh siết chặt thanh khoản bất chợt tại một số thị trường mới nổi. Siết chặt thanh khoản là hiện tượng diễn ra khi các điều kiện kinh tế tại một quốc gia quá chật, và việc vay tiền trở nên khó khăn hơn khi các ngân hàng cần đảm bảo kho tiền, khiến nhu cầu và đầu tư sụt giảm, từ đó kéo theo sự trì trệ của kinh tế nói chung.
Cảnh báo trên được CNBC đưa ra trong bản tin ngày 17/9, giữa lúc thông tin về việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu tiến hành áp thuế nhập khẩu lên 200 tỷ USD giá trị hàng Trung Quốc. Theo tin tức của tờ Wall Street Journal, hành động của ông Trump đang khiến chính quyền Trung Quốc cân nhắc lại đề nghị đàm phán với Mỹ. Hồi tuần trước, Trung Quốc vốn được biết đã sẵn lòng chấp nhận lời mời gặp gỡ Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin, và sự cố có thể sẽ xảy ra chỉ bằng một dòng trạng thái đe dọa mà ông Trump đưa lên Twitter.
Được biết, quan chức Mỹ - Trung đã gặp gỡ 4 lần trong các sự kiện đàm phán chính thức, gần nhất là hồi tháng 8 qua. Nhưng tất cả đều đổ vỡ, và hiện nay Mỹ đang áp thuế nhập khẩu lên 50 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, cũng như đang cân nhắc áp thêm lên 200 tỷ USD nữa như chỉ đạo của ông Trump.
Câu chuyện trên một lần nữa thể hiện sự bất nhất trong chính quyền Mỹ, mà cụ thể là những lần Tổng thống Trump đưa ra các thông điệp... trái ngược với những gì cấp dưới nói và làm. Hãng tin Bloomberg nhận xét rằng, nhiều lần các tiến độ trong đàm phán giải quyết vấn đề thương mại Mỹ - Trung cũng chững lại sau khi ông Trump nói khác đi. Khi mọi thứ lại tiếp tục như vậy, các cuộc đàm phán trong tương lai sẽ càng khó khăn hơn do phía Trung Quốc sẽ không có niềm tin rằng bất kỳ thỏa thuận cấp quan chức nào sẽ được Tổng thống Mỹ tôn trọng. Kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại ngân hàng ANZ ở Hong Kong Raymond Yeung nói: "Hai bên vẫn đang thiếu niềm tin. Trung Quốc xem hành động của Mỹ sau chuyến thăm của ông Lưu Hạc hồi tháng 5 là sự thiếu tôn trọng".
Cũng theo Wall Street Journal, Trung Quốc đang chuẩn bị để đàm phán trong tư thế "súng đặt lên đầu" và các quan chức Trung Quốc cũng cân nhắc các bước trả đũa tiềm năng. Lúc này, Bắc Kinh đã liệt kê chi tiết hàng ngàn mặt hàng Mỹ có thể gặp thuế nhập khẩu nếu như mức thuế quan lên 200 tỷ USD của ông Trump được triển khai.
Nguyễn Hiền
Theo kinhtedothi.vn
Hàng loạt ông lớn Trung Quốc bán tài sản sau thâu tóm ở nước ngoài Gần đây, các ông lớn là công ty có nhiều tài sản ở nước ngoài nhất của Trung Quốc đã và đang rao bán hàng chục tỷ USD. Bloomberg dự đoán xu hướng này chưa có dấu hiệu dừng lại. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh giảm nợ trong nền kinh tế để giải quyết mối nguy từ hệ...