Chuẩn Hiệu trưởng: An phận vì lo mất ghế?
Thực tế cho thấy, không ít hiệu trưởng lãnh đạo nhà trường theo lối mòn “trên bảo sao – dưới làm vậy”, còn chỉ đạo chuyên môn thì giao hết cho hiệu phó. Là thuyền trưởng, lèo lái con thuyền giáo dục thời “đổi mới căn bản, toàn diện” – nhưng họ lại khá an phận, ngại thay đổi vì sợ mất ghế…
Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ về “Chương trình – sách giáo khoa đổi mới” dành cho hiệu trưởng các trường THPT ở Cà Mau tháng 10/2018. Ảnh: Lê Yên
Xa rời chuyên môn sẽ thất bại
PGS.TS Nguyễn Kim Hồng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm TPHCM từng nhận định: Hiệu trưởng không chỉ là cán bộ quản lý giáo dục (CBQLGD), mà còn là nhà sư phạm – nhà chuyên môn giỏi. Đây là vai trò kép hiệu trưởng phải có. Hiệu trưởng phải đặc biệt gương mẫu, chấp nhận hy sinh, thiệt thòi về mình, dũng cảm đương đầu trước thách thức nặng nề của thời đổi mới và hội nhập toàn cầu hiện nay.
Bộ GD&ĐT đã ban hành “ Chuẩn Hiệu trưởng…” và “Điều lệ trường…” (ở các cấp học – bậc học khác nhau). Cả hai văn bản này đều nhấn mạnh vai trò kép, buộc hiệu trưởng phải có.
Tuy nhiên, có dư luận cho rằng, trực tiếp đứng lớp giảng dạy các môn văn hóa đã có các giáo viên (GV) đảm nhiệm. Hiệu trưởng nên dốc sức lo tầm “vĩ mô” là nhà QLGD, là người lãnh đạo toàn diện mọi hoạt động của nhà trường.
Để khắc phục quan niệm phiến diện này, Bộ GD&ĐT đã có quy định, tùy theo cấp học – tùy theo mô hình trường và quy mô trường học, buộc hiệu trưởng phải trực tiếp đứng lớp giảng dạy… Và đã dạy học, đương nhiên hiệu trưởng cũng phải chấp hành tốt quy chế chuyên môn, dạy phải bảo đảm chất lượng tốt, để làm gương cho cả hội đồng sư phạm nhà trường…
Thuận lợi lớn cho toàn ngành GD-ĐT là lâu nay hầu hết các vị đứng đầu trường đều xuất thân từ GV dạy giỏi, có uy tín chuyên môn cao, có kinh nghiệm đứng lớp lâu năm và say mê với bục giảng.
Một trong những điều đáng lo nhất với một số vị hiệu trưởng hiện nay là do làm hiệu trưởng nhiều năm, trực tiếp đứng lớp với số tiết ít ỏi, dốc hết sức lực – tâm huyết – trí tuệ cho trọng trách QLGD, nên họ không còn đủ điều kiện để thường xuyên nâng cao chất lượng chuyên môn.
Vì vậy, nhiều hiệu trưởng đành giao phó cho phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn – thay mặt hiệu trưởng chỉ đạo, điều hành hoạt động trọng tâm này của nhà trường.
Nguy cơ là ở chỗ đó. Theo quy định, hiệu trưởng chịu trách nhiệm chính về chất lượng dạy học – cũng như chất lượng GD toàn diện của nhà trường trước lãnh đạo cấp trên, trước toàn thể cha mẹ học sinh và xã hội.
Video đang HOT
Chẳng may, vị phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn chỉ đạo không đúng, hoặc để chất lượng dạy học đi xuống, hoặc lấn quyền hiệu trưởng, hoặc không đủ thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm quy chế chuyên môn… thì hiệu trưởng sẽ xử lý sao đây?
Mọi việc sẽ càng trầm trọng hơn! Vì bản thân xa rời bục giảng đã lâu, nên hiệu trưởng không đủ năng lực đào sâu, cập nhật, đổi mới về chuyên môn, do đó người đứng đầu trường đổ hết lỗi cho cấp dưới… Nhà trường như vậy sẽ nát. Chiếc ghế hiệu trưởng sớm hay muộn sẽ bị thay thế.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hồng Cảnh – Trường THCS Quang Tiến, TX Thái Hòa, Nghệ An trong tiết sinh hoạt với học trò. Ảnh: Lê Yên
Lãnh đạo giỏi hay quản lý giỏi?
TS Huỳnh Công Minh – nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho rằng: “Không ít người nhận xét GV chúng ta ngày nay không bằng ngày xưa, ít quan tâm đến việc học tập rèn luyện và không tâm huyết với nghề. Theo tôi không hẳn như vậy. Nó sẽ không đúng, nếu mỗi nhà trường chúng ta có những CBQLGD tâm huyết, trách nhiệm, toàn tâm, toàn ý với nghề”.
Nhất trí quan điểm này, NGƯT.TS Ninh Văn Bình – nguyên Trưởng phòng GD&ĐT quận Phú Nhuận (TPHCM) nhấn mạnh: Hiệu trưởng giỏi phải kết hợp tốt giữa 2 vai trò: Phải là nhà lãnh đạo sáng suốt – đồng thời là nhà QLGD tài ba.
Hiệu trưởng không đơn thuần chỉ là nhà QLGD, mà đầu tiên là nhà GD, vận dụng nhuần nhuyễn cả khoa học GD với khoa học QL.
NGND.GS Nguyễn Thị Mỹ Lộc – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục Hà Nội
Lãnh đạo là nói đến “tầm nhìn”, là định hướng phát triển toàn diện của nhà trường ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với sự phát triển chung của thời đại…
Quản lý nhà trường giỏi là phải điều hành tốt các hoạt động chủ yếu của nhà trường như nhân sự, chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm – nghiên cứu khoa học – hợp tác quốc tế; Quản lý sinh hoạt GV chủ nhiệm; tài chính – tài sản; các hoạt động ngoài giờ lên lớp; hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh… QLGD tài ba là biết chọn đúng người – giao đúng việc; kịp thời khen thưởng biểu dương người tốt – việc tốt; giám sát – kiểm tra uốn nắn các sai phạm…
Người đứng đầu trường là thủ lĩnh của hội đồng sư phạm nhà trường
Muốn làm tốt sứ mệnh cao cả này, hiệu trưởng phải biết khích lệ, truyền lửa cho các nhà giáo để mọi người hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cái tâm trong sáng, chính trực; phong cách lãnh đạo – quản lý năng động, thấu lý – đạt tình, gương mẫu, công tâm trong mọi lời nói hành động; đặc biệt phải say mê chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Chân dung hiệu trưởng thời đổi mới có thể khái quát như vậy…
Trước những hiện tượng bạo lực học đường đang diễn ra, TS Lê Đức Ánh – Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Quốc tế TIS TPHCM tỏ ra hết sức lo lắng. Ông trăn trở: “Mục tiêu các nhà trường của ta là xây dựng trường học thân thiện – hạnh phúc, nhưng ít nhiều nó đang bị mờ nhạt đi, do nhiều áp lực của lối sống sùng bái văn hóa tiêu dùng. Thêm vào đó là những áp lực của “bệnh thành tích” (điểm số, thi cử, các danh hiệu thi đua) đang đè nặng lên các trường học không tha một ai.
Do đó, nhà trường, cha mẹ học sinh ít nhiều đã làm sao nhãng CON NGƯỜI trong mỗi đứa trẻ. Ta quên đi tư tưởng thông thái cổ xưa: GD là khơi dậy, vun xới những gì vốn có của trẻ em, để nó trở thành chính nó. Đổi mới GD là làm sao trẻ em phát lộ những mầm mống tạo hóa đã ban cho các em.
Nhà sư phạm lỗi lạc người Nga Commenxki từng nhấn mạnh: “Dưới ánh nắng mặt trời, không có nghề nào cao quý hơn nghề dạy học”. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng phát biểu: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý; là nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”. Đây chắc chắn cũng là sự tôn vinh với các vị hiệu trưởng – đơn giản vì họ cũng là nhà giáo.
Đinh Lê Yên
Theo GDTĐ
Nữ hiệu trưởng tâm huyết, trách nhiệm với nghề
Nhiều năm gắn bó với nghề, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thúy - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thuỷ Xuân Tiên (huyện Chương Mỹ - Hà Nội) luôn giữ ngọn lửa đam mê và cống hiến cho ngành Giáo dục bằng tất cả tình yêu và trách nhiệm của một nhà giáo, một cán bộ quản lý giáo dục, được đồng nghiệp, người dân và các thế hệ học trò tin yêu.
Những năm qua, dưới sự dẫn dắt của một người hết mình vì công việc, bộ mặt của Trường Trung học cơ sở Thuỷ Xuân Tiên đã có nhiều thay đổi tích cực; lớp học ngày càng khang trang hơn, đảm bảo các trang thiết bị cho việc dạy và học, đội ngũ giáo viên nhà trường từng bước được nâng cao về chuyên môn, vững vàng về nghiệp vụ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thúy, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thuỷ Xuân Tiên.
Với chuyên môn Thạc sĩ Quản lý giáo dục, bên cạnh sự thừa kế những kinh nghiệm cô Thúy luôn có những giải pháp quản lý sáng tạo, việc đầu tiên cô xác định phải đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng tiên tiến mong muốn đáp ứng yêu cầu mới. Bên cạnh là sự truyền thông, thuyết phục cha mẹ học sinh, nhân dân địa phương đồng thời tranh thủ sự đồng tình nhất trí của các cấp lãnh đạo, các Ban ngành đoàn thể.
Từ lý tưởng đào tạo được những thế hệ tương lai của đất nước có năng lực tức là phải có đủ ba yếu tố về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Cô Thuý đã xây dựng chiến lược phát triển toàn diện nhà trường, mạnh dạn sáng tạo tổ chức song song các hoạt động, như: Cán bộ giáo viên và nhân viên được tham gia các buổi toạ đàm về nâng cao năng lực quản lý và nghiệp vụ sư phạm.
Bằng công trình nghiên cứu khoa học của bản thân về: "Quản lý hoạt động đánh giá giáo viên trung học cơ sở theo hướng tiếp cận năng lực" cô Thuý đã làm rõ nhận thức: Khi dạy theo hướng tiếp cận và phát triển năng lực người học thì chính bản thân người giáo viên phải hiểu rõ bản chất của năng lực; những tiêu chí năng lực của người giáo viên để hướng tới và hoàn thiện; lãnh đạo nhà trường phải đánh giá được năng lực của từng người làm cơ sở phân công nhiệm vụ cũng như có chế độ khen thưởng, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ.
Từ đó, đòi hỏi mỗi người phải thường xuyên đầu tư cho bản thân để đủ khả năng giáo dục học sinh, phối hợp và tư vấn phương pháp giáo dục cho cha mẹ các em. Chú trọng kỹ năng giao tiếp, ứng xử; nâng cao trình độ tin học; Tiếng Anh...Kết quả đã được thay đổi, phát triển liên tục và bền vững, tỉ lệ giáo viên đạt trình độ trên chuẩn 85%.
Từ một trường chưa bao giờ có các giải thưởng của Thành phố cô đã phát triển chuyên môn và giành các giải cao trong các hội thi giáo viên dạy giỏi, cụ thể: Giải khuyến khích Thành phố môn ngữ văn năm học 2012-2013; giải Nhì Thành phố cuộc thi tìm hiểu pháp luật về an toàn giao thông năm học 2013-2014; giải Nhất Thành phố bộ môn vật lý năm học 2015-2016; giải Nhì Thành phố cuộc thi tìm hiểu Luật bảo vệ rừng năm học 2016-2017; giải Ba Thành phố môn thể dục năm học 2018-2019.
Từ đó chất lượng hai mặt giáo dục được tăng liên tục qua các năm học, số lượng học sinh tăng; chất lượng thi vào lớp 10 trung học phổ thông tăng liên tục đã đạt 76%.
Cô Thúy luôn xác định phải đầu tư phát triển đội ngũ nhà giáo theo hướng tiên tiến mong muốn đáp ứng yêu cầu dạy và học trong thời kỳ mới.
Bên cạnh đó, hoạt động phong trào, thể dục thể thao cũng được nhà trường quan tâm đầu tư như nhiều năm có đội tuyển bóng đá tham gia các giải do Sở Giáo dục và đào tạo Hà Nội tổ chức, đã từng đạt huy chương đồng của giải năm học 2017-2018. Đại diện cho huyện Chương Mỹ tham dự cuộc thi Giới thiệu sách hè cấp Thành phố cũng đạt giải Nhì năm 2014.
Công tác giáo dục truyền thống dân tộc, giữ gìn và bảo vệ cảnh quan môi trường cũng là một vấn đề cốt lõi. Với những nỗ lực của một người lãnh đạo cô Thúy đã dẫn dắt tập thể sư phạm đạt được những danh hiệu cao quý như: Đơn vị đạt Chuẩn văn hoá năm 2017; Công đoan nha trương đươc liên đoan lao đông Thành phố Hà Nội tặng Giây khen năm học 2017-2018. Nhiều năm là Tập thể lao động tiên tiến và năm học 2018-2019 được Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc.
Từ một ngôi trường nhỏ chật chội cô Thuý đã làm tốt công tác tham mưu để được đầu tư sang một khu mới diện tích lên tới gần 9.000m2 với nguồn kinh phí 43 tỉ đồng cho cơ sở hạ tầng và 7 tỉ đồng cho hệ thống trang thiết bị. Trường mới hoạt động từ tháng 9 năm 2019 không có cây che mát, để tạo không gian xanh cô mạnh dạn đề suất với Huyện uỷ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân huyện Chương Mỹ được tổ chức sự kiện Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" Xuân Kỷ Hợi năm 2019...
Giờ đây khi đến trường Trung học cơ sở Thuỷ Xuân Tiên, một ngôi trường khang trang hiện đại, trong sự đổi thay đó có một phần công sức không nhỏ của những người như cô Thúy - nữ hiệu trưởng đã đem tình yêu của mình gửi trọn vào ngôi trường chan chứa yêu thương đầy ắp tình người. Hiện nay nhà trường đang trên lộ trình xây dựng trường Chuẩn quốc gia mức độ II năm 2019.
Với những cố gắng và nỗ lực không mệt mỏi trong nhiều năm công tác, cô Thúy đã đạt được nhiều thành tích và danh hiệu cao quý. Trong đó, 8 năm liên tục đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở (từ năm học 2011-2012 đến năm học 2017-2018), có nhiều sáng kiến kinh nghiệm đạt loại B, C cấp ngành, nhà giáo mẫu mực tiêu biểu huyện Chương Mỹ năm 2017, Bằng khen của Ủy ban nhân dân Thành Phố Hà Nội năm học 2017-2018.
Minh Khuê
Theo laodongthudo
Tập đoàn Phú Thành trao học bổng 100 triệu đồng cho học sinh Thái Bình Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Công ty cổ phần Tập đoàn Phú Thành đã trao tặng 100 triệu đồng cho quỹ khuyến học Trường TH&THCS Đông Xuân, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình. Ông Ngô Văn Phát, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Thành trao biển tượng trưng cho lãnh đạo trường TH&THCS Đông Xuân, huyện Đông...