Chuẩn bị sống ‘bình thường mới’: Đỉnh căng thẳng đã qua
TP.HCM đang bắt đầu có những chính sách để chuẩn bị cho trạng thái bình thường mới. Rất nhiều vui mừng, chờ đợi và cũng rất nhiều lo lắng.
Thông điệp 5K và 5T (tiêm chủng tại phường xã, test Covid-19 tất cả, tuân thủ 5K, thực phẩm đủ tại nhà và thầy thuốc tận gia) là nền tảng để trở lại cuộc sống “bình thường mới”. Trong ảnh: phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà.- Ảnh: QUANG ĐỊNH
Các bác sĩ, những người đang “thực chiến” trên trận chiến với COVID-19, nếu đầu dịch đã tha thiết “ai ở đâu ở yên đó để chúng tôi mau được về nhà” thì nay ủng hộ mọi người được quay về với cuộc sống ngày thường.
Tuổi Trẻ đã trò chuyện với hai trong số họ để hiểu được chuyên môn y khoa về những thay đổi này.
Mở cửa trở lại là việc đương nhiên phải làm và khi đó, nếu số ca nhiễm có tăng lên thì cũng là tất yếu.Bác sĩ NGUYỄN THANH TRƯỜNG
Tôi lặp lại, người dân cần hết sức bình tĩnh, kể cả khi F0 ấy là chính mình.Bác sĩ TRƯƠNG HỮU KHANH
Ngành y lớn lên trong đại dịch
Từ đầu mùa dịch, bác sĩ Nguyễn Thanh Trường – phó giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM – đã kinh qua nhiều vị trí “thực chiến”: giám đốc Bệnh viện dã chiến số 1, giám đốc Bệnh viện dã chiến số 13. Từ đầu tháng 9, ông được phân công trở lại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới…
* Những ngày gần đây, đã có nhiều số liệu và đánh giá chuyên môn cho rằng diễn biến dịch đang giảm. Thực tế số tử vong có giảm, số nhiễm mới giảm nhưng vẫn còn rất cao, theo bác sĩ vì sao?
- Bác sĩ Nguyễn Thanh Trường: Tôi cho rằng trên thực tế dịch đã bắt đầu chiều hướng giảm đều do chính những nỗ lực của tất cả xã hội, chứ không phải tự nhiên mà có. Số nhiễm mới không giảm nhiều, thậm chí có ngày tăng vì TP vẫn đang xét nghiệm với mục đích bóc tách F0.
Số tử vong bắt đầu giảm, từ trên 300 ca/ngày xuống dưới 200 ca/ngày từ hai tuần nay. Đó vẫn là con số rất lớn nhưng đang giảm và sẽ tiếp tục giảm, tương ứng với sự củng cố và tăng cường năng lực của ngành y tế.
Năng lực và sức đề kháng bền bỉ của ngành y là điều cả xã hội đang quan tâm, cảm phục và cả lo lắng nữa trong lúc này…
Tôi có thể nói là ngành y đang lớn lên trong đại dịch. Hiện TP có gần 100 bệnh viện dã chiến, điều trị và hồi sức bệnh nhân COVID-19. Tình trạng bệnh nhân cấp cứu không vào được bệnh viện như những ngày đỉnh dịch không còn nữa.
Bên cạnh đó, bệnh nhân F0 không triệu chứng được theo dõi điều trị tại nhà cũng giúp giảm quá tải bệnh viện, hạn chế việc dàn mỏng nguồn lực y tế.
Tốc độ phủ vắc xin – nhất là trên người lớn tuổi, bệnh nền – khiến virus giảm độc lực, giảm những ca chuyển biến nặng là tác động tích cực mang tính quyết định.
Năng lực, bản lĩnh của nhân viên y tế tăng cao dù không ít mệt mỏi. Từ đầu dịch, chúng ta đã huy động nhân viên y tế ở tất cả các chuyên khoa, và như ở Bệnh viện dã chiến số 1, tôi đã phải tổ chức tập huấn lại từ những ngày đầu tiên.
Qua thực tế của cuộc chiến với đại dịch, các y bác sĩ, nhân viên y tế đã vừa làm vừa học, rút được kinh nghiệm qua từng bệnh nhân, trưởng thành rất nhiều, từ những người có chuyên môn với bệnh truyền nhiễm như chúng tôi đến những đồng nghiệp thuộc chuyên khoa khác.
Bên cạnh đó nữa là sự góp sức to lớn của xã hội, từ khẩu trang, đồ bảo hộ, bình oxy đến monitor, máy thở, máy ECMO, xe cấp cứu… góp phần giữ mạng sống người bệnh, động viên ngành y từ vật chất đến tinh thần.
Ở Bệnh viện dã chiến số 13, có lúc cao điểm, bao nhiêu máy móc chúng tôi dùng hết. Những lúc đó, mọi nhân viên y tế phải phát huy khả năng và sức lực của mình ở mức tối đa, bởi không quan sát, theo dõi, chăm sóc chu đáo thì bệnh nhân sẽ tử vong rất nhanh. Cho tới bây giờ, những ngày căng thẳng như vậy đã qua.
* Có nhiều bệnh viện dã chiến chỉ điều trị theo triệu chứng bệnh nhân. Vậy phác đồ điều trị covid-19 đã được thống nhất và các loại thuốc đặc trị có đủ cho bệnh nhân không?
- Đa số bệnh nhân COVID-19 sẽ tự khỏi nên từ đầu chúng ta chỉ điều trị theo triệu chứng. Đến nay đã có phác đồ điều trị cụ thể, các loại thuốc uống cho bệnh nhân nhẹ, thuốc chích cho bệnh nhân nặng, được chỉ định hợp lý và khoa học.
Riêng về thuốc đặc trị cũng đã được cung cấp trong gói C cho bệnh nhân tại nhà và ở bệnh viện để dùng theo nhận định của bác sĩ. Chúng ta chưa có thuốc đặc trị để cấp phát đại trà được.
* TP.HCM đang tính toán phương án dần “mở cửa”, bác sĩ có lo ngại về những diễn tiến mới của dịch, nhất là khi sắp tới, giả sử lực lượng y tế hỗ trợ ở các tỉnh thành sẽ rút về?
- Khi “mở cửa” lại, tôi tin là mọi người tham gia hoạt động xã hội đều đã được bảo vệ bởi vắc xin, và như thế, nếu có nhiễm bệnh cũng ít trở nặng.
Những sai lầm trong tổ chức dẫn đến sự tập trung đông người gây lây lan dịch chắc hẳn cũng đã được rút kinh nghiệm sâu sắc. Khi đó, sự đáp ứng của y tế TP.HCM sẽ đủ, thậm chí hy vọng chúng tôi còn có thể tạm nghỉ ngơi.
Các y bác sĩ tại Trung tâm hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 – Bệnh viện Trung ương Huế ở TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Nếu mình là F0?
* “Thẻ xanh vắc xin” rất cần trong cuộc sống “bình thường mới” nhưng không hoàn toàn tránh được nhiễm, lây. Vậy mỗi người nên tự chuẩn bị như thế nào, kể cả khả năng cao trở thành F0?
- Bác sĩ Trương Hữu Khanh , cố vấn chuyên môn khoa nhiễm khuẩn – thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1: Thật bình tĩnh vì bạn đã được bảo vệ bởi ít nhất một mũi vắc xin sau 14 ngày – đủ chống lại bệnh, hoặc 2 mũi vắc xin – đủ thời gian sinh kháng thể tối đa. Bình tĩnh vì bạn đã đủ kiến thức cơ bản để hiểu bệnh và tự theo dõi bản thân.
Ngoài ra, hãy nhìn xung quanh mình, người thân của mình xem có ai thuộc trường hợp có nguy cơ cao (người già, bệnh nền, béo phì) mà chưa được chích vắc xin hay không. Nếu có, hãy cách ly để bảo vệ họ, và hãy đưa họ đi chích ngừa.
Hãy tự tăng đề kháng cho mình qua dinh dưỡng và liên hệ với cơ quan y tế để được hướng dẫn.
Video đang HOT
Tôi cũng báo để bạn mừng, nếu đã chích vắc xin đủ 2 mũi và lại vướng F0 thì coi như bạn đang được chích thêm mũi thứ 3 một cách tự nhiên. Từng tế bào của bạn đã được lưu giữ ký ức để sản xuất ra kháng thể.
* Quan điểm của bác sĩ về khả năng F0 lang thang ngoài cộng đồng khi nới giãn cách thì sao?
- Đó cũng là điều mà nhiều người lo khi xã hội hoạt động lại. Việc đó là khó tránh khỏi trong TP có hơn chục triệu dân của chúng ta, bởi chuyện khiến virus biến mất hoàn toàn khỏi cộng đồng là không thể.
Độ phủ vắc xin mũi 1 của TP.HCM đến nay đã là 85%, tỉ lệ trong mơ của cả thế giới. F0 mà chúng ta có thể gặp là F0 đã được chích vắc xin, hay F0 đã lành bệnh.
* Thế còn đối với trẻ em, thưa bác sĩ?
- Trẻ em đến giờ vẫn chưa được chích vắc xin, nhưng với trẻ em thì COVID-19 cũng không có gì nguy hiểm hơn các bệnh khác.
Tất nhiên vẫn có những trường hợp đặc biệt: vẫn trở bệnh nặng khi đã có vắc xin hay không thuộc nhóm nguy cơ cao, đây là do cơ địa và là những trường hợp vẫn có thể mắc bệnh nặng nếu không có COVID-19.
Tuy nhiên, không nên vì những trường hợp đặc biệt hiếm gặp mà tăng thêm lo lắng, ảnh hưởng nhiều việc khác.
Ngoài ra, tiến trình điều trị đã ổn. Túi thuốc đã chuẩn, số người bệnh nặng đã giảm. Việc cung cấp oxy tại giường bệnh đã đủ. Không còn bệnh nhân cấp cứu bị từ chối. Từ giờ tới cuối năm vắc xin sẽ về đều, đủ, đồng đều cho cả cộng đồng, TP.HCM và các tỉnh.
Các F0 xuất viện tại khu bệnh viện dã chiến ở phường An Khánh, TP Thủ Đức chiều 20-9 – Ảnh: TỰ TRUNG
Phải thay đổi nếu muốn “mở cửa”
Chúng ta chọn “mở cửa” lại nền kinh tế không có nghĩa là không còn quan tâm đến dịch, mà xác định đảm bảo an toàn ở một khả năng tối đa. Vissan vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất với mô hình “3 tại chỗ”. Ông Nguyễn Ngọc An (tổng giám đốc Công ty Vissan):
Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng từng phải gián đoạn sản xuất khi ca F0 lọt vào nhà máy và chịu những tổn thất.
Chấp nhận “mở cửa” thì không thể không có F0 nhưng phải làm gì để doanh nghiệp duy trì được hoạt động? Cơ quan y tế phải có đánh giá, tiêu chí hay xử lý dịch, khử khuẩn trong thời gian nhanh nhất để doanh nghiệp tái hoạt động ngay.
Không thể có F0 là đóng cửa ngay nhà máy. Một ca nhiễm F0 có thể mất từ 2 tuần để điều trị nhưng máy móc, thiết bị có thể khử khuẩn trong 1-2 ngày để tiếp tục hoạt động.
Sau sự cố F0 vào nhà máy, chúng tôi tổ chức lại sản xuất, như giãn cách giữa người lao động và khách hàng, công nhân các ca không tiếp xúc với nhau và các phân xưởng hoạt động riêng biệt.
Quan điểm của doanh nghiệp là nếu có F0 thì bóc tách khỏi nhà máy, trường hợp tiếp xúc gần sẽ cách ly theo dõi, còn lại vẫn hoạt động bình thường.
Với những F1 cùng nhà máy chưa có dấu hiệu nhiễm vẫn được làm việc, được theo dõi, test liên tục, thực hiện đúng 5K. Có như vậy doanh nghiệp mới đảm bảo được lực lượng lao động.
N.BÌNH ghi
Y tế đến kịp lúc, F0 sẽ bớt lo
Lúc này, để kiểm soát được dịch bệnh, ngoài việc người dân tuân thủ các quy định thì yếu tố quyết định tiếp theo chính là hệ thống y tế cơ sở.
Nhân viên Trạm y tế lưu động phường 8, quận Gò Vấp, TP.HCM phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà – Ảnh: QUANG ĐỊNH
Thở phào khi “y tế đến”
Gia đình anh V.N.T.H. (phường 24, quận Bình Thạnh, TP.HCM) có 5 người gồm: vợ chồng và 3 đứa con nhỏ. Vợ anh làm ở sân bay và đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin. Ngày 6-9, theo yêu cầu công việc, vợ anh test nhanh cho kết quả dương tính.
Vợ anh H. cho biết không chỉ thấy lo lắng cho mình, gia đình và cả những người thân khác do vô tình tiếp xúc. Ngay sau khi vợ có kết quả test nhanh dương tính, anh H. đã nhờ người thân liên hệ với Trạm y tế phường 24.
Đội ngũ y tế đã đến nhà, tiến hành test nhanh cho cả gia đình và cho kết quả 4 người đều dương tính, trừ cậu con trai út.
Các bác sĩ đã thăm khám tình trạng bệnh, phát thuốc và cung cấp số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp. Sự tiếp nhận kịp thời của đội ngũ y tế địa phương đã trấn an được những khủng hoảng tâm lý của gia đình anh H..
“Không thể nào quên được cảm giác cả nhà ngồi chờ y tế phường đến, vì mình cũng chẳng biết liệu họ có đến không, cả nhà và người thân, hàng xóm xung quanh như ngồi trên đống lửa. Rất may, họ có mặt kịp thời, mình cũng giải tỏa bớt được áp lực, an tâm điều trị tại nhà, người thân, hàng xóm cũng thấy đỡ lo hơn” – anh H. chia sẻ.
Và chính việc tiếp cận nhanh của hệ thống y tế địa phương đã giúp anh H. cùng người thân sớm ổn định tâm lý và nhanh chóng vượt qua “cú sốc tâm lý COVID-19″.
Tuy nhiên trong giai đoạn dịch kéo dài như thời gian qua, ngành y tế quá tải, không hiếm những trường hợp rơi vào hoảng loạn khi nghe “hung tin người thân bị mắc COVID-19″.
Hoang mang khi F0 “tự bơi”
Đó là trường hợp của chị V.T.K.D. (ở đường Hậu Giang, phường 12, quận 6). Chị D. kể nhà chị ở hẻm cụt, xóm lao động, khi dịch bùng phát xóm chị có nhiều người trở thành F0.
Khoảng cuối tháng 7-2021, xóm chị D. có một người hàng xóm bị ho, sốt, khó thở. Người này tự xét nghiệm cho ra kết quả dương tính và cũng là F0 đầu tiên của xóm. Ca bệnh này đã được báo cho địa phương, gọi đường dây nóng, kêu xe cấp cứu… nhưng không có đơn vị nào can thiệp, hỗ trợ.
Cũng may những ngày sau, người hàng xóm tự điều trị, qua cơn nguy kịch và sức khỏe tốt lên. Tiếp đó, người dân trong xóm mua dụng cụ tự xét nghiệm và có thêm 20 trường hợp F0.
Riêng gia đình chị D. cả 3 người đều mắc. Chị D. và người dân trong xóm đã báo cho địa phương nhưng vẫn không nhận được hỗ trợ y tế. Đến ngày 9-8, mẹ chị D. trở nặng mới được y tế địa phương đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện An Bình, một ngày sau thì mất.
Chị D. kể những ngày đó chị và những người trong xóm đều cùng cảm giác “hoang mang, lo lắng” khi đối mặt COVID-19 nhưng chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời về y tế.
“Tôi hiểu lúc đó nhiều nơi đang quá tải. Nhưng đối diện sự nguy hiểm đến tính mạng, ai chẳng sợ. Sau khi mẹ tôi và người hàng xóm mất đi, những bệnh nhân nơi tôi ở mới được địa phương hỗ trợ…” – chị D. nói.
Chuyện “bình thường mới” đã được tính tới và khi ấy cũng phải tính đến những phức tạp bởi COVID-19 chưa kết thúc.
CẨM NƯƠNG – THÁI AN
Chờ thêm vài tuần nữa
Chị H.Q.T. (phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM) cho biết dù địa phương cho phép ra đường nhưng chị vẫn ở nhà. Gia đình gồm 2 vợ chồng đã được tiêm vắc xin nhưng còn 2 con nhỏ vẫn chờ vắc xin.
“Tạm thời nếu không quá cấp thiết, mình vẫn ở nhà để bảo vệ cho gia đình và cộng đồng. Phải chờ thêm thời gian, khi độ phủ vắc xin cao hơn, nhất là với con trẻ, hy vọng là cuối năm, lúc đó cộng đồng an toàn hơn.
Khi nhiều người được tiêm vắc xin, nếu có nhiễm, lây, số ca nặng cũng ít hơn, bớt gánh nặng cho hệ thống y tế. Chắc chắn hệ thống y tế không quá bận rộn, nếu có ca nhiễm, trường hợp trở nặng, người bệnh có cơ hội được chữa trị vẫn tốt hơn là trong điều kiện quá tải” – chị T. chia sẻ.
TP Thủ Dầu Một ứng phó F0 sau “mở cửa”: Đặt trạm y tế ngay điểm phong tỏa
Liên quan vụ phát hiện 73 F0 tại “vùng xanh” tp Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, tới nay lực lượng chức năng đã phong tỏa khu vực hẻm 21 đường Yersin, thuộc khu phố 1, phường Phú Cường.
Các F0 đã được đưa đi cách ly tập trung, trong khi đó các F1 được ở tại chỗ và chờ xét nghiệm lại sau ba ngày (điểm dịch này được phát hiện từ ngày 19-9).
Điểm mới đáng chú ý là phương pháp phong tỏa của Bình Dương đã có thay đổi, không thực hiện phong tỏa rộng như trước đây.
Nếu như trước đây chỉ cần có ca F0 là cả một đoạn đường, hoặc cả tòa chung cư bị phong tỏa thì nay chỉ thực hiện khoanh vùng phong tỏa phạm vi hẹp một dãy nhà, hoặc một tầng của chung cư nơi có ca F0.
Đối với điểm phát hiện 73 ca F0 trong cộng đồng tại phường Phú Cường, chỉ phong tỏa tại hẻm nơi phát hiện ca nhiễm.
Trạm y tế lưu động được lập ngay tại điểm phát hiện 73 ca F0 ở phường Phú Cường – Ảnh: BÁ SƠN
Một điểm mới khác là một trạm y tế lưu động được lập ngay tại chốt kiểm soát của điểm phong tỏa.
Một lãnh đạo Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP Thủ Dầu Một cho biết việc “mở cửa” ở “vùng xanh” không tránh khỏi xuất hiện ca F0 mới. Thế nhưng với tâm thế đã có chuẩn bị, chủ động nên khi phát hiện ca F0 sẽ thực hiện khoanh vùng và xử lý nhanh.
Ông Nguyễn Văn Sang – chủ tịch UBND phường Phú Cường – cho biết với điểm dịch xuất hiện 73 ca F0, việc mang trạm y tế lưu động tới nơi nhằm kịp thời theo dõi, hỗ trợ ngay tại chỗ cho hơn 500 người dân trong khu vực phong tỏa.
Mạng lưới chăm sóc F0 tại nhà dần tốt lên
Theo đại diện Sở Y tế TP.HCM, sau hơn một tháng thí điểm, số F0 cách ly điều trị tại nhà ngày một tăng cao. Tính đến nay toàn TP đã có 41.826 F0 điều trị tại nhà, chiếm trên 40% so với số ca mắc COVID-19 đang cách ly điều trị tại các cơ sở cách ly tập trung và bệnh viện tầng 2, 3.
Ngoài các trạm y tế phường, xã, thị trấn, đến nay toàn TP cũng đã lập trên 500 trạm y tế lưu động và đang tiếp tục mở rộng tùy vào thực tế tại mỗi địa phương.
Về tình trạng vừa qua còn nhiều F0 chưa tiếp cận được thuốc kịp thời và khó liên hệ nhân viên y tế, lãnh đạo Sở Y tế TP cho rằng với sự chi viện của các bác sĩ quân y, công tác thăm khám và cấp cứu F0 tại nhà chuyển biến tích cực.
“Số F0 chuyển nặng phải nhập viện có chiều hướng giảm, kéo tỉ lệ tử vong giảm rõ rệt” – lãnh đạo Sở Y tế TP nói.
Khẳng định bối cảnh số F0 cách ly tại nhà sẽ còn tăng cao, lãnh đạo Sở Y tế TP cho biết sẽ nhân rộng mô hình chăm sóc và quản lý F0 dựa vào cộng đồng.
Ngành y tế đang xây dựng cơ chế huy động mọi nguồn lực trong cộng đồng, gồm hệ thống y tế tư nhân cùng chăm sóc F0 tại nhà.
Ngoài tư vấn cho F0 tự chăm sóc, theo dõi sức khỏe mỗi ngày, các nhân viên y tế sẽ khám chữa bệnh từ xa và tại nhà đối với các trường hợp có nguy cơ cao hoặc có triệu chứng. Qua đó kịp thời sơ cấp cứu các trường hợp chuyển nặng, không để F0 tử vong tại nhà.
Làm sao chứng minh 'tôi là F0 khỏi bệnh'?
Nhiều người mắc COVID-19 (F0) tự điều trị tại nhà đã khỏi nhưng chưa được cơ quan y tế quản lý hoặc cấp giấy chứng nhận khỏi bệnh đang loay hoay tìm cách chứng minh thân phận của mình.
Thiếu tá Nguyễn Thái Trị - bác sĩ CK1, trạm trưởng trạm y tế lưu động phường 14, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - phát thuốc cho F0 điều trị tại nhà - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Vấn đề này càng trở nên "nóng bỏng" khi TP.HCM đang xây dựng lộ trình tiến tới việc cấp "thẻ xanh COVID-19" cho người được tiêm đầy đủ vắc xin, đủ thời gian tạo kháng thể và người từng mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những nhóm F0 "ngoài vòng quản lý"
Từ phản ảnh của người dân, chúng tôi ghi nhận có một số nhóm F0 "ngoài vòng quản lý", bao gồm:
- Tự xét nghiệm cách ly y tế ở nhà, không báo với địa phương để được cập nhật và theo dõi sức khỏe cũng như xác nhận kết thúc cách ly.
- Cách ly y tế ở nhà có thông báo địa phương, tuy nhiên vì lý do nào đó, địa phương "bỏ quên" không cập nhật giám sát kịp thời.
- Được đưa đi cách ly điều trị tại cơ sở tập trung hoặc bệnh viện dã chiến nhưng không có tên trong danh sách F0 trên ứng dụng sức khỏe của Bộ Y tế.
- Một số người sau cách ly điều trị được cấp giấy xác nhận nhưng làm mất giấy.
Theo chị N.T.H.L. (ngụ phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú, TP.HCM), từ ngày 6-8 hai mẹ con chị được phường xét nghiệm RT-PCR với kết quả dương tính.
Hai mẹ con xin cách ly điều trị tại nhà. 12 ngày sau, khi thấy đã hết triệu chứng bệnh, chị L. gọi điện báo lên phường nhưng không ai xuống xét nghiệm lại, sau đó chị tự gọi dịch vụ xét nghiệm ở ngoài (RT-PCR) với kết quả âm tính và được cấp chứng nhận của cơ sở y tế uy tín.
"Tôi có chụp lại kết quả này báo lên phường nhưng chưa thấy phường phản hồi. Đến nay tôi vẫn không có giấy xác nhận hết thời gian cách ly của địa phương và cả trên hệ thống khai báo của Bộ Y tế cũng không ghi nhận. Không biết sắp tới đây làm sao để ra đường đi làm" - chị L. băn khoăn.
Chị H.T.H. (ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) cho hay khi phát hiện trong nhà có đến 3 người mắc COVID-19, chị liên hệ y tế phường nhưng không được. Những ngày sau đó, gia đình đã tự điều trị và khỏi bệnh, có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Chúng tôi có liên hệ với tổ trưởng dân phố thì được yêu cầu gọi lên y tế phường xin xét nghiệm lại để cấp giấy chứng nhận khỏi COVID-19, nhưng đến nay chúng tôi vẫn chưa liên hệ được" - chị H. nói.
Chưa có hướng dẫn xét nghiệm định lượng kháng thể
Ông Trần Phi Long - chủ tịch UBND quận 11 - cho biết các trường hợp mắc COVID-19 sau cách ly điều trị tại nhà sẽ báo cho địa phương để được cấp giấy chứng nhận khỏi COVID-19.
Tuy nhiên, với nhóm F0 mắc COVID-19 tự điều trị khỏi tại nhà (không khai báo) hiện chưa có hướng dẫn cụ thể, quận vẫn đang chờ. "Việc chứng minh các F0 này đã khỏi bệnh rất khó, quận vẫn chưa có hướng giải quyết" - ông Long nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 13-9, ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - khẳng định vấn đề nêu trên rất phức tạp và ngành y tế đang nỗ lực tìm các giải pháp "hợp tình, hợp lý, đúng luật" để sớm xác nhận cho các trường hợp F0 chưa kịp ghi nhận.
Lý giải sự "phức tạp" này, ông Châu cho rằng bên cạnh việc cần phải nhanh chóng hỗ trợ các trường hợp F0 thật sự, không loại trừ có người không phải F0 trà trộn.
Về mặt quản lý nhà nước, nếu không kiểm soát chặt mà cấp giấy xác nhận không có cơ sở chứng minh sẽ gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm cho cộng đồng.
Theo ông, hiện nay UBND TP.HCM đã giao cho ban chỉ đạo phòng chống dịch quận huyện, phường xã cấp giấy xác nhận F0 hết thời gian cách ly.
Tuy nhiên, nếu người nào cũng khai từng là F0 và được cấp giấy xác nhận một cách cảm tính sẽ rất nguy hiểm.
Đặc biệt khi giấy xác nhận này có liên quan trực tiếp đến việc người đó có được cấp "thẻ xanh" hay không. Do đó cần phải tính toán một giải pháp vừa hợp tình, vừa hợp lý, vừa đúng luật.
Bác sĩ Châu thừa nhận trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát mạnh, có tình huống người dân mắc COVID-19 kêu gọi y tế địa phương chưa được đáp ứng nên đành "tự xử".
Tuy nhiên cũng có các trường hợp mắc COVID-19 nhưng giấu bệnh, tự cách ly và không báo cho địa phương.
Và một trong số các phương án mà ngành y tế TP có tính đến đó là kết nối với các đơn vị y tế tự nguyện (tổ y tế lưu động, tổ COVID-19 cộng đồng, y tế tư nhân...) từng hỗ trợ chăm sóc các F0 này, có thể các trường hợp nêu trên sẽ có y tế xác nhận.
Nói thêm về hiện tượng nhiều F0 nóng lòng tự xét nghiệm định lượng kháng thể để "chứng minh mình có bệnh", ông Châu khuyến cáo người dân không nên đổ xô xét nghiệm kẻo bị người khác lợi dụng và tốn kém tiền bạc.
Việc này, theo ông, chưa có nước nào trên thế giới áp dụng và ở Việt Nam đến thời điểm này Bộ Y tế cũng chưa có hướng dẫn nào về việc sử dụng xét nghiệm định lượng kháng thể để xác định một người có miễn dịch hay không.
4 bước xử lý khi phát hiện F0
Theo Sở Y tế TP.HCM, với 1 F0 mới phát hiện, địa phương phải xử lý 4 bước cơ bản sau:
* Ghi lại đầy đủ thông tin về địa chỉ nhà, số điện thoại của người F0 và người thân trong gia đình.
* Phát ngay túi thuốc điều trị COVID-19 (gói thuốc A - B, phổ biến và hướng dẫn cho người F0 biết, chấp nhận tham gia và ký vào "phiếu chấp thuận tham gia chương trình Molnupirarvia có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19", phát gói thuốc C).
* Tầm soát đủ điều kiện để cách ly tại nhà hoặc cách ly tập trung.
* Cung cấp các số điện thoại để người F0 biết và gọi khi cần trợ giúp.
TP.HCM: Số ca tử vong do COVID-19 có xu hướng tiếp tục giảm Ngày 12-9, thành phố có 2.925 bệnh nhân xuất viện, tổng số xuất viện cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 150.341 bệnh nhân, có 200 trường hợp tử vong trong ngày. Thiếu tá Nguyễn Thái Trị - bác sĩ CK1, trạm trưởng trạm y tế lưu động phường 14, Q. Bình Thạnh, TP.HCM - phát thuốc cho F0 điều trị tại...