Chuẩn bị cho lò xo kinh tế bật lên mạnh mẽ
Hôm nay, 10/4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các địa phương về các giải pháp, nhiệm vụ cho 4 nội dung lớn ứng phó tổng thể, toàn diện với những tác động từ dịch COVID-19 tới các mặt của đời sống xã hội.
Có thể coi đây như một “Hội nghị Diên Hồng” để khơi dậy quyết tâm, ý chí mạnh mẽ hơn cho 4 mặt trận ứng phó toàn diện với các tác động từ dịch COVID-19: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người dân, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế của chúng ta là cao nhất khu vực trong quý I/2020 (3,82%) nhưng là mức thấp nhất trong 10 năm qua, chỉ bằng hơn nửa so với kế hoạch đề ra. Chuỗi cung ứng và lưu chuyên thương mại bị gián đoạn; đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên nhiều lĩnh vực của nền kinh tế; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô sản xuất hoặc sản xuất cầm chừng; làm gia tăng thất nghiệp, gây mắt việc làm trong ngắn hạn.
Trong bối cảnh suy thoái được nhìn nhận còn nặng nề hơn cả năm 2008, chưa bao giờ các quốc gia trên toàn thế giới đồng loạt thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế, nỗ lực vượt qua suy thoái như hiện nay, chúng ta đã có các “cú hích”, gói hỗ trợ trên nhiều lĩnh vực.
Có thể kể tới như gói hỗ trợ về tiền tệ (được nâng lên khoảng 300.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ về tài khóa (khoảng 180.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ an sinh xã hội (khoảng 62.000 tỷ đồng), gói hỗ trợ giá điện (khoảng 12.000 tỷ), gói hỗ trợ giá viễn thông (khoảng 15.000 tỷ đồng). Chúng ta cũng có “cú đấm thép” là số vốn đầu tư công gần 700.000 tỷ đồng, tương đương 30 tỷ USD, cần giải ngân hết trong năm nay.
Video đang HOT
Các chuyên gia đánh giá, ba chính sách chủ công là chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, đầu tư công và Chính phủ đã gấp rút triển khai các bước theo thẩm quyền để triển khai các chính sách này.
Hội nghị hôm nay được kỳ vọng thổi một luồng gió mới, một quyết tâm mới vào cuộc sống để khởi động thời kỳ khắc phục khó khăn, vươn lên mạnh mẽ để nền kinh tế không bị đổ gãy, bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho các thành phần yếu thế trong xã hội.
Với 4 nội dung chính nêu trên sẽ có một báo cáo lớn, trong đó, nêu rõ các gói hỗ trợ và sau Hội nghị, sẽ có sản phẩm là một Nghị quyết hay một văn bản để thúc đẩy vấn đề này.
Hàng chục triệu người dân và hàng trăm ngàn doanh nghiệp đang chờ đợi các chính sách hỗ trợ sớm đi vào cuộc sống. Mặt trận kinh tế đang chờ tin vui từ mặt trận chống dịch (hiện vẫn trong “thời gian vàng” ngăn chặn lây lan) để có thể bật lên như “lò xo bị nén lại”.
Cổng TTĐT Chính phủ sẽ tiếp tục thông tin về Hội nghị này.
Đức Tuân
Chính phủ xem xét cho doanh nghiệp vay nguồn trả lương không lãi suất
Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khoá hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bị ảnh hưởng, lớn gấp nhiều lần gói miễn, giãn thuế hơn 80.000 tỷ đồng đang thực hiện.
Theo tin từ Cổng thông tin Chính phủ, chiều 27/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về việc tổ chức một hội nghị trực tuyến "4 trong 1" giữa Chính phủ với các địa phương.
4 nội dung chính trong đó là: Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, bảo đảm an sinh xã hội; bảo đảm trật tự an toàn xã hội ứng phó dịch Covid-19.
Về đầu tư công, Thủ tướng nêu rõ cần giải ngân hết số vốn còn lại trong năm 2019 và kế hoạch năm 2020, gần 700.000 tỷ đồng (khoảng 30 tỷ USD); làm quyết liệt các dự án trọng điểm, có chế tài xử lý nghiêm minh và "làm nhanh nhưng không được lợi dụng tham ô, tham nhũng".
Về giải pháp tài khoá, Thủ tướng giao Bộ Tài chính tiếp tục rà soát gói hỗ trợ, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế khác, tăng chi chống dịch, cắt giảm chi thường xuyên, tính toán tăng bội chi do giảm thu, tăng chi ngân sách nhà nước...
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì cùng Ngân hàng Nhà nước, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm nguồn lực bổ sung cho ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng cũng đề nghị tính toán, nghiên cứu một gói nữa từ trái phiếu Chính phủ để kích cầu.
Đáng chú ý, tại cuộc họp, Thủ tướng cho biết đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu gói tài khoá hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Thủ tướng khẳng định, gói này sẽ "lớn gấp nhiều lần gói miễn, giãn thuế hơn 80.000 tỷ đồng đang thực hiện".
Chính phủ cho biết sẽ xem xét cho doanh nghiệp vay không lãi suất để trả lương cho người lao động. Đây là một trong những chính sách nhằm đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ cho doanh nghiệp giảm thiểu sa thải lao động lúc khó khăn này. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ phối hợp với Bộ Tài chính cùng Ngân hàng Nhà nước thực hiện.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ Công Thương cùng Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu cơ chế cụ thể "kích cầu mạnh mẽ"; Bộ Công an tiếp thu ý kiến, hoàn thiện báo cáo, các giải pháp, tình huống có thể xảy ra về an ninh trật tự.
Tuấn Việt
Chuẩn bị bật lên sau dịch Dưới tác động nghiêm trọng của đại dịch, kinh tế Việt Nam suy giảm rất sâu, số DN và hộ kinh doanh cá thể bị ảnh hưởng sẽ nhiều. Tuy nhiên, khả năng sẽ chỉ ảnh hưởng trong ngắn hạn, từ 6 tháng đến 1 năm. Ảnh hưởng của đại dịch với nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói...