Chưa xử lý tận gốc ô nhiễm
Sau hơn 1 tháng thử nghiệm, ngoài xử lý mùi hôi, công nghệ nano – bioreactor của Nhật Bản đã khiến một khúc sông Tô Lịch, dòng sông nổi tiếng đen bẩn, bốc mùi hôi ở Hà Nội, có thể nhìn thấy đáy bùn đang phân hủy. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, đó mới chỉ “xử lý tình huống”, chưa giải quyết được tận gốc nguyên nhân.
Hiệu quả ban đầu
Khoảng 1 tháng trước, các chuyên gia Nhật Bản thuộc Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã quây tôn một đoạn sông khoảng 70m2 với mực nước thấp không đủ để dẫn bọt khí nano đến khu vực bùn cao hơn, hiểu cách khác, các chuyên gia đã chọn khu vực “bãi nổi” bùn cao hơn mức nước để trình diễn thử nghiệm. Tại đây, các chuyên gia đặt 4 tấm vật liệu bioreactor làm từ đá núi lửa của Nhật Bản nhằm mục đích phân hủy bùn hữu cơ mà không cần nạo vét cơ học.
Theo các chuyên gia Nhật Bản, với công nghệ nano – bioreactor, các hộp thiết bị đặt chìm dưới nước sẽ tạo ra dòng khí nano khuếch tán vào dòng nước, kích thích các vi sinh vật hoạt động, từ đó giải phóng oxy, xử lý bùn thải, tạo nên môi trường trong lành hơn.
Các kỹ sư Nhật Bản đặt thiết bị làm sạch sông Tô Lịch
Sau 2 tuần thử nghiệm, bước đầu đã có kết quả tốt khi độ dày bùn giảm mạnh, hàm lượng oxy hòa tan tăng nhanh, bằng cảm quan cũng có thể nhìn thấy được độ trong của nước, nhìn thấy được đáy bùn đang phân hủy. Với chất lượng nước như vậy, các chuyên gia Nhật Bản cho rằng, đây có thể là môi trường tốt cho cá, thủy sinh phát triển.
Tuy nhiên, ngoài khu vực trình diễn thử nghiệm, dù chỉ cách một tấm tôn, nước sông vẫn đen xì, hôi thối và bùn không phân hủy, giống hệt như khúc sông trước khi được thử nghiệm bằng công nghệ của Nhật Bản. Các chuyên gia môi trường cho rằng, khúc sông Tô Lịch trình diễn thử nghiệm có được chất lượng nước như vậy là một tín hiệu vui cho thấy hiệu quả của công nghệ nano Nhật Bản, song xét về lâu dài, đó mới chỉ là giải pháp tình thế do sông Tô Lịch hiện nay không phải là con sông đúng nghĩa mà thực chất là chiếc cống thoát nước lớn của Hà Nội.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, hiện mỗi ngày sông Tô Lịch tiếp nhận khoảng 150.000m3 nước thải, phần lớn chưa qua xử lý từ khoảng 300 ống xả trực tiếp. Vào mùa mưa, lượng nước thải ra sông Tô Lịch sẽ nhanh chóng thoát xuống hạ lưu. Nhưng vào mùa khô, khi mực nước xuống thấp, việc thoát nước thải gặp không ít khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân.
Giải pháp xử lý tận gốc
Video đang HOT
Chính vì vậy, để giải quyết tận gốc vấn đề của sông Tô Lịch, nhiều chuyên gia cho rằng, phải xử lý được nước thải đang xả mỗi ngày ra sông.
TS Nguyễn Văn Khải, chuyên gia xử lý ô nhiễm nước, nói: “Thập niên 50 cho đến thập niên 80 của thế kỷ trước, việc tắm gội, bơi lội… trên sông Tô Lịch là chuyện rất bình thường. Tuy nhiên, từ năm 1980 trở lại đây, khi sông Hồng không còn chảy trực tiếp vào sông Tô Lịch, lòng sông bị thu hẹp, hàng loạt nhà máy, nhà dân mọc lên do quá trình đô thị hóa xả trực tiếp nước thải xuống sông đã khiến môi trường nước sông Tô Lịch bị ô nhiễm nghiêm trọng. Do đó, để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, điều quan trọng nhất là phải ngăn chặn được tình trạng xả nước thải chưa qua xử lý xuống sông”.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Đức Hạ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu cấp thoát nước và môi trường, khẳng định: Để khắc phục tình trạng ô nhiễm sông Tô Lịch, phải xử lý trước nước thải. Hiện nay, Hà Nội đang xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Nhà máy hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc “hồi sinh” sông Tô Lịch. Trong thời gian chờ nhà máy hoàn thành, thay vì xả thẳng nước thải ra sông như hiện nay, mỗi gia đình, cơ sở sản xuất dọc bờ sông phải xây dựng những hố ga thu nước, lắng đọng rác thải trước khi thải ra sông.
Để “hồi sinh” sông Tô Lịch, theo các chuyên gia, không thể chỉ sử dụng biện pháp xử lý nước thải mà bên cạnh đó phải có giải pháp khác song song, do đặc tính của sông Tô Lịch hiện nay là dòng nước không đủ để khơi thông dòng chảy làm sạch hơn chất lượng nước. Đó là bổ sung nguồn nước làm luân chuyển dòng nước sông Tô Lịch.
PGS.TS Trần Đức Hạ phân tích: Cách làm mà Hà Nội triển khai cũng giống như cách TP HCM đã từng làm với kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè là ngăn không cho đường nước thải chảy vào hệ thống kênh. Nhưng do điều kiện địa lý giữa Hà Nội và TP HCM có những điểm khác nhau nên không thể thực thi giải pháp như nhau, bởi TP HCM chịu ảnh hưởng của triều cường nên nước trong kênh được luân chuyển liên tục. Do đó, nếu Hà Nội muốn không chỉ hồi phục mà còn muốn sông Tô Lịch trở thành điểm tham quan du lịch, thì việc lấy nước từ ngoài vào để làm sạch sông Tô Lịch là cần thiết.
Để bổ cập nước cho sông Tô Lịch, ngày 9 và 10/7/2019, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã mở cửa xả phía đầu nguồn tại đường Hoàng Quốc Việt để dẫn 1 triệu m3 nước Hồ Tây vào sông Tô Lịch. Nhưng khoảng 4 ngày sau thì cá chết nổi lềnh phềnh tại khu vực cửa xả.
Ông Lê Vũ Quảng Sương, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, giải thích, cá chết là do khi xả nước hồ Tây vào sông Tô Lịch, nhiều loại cá nhỏ, cá tạp đã chui qua khe chắn rác theo dòng nước chảy vào sông Tô Lịch. Vào sông, do gặp tình trạng nước ô nhiễm nặng, cá đã bị ngạt dẫn đến chết. Với một số loại cá khỏe hơn như rô phi, cá cờ muốn bơi ngược dòng nước để trở lại hồ Tây nhưng không được, nằm chết ở tấm chắn rác.
Bổ cập nước sông Hồng
Các chuyên gia cho rằng, vì sông Tô Lịch dài 14km nên việc xả 1 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch cũng như muối bỏ bể, không thể biến Tô Lịch từ dòng sông chết trở thành dòng sông hồi sinh. Bởi vậy, bổ cập nước vào sông Tô Lịch phải từ sông Hồng, con sông “mẹ” ở Hà Nội.
Ông Phan Hoài Minh, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, nói: “Khi đã thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt 2 bờ sông Tô Lịch, bổ cập nước từ hồ Tây, thì con sông Tô Lịch vẫn sẽ thiếu nước, không có dòng chảy, nên cần xem xét phương án bổ cấp nước từ sông Hồng vào để tạo dòng chảy, làm sạch hơn nước sông Tô Lịch. Khi đủ nước, không những vấn đề ô nhiễm của sông Tô Lịch sẽ được cải thiện mà còn là tiềm năng tốt để khai thác vận tải công cộng đường thủy”.
Đề xuất dùng nước sông Hồng bổ cập vào sông Tô Lịch nhằm “hồi sinh” cho dòng sông “đen” được nhiều chuyên gia về môi trường đánh giá cao về tính khả thi. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh, giải pháp mang tính bền vững là trước hết phải xử lý triệt để hàng trăm nghìn m3 nước thải đang hằng ngày chảy vào sông Tô Lịch.
GS Ngô Đình Tuấn, Chủ tịch Hội Môi trường và Tài nguyên nước Việt Nam, khẳng định: Muốn “hồi sinh” sông Tô Lịch cần làm theo trình tự: Đầu tiên làm trẻ hóa hai bờ sông, tiếp theo là xử lý ô nhiễm sông từ việc thu gom xử lý nước thải đổ vào sông, cuối cùng mới tính tới việc đưa nước sông Hồng vào sông Tô Lịch.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất phương án làm sạch sông Tô Lịch bằng việc bổ cập nước từ sông Hồng. Công ty sẽ xây dựng trạm bơm cố định đặt ở sát mép sông gồm 4 máy bơm chìm công suất 2.500m3/giờ. Tuyến ống xả dẫn nước từ trạm bơm qua đê vào mương tiêu cạnh Công viên nước Hồ Tây rồi dẫn vào sông Tô Lịch.
Nguyễn Anh
Theo Petro times
Hà Nội làm rõ việc xả nước làm ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch
Chiều nay (23/7), UBND TP Hà Nội đã làm rõ thông tin việc xả nước từ Hồ Tây ra sông Tô Lịch có hay không gây ảnh hưởng đến việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano - bioreactor của Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt được dư luận quan tâm gần đây.
Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực thông tin với báo giới. (Ảnh:TH)
Thông tin tại hội nghị, Phó Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực cho biết, theo đề nghị của Đoàn chuyên gia Nhật Bản và Công ty cổ phần đầu tư môi trường Nhật Việt (gọi tắt là JVE) xin thử nghiệm xử lý làm sạch một đoạn sông Tô Lịch, một ô nước Hồ Tây bằng công nghệ nano-bioreactor (JVE tự nguyện thực hiện thử nghiệm và tự bố trí kinh phí).
Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng đã chủ trì cùng Sở Xây dựng, Công ty TNHH một thành viên (MTV) Thoát nước Hà Nội và các đơn với liên quan làm việc với đơn vị thử nghiệm, chấp thuận cho đơn vị tổ chức thử nghiệm, yêu cầu thực hiện các nội dung cụ thể, trong đó yêu cầu đơn vị lưu ý các nội dung: Đặc thù nước thải Hà Nội, sông Tô Lịch có dòng chảy liên tục, là chủ lưu thoát nước chính của thành phố khi có mưa và xả nước điều tiết Hồ Tây khi có nguy cơ úng ngập khi thử nghiệm; Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội được Thành phố giao phối hợp với JVE thực hiện.
Hằng năm, quy trình quản lý vận hành hồ và mực nước khống chế được thực hiện theo quy định của Sở Xây dựng, có cửa xả nước trực tiếp ra sông Tô Lịch. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, ngày 09/7/2019 qua công tác dự báo thời tiết, trong thời gian từ 3 đến 5 ngày sau sẽ xuất hiện mưa, có cường độ khoảng từ 40 đến hơn 50mm trên địa bàn Thành phố. Đồng thời, hiện trạng mực nước Hồ Tây là 5,96m đang vượt 0,26 - 0,36m so với mực nước khống chế đã được chấp thuận (5,6 - 5,7m).
Vào lúc 9 giờ 15 phút và 9 giờ 30 phút ngày 9/7, một cán bộ Công ty TNHH MVT thoát nước Hà Nội tên là Võ Kim Oanh cũng đã gọi điện thông báo cho cán bộ phụ trách kỹ thuật của JVE về việc xả nước, điều tiết mực nước hồ Tây để chống ngập.
Để đảm bảo thoát nước, chống úng ngập cho khu vực, ngày 12/7/2019 Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã thực hiện vận hành cửa điều ti
êt Hồ Tây theo đúng quy trình để điều tiết mực nước về đúng mực nước khống chế. Trên thực tế, đúng như dự báo, chiều tối ngày 15/7 đã diễn ra trận mưa lớn trên địa bàn Hà Nội làm mực nước sông dâng cao (tại cửa cống Hoàng Quốc Việt là 4.26m) nước đã tràn vào khu vực quây xử lý bùn của JVE và chảy mạnh.
UBND Thành phố này cũng cho biết, khi làm việc với Sở Xây dựng và các đơn vị của Thành phố ngày 22/7, "JVE khẳng định việc xả nước không ảnh hưởng đến công tác thử nghiệm".
Cũng tại buổi làm việc ngày 22/7, các đơn vị (của Thành phố) và JVE đã đánh giá, trong thời gian vận hành thử nghiệm, do thời gian chuẩn bị ngắn (1 tuần) nên JVE chưa khảo sát kỹ, chưa cập nhật đầy đủ thông tin về điều kiện tự nhiên, thời tiết, diễn biến mực nước, lưu tốc... trên sông Tô Lịch, không tham khảo hướng dẫn vận hành hệ thống thoát nước của dự án thoát nước nhằm cải tạo môi trường Hà Nội.
Việc thử nghiệm trong mùa mưa của năm cũng được đánh giá là không phù hợp, phương án thử nghiệm chưa tính đến việc có dòng chảy lớn khi có mưa hoặc xả nước Hồ Tây.
Tuy nhiên, phía JVE có đề nghị được thông báo sớm hơn về thời điểm xả nước Hồ Tây để có chuẩn bị kỹ hơn.
Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Lê Tự Lực khẳng định việc xả nước ở Hồ Tây là khách quan theo đúng quy định của thành phố. Nếu không xả nước Hồ Tây vào ngày ngày 12/7 thì trận mưa lớn ngày 15/7 sẽ có khả năng gây ngập lụt diện rộng trên địa bàn thành phố.
Việc thử nghiệm làm sạch sông Tô Lịch bằng công nghệ nano-bioreactor do nhà đầu tư đề xuất", ông Lê Tự Lực thông báo, và cho rằng thực tế khi xả nước từ Hồ Tây tạo dòng chảy làm ảnh hưởng đến yếu tố kỹ thuật của thử nghiệm cho thấy, công nghệ áp dụng cho việc làm sạch nước sông chảy liên tục với lưu tốc lớn cần phải nghiên cứ đánh giá kỹ lưỡng. UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành xem xét sau khi các đơn vị báo cáo kết quả thử nghiệm./.
Thu Hà
Theo ĐCSVN
Nước hồ Tây chuyển màu trong vắt hé lộ nhiều điều bất ngờ dưới đáy Được thí điểm xử lí công nghệ Nhật Bản như ở sông Tô Lịch, một góc hồ Tây (Hà Nội) nước chuyển màu trong hơn, lộ nhiều điều bất ngờ dưới đáy. Sau một thời gian được quây tôn để thí điểm công nghệ xử lý nước Nano Bioreactor của Nhật Bản như ở sông Tô Lịch, một góc hồ Tây trên phố...