Chưa thống nhất việc bỏ HĐND cấp phường
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thống nhất được quan điểm về việc xóa bỏ hay giữ lại HĐND cấp phường tại buổi thảo luận về dự thảo Luật tổ chức chính quyền địa phương sáng 20/1.
Ông Ksor Phước, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho rằng mô hình chính quyền địa phương hiện nay đang bộc lộ nhiều khiếm khuyết, HĐND không thực hiện được hết quyền lực của nhân dân trong giám sát hoạt động của chính quyền ở cùng cấp.
Theo ông Ksor Phước, ở thành phố, HĐND chỉ nên tổ chức ở cấp thành phố và quận; đối với cấp phường, việc giám sát quyền lực của UBND phường có thể do HĐND cấp quận, tỉnh thực hiện bằng cách tăng số đại biểu HĐND.
“Quyền lực là phải giám sát nhưng không có nghĩa phải do cơ quan cùng cấp thực hiện”- ông Ksor Phước bày tỏ.
Ông Ksor Phước cho rằng việc giám sát quyền lực của UBND phường có thể do HĐND cấp quận, tỉnh thực hiện. Ảnh: VOV.
Đồng tình chủ trương bỏ HĐND ở cấp phường, ông Đinh Xuân Thảo, Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp của Quốc hội, cho rằng nếu một đơn vị hành chính nào đó không có HĐND và chỉ có UBND thì vẫn không vi hiến. “Cấp phường có thể không cần phải có HĐND nhưng phải có UBND, để hài hòa, phù hợp với điều kiện của Việt Nam”- ông Thảo nói.
Trưởng ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương cho biết, qua giám sát 11 tỉnh, với 6 tỉnh thí điểm không có HĐND cấp huyện, quận, phường thì có 8 tỉnh, thành phố đề nghị giữ mô hình các cấp chính quyền như hiện nay, tức là ở đâu có UBND ở đó phải có HĐND. Ngay cả ở địa phương thí điểm bỏ HĐND, bổ sung thêm thành viên HĐND ở cấp trên và tăng cường giám sát của MTTQ nhưng vẫn không làm được.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, 3 tỉnh, thành phố là Đà Nẵng, Phú Yên, Kiên Giang đề nghị tổ chức mô hình chính quyền đô thị và nông thôn, nhưng vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, có những ý kiến đề nghị phải duy trì mô hình HĐND. Từ thực tiễn đi giám sát, bà Nương cho biết đang nghiêng về phương án bỏ HĐND cấp phường.
Phải cân nhắc việc bỏ HĐND cấp phường
Tuy nhiên, ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội, lại cho rằng ở đâu có chính quyền thì phải có cả HĐND và UBND.
“HĐND cấp phường là cấp quản lý tất cả các vấn đề của địa bàn, quyền lực hơn rất nhiều cấp xã, thậm chí mạnh hơn cấp huyện nếu bỏ đi thì ai giám sát và cấp quận có đủ sức giám sát không? Nếu nói cấp phường nhỏ không cần HĐND thì tại sao thị trấn lại cần HĐND?”- ông Hiển đặt vấn đề.
Chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng ở đâu có UBND, có chính quyền địa phương thì ở đó phải có HĐND để giám sát hoạt động.
“Xã, phường hay huyện cũng cần phải có giám sát chứ tại sao nơi khác có nơi tôi lại không? Sao ở xã khác có đại diện cho nhân dân, còn ở phường, quận tôi lại không có? Chúng ta phải tính kỹ, tránh làm rối”- ông Hiện bày tỏ.
Giải đáp những băn khoăn trên, ông Phan Trung Lý, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nhấn mạnh luật này không phải không quan tâm đến quyền của nhân dân là giám sát. “Không có HĐND ở cấp đó không có nghĩa là không có giám sát. Cả hai phương án đưa ra đều có những mặt hạn chế và những ưu điểm riêng”- ông Lý nói.
Thế Kha
Theo Dantri
Sinh viên đại học được hoãn nghĩa vụ quân sự đến khi tốt nghiệp
Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 19/1, đa số ý kiến ủng hộ chủ trương cho phép sinh viên đang học đại học được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự nhưng sau khi ra trường phải thực hiện nghĩa vụ với Tổ quốc.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội - nhiều ý kiến đề nghị dự án Luật Nghĩa vụ quâ sự (sửa đổi) thống nhất độ tuổi gọi nhập ngũ từ 18 - 25 tuổi chứ không kéo dài tới tuổi 27. Việc quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân phải bảo đảm sự bình đẳng. Việc kéo dài độ tuổi gọi nhập ngũ cho đối tượng tạm hoãn là sinh viên đang học đại học để gọi vào phục vụ tại ngũ sau khi tốt nghiệp vừa khó khả thi, vừa không bảo đảm công bằng xã hội.
"Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh tán thành với đề nghị quy định độ tuổi gọi nhập ngũ của công dân thống nhất từ 18 - 25 tuổi như Luật Nghĩa vụ quân sự hiện hành"- ông Khoa nói.
Theo ông Nguyễn Kim Khoa, nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp ĐH phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị.
Đáng chú ý, vấn đề tạm hoãn gọi nhập ngũ và miễn gọi nhập ngũ với sinh viên chính quy vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban Quốc phòng- An ninh cho rằng nếu giữ như quy định hiện hành thì đối tượng tạm hoãn quá rộng, không khắc phục được những vướng mắc bất cập hiện nay. Trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước và tình hình thực tiễn, cơ quan này đề nghị không quy định tạm hoãn gọi nhập ngũ đối với sinh viên, học viên để bảo đảm mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Tuy nhiên, để tạo điều kiện cho sinh viên, học viên an tâm học tập và không phát sinh tiêu cực trong quá trình tuyển chọn vì số lượng ngày càng tăng như hiện nay, cần có quy định một số hình thức để sinh viên, học viên có trình độ đào tạo từ đại học trở lên có sự lựa chọn thực hiện nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp.
GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, bày tỏ thái độ không đồng tình với quy định không tạm hoãn nghĩa vụ đối với sinh viên hệ chính quy. Theo ông Thi, khi các em đã có giấy gọi nhập học rồi thì trong thời gian học phải hoãn nghĩa vụ quân sự, không nên để xảy ra tình trạng các em đang học vẫn bị gọi, sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, đào tạo. "Nếu quy định sinh viên học chính quy có thể tự bỏ chi phí tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự, rất có thể tạo kẽ hở để sinh viên tìm cách trốn nhập ngũ. Mặt khác nếu không kéo dài tuổi gọi nghĩa vụ quân sự với sinh viên hệ chính quy sẽ gây khó khăn cho các em, bên cạnh đó không cẩn thận sinh viên sẽ kéo dài thời gian lưu ban (tối đa 3 năm) đề trốn nghĩa vụ quân sự"- ông Thi lưu ý cơ quan soạn thảo.
Từ phân tích trên, ông Thi đề nghị nên hoãn gọi nghĩa vụ quân sự đối với người trúng tuyển đại học chính quy; khi tốt nghiệp đại học sẽ tiếp tục tham gia lực lượng quân đội, để góp phần đáp ứng yêu cầu trong thời đại mới.
Ý kiến của ông Đào Trọng Thi nhận được nhiều ý kiến tán đồng. Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội Ksor Phước lưu ý sau khi học xong đại học những sinh viên này phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Trong khi đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng những thanh niên đã thi đỗ đại học có thể "tạm hoãn nhưng không phải miễn nghĩa vụ quân sự".
Sau khi nghe các ý kiến góp ý, ông Nguyễn Kim Khoa bày tỏ quan điểm: Nếu kéo dài tuổi nhập ngũ đến 27 tuổi thì sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học phải gọi 100% đi nghĩa vụ quân sự mới có giá trị. Tuy nhiên hiện nay tỷ lệ sinh viên tham gia nghĩa vụ quân sự ở Việt Nam hiện nay đạt tỷ lệ rất ít (khoảng 0,5%), nên việc kéo dài đến 27 tuổi dễ khiến gia tăng sự mất công bằng xã hội trong việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chính vì thế ông Khoa cho rằng cần phải nghiên cứu kỹ đối với vấn đề này.
Đồng tình với chủ trương tạm hoãn đối với sinh viên đang học đại học nhưng ông Khoa cho rằng có thể thiết kế quy định mở để cho những người tình nguyện nhập ngũ. Bên cạnh đó có thể sử dụng hình thức thực hiện nghĩa vụ quân sự thay thế khác để thanh niên thực hiện, giúp tạo điều kiện cho người tốt nghiệp ra trường là có thể đi làm ngay.
Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đánh giá đề xuất cho phép sinh viên có thể tham gia huấn luyện 3 tháng thay thế nghĩa vụ quân sự rất khó khả thi và không đảm bảo công bằng giữa những thanh niên sống trong gia đình có tiền và không có tiền. Ông Thanh cũng đồng tình với việc cho phép sinh viên đang học được hoãn nghĩa vụ quân sự và khi học xong sẽ thực hiện nghĩa vụ này.
Thế Kha
Theo Dantri
Thi công chức ở Hà Nội: Không có hộ khẩu phải là Tiến sĩ, Thủ khoa Các trường hợp không có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, muốn thi tuyển công chức phải tốt nghiệp thủ khoa đại học, tốt nghiệp loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài; Có bằng Tiến sỹ tuổi đời dưới 35 tuổi; Có bằng Thạc sỹ hoặc bằng tốt nghiệp đại học công lập, hệ chính quy loại giỏi, tuổi đời dưới 30...