Chưa phát hiện vụ việc dấu hiệu tham nhũng cần thanh tra đột xuất
Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ xác nhận, công tác phân tích, trao đổi thông tin về phòng chống tham nhũng với các cơ quan, đơn vị liên quan đôi khi còn bị động, chưa kịp thời. Việc nắm tình hình tham nhũng còn thiếu thông tin, thanh tra chưa đề xuất được những cuộc thanh tra đột xuất đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với Cục Chống tham nhũng ngày 18/5 (Ảnh: TTCP).
Tại buổi làm việc với Tổng Thanh tra Chính phủ ngày 18/5, lãnh đạo Cục Chống tham nhũng cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, còn một số tồn tại, hạn chế. Công tác phân tích, trao đổi thông tin về phòng chống tham nhũng với các cơ quan, đơn vị liên quan đôi khi còn bị động, chưa kịp thời. Việc nắm tình hình tham nhũng còn bị động, thiếu thông tin. Công tác xử lý đơn thư tố cáo tham nhũng chưa chuyên sâu. Đơn vị cũng chưa đề xuất được các cuộc thanh tra đột xuất đối với vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Trong khi đó, công tác tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả, chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa thường xuyên. Một số công việc chuyên môn triển khai trậm so với kế hoạch.
Cục chống tham nhũng kiến nghị Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Thanh tra Chính phủ quan tâm bố trí đủ cán bộ theo biên chế được giao; xem xét kiện toàn đội ngũ lãnh đạo cấp phòng và quan tâm hơn nữa tới công tác thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng. Giao cho Cục này nghiên cứu, đề xuất thanh tra theo chuyên đề, diện rộng đối với việc thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng để thúc đẩy việc thực hiện, nhất là sau khi luật sửa đổi có hiệu lực thi hành.
Video đang HOT
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho rằng, nhiệm vụ chính trị chuyên môn của Cục Chống tham nhũng gắn liền với công tác phòng chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đang triển khai, chỉ đạo thực hiện quyết liệt.
Trong chức năng, nhiệm vụ Chính phủ giao có rất nhiều công việc đột xuất, biên chế thiếu, lại cùng lúc phải giải quyết nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn nên nhiều nhiệm vụ bị chậm.
Ông Khái yêu cầu Cục Chống tham nhũng phải thay đổi để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và là đơn vị thi đua điển hình của ngành Thanh tra.
Trong thời gian tới, Cục cần nêu những đề xuất, kiến nghị có tính đột phá trong công tác phòng chống tham nhũng để thực hiện đạt hiệu quả; chuẩn bị ý kiến trả lời đại biểu Quốc hội liên quan đến công tác này.
Bên cạnh đó, quy trình, quy định xử lý thông tin phản ánh về phòng chống tham nhũng cũng cần được quan tâm chú ý. Việc nắm tình hình tham nhũng, thanh tra, kiểm tra cần tính toán hợp lý, có kế hoạch chi tiết cụ thể để thực hiện đạt hiệu quả. Việc triển khai tổ chức các cuộc thanh phải có sự tiếp cận, xác định rõ nhiệm vụ để có ý kiến mang tính thuyết phục.
Thế Kha
Theo Dantri
Coi chừng "vẽ đường"... cho tài sản bất minh
Đề xuất truy thu đến 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực, nghe thì có vẻ "được" nhiều về nguồn thu, nhưng trên thực tế có thể "vẽ đường" dẫn đến nhiều hệ lụy.
Tổng thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Tư pháp cho ý kiến thẩm tra về dự án Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi)/Ảnh: thanhtra.gov.vn
Nếu truy thu 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực, cũng có nghĩa là không cần biết khối tài sản đó có nguồn gốc như thế nào, bất minh hay hợp pháp; mà chỉ vì thủ tục kê khai không đúng, hoặc không thể hiện trong kê khai trước đó, là bị truy thu.
Nhưng trên thực tế, những khối tài sản không được kê khai ra không hẳn đều là không hợp pháp, hoặc bất minh.
Đối với những tài sản của cán bộ công chức và quan chức, theo qui định buộc phải kê khai minh bạch, nhưng lại giấu giếm, che lấp đi một phần nào đó, thì khi bị lộ cũng cần có sự đối xử công tâm. Nếu chứng minh được khối tài sản đó có nguồn gốc hợp pháp, nhưng chỉ vi phạm qui định về kê khai, thì có thể truy thu một phần giá trị hay truy thu thuế. Quá trình này phải được những cơ quan chuyên môn thẩm định, xác minh làm rõ, thậm chí thông qua con đường tư pháp là tòa án, để định ra mức truy thu hợp lí chứ không thể áng chừng hay ước lượng.
Tâm lí của không ít cán bộ công chức và đặc biệt là quan chức hiện nay là rất sợ xung quanh biết mình giàu, có nhiều tài sản. Tâm lí dè chừng đó cũng một phần xuất phát từ những định kiến không hoàn toàn đúng trong xã hội: Cứ thấy cán bộ công chức và quan chức giàu lên là lại đổ cho có từ tham nhũng, ăn hối lộ... Tất nhiên trong xã hội hiện nay cũng có không ít quan chức giàu lên bất thường, mà nếu che đậy kĩ thì để cho vợ/chồng, cha/mẹ hay con cái đứng tên; còn "vụng về" thì kê khai dựa vào nghề "nuôi gà", "buôn chổi đót", "chạy xe ôm"...
Truy thu 45% giá trị tài sản kê khai không trung thực trong trường hợp những tài sản đó được chủ sở hữu chứng minh có nguồn gốc hợp pháp, cũng đã là một cái giá phải trả khá đắt. Tuy nhiên, đối với những khối tài sản đã kê khai không trung thực mà còn có nguồn gốc bất minh (không thể chứng minh có được từ thu nhập), thì cách xử lí "bỏ vào cùng một giỏ" truy thu 45% giá trị như đối với loại tài sản có nguồn gốc hợp pháp, là hoàn toàn không ổn. Bởi những tài sản bất minh thường có nguồn gốc từ tham nhũng, hối lộ, buôn lậu... hay nói chung do phạm pháp mà có, nếu truy thu 45% giá trị để sau đó chúng được hợp pháp hóa thành tài sản "sạch", thì chẳng khác nào tiếp tay cho "rửa tiền".
"Tài sản kê khai không trung thực" và "tài sản bất minh" là hai khái niệm khác nhau, cho nên cũng cần có cách xử lí khác nhau phù hợp với mỗi loại tài sản. Nếu đánh đồng cùng một loại như nhau và áp dụng mức truy thu hoặc mức đánh thuế giống nhau, thì vô hình chung lại "vẽ đường" cho những tài sản bất minh.
THẾ LÂM
Theo Laodong
Vừa làm Tổng thanh tra Chính phủ đã liên tục nhận được đơn tố cáo "Trong thực tế, có việc bức xúc thật, nhưng không thể gửi đơn tố cáo khắp nơi từ TƯ đến địa phương. Tôi vừa nhận nhiệm vụ đã nhận được tin nhắn tố cáo liên tục", Tổng Thanh tra Chính phủ (TTCP) Lê Minh Khái nói. Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái. (Ảnh VPQH) Đang bàn về Luật tố cáo, ĐBQH...