Chùa Một Cột sẽ được tu bổ thế nào?
“Dự án tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di tích chùa Một Cột- Diên Hựu” vừa được UBND quận Ba Đình công bố vào chiều qua 12-12. Theo đó, cốt nền chùa vẫn được giữ nguyên. Các hạng mục như Tam Bảo, nhà Tổ, nhà mẫu, Tam quan sẽ được tu bổ theo đúng kiến trúc hiện có.
Tổng thể mặt bằng tu bổ tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột
Những lần trùng tu trong quá khứ
Video đang HOT
Chùa Diên Hựu được vua Lý Thái Tông cho khởi công xây dựng vào tháng Mười Âm lịch năm 1049. Năm 1106 (57 năm sau), chùa được vua Lý Nhân Tông cho trùng tu mở rộng, trở thành một quần thể kiến trúc lớn. Đến đầu thời Trần, năm 1249, chùa tiếp tục trải qua một lần trùng tu và vẫn được giữ nguyên kiến trúc. Sau thời kỳ Trung Hưng của nhà Lê, cùng với sự suy tàn của viên lâm, chùa hư hỏng dần.
Theo ghi chép của Phạm Đình Hổ thì chùa Diên Hựu lúc đó lợp bằng tranh tre, ao sen hoang tàn, hành lang đổ nát, chỉ còn cây cột, trên đỉnh cột có tòa lầu nhỏ, trong thờ tượng Phật Quan Âm nghìn mắt nghìn tay và một cây cầu vồng lợp mái cong phía trước.
Đến năm Ất Sửu niên hiệu Gia Long (1805), dấu tích kiến trúc thời Lý của chùa Một Cột gần như không còn. Theo sách Lịch sử Thủ đô Hà Nội (Trần Huy Liệu chỉ biên- NXB Sử học, 1960) thì chùa tiếp tục được trùng tu vào khoảng những năm 1840-1850 dưới thời Nguyễn, không rõ lần trùng tu này ra sao. Đến ngày 11-9-1954, trước khi rút khỏi Hà Nội, thực dân Pháp đã cho đặt mìn, phá chùa, khi đó “chùa chỉ còn lại cây cột đá với mấy cây xà”. Chùa Diên Hựu- Một Cột ngày hôm nay được phục dựng vào năm 1954-1955 do KTS Nguyễn Bá Lăng thiết kế theo nguyên mẫu cũ. Từ đó cho đến nay, chùa cũng đã qua nhiều lần tu sửa vào các năm 1977, 1988, 1997. Đợt tu bổ chùa gần đây nhất là năm 2010 nhân kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long- Hà Nội.
Bản vẽ mặt đứng chùa Một Cột
Đặt chất lượng lên hàng đầu
Theo đánh giá của đơn vị tư vấn thiết kế thì hiện trạng công trình phần kết cấu gỗ còn khá tốt. Hạng mục xuống cấp ở chùa Một Cột cần phải tu bổ chính là bậc thang xây gạch vồ và lan can thành bậc, bị phong hóa mài mòn do thời gian. Phần móng lan can và móng của bậc lên do thời gian dài ngâm trong nước, các mạch vữa đã bị long, lõm, tạo thành các khe trú ẩn của các sinh vật trong hồ. Một trong những điều khiến nhiều người quan tâm là khả năng tiêu thoát nước mỗi khi mưa lớn tại chùa, tuy nhiên sau quá trình cải tạo vào năm 2010, hệ thống thoát nước đã cơ bản được đảm bảo, không còn tình trạng úng ngập mỗi khi mưa to.
Ban Quản lý Dự án quận Ba Đình cũng cho biết thêm, trong quá trình tu bổ vẫn sẽ giữ nguyên cốt nền sân hiện nay. Các hạng mục chính gồm: Tu bổ tôn tạo tòa Tam Bảo và nhà Tổ, nhà mẫu, Tam quan với hình thức kiến trúc như nguyên trạng. Hạ giải, làm mới hệ móng, tường bao, thay thế các cấu kiện gỗ đã mục hỏng, lợp lại mái ngói mũi hài… Hạng mục được xây mới duy nhất là nhà Tăng ở phía sau, bên phải của Tam Bảo. Nhà Tăng được xây với vật liệu cùng hình thức kiến trúc truyền thống, đảm bảo phù hợp với cảnh quan chung của chùa. Bên cạnh đó, lần tu bổ này cũng chú trọng đến việc phòng chống mối mọt, chống ẩm mốc, chống cháy nổ. Đối với Liên Hoa đài, việc tu bổ được tiến hành cẩn trọng các hạng mục, các cấu kiện gỗ hư hỏng sẽ được thay thế. Tận dụng tối đa ngói cũ, nếu thiếu thì thay thế bằng ngói phục chế nguyên mẫu.
Ông Đỗ Viết Bình, Chủ tịch UBND quận Ba Đình khẳng định, vấn đề được đặt lên hàng đầu trong Dự án Tu bổ tôn tạo chùa Diên Hựu- Một Cột là chất lượng công trình, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về trùng tu di tích. Trong thời gian tới, UBND quận Ba Đình và nhà chùa tiếp tục bắt tay để dự án được triển khai sớm nhất vào khoảng cuối tháng 12, đầu tháng 1- 2014. Tổng dự toán kinh phí trên 18 tỷ đồng, từ 2 nguồn vốn ngân sách và xã hội hóa.
Theo ANTD
Trùng tu 3 di tích trong phố cổ
UBND TP Hà Nội vừa đồng ý trùng tu, tôn tạo 3 di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, đó là đền Hỏa Thần (phường Cửa Đông), đền Phù Ủng (phường Hàng Trống) và đình Trung Yên (phường Hàng Bạc).
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, ông Vũ Văn Viện cho biết, trải qua thời gian, các hạng mục kiến trúc thuộc các di tích trên đều đã bị xuống cấp. Đơn cử, đền Hỏa Thần (được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1996) tại số 30 Hàng Điếu đã xuống cấp nghiêm trọng do chưa được đầu tư trùng tu, nâng cấp. Hơn nữa, trong di tích này hiện nay đang có 5 chủ sử dụng đất. Ông Vũ Văn Viện kiến nghị, việc GPMB, di chuyển các hộ dân để trùng tu, tôn tạo di tích đền Hỏa Thần là chủ trương đúng đắn và cấp thiết để tôn tạo, phát huy giá trị di tích, phù hợp với giai đoạn phát triển văn hóa - xã hội hiện nay. Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đã đồng ý với đề xuất của quận Hoàn Kiếm cho trùng tu, tôn tạo 3 di tích trên.
Theo ANTD
"Bi kịch" của chùa Một Cột Quá nóng ruột về sự xuống cấp chùa Một Cột ngày càng nghiêm trọng, dự án trùng tu được lập 5 năm trước vẫn "đắp chiếu", Đại đức Thích Tâm Kiêm gửi "tâm thư" lên UBND Hà Nội với nội dung sau 30 ngày nếu không có ý kiến sẽ tự tìm biện pháp... Cứ mưa là trong nhà cũng như ngoài sân...