‘Chùa Dơi không bị xâm hại’
Trước dư luận không tốt về ngôi chùa nổi tiếng, có bề dày lịch sử trên 400 năm ở Sóc Trăng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên có buổi làm việc khẩn với UBND tỉnh Sóc Trăng.
Sáng 13/1, Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp với ngành văn hóa, bảo tàng và Trụ trì chùa Mahatup ( chùa Dơi) để làm rõ thông tin “chùa bị xâm hại”. Chiều hôm trước, bà Liên cùng lãnh đạo Cục di sản văn hóa trực tiếp thị sát cảnh quang, hiện vật, kiến trúc của chùa Dơi và gặp gỡ nhiều Phật tử trong cộng đồng dân tộc Khmer xung quanh chùa ở phường 3, TP Sóc Trăng (Sóc Trăng).
Hòa thượng Kim Rêne ( Trụ trì chùa Dơi) khẳng định di tích chùa Dơi không bị xâm hại.Ảnh: Duy Khang
Theo Phó văn phòng UBND tỉnh Sóc Trăng Trương Bình Bảo, chùa Mahatup được Bộ Văn hóa thông tin công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia vào năm 1999. Trước đây do hạ tầng dịch vụ du lịch đi kèm ở khu vực này chưa được đầu tư đồng bộ nên công tác quản lý di tích còn nhiều bất cập. Người dân địa phương che lều buôn bán ngay trước cổng chùa; xe lôi, xe ôm chèo kéo khách, người ăn xin bám theo du khách.
Có thời gian Công ty Du lịch tỉnh Sóc Trăng đầu tư xây dựng nhà hàng trên khu đất rộng 1,2 ha ngang chùa nhưng cách kinh doanh không hiệu quả nên ngừng hoạt động và giao đất lại cho UBND phường 3 quản lý. Chính quyền địa phương sau đó cho hộ dân thuê khu đất này để nuôi cá và gia súc gây mất mỹ quan, ô nhiễm môi trường. Để chấn chỉnh, UBND TP Sóc Trăng nhiều năm mời gọi đầu tư nhưng không có doanh nghiệp nào quan tâm.
Đầu năm 2011, Công ty cổ phần Quốc tế Satraco khảo sát, làm việc với nhà chùa rồi đề nghị UBND TP Sóc Trăng xem xét tạo điều kiện cho công ty đầu tư khu du lịch, nhà hàng, khách sạn phục vụ cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật và có nơi ăn, nghỉ, tránh tình trạng du khách ngủ lại trong chùa.
“Sau khi UBND TP Sóc Trăng đề đạt ý kiến của nhà đầu tư, UBND tỉnh Sóc Trăng giao cho các sở, ngành tham mưu, thẩm định, đi đến thống nhất đề nghị UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho Satraco triển khai dự án. Đây là dự án trọng điểm của TP Sóc Trăng để phục vụ phát triển đô thị, hướng đến năm 2015 thành phố này đạt đô thị loại 2. Dự án này phục vụ phát triển du lịch, tạo nơi lưu trú khi khách đến tham quan chùa Dơi”, ông Bảo khẳng định.
Đàn dơi quý ở chùa Mahatup, TP Sóc Trăng. Ảnh: Trần Thảo Vân
Video đang HOT
Theo ông Bảo, đất chùa Dơi có 2 khu vực, đó là khu bảo vệ bên trong khuôn viên chùa rộng 39.600m2 và khu vực điều chỉnh xây dựng (khu vực 2) rộng hơn 76.500m2. Như vậy, dự án của Satraco không nằm trong các khu vực bảo vệ 1 và 2 của chùa Dơi.
Theo ông Trần Đình Thành, Phó trưởng phòng quản lý di tích của Cục di sản văn hóa (Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch), nếu khu đất đầu tư dự án của Satraco không nằm trong đất bảo vệ của chùa thì không cần thiết phải xin phép Bộ. Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, ông Thành kiểm tra khu nhà hàng của Satraco thì thấy rằng dự án đảm bảo mỹ quan, phòng kinh doanh dịch vụ ăn uống có cửa kính nên hạn chế được tiếng ồn. Nhà đầu tư đưa vào các tiết mục biểu diễn văn hóa, nghệ thuật dân tộc đã góp phần phục vụ cho phát triển văn hóa, giúp nâng cao giá trị văn hóa truyền thống và phù hợp với bảo vệ, nâng cấp di tích.
“Nếu có karaoke thì đề nghị ngành văn hóa giám sát, kiểm tra thường xuyên để tránh những bài hát có nội dung hiện đại, cường độ âm thanh cao vì đây là khu du lịch tâm linh. Việc mở đường thông thoáng như hiện này là rất quý, tránh được tình trạng hạ tầng xuống cấp làm cho du khách chỉ đến một lần rồi sợ không đến nữa”, ông Thành nêu quan điểm.
Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên cùng Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Thanh Mẫn chủ trì cuộc họp sáng 13/1. Ảnh: Duy Khang
Là người trực tiếp quản lý chùa Mahatup, hòa thượng Kim Rêne (Trụ trì) khẳng định thời gian gần đây đàn dơi quý bay về chùa rất nhiều do đến mùa trái cây chín. Cảnh quang xung quanh chùa cũng thoáng mát, sạch đẹp, không còn cảnh xe ôm giành giật khách, che lều trại trước cổng chùa gây mất mỹ quan và ô nhiễm.
“Thời gian qua có nhiều thông tin cho rằng khu du lịch mở ra làm các sư khóc ròng, dơi bay đi, dơi bị xẻ thịt là sai sự thật, gây ảnh hưởng đến đời sống chính trị của người dân trong vùng và cộng đồng người Khmer”, hòa thượng Kim Rêne nhấn mạnh.
Do chùa Dơi là di tích nên Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên yêu cầu UBND tỉnh Sóc Trăng với các sở, ngành tiếp tục hoàn chỉnh thêm hồ sơ về di tích vì lúc công nhận vào năm 1999 hồ sơ còn sơ sài. Từ đó, ngành văn hóa sẽ xác định được chính xác khu vực nào cần được bảo vệ nghiêm ngặt, tránh xâm hại làm ảnh hưởng đến ngôi chùa cổ được du khách trong và ngoài nước quan tâm.
“Qua kiểm tra tôi thấy chùa và địa phương làm tốt công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích nên chùa Dơi không bị xâm hại. Tỉnh Sóc Trăng cần tiếp tục phát huy giá trị văn hóa của chùa Dơi, gắn với phát triển đời sống kinh tế, du lịch để góp phần nâng cấp đô thị Sóc Trăng”, Thứ trưởng kết luận.
Theo VNE
Nghĩa địa độc nhất vô nhị và chuyện heo "thành tinh" báo oán ở Sóc Trăng
Ít ai biết rằng đằng sau ngôi chùa Dơi còn có một khu nghĩa địa kỳ lạ chôn những chú heo được cho là đã ... 'thành tinh'.
Các bia mộ hình "Bà Hợi", "Ông Hợi", "Năm Hợi" ... Phía dưới tên là tuổi tác và thời gian sinh tử
Cũng như những du khách khác, khi vào chùa Mã Tộc, còn gọi là chùa Dơi, ngôi chùa nổi tiếng bậc nhất miền Tây, tôi hòa mình vào dòng người đi thẳng ra vườn cây cổ thụ trong khuôn viên chùa để xem đàn dơi. Phải công nhận, khu vườn dơi vô cùng kỳ thú, với hàng nghìn con dơi khổng lồ treo lủng lẳng kín ngọn cây. Mặc gió thổi khiến cây cối nghiêng ngả, mặc tiếng cười nói rổn rảng bên dưới, đàn dơi vẫn ngủ ngon lành, lấy sức sau một đêm miệt mài kiếm ăn. Ngôi chùa này là ngôi nhà an toàn nhất của chúng.
Khói hương tạ tội vì cả gan giết heo "thành tinh"
Sau khi thăm thú đàn dơi, tôi ngồi nghỉ ở chái chính điện ngôi chùa. Trên bậc thềm, một người đàn bà ăn mặc thời trang và một người đàn ông đang xì xụp chuẩn bị mâm lễ rất lớn, gồm đủ tiền vàng, gà luộc ngậm hoa, đặc biệt là một con heo vàng mã to như thật. Xưa nay, tôi chỉ thấy người đời làm vàng mã hình nhân, ngựa, rồng, xe cộ, máy bay, tên lửa ... chứ tôi chưa từng thấy làm vàng mã bằng heo.
Tò mò, tôi theo người đàn ông và người đàn bà đi vòng ra phía sau chính điện chùa Mã Tộc. Họ đặt mâm lễ trước một ngôi mộ. Tôi thực sự bất ngờ, khi sau ngôi chùa không phải là bảo tháp cất xá lị của các sư trụ trì như thường lệ, mà là những ngôi mộ được xây cất theo hàng lối, có cả bia. Nhưng kỳ cục hơn, trên mỗi bia mộ vẽ hình một chú heo rất béo tốt, đẹp mắt, da trắng hồng. Có ngôi mộ ghi "Bà Hợi", "Ông Hợi", "Năm Hợi" ...
Khi người phụ nữ khấn vái xì xụp một hồi, thì sai người đàn ông hóa vàng. Tôi rảo bước đi theo để bắt chuyện tìm hiểu. Anh này cởi mở cho biết: Anh là em chồng của người đàn bà kia. Vợ chồng anh trai của anh vốn là chủ một lò mổ lớn nhất nhì thành phố Sóc Trăng. Mỗi ngày, lò mổ của vợ chồng anh trai hóa kiếp hàng vài chục chú heo.
Vợ chồng anh ta là người Kinh, từ Bắc di cư vào, lại vốn vô thần vô thánh, nên chẳng quan tâm đến chuyện heo năm móng hay ba giò như đồng bào Khmer ở đây thường kể. Lò mổ của anh này có 7 thợ, mổ heo từ ba giờ sáng, đến năm giờ thì thịt đã ra thịt, xương ra xương để các lái buôn đến chở đi. Thông thường, anh ta cắt đặt công việc từ chiều hôm trước cho trưởng nhóm mổ, nhóm thợ cứ tự động làm. 5 giờ sáng, vợ chồng anh ta mới phóng xe đến để kiểm soát đầu ra, phân phối cho các đại lý đến lấy hàng.
Thế nhưng, hôm đó, vợ chồng anh này đến mà chưa con heo nào được mổ. Đám công nhân ngồi hút thuốc lào, uống nước chè chờ vợ chồng ông chủ tới. Anh này hỏi lí do, thì hai thợ mổ là người Khmer bảo rằng, có hai con heo đã ... "thành tinh", là do con người ... hóa kiếp thành heo, nên không dám mổ. Hóa ra, trong đàn heo chuẩn bị mổ có hai con heo mà đồng bào ở đây gọi là heo năm móng và ba giò. Mấy thợ mổ người Kinh thì không hiểu gì, nhưng riêng hai thợ mổ người Khmer quê ở huyện Vĩnh Châu thì rất sợ hãi. Hai anh này còn đốt nhang cắm ngay cửa chuồng heo rồi khấn lấy khấn để. Nhìn cảnh ấy, đám thợ còn lại cũng hãi, không dám mổ heo, thống nhất chờ ông bà chủ đến giải quyết.
Quá tức giân, anh này đã sai thợ mổ mang chày cho mình. Rồi anh kêu nhóm thợ kéo lần lượt hai con heo mà thợ mổ của anh sợ hãi lên bàn mổ. Anh này vốn là thợ mổ lâu năm, nên mổ heo rất thuần thục. Mặc cho người vợ can ngăn, anh vung chày đập bốp một cái, chú heo há miệng quay đơ. Tay trái nắm tai, tay phải chích nhẹ, con dao bầu thấu cổ chú heo, máu xối ồ ạt ra chậu.
Chú heo "thành tinh" còn lại cũng chịu chung số phận. Để đám thợ không sợ hãi, anh trực tiếp cạo lông, rồi chỉ nhoáng nhoàng, thịt đã ra thịt, xương ra xương. Mổ xong, anh bảo: "Đây nhé, là heo chứ không phải là người nhé!". Đám thợ còn lại thấy vía ông chủ thì chẳng sợ gì nữa, riêng hai anh thợ người Khmer thì mặt mũi tái nhợt, chân tay run lẩy bẩy.
Vụ mổ heo sẽ chỉ bình thường như vô vàn những lần mổ heo khác, nếu như không có sự kiện khủng khiếp diễn ra với ông chủ này. Ngay sáng đó, sau khi chọc tiết hai con heo năm móng và ba giò, trên đường chở vợ về nhà chiếc xe tải chạy ngược chiều đâm thẳng vào chiếc xe máy của vợ chồng anh ta, hất văng hai vợ chồng lên vỉa hè. Điều kỳ lạ là người vợ không hề xây xát, nhưng anh chồng thì bất tỉnh, máu me vương vãi khắp nơi. Cũng ngày hôm dó, đám thợ bỏ việc hết, không dám làm việc ở lò mổ này nữa.
Lò mổ đóng cửa từ đó, ông chủ nằm viện suốt hai năm trời, tiêu tốn bạc tỷ mới đi cà nhắc được. Chuyện xảy ra đã bảy năm nhưng vợ chồng chủ lò mổ vẫn còn hãi hùng. Từ đó đến nay, cứ vào ngày rằm, chị vợ lại chuẩn bị lễ lạt, hương khói ở nghĩa địa heo trong chùa Mã Tộc. Chị đã nhờ nhà chùa rước "linh hồn" hai chú heo "thành tinh" mà chồng chị sát hại về ngồi chùa này để thờ cúng, khói hương, mong "linh hồn" hai chú heo tha thứ.
Những câu chuyện rùng rợn về "heo thiêng trả thù"
Nghe xong câu chuyện kinh hãi về ông chủ lò mổ bị heo "thành tinh" báo oán, tôi vào chánh điện tìm gặp sư trụ trì. Tuy nhiên, bữa đó, Thượng tọa Kim Rêne, trụ trì chùa Mã Tộc đi vắng, chỉ có sư phó Tú Linh ở chùa tiếp khách. Sư phó Tú Linh bảo rằng, những chuyện đồn đại sợ hãi về những chú heo năm móng, ba giò có rất nhiều.
Chuyện này bắt đầu bởi một quan niệm mang tính chất tâm linh của người Khmer về những con heo quái thai. Người Khmer tin rằng những con heo có năm móng (năm móng chân, thay vì bốn móng như thông thường - PV) hoặc ba giò (một chân móng đen, một chân móng trắng gọi là heo ba giò - PV) chính là cố tinh của người. Người ta còn đồn rằng, nếu gia đình nào nuôi phải thì sẽ gặp chuyện lục đục chẳng lành, còn nếu giết heo thì người giết heo, thậm chí cả nhà đó sẽ phải đền mạng. Nhà nào có heo này, muốn bán cũng không có ai mua, cho không ai dám lấy, cứ phải nuôi đến khi nó chết, đem mai táng cẩn thận, thì may ra mới thoát nạn.
Sư phó Tú Linh kể, ngay tại ngôi làng Mahatup, cạnh chùa Mã Tộc, cách đây 10 năm, có một người đàn ông đang ngồi câu, thấy một con heo vừa to vừa béo thủng thẳng tiến lại gần. Chân con heo này đeo một chiếc vòng bạc. Nhìn qua ông này biết con heo là loài quái thai năm móng, được gia chủ đóng cho chiếc vòng bạc, rồi thả rông. Nó cứ lang thang "xin ăn" khắp nơi.
Vốn vô thần vô thánh, lại đang lúc túng đói, ông ta liền dắt heo về chọc tiết. Ăn không hết, ông ta đem ra bán ngoài chợ. Không ai biết đấy là thịt heo năm móng, nhưng chẳng hiểu sao cả buổi chợ hôm đó, không ai tiến lại chỗ ông ta hỏi mua thịt heo. Ngay đêm hôm đó, ông tự dưng bần thần, đôi mắt từ đờ đẫn chuyển sang dại, rồi điên khùng luôn. Vợ chồng, con cái sinh ra lục đục, đánh nhau chí chóe. Ông này điên khùng một thời gian thì lăn ra chết. Sau vụ ấy, người dân trong làng nhìn thấy heo năm móng hoặc ba giò đi dọc đường là kính cẩn chắp tay hành lễ.
Bà cụ là phật tử quét dọn trong chùa Mã Tộc cũng kể lại một chuyện không kém phần kinh hoàng. Cách đây 7 năm, một ông chủ lò mổ chở đến chùa xác một con heo vừa bị chọc tiết, máu vẫn còn chảy ròng ròng. Ông chủ lò mổ này cùng gia đình vừa khóc vừa lạy, mong nhà chùa hóa giải kiếp nạn vì lỡ mua và giết một con heo 5 móng.
Số là đám thợ mổ của ông không để ý, đến khi chọc tiết, làm lông mới nhìn đến móng chân nó, và đếm thấy có năm móng chứ không phải là bốn móng như thông thường. Nhà chùa lúc đó cũng làm lễ hóa giải. Ông này cũng xây mồ chôn heo tử tế, nhưng rồi ông ta cũng không thoát được sự báo oán của con heo "thành tinh" này. Hiện ông ta bị tâm thần, suốt ngày lang thang ở thành phố Sóc Trăng.
Còn vô vàn chuyện liên quan đến heo năm móng, ba giò báo oán hại người. Có thể những câu chuyện họ kể là thêu dệt, suy diễn, nhưng có một thực tế mà ai cũng lấy làm lạ, đó là người Khmer vùng Sóc Trăng coi loài vật này như ma quỷ hiện hình.
Theo xahoi
Hàng nghìn dơi quý kéo về chùa cổ hơn 400 tuổi Khi cảnh quan được tôn tạo, ngôi chùa cổ ở Sóc Trăng đã thu hút hàng nghìn con dơi về sinh sống. Trong đó, có loài đang được Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới cấm săn bắt, buôn bán vì có nguy cơ tuyệt chủng. Sáng 15/8/2007 khu di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia tồn tại...