Chưa có ứng viên hợp lệ, Algeria hủy kế hoạch bầu cử tổng thống
Ngày 2/6, Hội đồng Hiến pháp Algeria thông báo nước này sẽ không tổ chức cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/7 như kế hoạch ban đầu. Nguyên nhân là do hồ sơ đăng ký tranh cử của hai ứng cử viên đều không đáp ứng đầy đủ điều kiện và đã bị loại.
Theo thông báo của Hội đồng Hiến pháp Algeria, cơ quan này đã bác đơn ứng cử của hai ứng cử viên độc lập, gồm ông Abdelhakim Hamadi – một tiến sĩ chuyên ngành dược phẩm, và ông Hamid Touahri – một kỹ sư bảo dưỡng máy bay đã nghỉ hưu.
Do đó, Hội đồng này khẳng định không thể tiến hành cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 4/7. Thông báo này đã được phát trên kênh truyền hình quốc gia.
Giới chuyên gia luật cho biết trong trường hợp không có ứng cử viên nào hợp lệ, Hội đồng Hiến pháp sẽ viện tới Điều 103 trong Hiến pháp, theo đó quy định hoãn bầu cử tối đa 60 ngày nếu gặp các trở ngại nghiêm trọng. Tổng thống tạm quyền Abdelkader Bensalah sẽ tiếp tục giữ cương vị người đứng đầu đất nước cho tới khi tân tổng thống tuyên thệ nhậm chức.
Video đang HOT
Người biểu tình tại quảng trường trung tâm thủ đô Algiers vào chiều ngày 24/5. Ảnh: Tấn Đạt/PV TTXVN tại Algeria.
Đất nước Algeria đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng khi người dân liên tục biểu tình với quy mô lan rộng trên cả nước từ ngày 22/2 vừa qua, đặc biệt tại thủ đô Algiers – nơi bị cấm biểu tình dưới mọi hình thức từ năm 2001.
Những người biểu tình ban đầu phản đối Tổng thống Abdelaziz Bouteflika tranh cử nhiệm kỳ thứ 5 sau 20 năm nắm quyền lãnh đạo, sau đó yêu cầu thay đổi triệt để hệ thống chính trị ở Algeria.
Sau khi Tổng thống Bouteflika từ chức ngày 2/4, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc (tức Thượng viện) Bensalah đã được ủy nhiệm tạm thời giữ chức tổng thống trong tối đa 3 tháng và trong vòng 90 ngày tổ chức cuộc bầu cử tổng thống mới.
Theo Lan Phương (TTXVN)
Phó Tổng thống Indonesia: Biểu tình không phá vỡ được tính hợp lệ của kết quả bầu cử
Sau khi đương kim Tổng thống Indonesia Joko Widodo và người liên danh tranh cử Ma'ruf Amin có bài phát biểu chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vừa diễn ra ngày 17/4 vừa qua.
Ngày 21/5, ứng cử viên đối thủ Prabowo Subianto - Sandiaga, cựu Tướng quân đội và thành viên đảng Phong trào Indonesia vĩ đại (Gerindra) không chấp nhận kết quả kiểm phiếu cuối cùng và tuyên bố sẽ huy động các cuộc biểu tình rầm rộ cũng như đệ đơn khiếu kiện lên Tòa án Hiến pháp.
Lực lượng an ninh Indonesia được triển khai tại thủ đô Jakarta ngày 21/5/2019. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, Phó Tổng thống Jusuf Kalla ngày 21/5 đã có bài phát biểu về phong trào quần chúng hay còn gọi là "sức mạnh nhân dân", cho rằng các cuộc biểu tình với xu hướng không tích cực và kéo dài chỉ xảy ra trong trường hợp đất nước rơi vào tình trạng khủng hoảng chính trị và kinh tế, trong khi cả hai mối nguy này đều không hiện hữu ở Indonesia. Nền kinh tế Indonesia đang phát triển tốt, một vài yếu tố phản kháng là điều bình thường và không nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, giới chức Indonesia vẫn lo ngại về một cuộc biểu tình rầm rộ dự kiến diễn ra vào ngày 22/5 do một số nhóm không công nhận kết quả bầu cử phát động. Ông Jusuf Kalla đã kêu gọi người dân đảm bảo trật tự và không phá vỡ các quy tắc. Ông khẳng định Indonesia là một quốc gia dân chủ, nơi mọi người có quyền đưa ra ý kiến, biểu tình sẽ không phá vỡ được tính hợp lệ của kết quả bầu cử.
Hiện Tòa án Hiến pháp đã cho thời hạn 3 ngày để các bên không chấp nhận kết quả bầu cử có thể đệ trình khiếu kiện. Nếu không có, ngày 24/5, Ủy ban Bầu cử Indonesia (KPU) sẽ chính thức tuyên bố người thắng cử. Trong trường hợp có khiếu nại thì kết quả sẽ được công bố sau khi có kết luận của Tòa án Hiến pháp.
Ngày 21/5, Ủy ban bầu cử Indonesia đã đưa ra kết quả cuối cùng của công tác kiểm phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống và bầu cử quốc hội năm 2019 từ 34 tỉnh và 130 điểm bỏ phiếu ở nước ngoài. Kết quả cho thấy, cặp ứng cử viên số 1 Jokowi-Ma'ruf đã nhận được 55,5%, trong khi cặp 2 Prabowo-Sandiaga chỉ giành được 44,5% số phiếu ủng hộ.
Trong một diễn biến khác, cùng ngày, đội đặc nhiệm chống khủng bố 88 của Indonesia (Densus 88) đã bắt giữ 5 nghi phạm khủng bố đang trên đường từ Raya Malangbong, Garut, Tây Java đến thủ đô Jakarta.
Chuẩn tướng Dedi Prasetyo cho biết cảnh sát đã nhận được thông tin về một nhóm khủng bố đang tới Jakarta trên một chiếc xe. Ngay lập tức, phương án vây bắt được triển khai bởi một lực lượng phối hợp giữa Densus 88, Đồn cảnh sát Garut, Kodim 0611 và Lữ đoàn cảnh sát cơ động khu vực Tây Java. Chiếc xe đã dừng đỗ nhiều lần tại các trạm xăng và nhà hàng để lẩn tránh. Khi bị yêu cầu dừng lại để kiểm tra, nhóm nghi phạm bỏ chạy nhưng đã bị cảnh sát khống chế và bắt giữ. Hiện cảnh sát đang tiến hành thẩm vấn các nghi phạm. Theo ông Prasetyo, danh tính của các nghi phạm khủng bố trên đã được xác định và được cho là thuộc mạng lưới khủng bố Tây Java.
Đỗ Quyên (TTXVN)
Tuyên bố của tân Tổng thống Ukraine về việc lấy lại Crưm là khoa trương và mị dân Thành viên Hội đồng Liên bang Alexei Pushkov bình luận trên Twitter về tuyên bố của Tổng thống Ukraina mới đắc cử Vladimir Zelensky rằng, Ukraina sẽ giành lại Crưm. "Tôi ngạc nhiên nếu toàn bộ sự nhiệt tình của tổng thống mới của Ukraine chỉ là chính sách mị dân: tất cả chỉ là lời nói rỗng tuếch về danh dự, về...