Chưa có thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ
Với yêu cầu chỉ rõ địa chỉ nơi tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ chưa tốt, không ngại đưa ra những tồn tại, yếu kém, tiêu cực, Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình thừa nhận, quy trình còn nhiều hạn chế, cũng chưa có thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ.
Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm qua vừa có phiên họp về việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức (từ ngày1/1/2010 đến ngày 31/12/2013).
Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình nhân định, việc thực hiện tuyển dụng công chức theo vị trí việc làm đã từng bước đi vào nề nếp. Tuy nhiên, việc chậm xây dựng hệ thống danh mục vị trí việc làm cũng là nguyên nhân khách quan dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong việc tổ chức thi tuyển công chức theo vị trí việc làm và tổ chức thi môn nghiệp vụ chuyên ngành ở các Bộ, ngành, địa phương hiện nay.
Bộ trưởng Nội vụ: “Đến nay chưa có văn bản hướng dẫn về trình tự, thủ tục kỷ luật, thôi việc với cán bộ”.
Các hạn chế được Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình nhắc tới là, quy trình, thủ tục bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo còn thiếu hợp lý, nhiều trường hợp thể hiện dân chủ hình thức; chưa làm rõ trách nhiệm cá nhân, nhất là của người đứng đầu và của cơ quan tham mưu về công tác cán bộ; chưa gắn quyền hạn và trách nhiệm được giao. Chủ trương luân chuyển, bố trí một số chức danh cán bộ lãnh đạo không là người địa phương nhằm tránh tình trạng cục bộ, khép kín ít được thực hiện do chưa có quy định cụ thể”.
Đáng lưu ý, đến nay vẫn chưa có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Cán bộ, công chức đối với đối tượng cán bộ; đặc biệt là quy định liên quan đến trình tự thủ tục kỷ luật, thôi việc đối với cán bộ (kể cả cán bộ cấp xã).
Để khắc phục các hạn chế, việc thi tuyển, thi nâng ngạch công chức sẽ được đổi mới. “Thông qua kinh nghiệm thực hiện tại Bộ Nội vụ và thành phố Hải Phòng, tới đây sẽ tiếp tục nhân rộng việc áp dụng hình thức thi tuyển công chức qua phần mềm vi tính; bảo đảm đến năm 2015 có 100% cơ quan ở trung ương và 70% cơ quan ở địa phương thực hiện ứng dụng công nghệ tin học vào thi tuyển công chức” – Bộ trưởng Nội vụ cho biết.
Với đối tượng công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý, Bộ Nội vụ đang xây dựng Đề án đổi mới phương thức tuyển chọn. Theo đó, trong những năm đầu triển khai thực hiện, việc thi tuyển lãnh đạo chỉ nằm trong khâu tuyển chọn để tìm được người có đủ tài, đức; đủ tiêu chuẩn, điều kiện và tín nhiệm để giới thiệu cơ quan có thẩm quyền quyết định. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thực hiện bổ nhiệm theo quy định (thay cho khâu lấy phiếu như hiện nay).
Chỉ rõ địa chỉ sai phạm tuyển dụng
Video đang HOT
Trưởng, Phó đoàn giám sát và Phó Chủ tịch Quôc hôi Uông Chu Lưu (giữa) chủ trì phiên họp giám sát.
Ghi nhận nhiều kết quả nêu ra trong báo cáo giám sát song Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu vẫn đặt ra nhiều câu hỏi băn khoăn: “Có thông tin số lượng công chức ở cấp xã quá đông nhưng trình độ, năng lực đáp ứng vị trí công việc còn hạn chế. Thực tế thế nào, qua giám sát cho thấy điều gì để chấn chỉnh? Rồi phản ánh công chức, viên chức “ngồi chơi xơi nước” có đúng không? Tiêu cực trong thi cử, tuyển dụng không thể nói là không có. Vậy mức độ, nguyên nhân, giải pháp thế nào”?
Phó Trưởng Đoàn giám sát, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long yêu cầu Chính phủ chuẩn hóa hệ thống số liệu và phân tích, đánh giá tình hình sâu sắc hơn. Ông nêu nghi ngại về những số liệu vênh giữa các địa phương cũng như sự khác biệt lớn về mặt bằng chất lượng cán bộ ở mỗi tỉnh. Có tỉnh không có một tiến sỹ nào, có huyện, quận không có một chuyên viên chính nào. Vì sao số lượng công chức, viên chức chưa qua đào tạo ở nhiều cơ quan lên đến cả hàng nghìn người? Hiệu quả số cán bộ, công chức được gửi đào tạo ở nước ngoài ra sao?
Chủ nhiệm UB Pháp luật, Trưởng đoàn giám sát Phan Trung Lý nêu quan điểm, việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ công chức, viên chức là nội dung giám sát rất quan trọng, được dư luận rất quan tâm. Do đó, báo cáo cần thể hiện rõ nét hơn.
“Đã là báo cáo giám sát thì phải có địa chỉ, tức chỉ ra được nơi nào làm tốt hay chưa tốt. Thực tiễn đặt ra nhiều vấn đề nên chúng ta không ngại đưa ra những tồn tại, yếu kém, tiêu cực hiện nay”, Trưởng Đoàn giám sát nhấn mạnh.
Được biết, chuyên đề giám sát sẽ kết thúc vào tháng 9, báo cáo sẽ được hoàn thiện, gửi tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 9 để có thể trình ra Quốc hội tại kỳ họp thứ 6, khai mạc vào tháng 10 tới.
P.Thảo
Theo Dantri
Trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng - quy sao cho cụ thể?
Quy định về mô hình tổ chức, hoạt động của Chính phủ, chế độ trách nhiệm của Thủ tướng, Bộ trưởng; phương án xây dựng chính quyền địa phương... là những vấn đề làm nóng phiên họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 12/8.
Chính phủ biểu quyết về mô hình HĐND
Thủ tướng chủ trì phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ (ảnh: Chinhphu.vn).
2 nội dung được Chính phủ đồng thời thảo luận trong phiên họp là vấn đề thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và đề xuất thay đổi về chương Chính quyền địa phương trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình báo cáo tổng hợp kết quả hơn 4 năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường cho biết, tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương vẫn bảo đảm được sự lãnh đạo của Đảng và quan hệ công tác giữa các cơ quan; hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền các cấp và việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương thông suốt, hiệu lực, hiệu quả. Đồng thời, cùng với việc không ngừng đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai hóa các thủ tục hành chính trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan hành chính Nhà nước các cấp đã giúp nhân dân tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với chính quyền.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường tác động lớn đến tâm tư, nguyện vọng của những người đang công tác ở huyện, quận, phường; ảnh hưởng nhất định tới việc khẳng định vị trí của HĐND ở địa phương, gây khó khăn, vướng mắc cho hoạt động của HĐND.
Từ đó, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khái quát đề xuất 3 phương án tổ chức chính quyền địa phương: theo hướng không tổ chức HĐND huyện, quận, phường như thí điểm; không tổ chức HĐND quận, phường, vẫn tổ chức HĐND huyện và giữ nguyên tổ chức như hiện tại.
Dẫn chiếu sang những quy định về chính quyền địa phương tại chương 9 trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường phân tích thêm phương án "bỏ" HĐND quận, phường, vẫn giữ HĐND huyện. Lý do, theo ông Cường, đơn vị hành chính quận, phường thể hiện rõ tính chất đô thị còn huyện thì tính chất lãnh thổ rõ hơn. Bộ trưởng Tư pháp khuyến cáo, cần có sự phân biệt để giải quyết những vấn đề khác nhau đặt ra đối với mỗi địa bàn, khu vực.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận xét, nếu vẫn giữ mô hình tổ chức chính quyền địa phương 3 cấp như hiện nay, theo nguyên tắc, HĐND xã, phường cũng làm quy hoạch, lên kế hoạch kinh tế xã hội... Thực tế, Thủ tướng cho rằng, năng lực của cơ quan này khó đáp ứng đòi hỏi công việc. Thủ tướng cũng nhấn mạnh vấn đề phân biệt giữa chức năng của chính quyền nông thôn và chính quyền đô thị.
"Xác định mô hình chính quyền địa phương phụ thuộc rất lớn với việc lựa chọn triển khai tổ chức HĐND như thế nào. Các phương án, nhất là phương án không tổ chức HĐND quận, huyện, phường phải có đánh giá tổng kết các mặt từ thực tiễn và lấy ý kiến cấp ủy, HĐND và chính quyền các tỉnh, thành phố trong cả nước trước khi Chính phủ biểu quyết lựa chọn để hoàn thiện đề án" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Tăng trách nhiệm cá nhân của Bộ trưởng
Sáng 13/8, phiên họp về chuyên đề xây dựng pháp luật của Chính phủ tiếp tục diễn ra.
Một nội dung khác trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 được Chính phủ tập trung thảo luận là về chương 7 - quy định về Chính phủ. Các thành viên Chính phủ đã thảo luận, đóng góp ý kiến bổ sung một số quy định nhằm tạo cơ chế hiến định để Chính phủ có thể kiểm soát việc thực hiện quyền lập pháp và quyền tư pháp theo nguyên tắc đã được xác định tại Điều 2; đề xuất những vấn đề lớn liên quan đến thẩm quyền điều chỉnh địa giới hành chính, thẩm quyền hướng dẫn, giám sát và kiểm tra hoạt động của chính quyền địa phương, thẩm quyền đình chỉ việc thi hành và bãi bỏ văn bản của chính quyền địa phương, chế độ làm việc và chế độ trách nhiệm của thành viên Chính phủ (Điều 95 Dự thảo)...
Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường nêu quan điểm cần quy định cụ thể việc Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng, Chính phủ nhằm tăng cường trách nhiệm cá nhân đối với công tác điều hành trong ngành, lĩnh vực được phân công, tổ chức.
Bộ trưởng Tư pháp cũng đề nghị bổ sung quy định Thủ tướng là người đứng đầu Chính phủ và bộ máy hành chính nhà nước để đảm bảo sự vận hành liên tục, thông suốt của cơ quan hành chính.
Tán thành những lập luận này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam - nhận xét: "Trách nhiệm phải được xem xét theo hướng ngày càng rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể. Việc quy định Bộ trưởng chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là một biện pháp tăng trách nhiệm cá nhân rất rõ rệt".
Chốt lại nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý, cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, nhất là sự phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.... Thủ tướng đề nghị, các vấn đề trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 liên quan đến Chương 7 - Chính phủ và Chương 9 - Chính quyền địa phương sẽ được tiến hành lấy ý kiến biểu quyết của từng thành viên Chính phủ.
P.Thảo
Theo Dantri
Bài 4: Bản án 7 năm chưa thi hành vì UBND tỉnh Thái Bình thiếu trách nhiệm Hơn 7 năm sau ngày TAND tỉnh Thái Bình tuyên bản án số 02/2006/KDTM-ST, đến nay bản án có hiệu lực pháp luật vẫn chưa được thực thi khiến Công ty Lâm Hà phải "ngậm đắng nuốt cay", bị rơi vào cảnh khốn đốn vì cách xử lý thiếu kiên quyết của UBND tỉnh. Như thông tin báo Dân trí đã phản ánh,...