Chùa cổ núi Võ Đang – ‘Thánh địa kungfu huyền bí’ trong phim Karate Kid
Bộ phim The Karate Kid 2010 giới thiệu tới khán giả nhiều địa danh nổi tiếng của Trung Quốc, nổi bật trong số đó là quần thể chùa cổ trên núi Võ Đang.
Siêu nhí Karate (The Karate Kid) là một bộ phim võ thuật của Mỹ, Trung Quốc hợp tác sản xuất năm 2010. Không giống bản gốc năm 1984, The Karate Kid phiên bản 2010 không tiếp tục ca ngợi sức mạnh của môn võ karate mà xoay quanh câu chuyện một cậu bé học kungfu.
Bên cạnh nội dung hấp dẫn, bộ phim còn giới thiệu tới khán giả nhiều địa danh nổi tiếng của đất nước tỷ dân như Tử Cẩm Thành, Vạn Lý Trường Thành và quần thể chùa cổ trên núi Võ Đang, nơi xuất hiện trên màn ảnh như một “thánh địa kungfu huyền bí”.
Núi Võ Đang nằm ở thành phố Đan Giang Khẩu, tỉnh Hồ Bắc, được xem là thánh địa Đạo giáo nổi tiếng ở Trung Quốc. Toàn bộ dãy Võ Đang có 72 đỉnh núi hùng vĩ với đỉnh chính có tên Thiên Trụ, cao 1.612 m so với mặt đất.
Trên núi có quần thể kiến trúc Đạo giáo được thành lập từ thời nhà Đường, sau đó được trùng tu và mở rộng qua các triều đại Tống, Nguyên, Minh và Thanh. Trong đó, quần thể kiến trúc cổ xưa này đạt đến đỉnh cao vào thời nhà Minh, bao gồm 9 cung điện, 9 tu viện, 36 ni cô viện và 72 ngôi chùa.
Trải qua hàng trăm năm thăng trầm lịch sử, nhiều cung điện đã trở thành đống đổ nát, các công trình kiến trúc cổ hiện có ở núi Võ Đang chủ yếu bao gồm cung Thái Hà, cung Nam Nham, cung Tử Tiêu, cung Ngộ Chân. Bên cạnh đó là tàn tích của hai điện Ngọc Hư và Ngũ Long, cùng hàng trăm dấu tích chùa đá.
Video đang HOT
Cung Ngộ Chân nằm dưới khu vực chân núi Võ Đang, ở độ cao 174,7 m so với mặt đất. Ngày 19/1/2003, sảnh chính của cung Ngộ Chân bị hỏa hoạn thiêu rụi.
Cung Tử Tiêu được xây vào thời Tuyên Hòa nhà Tống (1119-1125), sau được trùng tu vào thời nhà Nguyên và đổi tên là “Tử Tiêu Nguyên Thánh”. Vào năm Gia Tĩnh thứ 31 thời nhà Minh (1552), cung Tử Tiêu được mở rộng thành 806 phòng.
Hàng trăm năm trôi qua, cung Tử Tiêu đã được sửa chữa nhiều lần và vẫn giữ được kiến trúc nguyên bản cho đến nay. Đây cũng là một trong những cung điện hoàn chỉnh nhất được bảo tồn trên núi Võ Đang.
Cung Nam Nham, tên đầy đủ là cung Đại Thánh Nam Nham, được Đạo giáo tôn sùng là thánh địa luyện võ và tu đạo. Trong ảnh là điện chính của cung Nam Nham được gọi là điện Huyền Đế.
Toàn bộ công trình cung Nam Nham tận dụng tối đa các vị trí nguy hiểm như đỉnh núi, thung lũng, vách đá, hang động,… tương truyền nhằm đáp ứng cho việc tu luyện ở cảnh giới cao nhất.
Cung Thái Hòa nằm trên đỉnh Thiên Trụ, do đó cũng là cung điện cao nhất trên núi Võ Đang. Điện chính của cung Thái Hòa được gọi là Kim Điện, nổi bật với mái ngói màu vàng.
Kiến trúc cung Thái Hòa được thiết kế dựa theo phong cách hoàng gia thời nhà Minh, nhằm nêu bật quan niệm về quyền lực tối cao của thần thánh và thể hiện ý tưởng nghệ thuật “đẹp như cung điện trên trời”.
Ngoài ra, núi Võ Đang cũng có ngôi chùa Phật giáo nổi tiếng được đặt theo tên của ngọn núi. Không rõ chùa Võ Đang được xây dựng lần đầu tiên vào năm nào nhưng theo dòng chữ còn lưu lại trên một tượng sư tử đá, chùa dường như được xây vào năm Gia Khánh thứ 14 của triều đại nhà Thanh (1809).
Du ngoạn Quảng Ninh, đừng quên ghé thăm những ngôi chùa độc nhất vô nhị
Muốn biết Quảng Ninh đẹp đến mức nào, chỉ cần đi hết dọc dài vùng di sản qua những quần thể tâm linh là đủ.
Nhận định này có lẽ cũng không ngoa, bởi mỗi quần thể tâm linh dưới đây là một bức họa đẹp như miền tiên cảnh.
Bảo Hải Linh Thông Tự (Hạ Long)
Tọa lạc trên núi Ba Đèo và thuộc Tổ hợp Sun World Halong Complex, quần thể kiến trúc tâm linh Bảo Hải Linh Thông Tự có địa thế đắc địa, được bao bọc bởi rừng thông xanh rì, với tầm nhìn ôm trọn vịnh biển thơ mộng cùng thành phố Hạ Long.
Bước chân tới đây là thấy như được chạm tới những không gian chùa Việt cổ xưa của vùng Bắc Bộ thế kỷ 17, 18, bởi toàn bộ quần thể gồm các hạng mục: Tam quan, Lầu chuông, Lầu Khánh, Tam bảo, Nhà tổ, Nhà mẫu, hai bên hành lang tả vu, hữu vu đều được làm hoàn toàn bằng gỗ lim, với các họa tiết trang trí, tạo hình hoa sen, vân mây được cách điệu tinh xảo trên các cửa, chân cột, hệ thống cột trống trên xà... Riêng Ngũ Phương Bảo Tháp, điểm nhấn độc đáo nhất trong quần thể được tạo tác bằng bằng đá hoa cương lắp ghép nguyên khối, thiết kế theo mô hình ngũ phương Phật, gồm 5 tháp, tượng trưng cho 5 phương: Đông, Tây, Nam, Bắc, Trung tâm; 5 bộ: Bảo Bộ, Liên Hoa Bộ, Kim Cang Bộ, Nghiệp Bộ, Phật Bộ; 5 sắc: Xanh, Đỏ, Vàng, Trắng, Đen. Trong đó, tháp trung tâm gồm 9 tầng, cao 25,2m, bên trong đặt tượng Phật và cột kinh cao 4m, được lấy theo mẫu cột kinh Phật có niên đại từ 1000 năm trước tại chùa Nhất Trụ (Hoa Lư, Ninh Bình), với mong muốn nguyện cầu bình an cho muôn dân, cho đất nước... Bốn tháp xung quanh mỗi tháp gồm 5 tầng, cao 12,1m.
Theo lối cầu thang dẫn lên tầng hai của bảo tháp, du khách có thể từ đây phóng tầm mắt ngắm trọn vẹn cảnh vịnh Hạ Long với núi non nhấp nhô trên mặt biển biếc. Thiên nhiên khoáng đạt của núi, của biển, của rừng thông khiến bất cứ ai tới đây cũng đều thấy tâm tĩnh lại, thanh tịnh, an yên lan tỏa.
Đi hết quần thể tâm linh trên đỉnh Ba Đèo, sẽ thấy một sự cầu kỳ trong từng chi tiết nhỏ, và đặc biệt kỳ công là bộ tượng gồm 106 pho, trong đó có 66 pho tượng đồng được tạo tác theo nguyên mẫu thờ tại các Chùa cổ Bắc Bộ như Chùa Bà Đá, Chùa Trân Tiên, Chùa Vua, Chùa Mía, Chùa Tây Phương (Hà Nội), chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang). Các bức tượng này đều được thực hiện bởi những nghệ nhân hàng đầu Việt Nam, theo công nghệ khuôn vỏ mỏng cầu kỳ bậc nhất hiện nay.
Để đến được Bảo Hải Linh Thông Tự, du khách sẽ đi từ vườn Nhật (Sun World Halong Complex) qua cây cầu thép màu xanh vắt qua hẻm núi, có tên là Cầu May. Đây cũng là một trải nghiệm khá thú vị, bởi hơn một cây cầu nối giữa hai điểm đến, Cầu May dẫn dắt du khách đi từ một không gian đậm chất thiền của vườn Nhật tới một không gian thiền tự đậm chất tâm linh truyền thống Việt. Bước từ đầu cầu bên này tới đầu cầu bên kia, du khách có cảm giác như đang bước đi giữa hai nền văn hóa giàu bản sắc, để đến với may mắn, thiện lành và bình yên ở không gian thiền tự linh thiêng màu nhiệm của Bảo Hải Linh Thông tự.
Chùa Cái Bầu (Vân Đồn)
Hiếm có quần thể nào sở hữu vị thế đắc địa trên núi cao, lưng tựa núi, mặt hướng ra vịnh Bái Tử Long như Chùa Cái Bầu (Thiền Viện Trúc Lâm Giác Tâm). Chỉ cần chạm bước đến con đường quanh co uốn lượn bên bờ biển rì rào sóng vỗ dẫn vào chùa, qua những hàng cây được cắt tỉa chỉn chu, đã thấy một sự khoáng đạt, thanh tịnh bao la lan tỏa.
Thiền Viện được xây dựng trên nền chùa Phúc Linh Tự (hình thành cách đây 700 năm), vốn là nơi thờ tự, tưởng nhớ công đức của các vị tướng nhà Trần trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông từ thế kỷ XIII. Nét cổ kính uy nghi bề thế toát lên từ cổng Tam Quan, chính điện, lầu chuông, lầu trống... Phần chính điện có diện tích lớn nhất, đặt tượng Phật Thích Ca Mâu Ni, phía sau là phù điêu bằng đồng miêu tả lại quan cảnh gốc cây Bồ Đề nơi mà Phật Thích Ca đã tu thành chính quả. Hai bên là tượng của Văn Thù Sư Lợi và Phổ Hiền Bồ Tát, tượng trưng cho trí tuệ và từ bi. Phía trái Thiền viện là tượng đồng Phật Di Lặc, nặng 4,8 tấn.
Dạo quanh quần thể tâm linh này, giữa những lối đi hoa cỏ ngợp ngời, hít hà gió biển thổi vào từ vịnh Bái Tử Long bao la với những đảo núi đá chập trùng giữa biển cả bao la, những con thuyền du ngoạn trên sóng nước êm đềm,ngắm núi cao vời vợi, buông bỏ những nghĩ suy, lo lắng, đấy là thứ trải nghiệm không gì so sánh được, đủ khiến nhiều người thấy không muốn rời xa nơi này.
Đền Cửa Ông (Cẩm Phả)
Là ngôi đền nổi tiếng linh thiêng của Quảng Ninh nên bất kỳ thời điểm nào, đền Cửa Ông cũng luôn nhộn nhịp du khách đến chiêm bái, cầu an.
Và nếu đến đây vào mùa xuân, con đường hoa đỗ mai bên lối vào phía trái ngôi đền sẽ khiến ai cũng ngỡ ngàng như thể lạc xứ Phù Tang. Trải dài theo độ cao từ chân ngọn đồi bên vịnh Bái Tử Long lên đến đỉnh, xen giữa những vòm đỗ mai đẹp tựa anh đào Nhật Bản, dưới những bóng cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi, là những mái đền cổ kính, tĩnh mịch. Từ khoảng sân trước đền Hạ phóng tầm mắt ra là thấy vịnh Bái Tử Long với một "rừng" đảo muôn hình, muôn vẻ nổi bật trên nền xanh của biển. Nằm trong cảnh rừng, biển, núi non, sơn thuỷ hữu tình, vị trí ngôi Đền đã được người xưa ca tụng: "Nghìn trùng nước biếc buông tay áo. Bốn phía non xanh tạc hoạ đồ".
Đền Cửa Ông có niên đại khoảng hơn 700 năm, là nơi thờ Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng, người có công trấn ải vùng Đông Bắc, đánh đuổi quân xâm lược Nguyên Mông thế kỷ XIII. Đền được phân bổ theo 3 khu vực thờ tự là Đền Hạ, đền Trung và đền Thượng, sắp xếp theo thứ tự cao dần. Đền cũng sở hữu hệ thống tượng thờ quý giá với 34 pho tượng có niên đại hàng trăm năm được chạm trổ công phu, có giá trị nghệ thuật cao. Điểm nhấn kiến trúc của công trình là tượng đài Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng bề thế, uy nghiêm cao 10m, nặng 40 tấn, nằm ở vị trí cao nhất trong quần thể Khu di tích.
Hơn một hành trình du ngoạn, chiêm bái quần thể đền được coi là đẹp nhất Việt Nam hiện nay, mỗi lần tới đền Cửa Ông, du khách lại muốn được dừng lại lâu hơn ở chốn thiêng này, để thấy tâm an, lòng tĩnh, thấy mọi sân si bộn bề tan biến theo những bao la biển trời mây núi, thấy mình nhẹ bẫng dưới bóng cổ thụ hiền hòa và những mái ngói thâm trầm giữa tiếng chuông vỗ vào trùng dương, dội vào vách núi.
Cận cảnh "thiên đường hoa" trên đồi cao Hạ Long làm du khách mê mẩn Dưới ánh nắng ấm áp, hàng trăm ngàn cây hoa khoe sắc, phủ kín khu vực khuôn viên của quần thể FLC Hạ Long (Quảng Ninh) trong những thảm màu rực rỡ. Dạo bước giữa những con đường ngàn sắc hoa và thưởng thức không gian kỳ vĩ của vịnh Hạ Long từ độ cao 100m là những trải nghiệm đầy cảm xúc...