Chùa Bồ Đề hơn một năm sau ‘bão’ mua bán trẻ em
Từ khi xảy ra vụ án buôn bán trẻ em gây rúng động dư luận đến nay đã hơn một năm, chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội vẫn đang là nơi nương tựa của hàng chục mầm xanh bất hạnh.
Sư thầy Đàm Lan cùng các cháu là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, đang được nuôi dưỡng và chăm sóc tại chùa Bồ Đề. (Ảnh chụp chiều 6/1/2016)
PV tìm đến chùa Bồ Đề vào một ngày đầy nắng, cái nắng hiếm hoi, ấm ấp giữa mùa đông, nhưng không xua được không khí lạnh lẽo nơi đây. Sân chùa vắng hoe khiến không gian thêm rộng và trống trải. Thế nhưng, chính khoảng không tĩnh lặng ấy lại làm nền cho âm thanh bình dị mà thân thuộc được vang xa, tiếng trẻ thơ bi bô đồng thanh đọc bài thơ cô dạy trên lớp.
Bão dư luận ám ảnh
Tiếp chúng tôi là vị ni sư trẻ, gương mặt không giấu nổi nỗi ưu tư khi biết có nhà báo đến: “Anh ngồi uống nước, sư thầy hôm nay đi họp, chắc phải trưa mới về, anh thử điện cho thầy xem thế nào”. Chúng tôi ngồi đợi đến 11h thì sư thầy Đàm Lan, trụ trì chùa Bồ Đề về tới nơi. Sư thầy thân thiện tiếp chúng tôi trong gian phòng khách của chùa, nhưng chúng tôi cảm nhận được vị trụ trì vẫn chưa sẵn sàng cho một buổi trò chuyện. Có lẽ những thông tin trên báo chí truyền thông quanh câu chuyện của nhà chùa vẫn còn ám ảnh sư Đàm Lan hơn một năm nay.
Một tuần trà qua đi, những nghi ngại ban đầu rồi cũng dần tan, sư thầy Đàm Lan trò chuyện với giọng đượm buồn: “Người ta bỏ rơi rất nhiều cháu bé ở cổng chùa Bồ Đề. Thương các cháu đau khổ bơ vơ, nhà chùa cưu mang, nuôi nấng. Bao nhiêu công lao, vất vả lo lắng cho các cháu. Chỉ cần một chút sơ sẩy, tai họa đổ lên đầu. Tôi từ một nhà tu hành được biết tới với tấm lòng từ bi, chùa Bồ Đề thành chốn nương thân của nhiều mảnh đời bất hạnh, trong đó có nhiều người già và trẻ em bị bỏ rơi, bỗng nhiên, “cơn bão” ấy đã cuốn đi tất cả”. Nói đến đây, giọng sư thầy nghẹn lại, hai hàng lệ cứ thế tuôn rơi.
Lau những giọt nước mắt, sư thầy Đàm Lan nghẹn ngào: “Đây có lẽ là giai đoạn bi đát nhất kể từ ngày tôi khoác áo nâu sòng. Tuy nhiên, tôi nghĩ cuộc đời có nhân – quả, tôi làm vì cái tâm nên không vì thế mà mình buồn chán. Tôi biết cái tốt mà chưa hiểu pháp luật, chưa cẩn trọng thì vẫn có đất cho cái ác. Nhà chùa tiếp nhận và nuôi dưỡng những đứa trẻ cơ nhỡ, mồ côi là việc làm xuất phát từ cái tâm, cái thiện. Mấy chục năm qua, nhà chùa vượt qua biết bao gian truân, vất vả nuôi dưỡng những mảnh đời bất hạnh thành người. Tuy nhiên, chỉ vì tin người, không lường được lòng dạ người mình đã cưu mang nên mới ra nông nỗi này”.
Chữ “Tâm” và vòng quay cơm áo
Sau vụ việc buôn bán trẻ em, nhiều người nghĩ chùa Bồ Đề bây giờ không nuôi trẻ em nữa, nhưng hiện nay nhà chùa vẫn đang nuôi dưỡng nhiều em nhỏ mồ côi. Sư Đàm Lan dẫn tôi đi thăm một vòng khu nhà trẻ nuôi dạy các cháu. Thấy khách lạ nhưng các cháu mới 3 tuổi đã lễ phép khoanh tay đồng thanh: “Con chào sư thầy ạ, con chào chú ạ”. Đi đến phòng nào, bọn trẻ cũng chạy ra ôm chặt chân sư thầy ríu rít như đàn chim thấy mẹ về tổ.
Toàn cảnh chùa Bồ Đề.
Video đang HOT
Bên trong căn phòng của trẻ, sư thầy tiếp tục tâm sự: “Từ năm ngoái đến giờ tôi vẫn nuôi 30 cháu mồ côi đủ các lứa tuổi. Cháu bé nhất mới 2,5 tuổi, các cháu lớn hơn đã đi học cấp 1, cấp 2. Các cháu nhỏ tuổi thì thuê cô giáo nuôi dạy, còn các cháu lớn đến tuổi đi học, tôi cho các cháu đến trường học chính quy đàng hoàng. Bao nhiêu chi phí nuôi dạy hàng tháng nhiều khi không tính nổi nữa. Thế nhưng, từ khi xảy ra chuyện cho đến bây giờ, rất ít người đến thăm các cháu, chỉ lác đác thôi. Tết cũng chẳng có người nào đến gọi là có tí quà cho các cháu mồ côi”.
Ở tuổi 60, sư thầy Đàm Lan lẽ ra đã được an nhàn, nhưng nay bỗng nhiên phải đối diện với những nỗi lo cơm – áo – gạo – tiền. Giọng chậm rãi, sư Đàm Lan liệt kê những nỗi lo toan thường nhật: “Khu nhà ở dành cho các cháu khang trang hơn mà tôi ấp ủ bấy lâu nay vẫn đang trong quá trình xây dựng, dự kiến tháng 6 năm nay sẽ đi vào hoạt động. Tiền bạc bây giờ chả biết trông vào đâu. Chỉ tính riêng tiền học cho các cháu lớn đã gần 20 triệu/tháng.
Chưa kể sữa, bỉm cho các cháu nhỏ, tiền trả lương cho các cô giáo nuôi dạy trẻ tại chùa và bảo vệ. Chú bảo, nhà có hai đứa con nuôi cũng đã mệt, đây những 30 cháu. Cứ đến tháng phải đóng tiền học cho các cháu là tôi lo lắm. Chùa chẳng làm gì ra tiền, người ta cho thì đóng quỹ cho các cháu. Bây giờ quỹ chẳng còn, có đồng nào thầy tập trung cho các cháu hết. Có lúc túng quá, tôi phải xin các anh chị của mình đang đi tu ở Hải Phòng”.
Sư thầy Đàm Lan cho hay, bà không thể tin nổi thông tin chùa Bồ Đề buôn bán trẻ con lại lan truyền nhanh như vậy. Người ta cho rằng, chính sư thầy buôn bán trẻ em và nuôi nấng các em để trục lợi. “Các thầy cũng thương động viên, rồi khuyên hay là buông? Nhưng tôi nghĩ cả cuộc đời làm việc thiện, gắn bó chăm các cháu quen rồi, không có các cháu thì tôi nghĩ cuộc đời này vô nghĩa. Tâm tôi trong sạch, tôi chẳng sợ, bởi nếu có tội thì pháp luật cũng chẳng tha cho tôi.
Vì vậy, tôi không thể đóng cửa ngồi yên mà tụng kinh như nhiều người khuyên. Người ta càng nghi ngờ tôi càng phải làm tốt hơn. “Cơn bão” đi qua coi như tôi bị ngã một lần. Tôi sẽ đứng dậy để đi chứ không ngồi im giống như người yếm thế. Tôi vẫn ước mơ mình có thể cưu mang, giúp đỡ được nhiều trẻ mồ côi, trẻ hoàn cảnh đáng thương.Tôi đã 60 tuổi, cuộc đời tôi dù tan nát, đi ăn mày, ăn xin trên đường phố, tôi vẫn làm điều thiện, chứ không chán nản mà bỏ”, sư Đàm Lan giãi bày.
Ngày 9/9/2015, hai bị cáo Phạm Thị Nguyệt (SN 1970, ở Ninh Bình) và Nguyễn Thị Thanh Trang (SN 1978, ở Hà Nội) bị đưa ra xét xử tại TAND quận Long Biên vì liên quan đến hành vi mua bán bé trai Cù Nguyên Công, được chùa Bồ Đề nhận nuôi trước đó. Theo cáo trạng, trong thời gian làm bảo mẫu ở chùa Bồ Đề, Trang có quen với Nguyệt và được thiếu phụ này nhờ tìm một bé trai khoẻ mạnh để xin làm con nuôi. Trang đã giới thiệu bé trai mới được đưa vào chùa trước đó là Cù Nguyên Công, con của một phụ nữ trẻ. Nhận được cháu bé, Nguyệt đưa cho Trang 35 triệu đồng tiền “lại quả”. Vụ việc sau đó bị cơ quan chức năng phát hiện, Nguyệt và Trang được xác định có hành vi mua bán trẻ em. Cháu Cù Nguyên Công bị bệnh sởi quá nặng và đã tử vong ngày 24/6/2014. Xem xét lời khai, luận tội, Tòa đã tuyên phạt Nguyệt 4 năm tù, Trang 3 năm 6 tháng tù về tội “Mua bán trẻ em”. Chùa Bồ Đề từ lâu đã được nhiều người biết đến là nơi cưu mang nhiều cháu nhỏ cơ nhỡ, bị bỏ rơi ngay khi vừa chào đời. Sau khi sự việc xảy ra, Trang bị bắt, sáng 22/8/2014, Sở LĐ,TB&XH Hà Nội đã tiến hành chuyển 17 cháu bé và 13 cụ già – là những đối tượng đang được chăm sóc tại chùa Bồ Đề, Long Biên, Hà Nội lên Trung tâm Bảo trợ xã hội Thụy An (huyện Ba Vì) để nuôi dưỡng, chăm sóc. Đến nay, trong chùa đang nuôi dưỡng, chăm sóc khoảng 30 cháu.
Theo Báo Giao Thông
Vụ Bồ Đề: "Tiền trao, cháo múc" vẫn khăng khăng "không mua bán"
Quanh co chối tội, cho rằng việc giao, nhận cháu Công xuất phát từ tình thương, từ tấm lòng, song hai bị cáo Trang và Nguyệt đã bị HĐXX chỉ rõ sự ngụy biện, khẳng định hành động của hai bị cáo là hành vi mua bán trẻ em. Hai bị cáo đã phải nhận những bản án thích đáng.
Cuối giờ chiều ngày 9/9, sau một ngày xét xử, HĐXX sơ thẩm TAND quận Long Biên (Hà Nội) đã tuyên án vụ "Mua bán trẻ em" xảy ra tại chùa Bồ Đề, quận Long Biên, Hà Nội. Từ các tài liệu, chứng cứ điều tra và lời khai các bị cáo trước tòa, lời bào chữa, luận tội của các bên, HĐXX nhận định, hành vi của Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt đã cấu thành tội mua, bán trẻ em.
Chủ tọa phiên tòa đọc bản án dành cho hai bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang và Phạm Thị Nguyệt.
"Hành vi của hai bị cáo đã trực tiếp xâm hại sức khỏe, tính mạng của cháu bé; tước đi quyền được chăm sóc, bảo vệ của cháu, dẫn đến việc cháu bị tử vong" - HĐXX nhận định và cho rằng, trong vụ án này, Phạm Thị Nguyệt là người khởi xướng nên cần có bản án nghiêm khắc, xử phạt nặng hơn Nguyễn Thị Thanh Trang.
Từ đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Phạm Thị Nguyệt 48 tháng tù giam, bị cáo Nguyễn Thị Thanh Trang 42 tháng tù giam cùng về tội mua, bán trẻ em.
Ngoài ra, trước yêu cầu của bị cáo Phạm Thị Nguyệt về việc xin nhận lại 2 đốt ngón tay của cháu Cù Nguyên Công để mang về quê, HĐXX xét thấy không có cơ sở nên đã bác đề nghị này.
"Mờ mắt" vì 40 triệu đồng
Tại phần tranh luận trong phiên xử sơ thẩm chiều 9/9, động cơ, mục đích của hai bị cáo Nguyệt và Trang trong vụ án mua bán trẻ em này đã được HĐXX làm rõ dù cả hai đều quanh co, chối tội. Bị đại diện Viện KSND quận Long Biên vặn hỏi về số tiền 40 triệu đồng, Nguyễn Thị Thanh Trang "nại" rằng do Phạm Thị Nguyệt chủ động bồi dưỡng.
"Nguyệt hứa khi đón được cháu Công sẽ bồi dưỡng 40 triệu đồng" - Trang khai và nói rằng, Trang nghĩ ý của Nguyệt là muốn trả Trang 20 triệu, chị Hà 20 triệu.
Trả lời câu hỏi của đại diện Viện KSND về động cơ, mục đích của hành động cho cháu Công, Trang khai, trước khi nhận tiền, Trang không biết là Nguyệt sẽ cho nhiều như thế. "Tôi thấy Nguyệt cũng thương các cháu mồ côi, lại thường xuyên đến chùa thăm các cháu. Mục đích đầu tiên không phải vì tiền mà vì muốn cháu Công được chăm sóc tốt hơn." - Trang khai.
"Cáo trạng nêu rõ, bị cáo nói với Nguyệt rằng anh Long đã nhận cháu Công làm con đỡ đầu và hứa từ thiện cho chùa 50 triệu đồng, nói Nguyệt muốn nhận con thì phải chi tiền, có đúng không?" - đại diện Viện KSND xoáy sâu.
Nguyễn Thị Thanh Trang vòng vo, cho rằng mình thương hoàn cảnh của Nguyệt cũng như chia sẻ với cảnh ngộ của chị Hà nên đã thực hiện việc giao cháu Công cho Nguyệt. Đại diện Viện KSND đáp lại những ngụy biện của Trang bằng các câu hỏi xoáy vào mối quan hệ giữa Trang và Nguyệt.
"Vì con số 40 triệu đồng mà bị cáo mờ mắt đúng không?" - đại diện Viện KSND chốt. Nguyễn Thị Thanh Trang cúi đầu lí nhí: "Vâng!".
Chủ tọa phiên tòa Nguyễn Thị Nguyệt khẳng định thêm động cơ của bị cáo Trang: "Bị cáo không có thẩm quyền cho con nuôi sao lại giao cháu Công cho Nguyệt, sao lại nhận tiền? Đó là vì bị cáo muốn hưởng lợi, tư lợi cá nhân!"
"Tiền trao, cháo múc" vẫn khăng khăng "không mua bán"
Trước những câu hỏi của đại diện Viện KSND quận Long Biên, Phạm Thị Nguyệt quanh co cho rằng, bị cáo thương cháu Công thật lòng, đã chăm sóc cháu hết sức, chỉ vì không hiểu biết pháp luật nên đã phạm tội. Lúc này, đại diện Viện KSND nghiêm nghị chỉ thẳng động cơ, mục đích của Nguyệt trong vụ mua bán này: "Bị cáo mua cháu Công không phải do không hiểu biết. Bị cáo đã có 2 đứa con ở quê, đã phẫu thuật cắt dạ con, muốn níu kéo với người đàn ông mình chung sống, muốn có người chu cấp nên nói dối rất nhiều người để thực hiện trót lọt hành vi mua bán. Bị cáo không vì quyền lợi của những đứa trẻ. Bị cáo muốn có 1 đứa con trai để sau này có chỗ nương tựa, đó cũng là vì bị cáo."
Hai bị cáo Trang và Nguyệt tại phiên xử chiều 9/9.
Làm rõ hành vi mua, bán của hai bị cáo, đại diện Viện KSND quận Long Biên hỏi thẳng Nguyệt: "Bị cáo có bị oan không, nói thẳng?". Phạm Thị Nguyệt thừa nhận cáo trạng kết tội mình là đúng và khẳng định có đưa tiền cho Trang. Song, Nguyệt khai rằng do Trang nói chị Hà bị bệnh, ảnh hưởng đến tính mạng, cần tiền điều trị, vì tình thương, tình người, nên sau khi nhận cháu Công, Nguyệt đưa tiền cho Trang để chuyển cho chị Hà chứ không phải tiền mua cháu Công.
Lật lại những chứng cứ, lời khai trước, đại diện Viện KSND khẳng định, Phạm Thị Nguyệt đã hứa cho Trang tiền để có được cháu Công. "Bị cáo không hứa cho Trang tiền thì không việc gì chị Trang phải làm những việc khuất tất để đưa cháu Công ra khỏi chùa." - đại diện Viện KSND nói.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại vặn thêm: "Nếu Trang không giao cho bị cáo cháu Công, biết chị Hà bị bệnh thì bị cáo có sẵn lòng đưa tiền không? Bị cáo có quen biết gì chị Hà đâu mà đưa. Hai con bị cáo ở quê không được nuôi đến nơi tới chốn nói gì con nuôi, nói gì người xa lạ. Lý do của bị cáo không thể chấp nhận được.".
Về phần Nguyễn Thị Thanh Trang, bị "xoay" về hành vi giao cháu Công, nhận tiền từ Nguyệt, Trang quanh co, chối tội, cho rằng dù Nguyệt không đưa tiền thì bị cáo cũng giao cháu Công cho Nguyệt. "Ngụy biện" này của Trang bị đại diện Viện KSND bác bỏ, khẳng định hành vi trên là hành vi mua, bán trẻ em.
"Bị cáo Trang bất chấp lợi ích, tính mạng của cháu; Nguyệt lừa dối hàng loạt người để cùng Trang thực hiện một chu trình mua bán. Không thể nói là tự nguyện, không thể nói là bồi dưỡng sức khỏe mẹ cháu. "Tiền trao, cháo múc", đây là quan hệ mua bán rõ ràng, sao các bị cáo còn chối tội?" - luật sư bảo vệ quyền lợi cho bị hại tỏ ra tức giận.
Được nói lời sau cùng trước tòa, Phạm Thị Nguyệt khóc lóc, vẫn cho rằng hành động của mình xuất phát từ tình yêu trẻ thơ, đặc biệt là những đứa trẻ bệnh tật, thiệt thòi. Những trình bày dài dòng của Nguyệt bị chủ tọa ngắt lại.
Một bản án thích đáng đã được dành cho cả hai bị cáo, để các bị cáo có thời gian tu tỉnh, nhận thức lại hành động vi phạm pháp luật của mình.
Tiến Nguyên
Theo Dantri
Bố đẻ Tàng Keangnam: "Tàng làm thì Tàng chịu, tôi không biết" Nói về việc bị truy tố với vai trò đồng phạm, Tráng A Chư - bố đẻ Tàng Keangnam phủ nhận cáo buộc Tàng làm thì Tàng chịu, tôi không biết. Nói về việc bị truy tố với vai trò đồng phạm, Tráng A Chư - bố đẻ Tàng Keangnam phủ nhận cáo buộc: "Tàng làm thì Tàng chịu, tôi không biết". Tại...