Chữa bệnh “truyền miệng”, cha mẹ rước họa cho con
Sau khi hàng chục trẻ ở Khoái Châu (Hưng Yên) bị sùi mào gà nghi bị lây nhiễm sau khi điều trị chít hẹp bao quy đầu, nhiều cha mẹ hối hận khi đưa con đi khám tại “nhà khám tư” chui. Việc cha mẹ tùy tiện tin tưởng chữa bệnh cho con theo “truyền miệng” đã để lại nhiều hậu quả khôn lường.
Sáng 19.7, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đã yêu cầu Sở Y tế Hưng Yên khẩn trương điều tra nguyên nhân vụ việc nhiều bé trai bị viêm nhiễm sùi mào gà. Bên cạnh đó, yêu cầu đình chỉ công tác của bà Hoàng Thị Hiền (tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở) – chủ phòng khám.
Hối hận muộn màng
Nhìn đứa con trai 4 tuổi đang khóc thét vì đau đớn khi được các bác sĩ Bệnh viện Da liễu T.Ư thay băng sau điều trị sùi mào gà bộ phận sinh dục, chị N.T.L (xã Liên Khê, Khoái Châu, Hưng Yên) cũng khóc theo. Chị chùi nước mắt, tấm tức chia sẻ sự hối hận khi đã nghe theo lời mách bảo của bạn bè, đi cắt bao quy đầu ở nhà bà Hiền tại thôn 5, xã Dạ Trạch (huyện Khoái Châu).
Bà Hiền và “phòng khám” sơ sài.
Chị L kể, sau 1 tháng cắt bao quy đầu, đầu dương vật của con chị xuất hiện các nốt đỏ. Khi đi khám lại, bà Hiền bảo do chị vệ sinh không tốt mới bị viêm. Bà này cho con chị bôi xanh etylen rồi cho về. Cùng hôm đó, chị cũng thấy 1 cháu bé 6 tháng tuổi đến khám với dương vật sưng đỏ, bà Hiền bảo do đóng bỉm nhiều. Sau đó, chị thấy con chị bị sưng viêm nghiêm trọng nên đưa ra Bệnh viện Da liễu T.Ư.
Chị L tâm sự, chị đến nhà bà Hiền cũng thấy không có biển hiệu gì nhưng thấy mọi người bảo “bác sĩ” Hiền chữa tốt lắm nên tin tưởng. “Giờ tôi hối hận lắm rồi” – chị L buồn bã. Tương tự, anh Đ.M.H (xã Đông Kết, huyện Khoái Châu, Hưng Yên) kể, gia đình “nghe nói” bà Hiền tốt và chữa thành công cho nhiều trẻ nên đã đưa con đi cắt bao quy đầu ở đó. Chỉ sau một tháng con anh bị ngứa, mọc nhiều nốt sùi ở dương vật. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục quay lại khám ở nhà bà Hiền và vệ sinh cho con theo chỉ dẫn. Chỉ đến sau lần khám thứ 7, thấy dương vật của con vẫn bị phù nề, sưng to, anh mới tá hỏa đưa đi viện. Tại Bệnh viện Da liễu T.Ư, các bác sĩ cũng cho biết, con anh bị bệnh sùi mào gà chứ không phải do “vệ sinh không tốt”.
Các cháu đang điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu T.Ư.
Video đang HOT
“Khi thực hiện cắt bao quy đầu và cắt các vết sùi, bà Hiền chỉ dùng một chiếc găng tay, dùng đi dùng lại nhiều lần. Và cũng chỉ dùng 1 chiếc kéo duy nhất để cắt các vết sùi cho các cháu. Từ khi con vào viện gia đình rất hối hận”- anh H bức xúc. Theo anh H, tiền phí mà anh đã trả cho bà Hiền là gần 3 triệu đồng (bao gồm 1 lần cắt bao quy đầu và 2 lần cắt vết sùi, vệ sinh).
Theo báo cáo của Bệnh viện Da liễu T.Ư, từ 1.5 đến 15.7, BV đã điều trị cho 52 trẻ em dưới 15 tuổi ở Hưng Yên mắc bệnh sùi mào gà. Riêng huyện Khoái Châu (Hưng Yên) có 46 em. Đa số các em đều ở độ tuổi 3-4, nhỏ nhất mới 6 tháng tuổi. Qua khai thác tiền sử bệnh, hầu hết cha mẹ đều cho biết đã cho con đến điều trị chít hẹp bao quy đầu tại “phòng khám” của bà Hoàng Thị Hiền (thôn 5, xã Dạ Trạch, Khoái Châu). Bệnh viện đã báo cáo sự bất thường lên Bộ Y tế để yêu cầu các cơ quan chức năng điều tra làm rõ về nghi ngờ các em bị lây nhiễm sùi mào gà từ phòng khám tư này.
Sau khi vụ việc vỡ lở, Đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hưng Yên mới vào cuộc. Cái được gọi là “phòng khám” tại nhà riêng của bà Hoàng Thị Hiền rất sơ sài, không có biển hiệu, trong nhà có 1 giường khám trải chiếu, 1 tủ thuốc, 1 bộ panh kéo, bông, cồn, 1 bộ huyết áp kế, 1 ống nghe tim phổi.
Bà Hiền cũng không phải là bác sĩ có chuyên khoa nhi hay nam khoa mà chỉ là một y sĩ, công tác tại trạm y tế xã Mễ Sở (huyện Khoái Châu) và đang làm công tác tăng cường ở Trung tâm Y tế huyện Văn Giang. Đương nhiên, “phòng khám” của bà Hiền không có giấy hoạt động.
Theo tường trình của bà Hiền: Bà có thực hiện việc khám, nong và rửa vệ sinh bao quy đầu, sau đó cho các cháu dùng thuốc và hẹn bệnh nhân 2 ngày đến làm vệ sinh một lần. Mỗi bệnh nhân thu từ 300.000 – 500.000 đồng. Cơ sở không ghi chép sổ sách theo dõi nên không nắm được cụ thể số lượng bệnh nhân. Trong khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật, bà Hiền dùng găng tay thông thường. Bà Hiền cho biết chỉ nong dính cho các cháu viêm dính bao quy đầu, không làm chích rạch bằng dụng cụ.
Trách nhiệm của y tế cơ sở
Lý giải nguyên nhân tại sao cha mẹ lại chủ quan, cẩu thả phó mặc sức khỏe của con cho một “cơ sở y tế” không có biển hiệu, điều kiện khám chữa bệnh sơ sài, bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định: “Đó là do sự tuyên truyền của ngành y tế tại khu vực này quá thất bại, chất lượng khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế công của nơi này cũng chưa tạo được sự tin tưởng cho người dân. Nếu làm tốt, tuyên truyền tốt, chắc chắn người dân cũng sẽ thấy hay, thấy tốt mà đến cơ sở y tế công” – ông An nói. Ông An chất vấn, tại sao ở một địa phương mà có hàng chục trẻ ùn ùn đến cắt bao quy đầu hoặc điều trị viêm nhiễm bộ phận sinh dục mà địa phương lại không biết, không cảm thấy lạ? “Chỉ những trẻ thực sự chít hẹp bao quy đầu, có nguy cơ viêm nhiễm mới cần đi khám, nếu bác sĩ chỉ định mới đi nong, đi cắt. Không thể nghe theo lời tuyên truyền đi nong, đi cắt tốt mà “nhà nhà” đưa con đi điều trị chít hẹp bao quy đầu được. Những điều này là trách nhiệm tuyên truyền của y tế cơ sở” – ông An cho biết.
Ngoài ra, theo ông An, việc để một phòng khám không có giấy phép hoạt động tồn tại trong thời gian dài, điều kiện khám bệnh không đảm bảo mà chính quyền địa phương lại “không thấy”, mặc kệ người dân “dại thì đến” là điều không thể chấp nhận được. “Trách nhiệm của chính quyền địa phương là buộc cơ sở này phải đóng cửa, giúp người dân có được môi trường khám bệnh an toàn. Nếu phòng khám đó tồn tại ngay dưới “mí mắt” của chính quyền thì người dân sẽ cho rằng nơi đó an toàn, phòng khám đó có giấy phép, chứ ai ngờ nó hoạt động chui – ông An nhận định.
Còn theo bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP, người dân không phải mù quáng hay mê muội, dễ lừa đến như vậy. Tuy nhiên, khi có nhu cầu khám chữa bệnh mà lại thiếu thông tin họ cần biết thì họ sẽ nghe theo nguồn thông tin mà họ tin tưởng như qua người thân, qua bạn bè… Cho dù thông tin đa dạng, đa chiều nhưng cũng chỉ tập trung đưa thông tin theo sở thích, theo các vụ việc nóng của mạng xã hội. Còn các thông tin hữu ích, thông tin cần cho đời sống lại không nhiều. Vì thế, người dân dù sống trong “biển thông tin” nhưng lại hoàn toàn “không biết bơi” nếu như gặp vấn đề khó xử.
Sau khi tiến hành kiểm tra và xác minh, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hưng Yên đã lập biên bản và kiến nghị mức xử phạt tối thiểu là 110 triệu đồng đối với cơ sở khám “chui” của bà Hoàng Thị Hiền với các hành vi: Cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh không có giấy phép; Bán thuốc tại cơ sở khám, chữa bệnh; Hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép. Đồng thời tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề của y sĩ Hoàng Thị Hiền trong thời hạn từ 6 – 12 tháng.
Việc để hàng chục trẻ bị sùi mào gà sau khi điều trị chít hẹp bao quy đầu là một sự cố y khoa nghiêm trọng. Không chỉ gây đau đớn, sợ hãi cho các cháu, hoang mang, tốn kém cho gia đình mà hậu quả để lại còn lâu dài nếu bệnh không thể điều trị dứt điểm. Ngoài ra, nếu thực sự nguyên nhân đến từ việc điều trị bệnh không đảm bảo vô trùng thì các cháu còn có thể bị lây nhiễm nhiều bệnh nguy hiểm khác như lậu, giang mai, HIV…”. Bác sĩ Nguyễn Trọng An – Phó Giám đốc
Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng
Tuyên truyền về sốt xuất huyết, lao… có thể nhiều nhưng thông tin về cắt bao quy đầu chắc chắn là hiếm. Người dân họ không biết nơi nào có thể điều trị “cái bệnh đó” cho con của họ. Thậm chí, người ta có thể cho rằng, chỉ bệnh nặng mới phải đi viện, còn chuyện nho nhỏ như nong, cắt bao quy đầu quá “vớ vẩn”. Do đó, không vô lý khi người ta lại đổ dồn đến chỗ của y sĩ đó, cho dù cơ sở không có biển hiệu”. Bác sĩ Phạm Vũ Thiên – Phó Giám đốc
Trung tâm sáng kiến sức khỏe dân số CCIHP
Theo Danviet
Cần đình chỉ y sĩ nghi làm lây bệnh sùi mào gà cho trẻ ở Hưng Yên
Ngày 19.7, PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, Sở Y tế Hưng Yên đã kiến nghị 3 hình thức xử phạt hành chính với y sĩ Hiền. Tuy nhiên trước hết cần tạm ngưng công việc chuyên môn của y sĩ Hiền tại trạm y tế để yêu cầu y sĩ này báo cáo tường trình cụ thể hơn về vụ việc".
Theo tin từ Sở Y tế Hưng Yên, Sở đã thành lập đoàn thanh tra để kiểm tra, xác minh vụ việc liên quan đến hàng chục trẻ em bị sùi mào gà sau khi điều trị chít hẹp bao quy đầu tại nhà y sĩ Hoàng Thị Hiền (thôn 5, xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu). Kết quả sơ bộ bước đầu xác minh trên địa bàn xã Dạ Trạch, huyện Khoái Châu có cơ sở khám, chữa bệnh của bà Hoàng Thị Hiền, đang công tác tại Trạm Y tế xã Mỗ Sở, huyện Văn Giang, hành nghề ngoài giờ tại nhà riêng.
Bà Hiền có chứng chỉ hành nghề, văn bằng chuyên môn: Y sĩ đa khoa, phạm vi hoạt động chuyên môn: Thực hiện chuyên môn kỹ thuật của điều dưỡng. "Cơ sở khám chữa bệnh" của bà Hiền không có biển hiệu, trong nhà có 1 giường khám, 1 tủ thuốc, 1 bộ panh kéo, bông, cồn, 1 bộ huyết áp kế, 1 ống nghe tim phổi. Cơ sở của bà Hiền chưa được cấp giây phép hoạt động.
Bà Hiền và "phòng khám" sơ sài của mình (Ảnh: Diệu Thu)
Theo tường trình của bà Hiền: Bà Hiền có thực hiện việc khám, nong và rửa vệ sinh bao quy đầu, sau đó cho các cháu dùng thuốc và hẹn bệnh nhân 2 ngày đến làm vệ sinh một lần. Mỗi bệnh nhân thu từ 300.000-500.000 đồng. Cơ sở không ghi chép sổ sách theo dõi nên không nắm được cụ thể số lượng bệnh nhân. Trong khi thực hiện dịch vụ kỹ thuật, bà Hiền dùng găng tay thông thường. Bà Hiền cho biết chỉ nong dính cho các cháu viêm dính bao quy đầu, không làm chích rạch bằng dụng cụ.
Đoàn kiểm tra đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, kiến nghị mức xử phạt các hành vi theo Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế vì hành vi cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt dộng; hành vi bán thuốc cho người bệnh tại cơ sở khám, chữa bệnh; hành nghề vượt quá phạm vi chuyên môn được phép và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 6 đến 12 tháng.
Hàng chục trẻ đang phải chịu đau đớn khi điều trị sùi mào gà tại Bệnh viện Da liễu T.Ư
Giám đốc Sở Y tế Hưng Yên cho biết, về việc xác định nguyên nhân gây bệnh, Sở Y tế sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bệnh viện Da liễu Trung ương tiến hành điều tra nguyên nhân theo chỉ đạo của Bộ Y tế để có giải pháp ngăn chặn các trường hợp tương tự.
"Cần phải yêu cầu y sĩ Hiền tường trình cục thể hơn. Y sĩ Hiền nói rằng không nhớ rõ số lượng bệnh nhi bà đã thực hiện cắt bao quy đầu trên địa bàn. Tuy nhiên báo cáo của Bệnh viện Da liễu Trung ương cho thấy có gần 40 ca trên địa bàn và người nhà cho biết đều cho con làm ở chỗ y sĩ Hiền. Do đó, Sở Y tế Hưng Yên cần làm rõ thêm về nội dung này để việc điều tra dịch tễ, xác định nguyên nhân gây bệnh cho trẻ được chính xác hơn"- PGS Khuê nói.
Trong sáng ngày 19.7, đoàn công tác của Bệnh viện Da liễu Trung ương do lãnh đạo Bệnh viện làm trưởng đoàn cùng các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương về Hưng Yên làm việc, điều tra dịch tễ và bàn phương án điều trị tốt nhất cho các bệnh nhi.
Theo Danviet
37 trẻ đột nhiên mắc sùi mào gà: Lần đầu tiên có chuyện động trời PGS.TS.Lê Hữu Doanh lo ngại, bệnh sùi mào gà ở trẻ em, không giống như người lớn, bởi trẻ em mắc sùi mào gà sẽ rất nặng, rất hiếm gặp và khó điều trị. Liên quan đến vụ hàng loạt trẻ ở Khoái Châu, Hưng Yên mắc sùi mào gà, PGS.TS.Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho...