Chữa bệnh cho tóc
“Đếm cả trên 100 sợi tóc rụng mỗi ngày khiến tôi rơi vào cảm giác mất mát và sợ hãi. Càng sợ, tóc càng rụng không thương tiếc…”
Không biết cách gì “giữ chân” chúng, tôi đành đến bệnh viện cầu cứu bác sĩ”, chị Thùy An, đang điều trị rụng tóc tại BV Da Liễu nói về tâm trạng của mình khi phải đối diện với sự “ra đi” ngày một nhiều của tóc. Bác sĩ Phạm Thị Kim Anh – BV Da Liễu TP.HCM cho biết: “Trong số các bệnh nhân tìm đến BV để điều trị bệnh về tóc thì rụng tóc chiếm tỷ lệ cao nhất”.
Tóc là thứ “trang sức” cực kỳ quý giá, bởi nó có thể giúp chúng ta trông đẹp hơn. Tuy nhiên, tóc cũng dễ dàng xơ xác mất sức sống, già nua và đồng loạt “chết trẻ”. Có nhiều nguyên nhân “giết” chết tóc. Và, việc điều trị không chỉ đơn giản là dùng thuốc giúp tóc ngưng rụng mà phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa thầy thuốc và bệnh nhân để “triệt hạ” đúng “hung thủ” đã “ám sát” tóc.
Theo bác sĩ Kim Anh, tóc thường rụng sau một cơn bệnh nặng như: sốt rét, sốt xuất huyết, cúm hoặc sau khi sinh… Bên cạnh đó, stress, mất cân bằng về hormone do tác động bởi yếu tố tuổi tác cũng “đánh gục” tóc không thương tiếc. Một số trường hợp điều trị không đem lại kết quả mong muốn vì stress quá nặng làm trụi và mất chân tóc!
Một trong những “thủ phạm” khiến tóc không thể bám trụ vào gốc là dầu gội. Trên thị trường có nhiều loại dầu gội, serum dưỡng tóc, kem ủ tóc… Tuy nhiên, mỗi loại có công dụng riêng, không thể thích gì dùng nấy. Dầu gội: giúp mở biểu bì, làm sạch tóc và da đầu. Dầu xả: cung cấp dưỡng chất, giúp khép lại lớp biểu bì. Tinh chất (serum) dưỡng tóc tạo độ bóng, bảo vệ tóc trước những tác động có hại của môi trường như khói xe, bụi, tia tử ngoại… (dầu xả đơn thuần không làm được điều này). Riêng kem ủ tóc, được biết đến thời gian gần đây khi nhuộm tóc trở nên phổ biến. Đây được xem như “thuốc” đặc trị của tóc nhờ tác động sâu vào bên trong sợi tóc.
Do tính chất khác nhau, nên cách sử dụng cũng khác, dầu xả và tinh chất có thể sử dụng vài lần/tuần, còn kem ủ chỉ sử dụng một lần/tuần khi tóc bị khô, xơ, gãy… Một sai lầm thường thấy là các kỹ thuật viên khi gội đầu thường để dầu xả, tinh chất, kem ủ tiếp xúc trực tiếp với da đầu. Điều này không tốt, vì có thể gây bệnh cho tóc, tốt nhất nên bôi các sản phẩm này cách chân tóc từ 3-5cm. Da đầu có dầu, có gàu, do đó nếu nóng tính, nghiện thuốc lá, rượu, ăn kiêng triệt để chất béo, đồ mặn, sử dụng thường xuyên sản phẩm tạo dáng tóc, căng thẳng vì công việc, trọng lượng không ổn định, ngủ không đủ giấc… cũng góp phần khiến tóc yểu mạng.
Nhuộm tóc làm thay đổi diện mạo và phong cách, khiến bạn đẹp hơn, sành điệu hơn, nhưng… được cái này sẽ mất cái kia! Tóc nhuộm sẽ yếu hơn tóc thường (vì lớp biểu bì của tóc đã bị mở ra để tiếp nhận hóa chất) nên dễ hư tổn do các tác nhân gây hại từ bên ngoài như: nắng, ô nhiễm, dầu gội quá mạnh… Tuy nhiên, cách tốt nhất để tóc không lâm bệnh nặng là không cùng một lúc dùng các “sát thủ”: uốn, nhuộm, duỗi, sản phẩm tạo dáng tóc…
Phụ nữ trong thời kỳ “bầu bì” và sau khi sinh thường bị rụng tóc do thay đổi nội tiết tố. Khi gặp trường hợp này, không ít người đã đi uốn tóc để tóc có vẻ dày hơn. Bác sĩ Võ Quang Đỉnh – Đại học Y Dược TP.HCM cho rằng, “trong khi mang thai và cho con bú, không nên tiếp xúc với hóa chất (uốn, nhuộm…) vì như thế sẽ làm cho tóc yếu và dễ gãy rụng. Đó là chưa kể các hóa chất này có thể ảnh hưởng đến thai nhi. Nếu bị rụng tóc giai đoạn này hãy yên tâm, tóc sẽ mọc lại sau thời gian từ sáu tháng đến một năm”.
Cuối cùng là rụng tóc do di truyền gây hói ở đàn ông và thưa tóc ở phụ nữ. Nếu thấy hói khi chưa đến tuổi 30 và trong gia đình có biểu hiện di truyền bị hói thì nên đi khám ngay. Việc điều trị không có kết quả 100%, nhưng không phải là bi quan hoàn toàn.
Muốn cho sợi tóc sống thọ, các bác sĩ da liễu khuyên: ăn uống đầy đủ các chất đạm, sinh tố, khoáng chất… Tốt nhất là đừng kén ăn, vì kén ăn cũng là nguyên nhân khiến cơ thể không đủ chất dinh dưỡng “níu” chân tóc ở lại. Thêm vào đó, bạn hãy tránh stress, có cuộc sống điều độ, ăn ngủ đúng giờ, thường xuyên tập thể dục.
Theo Phương Nam
PNO