Chu Vĩnh Khang thời trai trẻ
Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, Chu Vĩnh Khang từng được đánh giá là một học sinh gương mẫu, một cán bộ dầu khí trẻ mẫn cán, liêm khiết.
Chu Vĩnh Khang sinh năm 1942, tại thôn Tây Tiền Đầu, thị trấn Hậu Kiều, huyện Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Tên khai sinh của Chu là Chu Nguyên Căn, là anh cả trong một gia đình nhà nông nghèo có ba anh em.
Căn biệt thự của gia tộc Chu Vĩnh Khang tại quê nhà, thôn Tây Tiền Đầu. Ảnh:Xinhua
Những năm tháng ở quê
Theo Caixin, trong ấn tượng của bà con láng giềng, bố mẹ của Chu, ông Chu Nghĩa Sinh và bà Chu Tú Kim, đều là người tốt. Bà Chu Tú Kim còn từng làm chủ nhiệm đội sản xuất nữ của thôn.
Năm 1956, Chu Nguyên Căn thi đỗ vào trường trung học Học Hải, một trong hai trường điểm của huyện. Do trong lớp có bạn học cùng tên với Chu, nên cô giáo chủ nhiệm Châu Mộng Chu đổi tên cho trùm an ninh tương lai của Trung Quốc thành Chu Vĩnh Khang.
Trong ấn tượng của bạn học thời bấy giờ, Chu Vĩnh Khang là học sinh gương mẫu, biết tiết kiệm cho gia đình. “Thời cấp hai, Chu Vĩnh Khang rất lịch sự, hay cười, thậm chí còn bị các bạn khác bắt nạt”, ông Châu Nguyên Khánh, bạn học cấp hai của Chu, nhớ lại. Ông cũng cho biết, trường học ở xa nhà, trong khi tiền thuê phòng ký túc thì đắt, nên Chu cùng một số bạn thuê nhà ngay ở thị trấn cho rẻ.
Thiếu niên Chu Vĩnh Khang có gia cảnh bần hàn, nên rất chịu khó học, đạt thành tích cao trong lớp. “Hồi đó, giáo viên rất nghiêm khắc, nên để có kết quả cao không dễ dàng gì”, ông Chu Căn Sinh, một người bạn học khác, kể lại. Năm 1958, Chu Vĩnh Khang thi đỗ vào trường cấp ba Tô Châu, trường trọng điểm của tỉnh Giang Tô với hàng trăm năm lịch sử.
Tại đây, Chu Vĩnh Khang vẫn được đánh giá là học sinh gương mẫu, học hành chăm chỉ. Mỗi khi nghỉ hè về quê, Chu đều tham gia hoạt động đoàn thể của địa phương, được bầu làm tổ trưởng tuyên truyền, tổ chức hoạt động xóa mù chữ ở thôn.
55 năm sau, khi Chu về thăm trường cũ, trường cấp ba Tô Châu từng đánh giá rằng: “Chính bầu không khí học tập tại mảnh đất này đã khơi gợi niềm hứng thú học tập của ông, đã có ảnh hưởng sâu rộng đến sự phát triển của ông”.
Năm 1961, Chu Vĩnh Khang thi đỗ vào Học viện Dầu khí Bắc Kinh, là một trong số ít các học sinh đỗ đại học của thị trấn Hậu Kiều và được coi là niềm tự hào của thôn Tây Tiền Đầu. Cũng từ đó, Chu rời xa quê hương, bước chân vào con đường hoạn lộ.
Khởi nghiệp từ dầu mỏ
Video đang HOT
Chu (bìa trái) trò chuyện với sinh viên Đại học Dầu khí Tây An vào thời điểm ông còn giữ chức phó tổng giám đốc của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNCP). Ảnh: Sina
Mùa hè năm 1966, Chu Vĩnh Khang tốt nghiệp đại học, chờ được tổ chức phân công công tác. Nhưng năm đó, Trung Quốc nổ ra cuộc Đại cách mạng văn hóa, Chu và các bạn học cùng khóa bị giữ lại trường đợi phân công suốt một năm.
Năm 1967, Chu được phân công về đội khảo sát địa chất tại xưởng 673, thuộc mỏ dầu Đại Khánh, tỉnh Liêu Ninh. Đây là đơn vị mới thành lập, có nhiệm vụ khảo sát khai thác mỏ dầu Liêu Hà.
Năm 1970, khi mỏ Liêu Hà chính thức đi vào khai thác, kỹ thuật viên Chu Vĩnh Khang được điều qua phòng khu vực, đoàn địa chất thuộc Bộ chỉ huy mỏ Liêu Hà. Trong ba năm sau đó, Chu có những bước thăng tiến đầu tiên trong sự nghiệp, từ một nhân viên bình thường được bầu làm bí thư chi bộ, rồi thăng lên đại đội trưởng.
Trong ký ức của đồng nghiệp, Chu Vĩnh Khang là người tốt, biết đồng cam cộng khổ với anh em. Kỹ sư cao cấp Trương Quốc Thành, người từng làm việc với Chu tại đoàn địa chất, kể lại rằng, có lần cả đoàn đi khảo sát ở vùng xa, khi về đại đội trưởng Chu Vĩnh Khang không ngồi chung xe tải với anh em, mà tự mua vé tàu hỏa về. Khi được hỏi lý do, Chu nói anh em chắc chắn sẽ để mình ngồi trong khoang lái, mà cả đoàn phải ngồi ở khoang tải trong trời mùa đông lạnh cắm. Chu không đành lòng.
Năm 1973, đoàn địa chất được nâng cấp bậc thành phòng khảo sát địa chất, thuộc Cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. “Mặc dù được thăng chức, Chu không có gì thay đổi, vẫn tích cực làm việc, không tỏ vẻ lãnh đạo với anh em”, ông Trương Quốc Thành cho biết.
Do tính chất công việc, phòng khảo sát địa chất không ngừng được mở rộng, với hơn 2300 nhân viên chia thành 10 phân đội. “Cứ đến mùa đông là chúng tôi phải đi thực địa, có khi ngay cả Tết cũng không được về nhà”, ông Ninh Quảng Vận, cấp phó của Chu lúc ấy, nhớ lại. “Mỗi dịp lễ tết, trưởng phòng Chu Vĩnh Khang lại thường xuyên đi thăm anh em”.
Năm 1976, Chu Vĩnh Khang được đề bạt làm phó chủ nhiệm chính trị của cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. Ba năm sau, Chu được thăng lên cục phó kiêm bí thư đảng ủy bộ chỉ huy khoan dầu.
Đội khoan dầu là đơn vị trực thuộc lớn nhất của mỏ dầu Liêu Hà lúc đó. Tại đây, cấp trên và đồng nghiệp đánh gia rất cao năng lực công tác của Chu Vĩnh Khang. Nhưng do chuyên ngành đào tào thời đại học là khảo sát, nên lãnh đạo bộ Dầu khí trực tiếp yêu cầu chuyển Chu sang làm bí thư đảng ủy kiêm tổng chỉ huy đội khảo sát địa chất.
Đây cũng là giai đoạn Trung Quốc bắt đầu công cuộc cải cách mở cửa. Giới lãnh đạo tại Bắc Kinh mà đứng đầu là Đặng Tiểu Bình quyết định trẻ hóa đội ngũ quan chức. Năm 1983, Chu Vĩnh Khang được đề bạt làm cục trưởng cục khảo sát dầu khí Liêu Hà. Năm đó, Chu mới chỉ ngoài 40, là nhân tố nổi trội trong hàng ngũ lãnh đạo cục. Một năm sau, Chu kiêm nhiệm chức thị trưởng, phó bí thư thành ủy thành phố Bàn Cẩm.
Cuộc hôn nhân đầu tiên
Người vợ đầu của Chu Vĩnh Khang tên là Vương Thục Hoa, chết vì tai nạn xe hơi năm 2000, không lâu sau khi ly dị chồng. Ảnh: News.163
Trong thời gian công tác tại Liêu Hà, Chu Vĩnh Khang quen và kết hôn với người vợ đầu tiên là bà Vương Thục Hoa. Theo lời kể lại của vợ chồng ông Tống Điện Thần, người làm mối cho Chu, Vương Thục Hoa là công nhân thuộc đoàn địa chất do Chu lãnh đạo. Vương quê ở tỉnh Hà Bắc, xuất thân từ gia đình nông dân. “Vương Thục Hoa dáng người gầy, da ngăm đen, rất chất phác”, vợ của ông Tống cho biết. “Việc gia đình một tay cô ấy làm hết, là một người vợ tốt”.
Trong ấn tượng của đồng nghiệp cũ, cuộc hôn nhân giữa Chu và Vương rất hạnh phúc. Vì vậy, họ bán tín bán nghi trước những tin đồn xung quanh cái chết của Vương Thục Hoa. Năm 2000, bà Vương qua đời trong một vụ tai nạn xe hơi. Không lâu sau, Chu tái hôn với Giả Hiểu Diệp, một ngôi sao truyền hình của CCTV, kém ông 28 tuổi. Chu bị dư luận nghi vấn là có liên quan đến cái chết của người vợ đầu.
Khi Chu được đề bạt làm cục trưởng, Vương được chuyển về công tác tại văn phòng cục, phụ trách công việc văn thư. Sau khi Chu được điều về bộ Dầu khí, Vương theo chồng lên Bắc Kinh, nhưng vẫn thường xuyên gọi điện hỏi thăm người quen cũ.
Chu Vĩnh Khang và Vương Thục Hoa có với nhau hai người con trai, là Chu Bân và Chu Hàm. Sau này, người con cả Chu Bân cùng vợ là Vương Uyển đều bị bắt và điều tra với các cáo buộc phạm pháp trong lĩnh vực mà Chu Vĩnh Khang từng phụ trách. Riêng Chu Hàm do bất hòa với bố sau cái chết của mẹ, đã sớm đoạt tuyệt quan hệ với gia đình.
Trong thời gian công tác tại Liêu Hà, gia đình Chu Vĩnh Khang được đánh giá là thanh liêm, không hay nhận quà của cấp dưới. Ngay cả khi không thể từ chối, Chu cũng sẽ có quà đáp lại. Tuy nhiên, một số đồng nghiệp cũ lại cho rằng Chu không thể không tham, chẳng qua hành vi tham nhũng ở Liêu Hà là việc rất bình thương nên không ai để ý.
“Hồi đó, dầu khí còn theo cơ chế phân phối kế hoạch, chuyện con em trong ngành tích trữ, bán chác dầu khí là rất bình thường. Việc nhờ lãnh đạo ký giấy phê chuẩn là chuyện làm ăn một vốn bốn lời”, một đồng nghiệp cũ của Chu cho biết.
Năm 1985, Chu Vĩnh Khang rời Liêu Hà, lên Bắc Kinh đảm nhận chức thứ trưởng bộ Dầu khí. Con đường thăng tiến nhanh chóng của Chu bắt đầu từ đây. Năm 1999, Chu được thăng chức bí thư tỉnh ủy Tứ Xuyên, rồi được bổ nhiệm làm bộ trưởng Công an năm 2002. Năm 2007, Chu được bầu vào thường vụ Bộ Chính trị, cơ quan quyết sách tối cao của Trung Quốc.
Sau khi về hưu, Chu Vĩnh Khang quay trở lại thăm đơn vị cũ Liêu Hà vào tháng 12/2012. Đây cũng là lần cuối cùng Chu quay trở lại đây. “Ông ấy nhớ hết những đồng nghiệp cũ, còn bắt tay hỏi thăm tôi”, ông Trương Quốc Thành nhớ lại. “Ông ấy nói giờ đã về hưu rồi, đây là lần cuối về thăm đơn vị cũ”.
Nửa năm sau, Ủy ban Kỷ luật và Kiểm tra Trung ương quyết định điều tra Chu Vĩnh Khang. Ngày 6/12, Chu chính thức bị bắt và đang được chuyển sang cơ quan tư pháp, với một loạt cáo buộc trong đó có tham nhũng, làm lộ bí mật quốc gia, quan hệ bất chính với nhiều phụ nữ.
Đức Dương
Theo Caixin
Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử
"Có một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo Trung Quốc suốt mấy thập niên qua là mức phạt tối đa cho quan chức cấp cao bị buộc tội tham nhũng là tử hình nhưng được hoãn thi hành án", giới phân tích dự đoán ông Chu Vĩnh Khang sẽ bị xét xử kín và có thể đối diện bản án nặng hơn Bạc Hy Lai.
Ông Chu Vĩnh Khang sắp phải đối mặt với tòa án với vô số tội danh - Ảnh: El Pais
Ngày 7.12, tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời giới phân tích dự đoán cựu Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) Chu Vĩnh Khang, 72 tuổi, có thể chịu mức án tử hình hoặc tử hình treo (tức được hoãn thi hành án và sau đó có thể giảm còn chung thân).
Giáo sư chính trị học Trương Minh tại Đại học nhân dân Trung Quốc cho hay: "Có một sự đồng thuận trong giới lãnh đạo suốt mấy thập niên qua là mức phạt tối đa cho quan chức cấp cao bị buộc tội tham nhũng là tử hình nhưng được hoãn thi hành án".
Tuy nhiên, theo chuyên gia Chương Nãi Khí ở Bắc Kinh thì trong bối cảnh Chủ tịch Tập Cận Bình tỏ ra rất cứng rắn bằng chiến dịch trong sạch hóa đội ngũ lãnh đạo, đồng thời đã củng cố vững chắc vị thế lãnh đạo của mình thì khả năng ông Chu Vĩnh Khang bị xử tử hoàn toàn có thể xảy ra.
Ngoài ra, hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng ông Chu sẽ bị xử nặng hơn "đệ tử" thân tín của ông ta là cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Ông Bạc bị tuyên án tù chung thân hồi tháng 9.2012 bởi tội nhận hối lộ, tham nhũng và lạm quyền.
Các nhận định trên được đưa ra một ngày sau khi Tân Hoa xã đưa tin ông Chu bị khai trừ đảng do mắc nhiều tội danh nghiêm trọng, trong đó có tiết lộ bí mật quốc gia, và Viện KSND tối cao Trung Quốc quyết định bắt ông này để điều tra hình sự.
Ông Chu Vĩnh Khang có thể đối mặt án tử - Ảnh: Reuters
Đến ngày 7.12, nhiều quan chức, học giả, doanh nhân Trung Quốc lên tiếng ủng hộ quyết định nói trên, ca ngợi đây là bằng chứng cho nguyên tắc "mọi người đều bình đẳng trước pháp luật" và "không có vùng cấm trong chống tham nhũng". Ủy viên Ban Kiểm tra kỷ luật thành phố Truy Bác, ông Bạch Niệm Bác khẳng định với Tân Hoa xã: "Đây là chiến thắng lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng".
Bí mật quốc gia là bí mật gì ?
Theo SCMP, dư luận Trung Quốc và giới chuyên gia còn tập trung chú ý vào cáo buộc rò rỉ bí mật quốc gia nhằm vào ông Chu, người từng giữ vị trí Chủ nhiệm Ủy ban Chính pháp T.Ư, chịu trách nhiệm giám sát Bộ Công an và các cơ quan tình báo.
"Chưa từng có ai ở cấp đó bị cáo buộc rò rỉ bí mật nhà nước. Điều này càng chứng tỏ sự mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình và chắc chắn sẽ thu hút sự chú ý của người dân", Giáo sư Minxin Pei tại Đại học Claremont McKenna (Mỹ) nhận định với tờ The Wall Street Journal.
Nhà phân tích Trần Đạo Ngân tại Đại học Chính trị và luật Thượng Hải thì cho rằng ông Chu có thể đã "dùng vị thế của mình để rò rỉ thông tin về sắp xếp nhân sự cấp cao cho cấp dưới, ứng viên hoặc thậm chí truyền thông nước ngoài nhằm kiếm lợi, gây ảnh hưởng tới các đợt thay đổi ở cấp lãnh đạo".
Mặt khác, theo nhà bình luận Chương Nãi Khí, cáo buộc nói trên có thể nhằm tạo điều kiện pháp lý để xử kín ông Chu. Giới quan sát chỉ ra rằng phiên xử công khai nhằm vào Bạc Hy Lai hồi năm ngoái đã gây nhiều vấn đề khi ông Bạc không nhận tội, tranh cãi quyết liệt với tòa và thậm chí xúc phạm các nhân chứng. Ông Chu Vĩnh Khang được cho là còn "dữ tợn" hơn Bạc Hy Lai, từng giữ vị trí cao hơn và biết nhiều bí mật hơn nên khả năng xử kín là rất cao.
Văn Khoa
Theo Thanhnien
Chu Vĩnh Khang có thể bị kết án tử hình Nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, cựu Bộ trưởng Công an Trung Quốc Chu Vĩnh Khang nhiều khả năng phải đối mặt án tử hình treo (được hoãn thi hành án một thời gian), báo Hong Kong South China Morning Post ngày 7/12 dẫn nhận định của một số nhà phân tích. Ông Chu Vĩnh Khang được cho sẽ đối mặt...