Chu Vĩnh Khang – người quyền lực thứ ba một thời ở Trung Quốc
Cựu ủy viên thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang, người vừa bị bắt, từng được cho là giữ vị trí quyền lực lớn thứ ba ở nước này, chỉ sau chủ tịch nước và thủ tướng.
Chu Vĩnh Khang bị cáo buộc xây dựng mạng lưới tội phạm quy mô lớn. Ảnh: AP
Trước khi nghỉ hưu năm 2012, ông Chu Vĩnh Khang có 5 năm nắm giữ vị trí được đánh giá là “người đứng thứ ba” trong bậc thang quyền lực Trung Quốc, khi người giám sát trên ông chỉ có chủ tịch kiêm tổng bí thư và thủ tướng. Ông đứng đầu Ủy ban Các vấn đề Pháp lý và Chính trị của đảng Cộng sản, kiểm soát ngành an ninh, tòa án, cảnh sát và một phần quân đội, theo The Guardian.
Reuters từng có báo cáo cho rằng tổng tài sản nhà họ Chu nắm giữ có giá trị khoảng 90 tỷ nhân dân tệ, tương đương 14,5 tỷ USD. Tài liệu của New York Times cho thấy con trai ông, chị em dâu và thông gia nắm giữ khoảng 1 tỷ nhân dân tệ, tương đương 160 triệu USD, phần lớn là từ ngành dầu khí Trung Quốc.
Bài bình luận trên People’s Daily tháng trước đề cập đến cáo buộc Chu Vĩnh Khang là người chỉ đạo 5 mạng lưới tham nhũng gồm mạng lưới ở tỉnh Tứ Xuyên, trong ngành dầu khí, ngành công an, mạng lưới các thư ký và mạng lưới gia đình, họ hàng. “Ông Chu hình thành một khối tội phạm”, tác giả bài báo viết.
“Nhân tố dầu lửa”
Sinh năm 1942, ông Chu Vĩnh Khang là con trai cả trong một gia đình nghèo khó ở tỉnh Giang Tô, Trung Quốc. Năm 1958, ông thi đỗ vào Học viện Xăng dầu Bắc Kinh, nay là Đại học Xăng dầu Trung Quốc, nắm lấy cơ hội thay đổi cuộc đời từ đó.
Ra trường, ông Chu là một thợ máy ở mỏ dầu Đại Khánh, Hắc Long Giang. Từ một thanh niên khỏe mạnh, liều lĩnh, dám thử những điều mới mẻ, dần dần ông Chu trở thành người đứng đầu của dầu mỏ Liễu Hà. Năm 1996, ông Chu là lãnh đạo của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), hiện là nhà sản xuất dầu lớn nhất nước này.
Năm 1999, Chu Vĩnh Khang trở thành bí thư của tỉnh giàu tài nguyên Tứ Xuyên và tiếp tục bước đường công danh sự nghiệp. Khi đó ông Chu tạo dựng danh tiếng là người có lập trường kiên định. Ông là nhân vật trung tâm trong mạng lưới những chính trị gia có ảnh hưởng và có mối liên hệ với ngành công nghiệp dầu mỏ nhiều lợi nhuận và quyền lực.
Đôi khi ông Chu được miêu tả là Dick Cheney của Trung Quốc. Cheney là phó tổng thống Mỹ nổi danh về sức ảnh hưởng về các vấn đề an ninh và quốc phòng Mỹ dưới thời Tổng thống George W. Bush.
Ông Chu được coi là “nhân tố dầu lửa” trong đảng Cộng sản, một mạng lưới các chính trị gia có ảnh hưởng, có mối quan hệ thân cận với ngành năng lượng Trung Quốc.
Năm 2002, ông Chu được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Công an và 5 năm sau có tên trong danh sách 9 thành viên của Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc, cơ quan đưa ra quyết sách cao nhất, sánh vai cùng Hồ Cẩm Đào, Tập Cận Bình, Ôn Gia Bảo và Lý Khắc Cường.
Ông trở thành người đứng đầu Ủy ban Chính trị và Luật pháp trung ương (CPLC), chịu trách nhiệm về an ninh nội địa của cả Trung Quốc, bao gồm cảnh sát, tòa án, nhà tù. Ông để lại dấu ấn ở các cuộc trấn áp những vụ bất ổn ở Tây Tạng và Tân Cương. Theo báo cáo của bộ tài chính Trung Quốc, năm 2013 ngân sách chính thức do CPLC quản lý vượt ngân sách quốc phòng trong năm thứ 4 liên tiếp, với 124 tỷ USD dùng cho an ninh nội địa so với 123 tỷ USD chi tiêu cho quân đội.
Theo Joseph Cheng, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Thành phố Hong Kong, ông Chu đã gây dựng được quyền lực và nguồn lực, mạng lưới người thân cận và bè cánh trong đội ngũ lãnh đạo đảng, để từ đó củng cố quyền lực chính trị. Việc ông Chu chịu trách nhiệm về bộ máy an ninh, mạng lưới ngày càng lớn mạnh dần và trở nên quá quyền lực, khiến nhiều người thấy không thoải mái.
Video đang HOT
Mối quan hệ với Bạc Hy Lai
Ông Chu được cho là người đỡ đầu cho Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh (phải). Ảnh: SCMP
Giới quan sát nhận định sau vụ án của Bạc Hy Lai, việc ông Chu bị điều tra là “điều không thể tránh khỏi”.
Ông Chu được cho là người đỡ đầu của Bạc Hy Lai, cựu bí thư Trùng Khánh, người bị tuyên án tù vào tháng 9 năm ngoái vì tội tham nhũng và lạm quyền. Ông Chu từng đề cử Bạc Hy Lai tiếp quản vị trí của ông (người đứng đầu ngành công an) và dàn xếp để ông này vào Ủy ban Thường trực Bộ Chính trị. Vụ án của ông Bạc là bê bối chính trị chấn động nhất Trung Quốc từ sau Cách mạng Văn hóa.
“Trong mắt Tập Cận Bình và các lãnh đạo khác, tội danh của Chu Vĩnh Khang là hỗ trợ Bạc Hy Lai”, Willy Lam, chuyên gia chính trị tại Đại học Trung Quốc Hong Kong, nói. Theo Lam, Bạc Hy Lai hình thành nên một liên minh bí mật, một bè cánh thiết lập quyền lực, và Chu Vĩnh Khang là một trong những người thân thiết nhất của Bạc Hy Lai, vì thế ông Chu bị điều tra.
Hầu hết những trợ lý thân cận của ông Chu trong ngành dầu khí cũng mới bị bắt giữ, trong đó có Lý Hoa Lâm, phó tổng giám đốc CNPC và là cựu thư ký riêng của ông Chu. Một số người họ hàng của ông Chu cũng bị điều tra vì những giao dịch trái phép liên quan đến CNPC, gồm con trai cả Chu Bân, con dâu Vương Uyển, em trai Chu Nguyên Thanh, em dâu Chu Linh Anh và cháu Chu Phong. Ngoài ra, Tưởng Khiết Mẫn, cựu lãnh đạo CNPC và đồng thời là người thân cận của ông Chu, cũng bị Ủy ban Trung ương về thanh tra kỷ luật thẩm vấn.
Nghi vấn sát hại vợ cũ
Theo Xinhua, ông Chu Vĩnh Khang thừa nhận “có quan hệ tình cảm với nhiều phụ nữ, trao đổi quyền lực lấy tình dục và tiền”.
Bên cạnh việc có nhiều người tình vây quanh, ông Chu còn bị nghi vấn là sát hại vợ cũ hồi năm 2000. Bà Vương Thục Hoa, vợ đầu tiên của ông Chu, được Caixin miêu tả là người phụ nữ “đơn giản và chất phác”. Họ gặp nhau khi cùng làm việc những năm 1970 ở mỏ dầu ở Liaohe, thuộc khu tự trị Nội Mông. Bà mất năm 2000 trong một vụ tai nạn xe hơi.
Không lâu sau, ông Chu tái hôn với Giả Hiểu Diệp, một ngôi sao truyền hình của CCTV, kém ông 28 tuổi. Kênh Phoenix có trụ sở tại Hong Kong cho biết Giả Hiểu Diệp cũng từng bị bắt giữ khi cảnh sát điều tra nghi vấn ông sát hại người vợ đầu.
Theo Jean-Pierre Cabestan, chuyên gia về chính trị và luật pháp Trung Quốc tại Đại học Baptist Hong Kong, nhà chức trách Trung Quốc có thể thận trọng về quá trình tố tụng với ông Chu.
“Luôn có rủi ro với phiên tòa công khai”, các lãnh đạo đảng có thể hành động để đảm bảo phiên tòa xử ông Chu “được kiểm soát tốt hơn” so với quá trình tố tụng với Bạc Hy Lai, bao gồm chi tiết về tình ái và khối tài sản khổng lồ tích lũy được của ông Chu.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc có nguy cơ lộ các bí mật nếu Chu bị xử công khai. Một số nguồn tin cho hay nguyên chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân chấp thuận việc điều tra chính thức Chu Vĩnh Khang.
Khánh Lynh
Theo VNE
Vang bóng một thời - phở Minh Casino
Để tìm ra tiệm phở có tuổi đời hơn 60 năm, người ta phải đi vào một con hẻm nhỏ hẹp và yên tĩnh giữa lòng Sài Gòn. Tô phở nhỏ xinh xắn mà nhiều người thích hụp cạn nước dùng của tiệm phở Minh lừng danh một thời có quá nhiều câu chuyện thú vị.
Tô phở Minh hẻm Casino vang bóng một thời
Lý do nhiều người Sài Gòn cũ thích đi sâu vào hẻm 63 đường Pasteur để ăn hoài một "điệu phở" là bởi họ đã ăn quen từ thuở nhỏ, đã "kết" hương vị rất khác biệt của phở Minh (tên đầy đủ của ông chủ tiệm là Trần Minh), và cũng có thể vì thích một không gian thoải mái như ăn tại gia đình trong con hẻm yên tĩnh. Có những gia đình mà cả ba thế hệ đều tới đây ăn phở thường xuyên vào mỗi buổi sáng.
Có lẽ, phở là món ăn Việt duy nhất có "tín đồ" và "trường phái", đặc biệt với những tiệm phở có thâm niên vài chục năm trở nên. Ở Sài Gòn, "trường phái phở" có thể kể đến phở Dậu, phở Minh, phở Tàu Bay, phở Hòa - Pasteur, phở Cao Vân, phở Phú Gia, phở Dũng...
"Tín đồ" của phở không phải là ăn phở lấy no, mà là để "thưởng phở". Khi một ai đó đã trở thành tín đồ của một trong những tiệm phở nêu trên thì đừng hòng có ai thuyết phục được họ thay đổi. Và nếu có một cuộc bình chọn tiệm phở ngon nhất thì ban tổ chức vui lòng nên trao những danh hiệu như Hoa hậu phở, Vua phở, Đệ nhất phở... cho những tiệm danh tiếng, nếu không muốn một trận "bàn phím chiến" nổ ra giữa các tín đồ đầy cực đoan của món ngon này.
Tín đồ của phở Minh thì sao? Họ chịu cái kiểu của phở Minh là vẫn phải hầm thịt và xương bằng bếp củi qua nhiều lần lửa, nghĩa là hầm một thời gian phải tắt lửa đi để nguội một thời gian rồi lại hầm tiếp, xương và thịt trước khi hầm phải luộc sơ để ra hết bọt hôi. Nếu dùng bếp gas để hầm phở là hỏng hết vị!
Qua bao năm tháng, vẫn là kiểu bán phở của ngày nào...
Phở Minh vẫ giữ nguyên cách nấu phở bằng bếp củi truyền thống
Bởi vậy, thực khách khi ăn tinh ý sẽ nhận ra những miếng thịt chín ở phở Minh có một mùi thơm khó tả, cũng là mùi thơm của thịt bò đã hầm qua "đủ lửa". Xương và thịt bò khác những động vật khác ở chỗ là khi nấu với một thời gian hợp lý mới tỏa mùi thơm, thời gian bao lâu thì chỉ người nấu phở có kinh nghiệm mới biết. Mùi hương thơm của thịt bò là một trong những lý do làm cho nhiều người "ghiền" tô phở Minh.
"Phở Minh không cho bất cứ một gia vị thuốc Bắc nào như quế, hồi, thảo quả, đinh hương... mà chỉ có gừng không nướng và hành khô", đó là hé lộ của em gái ông Trần Minh năm nay đã 90 tuổi. Trí nhớ của bà còn rất minh mẫn. Bà cho biết, vào những năm 1940 ở Sài Gòn người ta bán phở gánh trước, sau đó mới đến xe phở. Hồi đó, phở Minh cũng không có rau giá, nhưng rồi khách hàng yêu cầu nên phải nêm đường, thêm rau giá, tương đen, tương đỏ cho phù hợp gu của thực khách.
Ông Trần Minh và các anh chị em rời quê ở Hà Đông - Hà Tây cũ vào Sài Gòn từ những năm 1920, sau khi làm một số nghề thì quay sang bán phở, học nghề từ ông bác ruột tên là ông Kỉnh, trước bán phở ở đường La Grandière (nay là đường Lý Trọng). Không biết ông Minh có cải tiến cách nấu phở không mà phở của bác thì không nổi tiếng, còn phở Minh vào những năm 1950 thì nổi như cồn, thu hút các các văn nghệ sĩ, chính khách miền Nam kéo tới nườm nượp. Tiệm nằm trong con hẻm nổi tiếng bên hông rạp ciné Casino - ngay góc ngã tư Pasteur đoạn giao với đại lộ Lê Lợi sầm uất, thuộc khu trung tâm của Sài Gòn.
Thực khách khi ăn tinh ý sẽ nhận ra những miếng thịt chín ở phở Minh có một mùi thơm
khó tả, cũng là mùi thơm của thịt bò đã hầm qua "đủ lửa"
Ngày xưa phở Minh cũng không có rau giá, nhưng rồi khách yêu cầu nên phải nêm đường,
thêm rau giá, tương đen, tương đỏ cho phù hợp gu của thực khách
Chủ tiệm giày trên đường Espagne (Lê Thánh Tôn ngày nay) mê phở Minh đến độ đã phải làm thơ về phở, và được ông Minh trân trọng treo trong tiệm nhà mình:
"Nổi tiếng gần xa khắp thị thành
Trần Minh phở Bắc đã lừng danh
Chủ đề: tái, chín, nạm, gầu, sụn
Gia vị: hành, tiêu, ớt, mắm, chanh..."
Tín đồ của phở Minh ngày nay nhất quyết không cho chủ quán, cũng là con gái và cháu ruột của ông Minh thay đổi bàn ghế, không gian của tiệm phở - căn nhà đã có từ những năm 1950s này. Bởi vậy, khi vào tiệm, người ta sẽ nhìn thấy những chiếc bàn kiểu cũ, những chiếc ghế gỗ nâu đen rất đặc biệt đã bóng lên màu của thời gian.
Còn gì thích thú hơn khi ngồi ở bên căn nhà cũ, nhìn lò than củi đỏ rực, nồi nước dùng tỏa ra một mùi thơm vô cùng quyến rũ, vừa thưởng thức vừa xem con gái cụ Minh chuẩn bị những tô phở cho thực khách.
Đã hơn một năm nay, nhiều người tiếc nuối quán không còn bán món bánh cam nữa bởi em gái của ông Trần Minh không còn khỏe để làm. Bà cho biết, những món ăn tại tiệm phở đều phải do người trong gia đình thực hiện mới chất lượng và đúng ý, không thuê người ngoài làm được. Món bánh cam (ngoài Bắc gọi là bánh rán) đã tồn tại cùng với tiệm phở này trong khoảng 40 năm.
Nhiều người nhớ đến phở Minh còn bởi món bánh thân thương này nữa. Câu chuyện món bánh cam xuất hiện ở tiệm phở Minh là do hồi đầu có một người Hoa đến xin bán nhờ giò cháo quẩy ăn cùng với phở. Về sau khi ông này nghỉ bán, khách hỏi, em gái ông Trần Minh mới từ đó làm món bánh cam bán kèm. Sau khi ăn phở xong thì quả thật tráng miệng bằng món bánh này rất hợp vị. Và từ sự tình cờ này, phở và bánh cam cứ như cặp bài trùng khó có thể quên mà ngày nay bạn vẫn có thể tìm thấy ở phở Tàu Bay hay Hòa - Pasteur.
Phở Sài Gòn trong thời điểm này có thể nói đã đạt tới sự phát triển đa dạng và gần như hoàn hảo. Phở kiểu Bắc, kiểu Nam, kiểu Việt kiều hay phở công nghiệp đều song song tồn tại. Tuy nhiên, quý giá nhất vẫn là những tiệm phở trải qua bao thăng trầm của thời cuộc mà vẫn kế thừa và phát triển để đưa nghệ thuật nấu phở lên một tầm vóc mới.
Theo MNMN