Chu Vĩnh Khang bị chính con trai tố cáo
Cơ quan điều tra dựa vào những bằng chứng do con trai Chu Vĩnh Khang cung cấp để truy tố ông này.
Ngay sau khi Tân Hoa Xã loan tin cựu ủy viên Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang chính thức bị điều tra và truy tố với tội danh tham nhũng, báo chí nước này cũng xác nhận rằng Viện Kiểm sát thành phố Nghi Xương tỉnh Hồ Bắc cũng đã bắt giữ Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang, với tội danh kinh doanh trái phép.
Theo một số nguồn tin được báo chí Mỹ dẫn lại, sau khi bị bắt, chính Chu Bân đã nộp cho cơ quan điều tra bằng chứng quan trọng chống lại cha mình, và sau khi có những bằng chứng đó, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mới thông báo điều tra và truy tố Chu Vĩnh Khang.
Chu Bân, con trai của Chu Vĩnh Khang
Tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc xác nhận rằng, con trai của Chu Vĩnh Khang là Chu Bân đã bị bắt tại thành phố Nghi Xương, tỉnh Hồ Bắc với cáo buộc điều hành các công ty kinh doanh trái phép.
Theo Tài Kinh, người con trai 42 tuổi Chu Bân này đã dựa vào ảnh hưởng chính trị cực kỳ sâu rộng của cha mình để xây dựng nên một đế chế kinh doanh và chính trị bí mật ở thành phố Vô Tích, tỉnh Giang Tô. Quy mô của đế chế này trải dài từ Tứ Xuyên tới tận Bắc Kinh, thậm chí còn ra cả nước ngoài.
Chu Bân làm ăn trên rất nhiều lĩnh vực, từ dầu mỏ, năng lượng cho tới du lịch và đầu tư. Hỗ trợ đắc lực cho Chu Bân là tập đoàn Zhong Xu Network do doanh nhân Wu Bing cầm đầu cùng các doanh nghiệp dầu khí khác. Mỗi năm đế chế kinh doanh này mang lại cho Chu Bân hàng tỉ đô la.
Ông Zhao Yuanming, giáo sư luật cấp cao Trung Quốc, cho rằng, Chu Vĩnh Khang không phải là người hưởng lợi duy nhất từ những hoạt động phi pháp tham lam vô độ của mình. Người thân và bạn bè thân thiết của Chu Vĩnh Khang cũng đã thu được khối tài sản khổng lồ nhờ dựa vào cái bóng chính trị của ông ta.
Giáo sư Zhao nói: “Chu Bân là một một người rất tích cực hoạt động trong giới tài chính. Anh ta làm rất nhiều phi vụ trái phép dưới cái ô bảo kê của cha mình. Tất nhiên, nhiều hành vi phạm tội của anh ta chưa được phơi bày, nhưng nhiều khả năng các điều tra viên đã nắm được hết. Khi Chu Vĩnh Khang sụp đổ, những tội lỗi của họ sẽ bị công khai”.
Video đang HOT
Chu Vĩnh Khang từng là một nhân vật có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng ở Trung Quốc
Sau khi Bạc Hy Lai “ngã ngựa” hồi năm ngoái, báo chí nước ngoài đã phanh phui quan hệ làm ăn bí mật giữa Chu Bân với Bạc Hy Lai. Từ mối quan hệ “đôi bên đều có lợi này”, Chu Bân đã thu về khoản lợi nhuận tới hơn 3,2 tỉ USD. Chỉ riêng trong một dự án xây dựng trị giá 6,5 tỉ USD ở Trùng Khánh, Chu Bân đã đút túi tới 1,6 tỉ USD.
Theo báo chí nước ngoài, chỉ riêng ở Bắc Kinh, Chu Bân đã sở hữu tới 18 căn hộ có giá cao ngất ngưởng, trong số đó có căn biệt thự trị giá tới 32,5 triệu USD trước khi cải tạo. Chu Bân cũng đóng vai trò rất tích cực trong quá trình cân nhắc, đề bạt các vị trí trong ngành dầu khí Trung Quốc cũng như hệ thống chính quyền ở Trùng Khánh và Tứ Xuyên.
Là con trai của một cựu Bộ trưởng Công an, cựu ủy viên Bộ Chính trị, cựu trùm an ninh có tầm ảnh hưởng vẫn còn rất sâu rộng, Chu Bân còn tham gia sâu vào hệ thống hành pháp và tư pháp ở các địa phương này, nhận những khoản tiền hối lộ lớn để có thể “đổi trắng thay đen”.
Theo tài liệu hồ sơ vụ án tại Tòa án Tối cao Trung Quốc, một cảnh sát địa phương dính bê bối khi dùng nước sôi dội lên người một nghi phạm đến chết. Chu Bân đã ra tay can thiệp để vụ án này “chìm xuồng” sau khi nhận khoản tiền hối lộ tới 16,2 triệu USD. Chu Bân cũng được cho là đã can thiệp để thả một trùm anh chị ở Cam Túc bị tình nghi giết người.
Sau khi bị bắt, Chu Bân đã nộp toàn bộ tài liệu, chứng cứ chống lại cha mình cho cơ quan điều tra. Chính những chứng cứ này đã giúp Chủ tịch Tập Cận Bình thuyết phục được các bậc tiền bối như Hồ Cẩm Đào, Giang Trạch Dân đồng ý điều tra và truy tố Chu Vĩnh Khang.
Ông Tập Cận Bình đã được tiền bối Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân nhất trí điều tra họ Chu
Ông Liu Yinquan, một giáo sư lịch sử Trung Quốc, cho rằng, những hành động tham nhũng và bất chấp luật pháp của Chu Bân trong suốt những năm qua đều được thực hiện trót lọt dưới chiếc ô bảo vệ khổng lồ của người cha.
Giáo sư Liu nói: “Chu Vĩnh Khang suốt ngày đắm chìm vào rượu chè và khoái lạc. Ông ta du hí khắp mọi nơi và tằng tịu với rất nhiều phụ nữ ở những nơi đó. Bởi vậy, ông ta hầu như không có thời gian để thực hiện bất cứ công việc cụ thể nào. Tôi cho rằng chính con trai và vợ ông ta đã làm thay hết mọi công việc đó, chẳng hạn như nhận tiền và quà biếu từ các quan chức”.
Báo chí Hong Kong cho hay, khi người vợ Jia Xiaoye của Chu Vĩnh Khang còn làm MC ở đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), bà này đã từng nhận một món tiền khổng lồ để cất nhắc một nhân vật nào đó. Bạc Hy Lai cũng hối lộ bà này bằng nhiều món trang sức đắt tiền. Zheng Shaodong, một quan chức thân tín của Chu Vĩnh Khang cũng phải chi hàng trăm triệu USD để hối lộ bà này để mua chức tước ở tỉnh Quảng Đông.
Bên trong một biệt thự sang trọng của Chu Vĩnh Khang
Tạp chí Tài Kinh cho biết, em vợ của Chu Vĩnh Khang là Jia Xiaoxiao đã dựa vào quyền thế của anh rể để trở thành giám đốc chi nhánh Canada của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc. Các anh em trai và họ hàng của Chu Vĩnh Khang ở quê nhà đều lợi dụng vị thế của ông này để thu về số tiền tham nhũng khổng lồ.
Trước đó, hãng tin Reuters cho hay, cơ quan điều tra đã khám xét nhà ở của Chu Vĩnh Khang và người thân, tay chân thân tín ở 5 tỉnh thành, trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải để tịch thu số tài sản trị giá tới 14,5 tỉ USD. Hơn 300 họ hàng thân thích, tay chân thân tín, trợ lý và đồng minh chính trị của Chu Vĩnh Khang cũng đã bị bắt giam và khởi tố.
Nguồn tin của Reuters cho biết, hơn 10 thành viên trong gia đình của Chu Vĩnh Khang đã bị bắt giữ, trong đó có người vợ thứ hai Jia Xiaoye, con trai Chu Bân và con dâu.
Theo Khampha
Chu Vĩnh Khang liệu có bị tử hình?
Chu Vĩnh Khang có thể sẽ nhận bản án không hề nhẹ một khi bị đưa ra xét xử công khai giống như Bạc Hy Lai.
Sau khi Trung Quốc tuyên bố chính thức điều tra đối với cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang với tội danh tham nhũng, các chuyên gia phân tích chính trị cho rằng nhân vật có quyền lực và tầm ảnh hưởng cực lớn này nhiều khả năng sẽ không nhận một bản án nhẹ.
Theo bản tin của Tân Hoa Xã, Chu Vĩnh Khang bị điều tra vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng", một thuật ngữ hay được dùng để chỉ tội danh tham nhũng ở Trung Quốc. Thông tin này đã khiến dư luận Trung Quốc sôi sục, bởi một cựu ủy viên Bộ Chính trị như Chu Vĩnh Khang từ trước tới nay vẫn được coi là "bất khả xâm phạm" trong hệ thống chính trị Trung Quốc.
Reuters dẫn lời các nguồn tin bên trong chính phủ Trung Quốc cho hay hai người tiền nhiệm của Chủ tịch Tập Cận Bình là Hồ Cẩm Đào và Giang Trạch Dân đều đã nhất trí cho phép ông Tập phá vỡ điều luật "bất thành văn" trên để điều tra Chu Vĩnh Khang.
Chu Vĩnh Khang (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong một cuộc họp
Điều đó đồng nghĩa với việc Chu Vĩnh Khang sẽ phải đối mặt với một phiên tòa và một bản án không hề nhẹ nhàng, giống như những gì mà đồng minh thân cận của ông là Bạc Hy Lai đã phải trải qua cách đây một năm.
Chuyên gia phân tích Đài Loan Lin Chong-pin cho rằng Bắc Kinh có thể đưa ông Chu ra xét xử công khai, giống như phiên tòa xử Bạc Hy Lai hồi năm ngoái, tuy nhiên nhiều khả năng vị cựu Bộ trưởng Công an này sẽ không bị kết án tử hình.
Theo ông Lin, vụ Chu Vĩnh Khang chắc chắn sẽ được đem ra xử công khai để thuyết phục người dân nước này rằng chiến dịch "đả hổ, bắt ruồi" do ông Tập phát động chỉ nhằm mục đích chống tham nhũng chứ không hề có bất kỳ "ý đồ chính trị" nào.
Ông nói: "Một khi con hổ lớn đã không còn nanh vuốt, người ta sẽ không dồn nó vào cửa tử".
Thế nhưng, một số nguồn tin trong ngành tư pháp Trung Quốc lại cho rằng Chu Vĩnh Khang rất có thể chỉ bị Đảng Cộng sản Trung Quốc kỷ luật nội bộ chứ không đưa ra xét xử công khai, bởi trong bản tin của mình, Tân Hoa Xã chỉ nói rằng, ông này vi phạm nghiêm trọng "kỷ luật đảng" chứ không phải "vi phạm pháp luật".
Chu Vĩnh Khang (cầm mic) trong một cuộc gặp với các sĩ quan an ninh Vân Nam
Nếu thông tin này là đúng, ông Chu sẽ chỉ bị xử lý bởi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Vương Kỳ Sơn được coi là bạn nối khố của ông Tập Cận Bình, và họ đã cùng Thủ tướng Lý Khắc Cường xây dựng một liên minh chống tham nhũng hùng mạnh.
Nhiều nhà bình luận ở Hong Kong thì lại coi vụ "hùm xám" Chu Vĩnh Khang bị tóm là kết quả của một cuộc đấu đá quyền lực bên trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trước khi Chu Vĩnh Khang sa lưới, Trung Quốc đã trừng phạt một loạt quan chức cấp cao, từ Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai cho tới cựu Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Từ Tài Hậu.
Cũng có người cho rằng vụ bủa lưới vây bắt Chu Vĩnh Khang thể hiện quyết tâm của các lãnh đạo cấp cao Trung Quốc trong cuộc chiến chống tham nhũng do ông Tập Cận Bình phát động. Thông qua chiến dịch này, họ muốn nói rằng sẽ không có ai, dù chức vụ cao tới đâu, thoát khỏi sự trừng phạt nếu họ có những hành vi vi phạm pháp luật.
Theo ông Lin Chong-pin, trong nhiệm kỳ 5 năm đầu tiên, ông Tập sẽ kiên quyết xử lý mạnh tay với nạn tham nhũng và sẽ thành lập một thể chế chống tham nhũng hiệu quả nếu ông tiếp tục trúng cử nhiệm kỳ hai.
Theo Khampha
TQ chặt tiếp vây cánh của Chu Vĩnh Khang Quách Vĩnh Tường là một trợ lý thân tín của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang. Ngày 9/4, nhà chức trách Trung Quốc cho hay ông Quách Vĩnh Tường, cựu tỉnh trưởng Tứ Xuyên đồng thời là một trợ lý thân tín của cựu trùm an ninh Chu Vĩnh Khang đã bị khai trừ khỏi đảng và bị truy tố hình sự....