Chú trọng nâng cao chất lượng công tác cán bộ
Trong cuộc đấu tranh chống “ diễn biến hòa bình”, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” đặt ra một vấn đề, đâu là yếu tố có ý nghĩa quan trọng, quyết định? Phải nói ngay rằng, đó là chất lượng đội ngũ cán bộ. Nâng cao chất lượng công tác cán bộ luôn phải đặt lên hàng đầu.
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Sóc Trăng đưa đón học sinh tới trường trong mùa mưa bão. Ảnh: Thanh Nam
Ai cũng có thể nhận thấy tầm quan trọng của công tác cán bộ, không chỉ nâng cao được chất lượng, vai trò, vị trí của người lãnh đạo mà nó còn có ý nghĩa quyết định đến mọi thắng lợi của Đảng với sự nghiệp cách mạng. Đánh giá về vai trò của công tác cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. “Vấn đề cán bộ là một vấn đề rất trọng yếu, rất cần kíp” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 6, Nxb Chính trị Quốc gia, tr.240).
Từ việc xác định vai trò, tầm quan trọng của cán bộ và đội ngũ cán bộ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều thời gian, tâm huyết cho việc xây dựng đội ngũ cán bộ để chuẩn bị cho sự ra đời của Đảng, đến việc lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi và xây dựng XHCN ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất đất nước ở miền Nam. Trước lúc đi xa, trong Di chúc của Người cũng viết: “Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí, công, vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Vậy, tại sao trong giai đoạn hiện nay lại cần phải tập trung nâng cao chất lượng của đội ngũ cán bộ? Đây là một hoạt động mang tính chất thường xuyên và liên tục. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Đảng những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều tồn tại trong chất lượng đội ngũ cán bộ. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 (khóa XII) nhận định: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi, có mặt, có bộ phận còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn… Trong khi đó, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường. Thực tế này đã và đang đặt ra những yêu cầu mới đối với việc xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược. Và đây chính là cái cớ để các thế lực thù địch tập trung xuyên tạc, nói xấu, làm ảnh hưởng và mất uy tín của Đảng. Những sai lầm, khuyết điểm của mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên đã tác động trực tiếp đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng đối với nhân dân và xã hội.
Video đang HOT
Muốn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ thì cần phải làm những nội dung gì? Trong quá trình xây dựng Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ: Trước hết, phải đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ thông qua hoạt động và kết quả đạt được. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Ai mà hay khoe công việc, hay a dua, tìm việc nhỏ mà làm, trước mặt thì theo mệnh lệnh, sau lưng thì trái mệnh lệnh, hay công kích người khác, hay tự tâng bốc mình, những người như thế, tuy họ làm được việc, cũng không phải cán bộ tốt” (Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 318). Ngược lại: “Ai cứ cắm đầu làm việc, không ham khoe khoang, ăn nói ngay thẳng, không che giấu khuyết điểm của mình, không ham việc dễ, tránh việc khó, bao giờ cũng kiên quyết làm theo mệnh lệnh của Đảng, vô luận hoàn cảnh của họ thế nào lòng họ cũng không thay đổi, những người như thế, dù công tác kém một chút cũng là cán bộ tốt” (Sđd, tập 5, tr.317). Và để đánh giá được chất lượng cán bộ, theo Người, cần dựa vào nhân dân, qua các hoạt động kiểm tra đánh giá của các cấp và cả dư luận của xã hội.
Khi đã có đánh giá đúng về chất lượng cán bộ, tổ chức Đảng cần phải tập trung bồi dưỡng, nâng cao để cán bộ hoàn thiện hơn về đức, tài khi được giao nhiệm vụ, đủ khả năng đáp ứng yêu cầu của thực tiễn công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nói rất rõ về vấn đề này. Người chỉ rõ: “Vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà” (Sđd, tập 11, tr.528). Mục đích của việc đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng cán bộ là không ngừng hoàn thiện đội ngũ cán bộ cả về phẩm chất và năng lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng. Phải đào tạo một đội ngũ cán bộ “có gan phụ trách, có gan làm việc” (Sđd, tập 11, tr.32).
Không chỉ xây dựng, bồi dưỡng, đào tạo cán bộ là đã xong mà cái căn bản là khi sử dụng phải đúng người, đúng việc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dùng người như dùng gỗ. Người thợ khéo thì gỗ to, nhỏ, thẳng cong đều tùy chỗ mà dùng được” (Sđd, tập 11, tr.72). Nếu cán bộ mà được sắp xếp đúng sở trường, đúng khả năng, trình độ, chuyên môn thì công việc sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, phân công sai, không đúng sở trường, chuyên môn thì sẽ dẫn đến không hoàn thành nhiệm vụ, kết quả công việc không đạt yêu cầu và sẽ phạm sai lầm trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo. Trong quá trình sử dụng, bố trí cán bộ phải có niềm tin, tạo điều kiện cho cán bộ phát huy được khả năng của bản thân. Làm tốt công tác tự phê bình và phê bình, mở rộng dân chủ để lắng nghe ý kiến của quần chúng trong tham gia đóng góp xây dựng cho cán bộ. Đồng thời, sẵn sàng thanh tẩy những cán bộ không còn giữ vững bản chất cách mạng, vi phạm đạo đức lối sống, nói không đi đôi với làm, tham ô, tham nhũng, lôi bè kéo cánh, lợi dụng vị trí cương vị công tác được giao để làm giàu, vơ vét cho lợi ích cá nhân, gia đình. Những cán bộ như thế chính là “tế bào ung thư” trong cơ thể của Đảng.
Khi đội ngũ cán bộ có chất lượng, có đủ phẩm chất, đạo đức, năng lực, thực sự trung thành với sự nghiệp cách mạng, nhận thức rõ những khó khăn, thách thức, hiểu rõ những âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, là hạt nhân trong lãnh đạo xã hội, đấy chính là tự xây dựng cho cơ thể “hệ miễn dịch” với mọi âm mưu thủ đoạn của “diễn biến hòa bình”.
Nâng cao chất lượng đấu tranh "tự diễn biến"
Phải nói ngay rằng, trong đấu tranh chống chiến lược "diễn biến hòa bình", vấn đề quan trọng nhất chính là chống "tự diễn biến".
Một khi, "tự diễn biến" không xảy ra thì cho dù, các thế lực thù địch có dùng thủ đoạn tinh vi đến đâu, âm mưu có thâm độc thế nào cũng không thể đạt được mục đích. Chỉ khi nào, có sự "tự diễn biến" và sự diễn biến ấy đến mức độ nhất định mới có thể dẫn đến "tự chuyển hóa".
Cán bộ, chiến sĩ BĐBP Nghệ An giúp dân làm đường giao thông nông thôn. Ảnh: Huy Thiên
"Tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là sự suy thoái từ bên trong; là quá trình tự biến đổi về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống theo chiều hướng tiêu cực, xa rời nguyên tắc, quan điểm Mác xít; suy giảm niềm tin vào chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Khi mức độ "tự diễn biến" diễn ra ở tầm vĩ mô sẽ dẫn đến sự chuyển hóa làm chệch hướng XHCN. Cái khó của "tự diễn biến" là tự diễn biến là một hiện tượng xảy ra trong đời sống chính trị, xã hội, trong mỗi cá nhân nên rất khó phát hiện.
Xét trong góc độ bản chất của sự vật, hiện tượng, trong đời sống chính trị, xã hội, những hiện tượng tiêu cực, những sai lầm trong nhận thức về chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước; các tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ, vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên không mang tính chất "tự diễn biến". Nó chỉ là khuyết điểm trong quá trình nhận thức, tổ chức thực hiện của một cá nhân nhất định trên cương vị và vị trí được giao.
Tuy nhiên, khi các khuyết điểm, sai lầm trên bị các thế lực thù địch lợi dụng tuyên truyền, nói xấu chế độ, lôi kéo quần chúng, kích động quần chúng do nhận thức chưa thật đầy đủ, thiếu hiểu biết, ngộ nhận những sai lầm đó do Đảng rồi mất niềm tin, đi theo tư tưởng dưới sự dẫn dắt của các thế lực thù địch. Và khi đó, những vấn đề nảy sinh do những khuyết điểm, sai lầm lại có ý nghĩa của quá trình "tự diễn biến". Đặc biệt, khi các sai lầm, khuyết điểm của một bộ phận cán bộ, đảng viên ấy bị pháp luật xử lý, các đối tượng đó đổ lỗi do những hạn chế, sai lầm của chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, thì lúc đó, những sai lầm, khuyết điểm do từng cá nhân gây ra lại mang nội dung, tính chất của "tự diễn biến".
Một vấn đề đặt ra, làm thế nào để có thể ngăn chặn sự "tự diễn biến" trong mỗi cá nhân? Ở đây có hai vấn đề nổi lên. Đó là tổ chức và cá nhân. Luôn đề cao cảnh giác, chủ động và tích cực đấu tranh "tự diễn biến" từ bên trong.
Với tổ chức, cần tăng cường đấu tranh bảo vệ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng nâng cao nhận thức về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi biểu hiện lệch lạc trong nhận thức và hành động. Tăng cường công tác bảo vệ nội bộ, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức cơ sở. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, làm rõ âm mưu, thủ đoạn, nhất là những luận điệu của các thế lực thù địch. Kiên quyết xử lý và xử lý nghiêm mọi sai lầm, khuyết điểm của cá nhân về tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền, bè phái, cục bộ; vi phạm pháp luật; vi phạm đạo đức, lối sống; ý thức tổ chức kỷ luật, không có vùng cấm.
Sẵn sàng loại bỏ những cá nhân suy thoái về tư tưởng chính trị, không còn giữ được phẩm chất, đạo đức, lối sống, thiếu năng lực và trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ ra khỏi tổ chức. Lấy chất lượng làm trọng, không chạy theo số lượng trong xây dựng đội ngũ cũng như lựa chọn cán bộ. Tiếp thu, lắng nghe, xem xét có lựa chọn ý kiến nhân dân và dư luận xã hội. Tập trung giải quyết và xử lý tốt những vấn đề "nóng", phức tạp trong đời sống xã hội, không để kéo dài, sơ hở để các thế lực thù địch lợi dụng. Thực thi có hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, chống mọi biểu hiện vi phạm quyền làm chủ của nhân dân.
Đối với mỗi cá nhân, không ngừng tự rèn luyện, tu dưỡng, bồi dưỡng về lý luận và nhận thức, tự trang bị cho bản thân khả năng "tự miễn dịch" với bất cứ luận điệu, thủ đoạn nào của các thế lực thù địch. Xây dựng cho bản thân có lập trường kiên định, giữ vững bản chất giai cấp. Có niềm tin vào con đường, định hướng mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn, cho dù hiện tại còn gặp những khó khăn, thách thức đến đâu.
Xây dựng, củng cố và không ngừng bồi đắp học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Sống đoàn kết, trong sạch, trung thực, chân thành, lành mạnh, gần gũi với nhân dân. Nâng cao chất lượng tự phê bình và phê bình. Kiên quyết đấu tranh với mọi cám dỗ, xu nịnh, bè phái, cục bộ. Dám làm và dám chịu trách nhiệm trước mọi quyết định. Nói và làm theo nghị quyết, kiên quyết tự loại bỏ "cái tôi", nói và làm không nhất quán.
Một khi, mỗi tổ chức và cá nhân đã là một "pháo đài" về lập trường tư tưởng; về bản lĩnh chính trị; về ý thức tổ chức kỷ luật; về đạo đức, lối sống, có nhận thức đầy đủ về lý luận và thực tiễn, thì khi đó, các thế lực thù địch có sử dụng âm mưu, thủ đoạn thế nào cũng không thể tạo được "tự diễn biến" để có thể "tự chuyển hóa". Đó chính là quá trình "tự miễn dịch" làm thất bại âm mưu "diễn biến hòa bình" trong mọi tình huống.
"Vì sự thật lịch sử, vì tình yêu Tổ quốc" Tập sách "Vì sự thật lịch sử, vì tình yêu Tổ quốc" do Báo Nhân Dân phối hợp Nhà xuất bản Lao động - Xã hội xuất bản, ra mắt bạn đọc nhân dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, 16 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với người...